Em và Trịnh: Thời thanh xuân hoài niệm của một huyền thoại âm nhạc
Từ lâu, những ca khúc trữ tình, lãng mạn của nhạc sĩ tài hoa người Huế trở nên bất hủ trong lòng người yêu nhạc bởi những triết lý nhân sinh quan sâu sắc. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng viết: “... Có một văn hóa Trịnh Công Sơn. Đúng thế, Trịnh Công Sơn ảnh hưởng đến tâm hồn người Việt như một văn hóa. Người ta thấy trong đó một cách yêu, cách sống, cách ứng xử với quê hương, với đất nước, với chiến tranh, với hòa bình, với thiên nhiên, với lịch sử, với sự sống, với cái chết, với thực tại, với hư vô... Nó làm giàu thêm, đẹp thêm cho lối sống Việt, văn hóa Việt".
Cuộc đời của một huyền thoại
Khám phá Trịnh và nhạc Trịnh là khám phá một vẻ đẹp đặc biệt của Việt Nam. Không tỏa sáng rực rỡ thu hút ánh nhìn như châu ngọc, mà êm dịu nhẹ nhàng, dung dị gần gũi, càng hiểu về những chi tiết, ta càng cảm nhận được sự kỳ diệu trong những lời ca, nốt nhạc. Tài hoa của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn không chỉ thể hiện ở độ sắc sảo của ca từ, mà thể hiện ở tính cộng đồng rộng rãi. Bằng tài năng âm nhạc, ông đã lôi cuốn cả cộng đồng thế giới siết chặt tay vì quyền sống con người bằng những ca từ luôn nóng hổi và không bao giờ phôi phai theo dòng chảy thời gian. Có những bài ca đưa vào danh sách “những bài ca bất tử”.
Trịnh Công Sơn ghi dấu bằng những tác phẩm thuộc dòng Tân nhạc Việt Nam. Những sáng tác đầu tay của ông được viết năm ông 17 tuổi, là “Sương đêm” và “Sao chiều.” Nhưng tác phẩm được công bố đầu tiên của ông là ca khúc “Ướt mi”, do nhà xuất bản An Phú in năm 1959, qua giọng ca của nữ ca sĩ Thanh Thúy tên tuổi của ông được nhiều người biết đến. Kể từ đó, suốt một đời “cát bụi mệt nhoài” của mình, Trịnh Công Sơn đã viết nên hơn 600 ca khúc và tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật khác như làm thơ, đóng phim, vẽ tranh nhưng không chuyên.
Nổi bật nhất trong các sáng tác của Trịnh Công Sơn là dòng nhạc về thân phận con người đượm triết lý Phật giáo và dòng nhạc phản chiến với những sắc thái đặc biệt. Phật tính và tư tưởng phản đối chiến tranh trong các nhạc phẩm Trịnh Công Sơn tuy khác biệt luôn hướng đến những giá trị nhân văn, về những điều tốt đẹp, kêu gọi sự yêu thương giữa người với người. Dù là những triết lý Phật pháp hay dòng nhạc phản chiến, tất cả đều hòa quyện trong chất nhạc trữ tình lãng mạn, man mác, u hoài tạo nên một phong cách độc đáo, chỉ có ở Trịnh Công Sơn.
Nhà thơ Anh Ngọc cắt nghĩa, về khía cạnh lý trí, Trịnh Công Sơn có một cái đầu tràn ngập tư tưởng và có lõi triết học gồm cả minh triết phương Đông, đặc biệt là đạo Phật và minh triết phương Tây. Nhờ trụ trên xương sống triết học nên tác phẩm có tính vĩnh cửu. Về trái tim, Trịnh Công Sơn là người chỉ lắng nghe trái tim mình. "Một trái tim quá yêu thương, đồng cảm với người khác nên trái tim đó cháy sáng lên, như Maxim Gorky từng nói: 'đốt cháy trái tim lên thành trí tuệ'. Trái tim ấy luôn nhìn thấy hai mặt của cuộc đời này. Đẹp và buồn, yêu và đau. Nhạc Trịnh Công Sơn vĩ đại chỗ đó, phản ứng trung thực nhiều bình diện của cuộc sống, có thể gọi đó là tập đại thành về cõi đời này".
