Dương Vân Nga và nỗi oan ngàn năm chưa gột sạch.
Trong suốt bề dày lịch sử của sử Việt, có những sự kiện mà ranh giới đúng-sai , phải-trái rất mơ hồ và được đời sau nhìn nhận dưới những góc nhìn phiến diện, chủ quan, nhất là những sự kiện có liên quan đến vận mệnh đất nước. Hồ Quý Ly là một nhà cải cách đại tài hay là một tên nghịch thần chỉ chầu chực cướp ngôi? Cuộc chuyển giao quyền lực ở giai đoạn Lý- Trần là một quy luật tất yếu của lịch sử hay là sự cướp ngôi của nhà Trần và Lý Chiêu Hoàng- nữ hoàng đế duy nhất của sử Việt đáng thương hay đáng trách? Những mâu thuẫn, tranh cãi ấy luôn xuất hiện trong lịch sử và đời sau luôn có những câu trả lời cho riêng mình. Ban đầu khi biết đến cuộc thi Thiên Nam Nữ Kiệt, mình định viết bài về nhân vật Lý Chiêu Hoàng, nhưng ngẫm lại, liệu cuộc hôn nhân đã được sắp đặt sẵn như thế, Lý Chiêu Hoàng dẫu có phản đối thì có thoát ra được bàn tay quyền lực của dòng họ Trần và đất nước có chuyển giao quyền lực yên bình như thế không? Không, không hề. Lý Chiêu Hoàng chỉ là một con tốt nhỏ trong toàn bộ bàn cờ của dòng họ Trần, bà không chủ động quyết định việc nhường ngôi, không cách này hay cách khác nhà Trần cũng sẽ nắm quyền lực của đất nước Đại Việt. Chỉ duy nhất một trường hợp người phụ nữ nắm vai trò quyết định trong việc chuyển ngôi, đó chính là hoàng hậu Dương Vân Nga.
Năm 979, nước Đại Cồ Việt đại tang. Vị vua uy quyền có công dẹp loạn 12 sứ quân, vị vua xưng hoàng đế đầu tiên ở Việt Nam băng hà cùng con trai trưởng Đinh Liễn sau 11 năm trị vì. Theo chính sử, một viên quan tên Đỗ Thích, một tối nằm mộng thấy sao rơi vào miệng, tưởng rằng mình đã đến thời cơ làm vua, nên giết chết cả 2 cha con Đinh Hoàng Đế. Thế nhưng gần đây, một số nhà nghiên cứu lịch sử lại cho rằng Đỗ Thích không phải là thủ phạm. Nhà giáo Hoàng Đạo Thúy cho rằng, Đỗ Thích chỉ là tên hoạn quan, chức vụ hèn mọn, không hề có uy tín hay vây cánh trong triều đình. Bề trên Đỗ Thích còn có Lê Hoàn, Đinh Điền, Lưu Cơ,... đều nắm những chức vụ quan trọng trong triều đình, giỏi cả văn lẫn võ. Nói tóm lại, Đỗ Thích không có lí do gì để giết vua. Người duy nhất có khả năng giết vua lúc bấy giờ chỉ có thể là Lê Hoàn.
Lê Hoàn lúc bấy giờ là Thập đạo tướng quân, nắm trong tay quyền lực và binh lính. Dương Vân Nga lại đang trong cuộc tranh giành quyền lực với các hoàng hậu khác nên có thể bà đã cấu kết cùng Lê Hoàn, cốt để tìm chỗ dựa cho đứa con nhỏ Đinh Toàn. Sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, đất nước rơi vào cảnh rối loạn, nhà Tống tranh thủ cơ hội xâm chiếm nước ta. Dương Thái Hậu lúc đó có 2 lựa chọn : một là giữ ngôi vàng cho vị vua trẻ thơ Đinh Toàn, giữ Lê Hoàn làm phó vương, để ông dẹp loạn quân Tống rồi sau này sẽ tính đến chuyện triều đình. Hai là, như chúng ta đã biết, bà khoác áo long bào cho Lê Hoàn- người sau này trở thành chồng bà, cùng các quần thần đồng lòng hô “ Vạn tuế”.
