Đôi điều về vị vua mở đầu triều Nguyễn
Khi tôi viết những dòng này, sẽ có người cho tôi là kẻ xét lại Lịch sử, đi theo những luận điểm xuyên tạc; nhưng đối với tôi, bài viết này chỉ muốn đưa lại một chút công bằng nào đó cho vị vua mở đầu nhà Nguyễn; bởi sách vở trước nay đối với ông xoay quanh chắc cũng chỉ có vài từ: cõng rắn cắn gà, cầu quân ngoại viện. Nhận xét về ông quá dễ, nhưng liệu rằng chúng ta có biết thân thế của vị vua chúng ta thường hay mạt sát đó ra sao không? Là con trai của người dự định sẽ nối ngôi Nguyễn chúa, cuộc đời của ông hẳn sẽ chẳng có sóng gió gì nếu không xuất hiện cái tên Trương Phúc Loan. Cha chết trong phẫn uất, cơ nghiệp tổ tiên gây dựng hơn 200 năm giờ chẳng mấy chốc bị mất trong biến loạn; phải theo Định Vương lánh nạn vào Gia Định, đứa trẻ ấy liệu có ngã lòng? Không, 17 tuổi được tôn làm Đại Nguyên suý, 19 tuổi tự xưng Vương rồi hạ Đỗ Thanh Nhơn; những việc làm ấy chúng ta hãy thử lục lại trong dòng chảy đã qua, ắt hẳn hiếm thấy. Cũng từ đây, Nguyễn Ánh trở thành một địch thủ của Tây Sơn; ta sẽ thấy biết bao lần ông bị đánh bại, rồi lại vùng lên đối kháng; và kỳ lạ ở chỗ ông chỉ thua Nguyễn Huệ mà không phải là Thái Đức hay Đông Định Vương. Có một điều mà chắc ai cũng quá thừa biết: Nguyễn Ánh cầu Xiêm viện Pháp. Về chuyện cầu Xiêm, đó có phải cho giặc vào nước; xin trả lời: Nguyễn Vương thực không có ý muốn nhờ cậy Xiêm La bởi ông quá rõ anh bạn này tính tình thế nào, nhưng cái thế của ông giờ đây thì có lẽ ông phải đánh liều nhờ vua Xiêm giúp đỡ và tướng Châu Văn Tiếp đã thực hiện nhiệm vụ ấy; quân Xiêm vào Gia Định dưới quyền chỉ huy của Bình Tây Đại Đô đốc Châu tướng quân. Hãy thử nhìn nhận; Quang Trung nuôi giữ các toán hải tặc người Hoa và coi họ như một lực lượng dưới quyền mình thì đối với quân Xiêm đặt dưới quyền Tiếp liệu có khác nhau. Nhưng sự thật thì dù sao đây cũng là một cái sai của chúa Nguyễn bởi từ sau cái chết của Châu Văn Tiếp ở Măng Thít, quân Xiêm do không còn người làm chủ nên ngày càng hoành hành, cướp bóc đất Nam Bộ dẫn đến thất bại sau này. Vậy viện Pháp; Hoà ước Versailles(1787) vốn dĩ đã không thể thực hiện bởi cuộc Cách mạng Pháp không lâu sau đó lật đổ chế độ Phong kiến của vua Louis và ẩn sau tờ Hoà ước ấy cũng là cả một chuỗi những bí ẩn, tham vọng của Bá Đa Lộc, của nước Pháp đối với đất nước Đại Việt đang đầy biến loạn nhưng cũng là một kho tài nguyên nếu biết cách khai phá. Đội quân, những người Pháp mà sau này Bá Đa Lộc đưa về thực chất là do viên Giám mục bỏ tiền túi để thuê chứ không phải nhờ sự giúp đỡ của Pháp hoàng; khi cho người sang yêu cầu thực hiện lại Hoà ước như đã ký, các vua nhà Nguyễn đã trả lời bằng một gáo nước lạnh:
-Về đi, anh với các chú chẳng nợ nần gì nhau đâu.
Cả hai việc trên, tôi không nói là Nguyễn Vương không sai, nhưng để hiểu cái sai ấy chúng ta phải xoáy vào thật kỹ chứ chẳng thể tuỳ tiện, bừa bãi.
Ông lại trở về Gia Định, gây dựng lại tất cả và tiếp tục cuộc đối đầu với Tây Sơn. Quang Trung băng hà; địch thủ đáng sợ nhất, cây trụ chống của triều đại Tây Sơn đã không còn; việc của Nguyễn Ánh giờ đây chỉ còn là tấn công không thương tiếc. Thị Nại, cái tên gắn liền với trận đánh được mệnh danh là đại chiến Xích Bích của Việt Nam; ngọn lửa ấy đã thiêu rụi gần như tất cả mọi thứ của triều đại gắn liền với những anh bán trầu, chị giữ con hay thầy đồ làng. Từ giờ nhìn về Tây Sơn ta sẽ chỉ còn thấy những bước chạy dài ra Bắc và khi Cảnh Thịnh bị các thổ mục bắt dâng lên quân Nguyễn thì cũng là lúc vương triều Tây Sơn đặt dấu chấm hết.
Trong buổi lễ Hiến Phù, Gia Long đã tuyên cáo trước đông đủ quần thần:
- Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu.
Cách trả thù của Gia Long có thể tàn bạo, nhưng nhìn cảnh mồ mả tổ tiên bị quật phá, gia tộc người thì bị giết kẻ thì ly tán; liệu có mấy ai cầm lòng. Những dòng suy nghĩ có lẽ chỉ đến đây, bởi những năm trị vì của ông vua ấy chắc chúng ta không phải bàn luận thêm. Cái nhìn của tôi có thể không dài, không toàn bộ; nhưng đó là những điều tôi nghĩ và viết ra. Cuối cùng, dù là Quang Trung hay Gia Long, họ vẫn là những bậc tiền nhân của nước Việt. Như một người anh của tôi đã nói: “ Tiền nhân luôn ở bên, nhưng chúng ta phải là những người có lòng”.
gialong
,nguyendynasty
,vietnamhistory
,suyngam
,lịch sử
Hay lắm Trung ơi. Anh chỉ lưu ý em là văn bản nên có cách ra cho dễ nhìn nhé, chi thành từng paragraph.
Phạm Vĩnh Lộc
Hay lắm Trung ơi. Anh chỉ lưu ý em là văn bản nên có cách ra cho dễ nhìn nhé, chi thành từng paragraph.