Đối với những tác phẩm của Trịnh Công Sơn, có một đánh giá cho rằng phần nhạc của Trịnh Công Sơn quá đơn điệu về đề tài, chủ yếu tập trung vào tâm trạng mơ hồ và mộng tưởng. Tuy nhiên, đánh giá này lại trùng khớp với lời lý giải của ông về sự sáng tác của mình: “Tôi chỉ là 1 tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”. Hai chủ đề lớn nhất trong âm nhạc Trịnh Công Sơn là tình yêu và thân phận con người.
Nhạc tình của Trịnh Công Sơn đa số là những bản nhạc buồn, thường nói lên tâm trạng buồn bã, cô đơn như: Sương đêm, Ướt mi, Diễm xưa, Biển nhớ, Tình xa, Tình sầu, Tình nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên, Hoa vàng mấy độ, Cỏ xót xa đưa, Gọi tên bốn mùa, Mưa Hồng… Khả năng viết nhạc tình của ông tưởng chừng không biết mai một theo năm tháng. Những bài hát về nhạc tình của ông thường mang giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát, thường được viết với tiết tấu chậm, thích hợp với điệu Slow, Blues hay Boston. Phần lời được đánh giá cao nhờ đậm chất thơ, nhiều chiêm nghiệm nhờ những biện pháp ẩn dụ, hoán dụ… đôi khi pha lẫn hơi hướng siêu thực, trừu tượng tuy nhiên giai điệu gần gũi nên nhạc của ông dễ dàng đi vào lòng công chúng.
Nhạc về thân phận con người của Trịnh Công Sơn thấm đượm màu sắc hiện sinh, buồn bã của các tác giả văn học phương Tây thập niên 60 như Jean Paul Sartre, Albert Camus,… Tiêu biểu là các ca khúc: “Cát bụi”, “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Chiếc ʟá thu phai”, “Một cõi đi về”, “Phôi pha”,…. Bên cạnh đó, có những bài tuy là nhạc buồn nhưng có gợi nên tư tưởng thiền như: “Một cõi đi về”, “Giọt nước cành sen”. Ông từng tâm sự, khi còn trẻ ông đã luôn ám ảnh bởi cái cнếт nên âm nhạc của ông mang trong đó một sự mất mát của những số phận con người.
Như vậy, Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không những là người để lại cho đời lời ca tiếng hát sống mãi với thời gian, mà chính bản thân ông cũng đã trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng. Chính vì lẽ đó, câu chuyện cuộc đời của ông đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho vô vàn tác phẩm nghệ thuật sau này. Trong cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Công Sơn, những giai nhân đi qua cuộc đời ông cũng lãng mạn như giai điệu bài hát. Và đó chính là chất xúc tác, là sự “chấp cánh” để ông thăng hoa thành những bài ca để đời. Phim điện ảnh “Em và Trịnh” là bộ phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với hình ảnh lãng mạn, nên thơ của cuộc sống, con người, đất nước Việt Nam.
Bộ phim thanh xuân mang đậm màu sắc hoài cổ
Em và Trịnh mở ra thế giới nhạc Trịnh êm dịu với những mảnh ghép tình yêu đa sắc, nhưng từ góc nhìn của người trẻ. Phim do bộ đôi đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và nhà sản xuất Nguyễn Quang Dũng thực hiện. Khi mới tung teaser đầu tiên, bộ phim Em và Trịnh đã thu hút sự quan tâm của công chúng yêu điện ảnh lẫn âm nhạc. Tông màu trầm ấm, phục trang tinh tế trong phim ít nhiều khái quát hình ảnh chàng nhạc sỹ họ Trịnh, nàng thơ, cố đô Huế.
