DoF Partitioning
Chủ đề hôm nay là cách sử dụng DoF (depth of field) để tạo bố cục cho bức ảnh.
Khi một bức ảnh được chụp, chỉ có một vùng rõ nét. Vùng phía trước và phía sau vùng rõ nét đó được gọi là bị mờ hoặc bị nhòe. Độ rộng của vùng rõ nét được gọi là DoF – độ sâu trường ảnh.
Nếu trong vùng bị nhòe có các điểm sáng thì chúng sẽ trở thành bokeh. Các bokeh có hình dạng giống như hình dạng phần thấu kính có ánh sáng đi qua trên một tiết diện bất kỳ. Hiểu đơn giản là nếu dán miếng bìa có khe hở hình trái tim lên trước ống kính thì bokeh sẽ có hình trái tim. Chụp ảnh với bokeh là một chủ đề thú vị, nhưng sẽ được đề cập ở một bài viết khác.
Nguyên tắc cơ bản cho sự hình thành của DoF được trình bày ở các hình trên (lấy từ khóa học
Các vật đặt ở vùng chứa điểm số 3 là tiền cảnh, ở vùng chứa điểm số 1 là hậu cảnh, và đối tượng thường được đặt ở vùng số 2. Tại sao lại là “thường” mà không phải là “luôn luôn”? Bởi vì đôi khi vì lý do nào đó chúng ta không muốn đối tượng được rõ nét.
Theo hình minh họa thứ 3 phía trên thì chỉ có một mặt phẳng duy nhất là có ảnh rõ nét, vậy tại sao ta thấy nét cả một vùng? Lý do là vì ngay cả khi ảnh của một điểm bị nhòe, trong một giới hạn nào đó mắt ta vẫn không phân biệt được rằng nó đã bị nhòe. Ví dụ như trên hình, đối với mắt người thì các điểm lân cận điểm số 2 đều nét.
DoF được quyết định bởi khẩu độ (aperture) và tiêu cự (focal length). Vì không có nhiều thời gian nên xin được giải thích ở một dịp khác.
Khi tạo bố cục cho bức ảnh, chúng ta có thể đưa các phần khác nhau của bức ảnh vào các vùng 1, 2, 3 được nhắc tới ở trên. Cách bố cục như vậy không hiếm gặp, nhưng tôi không biết tên chính thức của nó. Ở đây xin được gọi là DoF Partitioning. Lý do cho tên gọi này là khi sử dụng phương pháp như trên, chúng ta chia bức ảnh ra làm nhiều phần (tối đa 3 phần) ở các vùng nét khác nhau. DoF Partitioning khác với bố cục thông thường ở chỗ:
i) Chủ thể có thể được đưa vào bất kỳ vùng nào (kể cả vùng 1 hoặc 3 – chủ động làm nhòe chủ thể và toàn bộ vùng lân cận, khác với out-focus). Thông thường chủ thể được lấy nét.
ii) Các vùng nét hiện rõ trên khung hình. Thông thường, toàn bộ bức ảnh đều nét, hoặc “vùng nét” đơn thuần là chủ thể, chứ không phải là một vùng.
Những ví dụ dưới đây có thể giúp hình dung dễ dàng hơn.
学生
Một nhóm sinh viên trước Rune Shokudou, Kyodai.
Tán cây rẻ quạt/ngân hạnh (いちょう) nằm ở vùng được lấy nét, trong khi toàn bộ nhóm sinh viên xuất hiện mờ ảo.
Loài cây này thường được gọi là ginkgo trong tiếng Anh, ngân hạnh hoặc bạch quả trong tiếng Hán. Trong tiếng Nhật, tên của loài cây này có tên Hán là Công tôn thụ hoặc Áp cước thụ (áp cước nghĩa là chân vịt). Tuy nhiên người ta thường viết chữ kana khi nhắc tới loài cây này, chứ không dùng chữ Hán. Hơn thế nữa thường là các từ gốc Nhật được gán chữ Hán dựa trên nghĩa, tức là rất có thể có nhiều người Nhật chỉ biết đây là いちょう chứ không biết tên chữ Hán của nó là gì. Có thể họ không biết tổ tiên khi xưa ví lá cây với chân vịt.