Việc bà trao long bào cho Lê Hoàn là một sự kiện gây tranh cãi rất nhiều mỗi khi được nhắc đến. Người ta có thể xem bà là một người phụ nữ có tầm nhìn xa trông rộng, đặt vận mệnh đất nước lên hàng đầu hoặc người ta có thể đánh giá bà là một người đàn bà lăng loàn, phản nghịch, trao ngai vàng cho ngoại tộc rồi cùng nhau xưng vương.Theo mình, không có lí do gì để Dương Vân Nga trao ngai vàng cho Lê Hoàn chỉ vì bà thích nắm quyền lực, tư lợi cá nhân. Hơn ai hết, bà hiểu rõ một người phụ nữ thời bấy giờ khi không giữ đức hạnh sẽ phải chịu điều tiếng như thế nào, mà bà lại là vợ vua, vết nhơ sẽ lưu đến muôn đời. Giữa cảnh đất nước đang rối ren, điều cần thiết nhất là phải tìm một người đứng đầu, một người có thể dẹp sạch thù trong, giặc ngoài và bà đã chọn Lê Hoàn. Dẫu biết trước mình phải chịu sự chỉ trích đến từ ngàn đời sau, bà vẫn giữ nguyên lập trường của mình vì đất nước, vì nhân dân. Phải chăng người đời đã quá khắt khe khi buộc một người phụ nữ phải làm tròn 2 trách nhiệm : giữ nước và giữ vẹn tròn đức hạnh?
Các nhà Nho và sử gia trước đây lên án rất gay gắt Dương Vân Nga, họ dùng những từ ngữ như “thông dâm, dâm dật, hổ thẹn…”. Nhân dân khi làm đền thờ, tô pho tượng Dương thái hậu, nhưng mặt pho tượng tô đỏ. Theo truyền thuyết dân gian thì việc tô mặt đỏ thể hiện sự ngượng ngùng của người đàn bà thờ hai đời chồng, một Hoàng hậu thờ hai đời vua. Ở vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình, mỗi năm đến giỗ Đinh Tiên Hoàng, nhân dân đều lật tượng của bà lên và đánh mười roi! Thật bất công với một nhân vật lịch sử! Bà không đáng phải chịu nhiều điều tiếng của người đời đến thế!
Tượng Dương hậu trong đền thờ tại Hoa Lư
Để kết thúc, mình xin gửi tới các bạn những câu thơ tóm tắt cuộc đời bà. Mong rằng những người phụ nữ cả quá khứ lẫn tương lai đều được trân trọng và đánh giá đúng về công lao, đừng để những đạo lý Nho giáo là những vết mờ lịch sử che lấp đi những giá trị thực sự của một con người:
"Hai vai gồng gánh hai Vua
Hai triều hoàng hậu, tu Chùa Am Tiên
Theo chồng đánh Tống bình Chiêm
Có công với nước, vô duyên với đời..."
thiên nam nữ kiệt
,phụ nữ việt nam
,lịch sử
ông thôi tẩy trắng đi..Bà này dùng zaven tẩy cũng k hết..tôi là hậu duệ tướng Nguyễn Bặc và là người người Ninh Bình..Cảm nhận của tôi là căm ghét người dàn bà này. Giết chồng cuớp ngôi cho bồ. dâng cơ nghiệp nhà Đinh cho tình nhân..Tôi chỉ xót thương cho vua Đinh.
Trần Văn Hiệp
ông thôi tẩy trắng đi..Bà này dùng zaven tẩy cũng k hết..tôi là hậu duệ tướng Nguyễn Bặc và là người người Ninh Bình..Cảm nhận của tôi là căm ghét người dàn bà này. Giết chồng cuớp ngôi cho bồ. dâng cơ nghiệp nhà Đinh cho tình nhân..Tôi chỉ xót thương cho vua Đinh.
Rukahn
Oan thị Màu chăng ?
Minh Hoàng Nguyễn
"Theo mình, không có lí do gì để Dương Vân Nga trao ngai vàng cho Lê Hoàn chỉ vì bà thích nắm quyền lực, tư lợi cá nhân. Hơn ai hết, bà hiểu rõ một người phụ nữ thời bấy giờ khi không giữ đức hạnh sẽ phải chịu điều tiếng như thế nào, mà bà lại là vợ vua, vết nhơ sẽ lưu đến muôn đời" .... Theo mình là sai! bạn đang dùng lối ngụy biện suy ngược ... Nói như bạn mấy ai không hiểu việc "ngoại tình" hoặc "không thủ tiết" .... "đức hạnh"??? chắc chỉ có bậc quý tộc mới hiểu những thứ đó? vậy theo bạn Trần Thị Dung có hiểu "đức hạnh" và "thủ tiết" không? có biết làm mẹ không? khi mà lấy Trần Thủ Độ người đã "giết" chồng cũ của mình là Huệ Tông và biến 2 cô con gái thành "quân cờ chính trị".