Với kinh phí hơn 50 tỉ đồng, bộ phim quy tụ dàn diễn viên hùng hậu qua nhiều thế hệ. Từ NSƯT Trần Lực - vai Trịnh Công Sơn thời trung niên đến Avin Lu - vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ. Đặc biệt, nhà sản xuất cùng êkíp còn gây bất ngờ khi tung hai phiên bản với thời lượng khác nhau. Em và Trịnh dài 136 phút, tái hiện cuộc đời nhạc sĩ thập niên 1950-1990. Trịnh Công Sơn dài 95 phút, tập trung vào thời trẻ của nhạc sĩ với những mối tình thanh xuân.
Hơn năm năm chuẩn bị, 65 ngày quay, bối cảnh trải dài từ Huế, Đà Lạt và TP.HCM, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khiến khán giả không khỏi nức lòng bởi những hình ảnh đẹp và rất thơ, bối cảnh xây dựng đầu tư, kỳ công. Bối cảnh phim tái hiện những nơi chốn, địa điểm có ý nghĩa trong cuộc đời nhạc sĩ Diễm xưa. Huế xưa mộng mơ cũng được tái hiện đầy ấn tượng qua ống kính của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.
Hình ảnh TP.HCM đầu thập niên 1990 được khắc họa qua bóng dáng Nhà hát TP, chợ Bến Thành, nhà hàng nổi bên bến Bạch Đằng, dinh Độc Lập... Hay xứ Huế những năm 1960 với gác Trịnh, cầu Tràng Tiền cũng được xây dựng đậm màu sắc hoài niệm.
Quãng thời gian Trịnh Công Sơn dạy học ở B’ Lao (Lâm Đồng), cảnh trường học mái lá đơn sơ giữa núi đồi được nhấn nhá bằng những cú đại cảnh. Đạo diễn cũng chú trọng những tiểu tiết mỹ thuật ở đạo cụ, từ vé tàu, bao thư, hộp đựng kỷ vật đến những tờ nhạc ố màu thời gian.
Sự khéo léo trong việc xử lý hình ảnh bám sát ca từ nhạc Trịnh của Phan Gia Nhật Linh đã đưa người xem qua những cung bậc cảm xúc khác nhau và lột tả được hết vẻ đẹp của chuyện tình chàng Trịnh cùng Diễm Xưa, Dao Ánh.
Phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì âm nhạc được xem là linh hồn của bộ phim qua bàn tay của Đức Trí. Hơn 40 ca khúc được lồng ghép khéo léo để gợi lại chặng đường của người nhạc sĩ tài hoa. Xuyên suốt phim, âm nhạc vang lên qua giọng hát của các diễn viên chính hay qua băng cassette radio. Loạt ca khúc Hạ trắng, Nắng thủy tinh, Ướt mi... được thể hiện bởi Bùi Lan Hương (vai Khánh Ly), Nhật Linh (vai Thanh Thúy), Avin Lu (vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ) khiến người xem được nhìn một thời thơ mộng nhưng không kém phần ảm đạm của người nhạc sĩ.
Nỗ lực chinh phục khán giả
“Em và Trịnh” được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh ấp ủ từ lâu nhưng nay mới có thể thực hiện. Bộ phim được sự cố vấn của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trực tiếp là em gái - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. “Em và Trịnh” sẽ đưa khán giả trở về thập niên 60 - 90 của thế kỷ trước, thời điểm ra đời những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Bộ phim mở ra thế giới nhạc Trịnh quyến rũ với 50 ca khúc, cùng đó là những mảnh ghép tình yêu đa sắc nhưng từ góc nhìn của người trẻ, hiện đại, tươi mới mà vẫn lãng mạn và tràn đầy cảm xúc.
