Đừng ảo tưởng về công sở
Mặc dù là một thành viên thuộc bộ phận Nhân sự và có công việc liên quan trực tiếp tới phát triển nguồn lực lao động nhưng tôi vẫn cần phải nói với các bạn rằng đừng ảo tưởng về công sở.
Bánh vẽ từ nhà tuyển dụng
Sẽ luôn là những lời mật ngọt như rót vào tai “Đến với công ty của chúng tôi, em sẽ có cơ hội được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với đội ngũ nhân sự đa năng, đa nhiệm. Bên cạnh đó là cơ hội đào tạo, phát triển bản thân, lộ trình thăng tiến rõ ràng. Ở đây có rất nhiều người đã trưởng thành và đạt cấp bậc cao cũng như mức lương trong mơ lên đến 3 con số…” Thực sự quá quen thuộc và khi mới vào công ty nào cũng được nghe những lời ngọt ngào như thế.
Ở bất kì tổ chức nào, bộ phận tuyển dụng cũng sẽ luôn tìm cách đưa ra cho chúng ta xem điều tuyệt vời nhất, từ người sếp có tầm nhìn, văn phòng công ty mới lạ thậm chí chỉ là số ngày nghỉ phép nhiều hơn thông thường đều là thứ được thổi phồng, đánh bóng để thu hút người lao động.
Ngày nay trong một cộng đồng tuyển dụng thật sự khốc liệt với chi phí tuyển dụng bó hẹp, các nhân sự tuyển dụng sẽ tìm mọi cách để hoàn thành chỉ tiêu của mình, thậm chí còn có những hunter chỉ cần lấp đầy vị trí mà công ty yêu cầu, không cần biết họ có làm được việc không hay có phù hợp với tổ chức không. Chính vì sự hạn chế của cách giao chỉ tiêu tuyển dụng mà không giao chỉ tiêu về kiểm soát tỉ lệ nghỉ việc hoặc mức độ phát triển của người lao động tại doanh nghiệp nên thực trạng thị trường lao động có rất nhiều hỗn loạn, tranh cướp và tìm mọi cách “bánh vẽ” để thu hút các ứng viên.
Ứng viên rơi vào "cạm bẫy" của nhà tuyển dụng
Áp lực của các quản lý
Trong những năm gần đây, các quản lý cấp trung đặc biệt là khối Kinh doanh còn phải gánh thêm một chỉ tiêu mới trong số các chỉ tiêu đánh giá công việc đó là chỉ tiêu tuyển người.
Rất nhiều Giám đốc kinh doanh cần tự tuyển nhân sự của mình và đảm bảo được mức độ gắn kết của nhân sự đó với tổ chức, nếu nhân sự nghỉ việc thì Giám đốc bị trừ lương thưởng, vì thế họ sẵn sàng tung ra rất nhiều điều kiện hấp dẫn để thu hút người lao động.
Tôi lấy một ví dụ đơn giản như với nhân viên Ngân hàng, các Giám đốc sẵn sàng đẩy % hoa hồng cao hơn so với thực tế, không nói ra cơ chế trả thưởng là chia đều theo thời gian khách giao dịch (chứ không phải trả một lần), mập mờ về việc thưởng cuối năm bị chia nhỏ theo quý… để hút ứng viên, sau đó khi ứng viên đã kí vào hợp đồng thử việc rồi, đã vận hành rồi mới có cảm giác như bị lừa, mọi thứ không như những gì họ kì vọng.
Sự ngây thơ của chúng ta
Thực ra nói đi cũng phải nói lại, trong phần quyết định nơi mình sẽ dấn thân, lỗi sai cũng có phần do sự ngây thơ của chúng ta.
Giá như ta bình tâm hơn, lắng nghe và quan sát hơn trước khi quyết định.
Giá như chỉ cần gọi điện thoại cho những người bạn hỏi xem họ có quen ai làm ở đơn vị đó và đánh giá đơn vị thế nào.
Giá như chịu khó lên internet tìm hiểu về công ty, có scandal nào không, có vi phạm gì không, có rủi ro không.
Vì vậy, cũng không thể trách hoàn toàn từ phía đơn vị tuyển dụng, từ công ty mà một phần cũng do chính mình, do sự lựa chọn của mình.
Suy cho cùng cần phải tỉnh táo hơn khi lựa chọn và quyết định
Lời kết
Ai rồi cũng phải qua những quyết định sai lầm, những ngây ngô thuở ban đầu mới có thể rèn luyện kĩ năng, tạo dựng mối quan hệ và mài giũa những giác quan để nhận biết được nơi làm việc đó có thực sự phù hợp với mình.
Tuổi trẻ mà, đôi khi sai lại là đúng, mà đúng chưa hẳn đã không sai.
Sống khát khao, sống dại khờ (Stay hungry, stay foolish) - Steve Jobs -
Trần Huyền.