Có 2 lý do(lý do suy luận thôi) có thể dẫn đến việc Dương Vân Nga đưa Lê Hoàn lên ngôi mà không phải vì đất nước lúc đó:
1. Đinh Bộ Lĩnh và Điên Liễn không chết thì người lên ngôi sau đó là Đinh Liễn còn lâu mới đến Đinh Hạng Lang (con Dương Vân Nga). Thế lực của Đinh Liễn rất lớn, và đã từng theo cha chiến trận có công lao. Vây cánh trong triều Liễn cũng lớn hơn ... điều đó có thể dẫn tới việc Dương Vân Nga liên thủ với Lê Hoàn làm thành mộ vây cánh đối trọi lại với Đinh Liễn.
2. Nếu thực sự có chuyện Dương Vân Nga và Lê Hoàn yêu nhau thì làm sao?
Nếu cả hai lý do suy đoán trên đều đúng thì việc Dương Vân Nga trao ngai vang cho Lê Hoàn vì tư lợi cá nhân là chuyện không khó hiểu lắm
Đoạn này mình nghĩ cũng sai: "Giữa cảnh đất nước đang rối ren, điều cần thiết nhất là phải tìm một người đứng đầu, một người có thể dẹp sạch thù trong, giặc ngoài và bà đã chọn Lê Hoàn"
Việc chọn Lê Hoàn lên nắm quyền trên thực tế lúc đó không những không ổn định được đất nước mà càng khiến lòng người rối ren, phân tán hơn. Khi Lê Hoàn nhiếp chính xưng làm Phó Vương (có thể gọi là nắm thiên tử trong triều) thì các đại thần Đinh Điền, Phạm Hạc, Nguyễn Bặc nổi dậy chống Lê Hoàn nhưng đều bị Lê Hoàn giết. Như vậy thực tế là rối ren hơn.
Còn việc Lê Hoàn lên ngôi có cần thiết không? theo mình nghĩ là không cần thiết. Dương Vân Nga có thể buông rèm nhiếp chính, Lê Hoàn có thể tiếp tục phò tá vua cùng với những Đinh Điền, Phạm Hạc, Nguyễn Bặc cùng nhau chống Tống, giống như Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành đã làm thời Lý. Làm như vậy ổn thỏa hơn nhiều.
Câu hỏi nữa đặt ra:
tại sao Dương Vân Nga lại phải lấy Lê Hoàn? lý do vì sao? năm 979 Đinh Bộ Lĩnh mất đến năm 982 Lê Hoàn lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu (như vậy có thể lập làm phi đưa vào hậu cung còn trước đó nữa). Vậy tại sao phải lấy Dương Vân Nga? Mình nghĩ chắc chắn không có tục lệ như vậy thời Đinh Lê đâu. Có người nói là vì để "dung hòa" với triều trước, nếu là như vậy thì chỉ cần đối xử ơn huệ tốt với Dương Vân Nga và Đinh Hạng Lang là được mà thôi.
Trung Thanh Nguyen
bài viết hay lắm , tuy nhiên việc bà oan hay không trong việc liên quan tới mưu đồ soán ngôi thì không ai chứng minh được rõ ràng. Nên mình nghĩ chỉ nên đặt tiêu đề theo dạng nghi vấn "Liệu bà có bị oan ..."
Trung Nguyễn
Nguyễn Thảo Linh
Từ ngày đầu nghe chuyện chị Nga anh Hoàn mình đã rất muốn hai người có tình yêu đẹp. Kiểu tri kỉ đi lên á chứ không tầm thường, vì họ thông minh và có tầm nhìn mà. Họ xứng đáng được như vậy
Nguyễn Mai Ngô
Cảm ơn tác giả về bài viết :D
Trương Thuỳ Linh
Hay quá, trước giờ mình cũng nghĩ bà là người thay lòng đổi dạ.
Đào Mai Hương
Bài viết hay, 4 câu thơ cuối rất ý nghĩa.
Lê Thành Lâm
Nhờ vào bài viết mình mới biết được ở Ninh Bình người ta có tục lật tượng bà lên và đánh 10 roi...