Bên cạnh sự háo hức mong đợi cùng những lời khen ngợi sau khi phim ra mắt thì cũng có không ít ý kiến tranh cãi về diễn xuất cũng như những cách phát hành của phim nói về người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ “Làm phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có rất nhiều thử thách. Một trong những thử thách lớn nhất là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông nhẹ nhàng, đầy triết lý, chiêm nghiệm, nhưng không có nhiều kịch tính…”. Theo đạo diễn, phim tiểu sử về nhân vật có thật rất khó làm vì khán giả soi xét rất kỹ. Nhưng anh quyết tâm đi đến cùng với dự án vì nếu làm theo yêu cầu của tất cả mọi người thì sẽ không bao giờ có một bộ phim.
Các diễn viên được chọn mặt gửi vàng cũng được đạo diễn và nhà sản xuất lựa chọn vô cùng kỹ lưỡng. Trong đó, vai Trịnh Công Sơn thời trẻ do diễn viên - ca sĩ Avin Lu đảm nhận, anh có ngoại hình đẹp, phảng phất nét lãng mạn nhưng... gương mặt chưa giống nhạc sĩ họ Trịnh cho lắm. Tuy nhiên, theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, diễn viên không nhất thiết có ngoại hình phải giống hệt nguyên mẫu, nhưng cần có một tinh thần giống Trịnh Công Sơn: nghệ sĩ bay bổng lãng mạn, phải biết hát, biết đàn, biết nói tiếng Huế và phải đủ ốm, phải diễn xuất tốt. Những tiêu chí này thì Avin Lu đã đáp ứng được, hiện nay anh đang rất nỗ lực để nhập vai một cách tốt nhất.
NSƯT Trần Lực là gương mặt quen thuộc duy nhất xuất hiện trong phim. NSƯT Trần Lực cho biết, đóng Trịnh Công Sơn quá khó vì âm nhạc của ông đã đi vào đời sống, nhưng càng nhiều thách thức, anh càng thích. “Hóa thân thành ông, tôi được sống với niềm vui, nỗi buồn của người mình ngưỡng mộ. Đây là vai tôi chờ 10 năm nay”- NSƯT Trần Lực tâm sự. Để được vào vai Trịnh Công Sơn thời trung niên, một diễn viên lão làng như Trần Lực cũng phải thử vai đến hai lần, giảm 10 kg trong 3 tháng, học nói tiếng Pháp, để tóc dài, học đàn hát, nói giọng Huế, cách đi đứng của cố nhạc sĩ họ Trịnh.
Các diễn viên khác vào vai “bóng hồng” của Trịnh Công Sơn ở “Em và Trịnh” cũng được đạo diễn chọn lựa vô cùng tỉ mỉ. Theo đó, nữ diễn viên Lan Thy sẽ vào vai Bích Diễm, Hoàng Hà vai Dao Ánh, Nhật Linh vai Thanh Thúy. Các nữ diễn viên này đều được đánh giá cao về sắc đẹp cũng như nét ngoại hình tương đối với nguyên mẫu.
Dù còn đó những tranh cãi thừa - thiếu xung quanh bộ phim, nhưng nỗ lực tái hiện cuộc đời một huyền thoại nhạc Việt của ekip phim “Em và Trịnh” rất đáng trân trọng. Có thể đối với nhiều người, bộ phim chưa thể diễn tả hết những mong ước, kỳ vọng bấy lâu về cuộc đời sáng tác vĩ đại của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Gác lại những băn khoăn đó, hãy cảm nhận bộ phim như một thời thanh xuân tươi đẹp để sống lại những cảm xúc đầy hoài niệm cùng những bản nhạc Trịnh bất hủ. Bởi cảm nhận và góc nhìn là ở mỗi người, sẽ không có thứ gì là tuyệt đối cả. Cuộn gói tất cả trong tâm hồn người nhạc sỹ tài hoa là thân phận của mỗi con người, mỗi cuộc đời với đầy ắp sự trải nghiệm. Vậy nên hãy dùng cảm nhận của chính mình để trải nghiệm những thước phim của “Em và Trịnh”.
Tháng 6 này bạn có cuộc hẹn với thanh xuân. Cùng ra rạp xem và cảm nhận thời thanh xuân trong trẻo, hoài niệm của riêng mình !
Bài viết tham khảo các nguồn: