Đứa trẻ hạnh phúc

  1. Giáo dục

Mình gặp Giang khi Giang tới tiệm mua gốm. Cùng là người Bắc rồi vào Nam làm việc vậy nên hai đứa nói vài câu là thấy hợp rồi. Trong lúc Giang chọn gốm tụi mình nói chuyện rất nhiều và rất vui vẻ.

Giang học cấp 3 ở Hà Nội, rồi đi du học Mỹ. Sau khi học xong thì ở lại Mỹ làm vài năm rồi gặp bạn chồng hiện tại học về IT. Công việc của Giang là làm về research về văn hoá, dạng freelance fellow researcher nên khá thoải mái về địa điểm làm việc. Bạn từng ở Nhật 2 năm rồi qua Hàn làm việc 3 năm và làm việc ở một số quốc gia khác nữa. Làm research thì không giàu đâu vì fund các tổ chức đưa chỉ đủ tiền ăn và ở với mức sống bình thường thôi. Hiện Giang ở Sài Gòn cùng chồng, nhưng cũng sắp chuyển ra Hà Nội, tương lai có ở lại Việt Nam hay ở đâu thì bạn cũng… chưa tính tới.

Mình thấy ở cô gái này một sự hạnh phúc yên bình vì Giang rất tự do. Tự do trong cách ăn mặc không cần theo tiêu chuẩn đẹp của người khác, bạn thấy tươm tất và thoải mái là được. Tự do trong suy nghĩ, không bị ảnh hưởng bởi những áp đặt, định kiến của xã hội. Tự do trong lựa chọn, lựa chọn hướng đi và cuộc đời riêng cho bản thân mình.

Bất chợt mình nhìn lại những người bạn khác, nhiều người vẫn đang loay hoay tìm hướng đi để tìm tự do do bản thân.

Mình có người bạn, việc bạn được đi học đại học nhờ công rất lớn của ông nội. Ra trường, ông nội bắt bạn về quê, ép bạn thi công chức để vào nhà nước làm. Bạn vẫn loay hoay không dám lựa chọn ra lại Hà Nội ngoài làm việc vì sợ ông.

Mình có người bạn, vừa nghỉ công việc lương cao để mở start-up nhỏ lương thấp hơn nhưng bố mẹ không đồng ý. Vì bạn có nghĩa vụ kiếm tiền để giúp bố mẹ xây nhà để nở mày nở mặt với hàng xóm.

Mình có một người bạn, đi du học nước ngoài, ra trường được công ty lớn giữ lại làm việc, nhưng bố mẹ muốn bạn về Việt Nam vì bố mẹ nói con cái có nghĩa vụ ở gần bố mẹ để trả công sinh thành, nuôi dưỡng.

Mình cũng biết những đứa bé, được bố mẹ tạo điều kiện hết sức học vẽ, nhảy, hát, piano… phải cố gắng chạy theo những kỳ vọng của bố mẹ để báo đáp những công sức, tiền bạc bố mẹ đã bỏ ra.

Một đứa trẻ tự do thực ra đã là đứa trẻ rất hạnh phúc rồi. Những bố mẹ khi muốn nuôi dạy một đứa trẻ, việc chuẩn bị về tài chính để cho con đi học lớp này thầy kia không quan trọng bằng chuẩn bị về mindset. Xin hãy để đứa trẻ đó được lớn nên tự do, đừng bắt chúng mang vác thêm bất kỳ trách nhiệm, nghĩa vụ hay định kiến không cần thiết nào nữa. Chúng sẽ rất hạnh phúc và biết ơn bố mẹ đấy.

Mình đoán là Giang cũng là một “đứa bé” hạnh phúc như vậy khi bố mẹ không bắt Giang về nước sau khi du học, không thắc mắc về công việc “không ổn định mà lương thấp”, không yêu cầu bạn sống cùng bố mẹ để phụng dưỡng, hay cần bạn ổn định ở một thành phố hay quốc gia nào đó.

Một lần nữa mình vẫn cho rằng để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc không cần nhiều về tài chính mà cần nhiều sự thay đổi trong suy nghĩ thì đúng hơn.

Adele Doan

52e4758a77dc9382cacd
Từ khóa: 

giáo dục

,

trẻ em

,

hạnh phúc

,

giáo dục