Đôi nét về nghề kiểm thử phần mềm?

  1. Thấu Ngành Hiểu Nghề

Hồi mình học đại học, mình chỉ nghĩ sau này ra trường sẽ làm lập trình viên theo chuyên ngành mình đang học. Thực sự thời điểm đó mình cũng chưa được nghe và tiếp xúc nhiều thông tin về nghề kiểm thử. Đến khi ra trường, mình cũng làm lập trình một thời gian ngắn và khi biết trong công ty mình làm có bộ phận kiểm thử, mình đã tìm hiểu, cảm thấy công việc này khá phù hợp với mình và từ đó quyết định gắn bó lâu dài với công việc này.

Nghề kiểm thử đòi hỏi khả năng tư duy, phân tích logic, khả năng phản biện, kỹ năng trao đổi, giao tiếp, tính cẩn thận, tỉ mỉ. Các bạn sinh viên nếu có ý định say này làm nghề kiểm thử thì nên học tốt các môn lập trình và đặc biệt là các môn về cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, để bước đầu tiếp cận với các khái niệm chính về kiểm thử, các bạn nên tham khảo các nội dung được viết trong cuốn ISTQB foundation. Kiểm thử sẽ bao gồm kiểm thử giao diện, chức năng, hiệu năng, an toàn thông tin…và không chỉ test chức năng đơn thuần mà còn sẽ kiểm tra cơ sở dữ liệu để đảm bảo tính đúng đắn của dữ liệu (Đòi hỏi kỹ năng thao tác cơ sở dữ liệu tốt). Thông thường khi tiếp cận một dự án cụ thể, đầu tiên các bạn kiểm thử (tester) nên hiểu thiết kế tổng thể hệ thống để nắm được cấu trúc thành phần hệ thống và các hệ thống bên ngoài tương tác với hệ thống mình đang xử lý. Sau đó các bạn cần phải hiểu chi tiết luồng xử lý nghiệp vụ bên trong. Kiểm thử nên được bắt đầu càng sớm càng tốt trong quá trình phát triển phần mềm. Trong các giai đoạn đặc tả, thiết kế sản phẩm, tester cũng có thể đưa ra được nhiều ý kiến phản biện, tìm thêm được những luồng xử lý còn thiếu hụt để đóng góp cho đội sản phẩm. Ngoài ra, khi hiểu nghiệp vụ dự án cũng sẽ giúp tester viết testcase bao trùm được các luồng xử lý sự kiện chính, luồng xử lý sự kiện phụ, tránh thiếu hụt, bị sót test case. Trong quá trình test sản phẩm, việc trao đổi nghiệp vụ với đội dự án cũng là một điều hết sức cần thiết. Đó là cách để mọi người hiểu rõ vấn đề, xử lý nhanh những vướng mắc và giúp chất lượng dự án được tốt hơn.

Để tăng kinh nghiệm trong nghề kiểm thử, tester cần tiếp xúc với nhiều mảng dự án khác nhau. Ở cơ quan mình, mình thấy có rất nhiều mảng dự án, ví dụ mảng dịch vụ giá trị gia tăng, mảng dự án thương mại điện tử, mảng OTT, IOT..v..v. Mặc dù lúc mới đầu có thể bạn chưa có nhiều kiến thức về những mảng này nhưng việc học hỏi từ chính những đồng nghiệp đi trước sẽ giúp bạn có thể tiếp cận nhanh hơn với công việc. Mỗi dự án sẽ giúp bạn tăng thêm kỹ năng và các bạn nên đúc rút những điều cần thiết về dự án, các kỹ thuật test đặc trưng cho dự án đó vào một tài liệu cho bản thân sau khi kết thúc mỗi dự án. Có rất nhiều loại test mà các bạn có thể tiếp xúc như test web, test app, test tiến trình, test ussd, test migrate dữ liệu, test dữ liệu lớn, test service..v..v…Trong quá trình kiểm thử dự án, với những nghiệp vụ được test đi test lại nhiều lần hoặc khi làm việc trên tập dữ liệu lớn mà không thể xử lý bằng tay thì các bạn nên nghĩ đến hướng kiểm thử tự động. Các bạn có kỹ năng lập trình tốt sẽ là lợi thế khi viết các script kiểm thử tự động. Một số công cụ kiểm thử tự động phổ biến trên web như là selenium, Quick Test Professional.., trên mobile các bạn có thể sử dụng appium. Có thể nói nếu công ty bạn chọn có nhiều mảng dự án sẽ là cơ hội để bạn tiếp xúc với nhiều loại kiểm thử và mình thấy ở Viettel là môi trường tốt giúp mình có được rất nhiều trải nghiệm trong nghề test này.

Hi vọng những chia sẻ trên của mình sẽ giúp ích phần nào cho các bạn sinh viên đang muốn tìm hiểu về nghề kiểm thử.

Từ khóa: 

tech job

,

hướng nghiệp

,

thấu ngành hiểu nghề

Theo chị nghề này có theo lâu dài được hay không? Nó có bị buồn tẻ quá hay không?

Trả lời

Theo chị nghề này có theo lâu dài được hay không? Nó có bị buồn tẻ quá hay không?

Chị có thể phân biệt rõ hơn về Manual Testing và Automation testing được ko ạ?

Nếu muốn làm tốt vị trí automation test thì nên tập trung học các kỹ năng gì v chị