Điều gì tạo ra ấn tượng cho một cuộc phỏng vấn?
Gần đây tôi có cuộc trao đổi ngắn với một chuyên viên tuyển dụng 12 năm kinh nghiệm trong nghề, qua đó tôi đã cố gắng tìm hiểu xem liệu rằng điều gì tạo ra ấn tượng cho một cuộc phỏng vấn.
Chào chị, theo chị trong một cuộc phỏng vấn, điều gì ở ứng viên tạo ra ấn tượng với chị?
Thực ra cái này cũng khó nói, mỗi một người thì có một phong cách khác nhau, cách thể hiện khác nhau, có thể mình ấn tượng nhưng sếp hoặc Trưởng bộ phận của họ lại không thích nên thường chị sẽ soi chiếu xem yêu cầu của đơn vị tuyển là thế nào để tìm ứng viên gần nhất với yêu cầu đấy. Còn cá nhân chị thì thường thu hút bởi ứng viên có phong thái chuyên nghiệp từ đi đứng, nói năng tới cách họ thể hiện ra với mình.
Chị sẽ đánh giá xem trang phục họ mặc là gì, đầu tóc ra sao, có trang điểm hay không, khi nói chuyện thì giọng nói thế nào, cách trả lời có tôn trọng người khác hay không, có tập trung vào câu hỏi mà mình đưa ra. Rồi cũng dùng cả trực giác cảm nhận xem con người ấy thế nào, nói chuyện với mình mà ánh mắt nhìn quanh nhìn quẩn hoặc đảo mắt liên tục chứng tỏ họ có khả năng đang nói dối mình.
Như chị có đề cập phía trên thì chị thường dựa trên yêu cầu của đơn vị tuyển để đánh giá ứng viên, vậy thì thường yêu cầu này sẽ là như thế nào?
Ban đầu cần phải dựa trên văn hoá chung, luồng chung của toàn công ty, ví dụ như công ty chứng khoán thì đương nhiên nhân viên yêu cầu sự linh hoạt, nhanh nhẹn hơn so với bình thường, còn khi chị làm công ty về kinh doanh bán lẻ thì lại ưu tiên nhân viên chỉn chu, cẩn thận hơn.
Sau khi cảm nhận về con người ban đầu rồi mới hướng tới tiêu chí cụ thể, đối với phòng kinh doanh thì sao, phòng kế toán thế nào, chị cũng cần nắm được cả JD (mô tả công việc) của từng vị trí để có những câu hỏi phù hợp nữa. Một điểm mà chị thấy các doanh nghiệp khá ưa thích đó là nhân viên có chí tiến thủ, ngồi nói chuyện mà tinh thần học hỏi, không ngại khó ngại khổ thể hiện ra được là rất ổn. Thường thì chị sẽ tuyển hai đối tượng nhân viên là nhân viên mới hoàn toàn và nhân viên có kinh nghiệm.
Nhân viên mới hoàn toàn thì cần chăm chỉ, chịu khó, thấy việc không ngại, chấp nhận học lại từ đầu, mình cũng xem xem quá trình học tập trước đó của họ nữa. Nhân viên có kinh nghiệm thì xác thực xem kinh nghiệm của họ ra sao, họ có nói quá lên kinh nghiệm của họ không, thậm chí hỏi xem một số cái tên trong ngành xem họ có biết không hay chỉ đang tô vẽ cho CV thôi.
Như vậy quá trình phỏng vấn có chia làm giai đoạn phỏng vấn các kĩ năng chuyên môn và kĩ năng mềm không chị?
Đối với một số tổ chức thì họ sẽ cho làm bài test, test chuyên môn, test IQ, EQ… Tuỳ theo từng chức danh sẽ có yêu cầu kết quả khác nhau. Tuy nhiên cái đó sẽ chỉ phù hợp với tuyển số lượng đông, đại trà chứ các vị trí cao cấp hoặc các vị trí cứng hơn thì ít khi làm điều này. Phỏng vấn ở khía cạnh của Tuyển dụng chỉ là sơ loại, cảm nhận xem mức độ phù hợp còn đi vào vòng trong với Trưởng bộ phận họ sẽ có câu hỏi chuyên môn, có câu hỏi tình huống và đánh giá xem ứng viên có làm được việc hay không.
Vai trò của Tuyển dụng sẽ đánh giá nhiều hơn về tác phong, thái độ và có thể coi là kiểm tra kĩ năng mềm cũng được, với thời đại hiện tại thì kĩ năng mềm chiếm 80% thành công của cá nhân nên các bạn đừng nghĩ chỉ cần giỏi là được chọn nhé, kĩ năng mềm không ổn thì rất khó vào cửa của công ty.
Được biết chị đã có kinh nghiệm phỏng vấn ứng viên cùng Tổng giám đốc, vậy thì điều gì tạo ra ấn tượng với Tổng giám đốc trong một cuộc gặp gỡ?
Đầu tiên sếp sẽ có các câu hỏi để đánh giá sự phù hợp với vị trí tuyển dụng về kinh nghiệm, về tư duy, về kỹ năng và tiềm năng của ứng viên. Nhiều khi những câu hỏi rất vu vơ về thói quen, về định hướng sống, về sở thích của một người mà sếp có thể nhìn ra được người đó có ăn khớp hay không với bộ máy này.
Sau đó là những câu hỏi khai khác khả năng ứng viên có thể học hỏi ra sao, phát triển thế nào để đóng góp cho sự phát triển chung của doanh nghiệp. Thường những vị trí lên tới sếp là tầm rất cao rồi nên họ nói chuyện với nhau cũng ở một vị thế khác và những câu chuyện không thường nhật như cơm áo gạo tiền mà mang tính chiến lược nhiều hơn. Do đó thể hiện được cái chất riêng của ứng viên là thứ được sếp đặc biệt yêu thích.
Cảm ơn chia sẻ ngắn nhưng hết sức thú vị của chị, chúc cho công việc có nhiều thuận lợi và thành công hơn nữa nhé.
Trần Huyền.
hướng nghiệp
Bác nào chuẩn bị đi phỏng vấn đọc tham khảo là chuẩn nè
Ly Trần
Bác nào chuẩn bị đi phỏng vấn đọc tham khảo là chuẩn nè