Cây rẻ quạt phổ biến ở nhiều vùng trên đất Nhật. Nếu như biểu tượng của Kyodai là một cây long não thì biểu tượng của Handai và Todai đều là lá cây rẻ quạt. (Ba đại học danh tiếng nhất Nhật Bản đều thích các loài cây 🙂 ). Ở Osaka có thể dễ dàng nhìn thấy biểu tượng lá rẻ quạt trên thanh chắn đường (giống như hình Khuê Văn Các trên đường Giải Phóng đoạn phía Nam Hà Nội), hoặc nắp cống (nhân đây, nắp cống ở Nhật thường là những “tác phẩm nghệ thuật.”)
Hàng năm cứ vào cuối thu đầu đông ngân hạnh lại nhuộm vàng các tuyến phố của nước Nhật. Có một con đường ở tỉnh Shiga nổi tiếng với ngân hạnh, đến mức nhiều người tới đó chụp ảnh. Ngân hạnh trải dài trên cả tuyến phố Higashioji chạy xuyên qua Yoshida Campus, nhưng đoạn ngắn từ Tổng Lãnh sự Pháp tại Kyoto đến Rune, một nhà ăn lớn của Kyodai, dày đặc ngân hạnh. Bức ảnh trên được chụp gần Rune một vài năm trước. Tôi cũng có share hình khác chụp ngân hạnh ở đoạn đường này trên Instagram.
花見
Hanami party ở Hoàng cung Kyoto.
Hoàng cung Kyoto là một điểm đến thường xuyên của người Kyoto và khách du lịch. Du khách có thể tham quan bên trong Hoàng cung hoàn toàn miễn phí. Vào mùa xuân khi anh đào nở, mọi người thường tổ chức tiệc ngắm hoa ở đây. Nói là tiệc nhưng thực ra rất đơn giản, thường thì mọi người sẽ góp đồ ăn, cùng nhau nói chuyện và ngắm hoa, đôi khi uống rượu nữa. Khi tôi còn ở Kyoto, hai bác chủ quán Zaco thường mời tôi và mọi người đến Hanami party ở đây vào dịp anh đào mãn khai.
雨の中
Một cô gái trong cơn mưa sau tháp đồng hồ Yoshida campus.
井田川
Sông Ida vào mùa hè, ảnh chụp khi tôi đi mua đồ về nhà. Tôi từng nói nơi tôi sống giống như trong cổ tích. Bất kỳ một góc nào, vào những lúc bình thường nhất, đều có vẻ đẹp riêng của nó.
昔の話
Trước cổng Yodo Keihan Station.
Có những loài hoa anh đào nở sớm hơn những loài hoa khác. Gần Yodo station có một con sông nhỏ mà anh đào nở từ đầu tháng ba. Một lần tôi đã đi cùng các bác ở KAHF (Hội host family của Kyoto) đến đó ngắm hoa. Đây là ảnh chụp trước lúc trở về nhà.
都会
Thành phố Toyama nhìn từ đường về của tôi.
Ở đây chúng ta có thể thấy một sự đối lập, giữa thành thị phía xa và ruộng đồng ngay trước mặt.
紫陽花
Hai bạn trẻ trên đường đi học về.
Tiền cảnh ở đây là hoa tú cầu. Tú cầu có tên Hán là tử dương, nhưng thường thì người ta cũng chỉ gọi loài hoa này bằng tên kana: あじさい. Nhắc đến Nhật Bản thì sau loài hoa đầu tiên là anh đào, có lẽ người ta sẽ nghĩ tới tú cầu. Bây giờ (tháng 6) vẫn đang là mùa tú cầu, và ta có thể bắt gặp loài hoa này ở khắp mọi nơi.
Mong rằng bạn sẽ thấy DoF Partitioning là một cách bố cục đủ hay để dùng. Happy photographing!
---
Originally posted on my blog.