Dừng ở câu chuyện thiện nguyện

  1. Văn hóa


Người Việt Nam có câu “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói một gói khi no”. Đài Truyền hình Việt Nam mục 24h có chương trình “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Từ thiện, làm từ thiện là mong muốn từ tâm của những người muốn trao cho những người nhận. Lâu nay, chúng ta vẫn thấy hình ảnh những người nổi tiếng đi làm từ thiện. Ca sĩ Mỹ Tâm từng chở xe gạo phân phát cho bà con lao động hay việc cô dừng lại giữa phố để giao lưu cùng người khuyết tật qua một bài song ca. Xã hội vẫn biết Phi Nhung, ca sĩ trở về từ hải ngoại, cô nhận hàng chục đứa trẻ làm con nuôi và hỗ trợ tài chính để chúng được nuôi dưỡng tại một ngôi chùa. Cô cùng ca sĩ Sĩ Luân cũng là các nghệ sĩ giúp đỡ trường hợp em gái có mẹ bị bệnh tâm thần, hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo.

Tại thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều các hình thức thiện nguyện. Quán cơm 5 trăm đồng, 2 nghìn đồng dành cho bà con lao động nghèo. Vợ chồng nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng từng ăn ở một trong các quán cơm này để cổ động cho ý nghĩa của tinh thần thiện nguyện. Hàng ngày, báo vẫn đưa tin, đâu đó quanh ta, người thợ vá xe đạp miễn phí cho khách đi đường, nồi cháo miễn phí, tủ thuốc miễn phí, tủ quần áo thiện nguyện, bánh mỳ miễn phí, làm người hướng dẫn giao thông, đưa người qua đường tự nguyện, … Người dân thành phố, ở một cụm dân cư, để tổ chức tang ma cho những người khó khăn, đã có những cá nhân chủ động đứng ra làm các công việc đầy nghĩa cử ấy. Vụ cháy chung cư thành phố làm nhiều người thiệt mạng vẫn còn đó. Đi qua nỗi đau mất người thân, con nằm viện, gia đình người bị nạn đã dành ra hàng trăm xuất ăn nấu miễn phí giúp người đồng cảnh ngộ. Tôi biết mới đây, truyền thông đưa tin, người thợ sửa xe đạp đi mua các xe đạp cũ sau đó về lắp ráp lại thành xe đạp mới tặng các em học sinh nghèo. Nhìn cảnh giao thông nguy hiểm, bác cán bộ hưu trí tại huyện tỉnh Thanh Hóa đã tình nguyện trở thành người tuyên truyền an toàn giao thông trên các ngõ phố, xóm làng. Rất nhiều, những việc làm đầy ý nghĩa trong xã hội, đã góp phần làm đẹp truyền thống người Việt Nam ta.

Tuy nhiên, tôi đặt câu hỏi, liệu việc làm của ca sĩ Phi Nhung trong  chương trình ca nhạc, đưa cho khán giả la mất vàng trong hội trường 10 triệu đồng liệu có quá sơ suất? Thương người là đúng. Nhưng tình thương ấy phải được trao đúng địa chỉ. Nếu tình thương của chúng ta bị lợi dụng thì đó là một sự sỉ nhục lớn. Tình huống ấy, tôi nghĩ ca sĩ Phi Nhung nên để công an làm việc. Mọi chuyện phải có đúng có sai, minh bạch rõ ràng thì cái tốt mới tồn tại được. Nếu ta xí xóa qua loa sẽ khiến kẻ xấu sẽ lợi dụng hết lần này tới lần khác.

         Mọi người vẫn thường đề cập tới vấn đề, làm thiện nguyện như thế nào? Hành động quẳng gói quà của một số người cho các em bé miền núi phía Bắc là chưa đúng. Nhưng cái cách chúng ta tới với họ mà chưa hiểu cụ thể về phong tục tập quán cũng như quy tắc địa phương để dẫn tới tình trạng dở khóc dở cười cũng không nên. Người làm từ thiện cảm thấy thất vọng. Bà con vùng khó khăn cũng không phải vì quá đói cần chiếc bánh chưng và các đồ ăn được chuẩn bị chu đáo kia. Điều mà chúng ta thiếu là cách xử xự với nhau. Mục đích của chuyến từ thiện trên là tốt đẹp. Chắc chắn món đồ ăn mà mọi người đem đến là một bữa tiệc lung linh đối với những người dân vùng sâu vùng xa. Tiếc rằng vượt hàng trăm cây số và bao ngày chuẩn bị, họ đã không làm việc với chính quyền địa phương. Nếu như họ có mối liên hệ cụ thể với cơ quan liên quan ở địa bàn, ngày hôm đó chắc sẽ rất ý nghĩa. Chúng ta không chỉ đến với nhau bằng cảm tính. Chính quyền họ đã làm đúng công việc của một cơ quan chức năng.

         Một chi tiết nhỏ tôi nhớ, đoàn thiện nguyện của một đơn vị tới với các em dân tộc miền núi, biết bà con có thói quen không dùng đồ cũ, họ đã mua các đôi găng tay hoàn toàn mới mang lên.

         Trao quà và nhận quà là cả một nghệ thuật. Trao đi cũng có nghĩa là ta đang nhận lại. Món quà không chỉ hiểu là vật chất hiện hữu mà là ý nghĩa tinh thần. Đọc câu chuyện về “cái ôm’’ của một bạn trẻ tôi nghĩ bạn này “ngờ nghệch” quá. Ai lại cứ gặp người lạ lại trao một cái ôm. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại mới thấy việc làm ấy cực kỳ trong sáng. Sao chúng ta không gạt bỏ những khác biệt để lấp dần bớt khoảng cách. Trao đi cũng có nghĩa là đang nhận lại. Bạn trẻ đấy chắc nhận được yêu thương từ rất nhiều người trong đó có tôi.




Từ khóa: 

từ thiện

,

quán cơm

,

quà

,

trao

,

nhận

,

văn hóa