Điện Biên Phủ - Một chiến thắng chấn động địa cầu: Phần 03: Cơ sở để Đảng ta quyết tâm chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ
[tiếp theo phần 02]
-------------
Dựa vào tình hình chuẩn bị của thực dân Pháp dưới sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ và lực lượng của ta, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa hạ quyết tâm chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ
Đối với Thực dân Pháp lúc này, chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu đang bị thất bại trên chiến trường ở Triều Tiên. Bên cạnh đó, việc bỏ nhiều tiền vào cuộc chiến đã khiến cho nền kinh tế của Pháp gặp nhiều khó khăn, thậm chí không còn đủ sức chi phí cho việc trấn áp phong trào giải phóng dân tộc trong hệ thống thuộc địa của Pháp. Ngay tại Đông Dương, hơn 70% chi phí quân sự của Pháp phải dựa vào Mỹ. Trong lúc này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đang được lực lượng dân chủ và hòa bình thế giới ủng hộ mạnh mẽ.
Đối với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa lúc bấy giờ, về mặt quân sự, bộ đội Việt Nam Dân chủ cộng hòa giành được nhiều thắng lợi, khống chế được phần lớn các nguy cơ giá trị chiến lược quan trọng làm cho bố cục phòng ngự quân Pháp bị xé lẻ, phá vỡ. Quân đội trưởng thành sau một loạt chiến dịch (từ chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947, chiến dịch biên giới - năm 1950, trong giai đoạn từ năm 1951 đến năm 1954)
Về kinh tế, với việc vùng tự do và cùng căn cứ kháng chiến được mở rộng, chiếm 70% diện tích cả nước và 50% số dân. Mặt trận doàn kết vững chắc đã giúp cho khối đoàn kết dân tộc thêm được củng cố và phát triển mạnh. Cùng với đó, chính sách ruộng đất năm 1953 đã tạo ra sự chuyển biến to lớn, nông dân hăng hái lao động sản xuất, đóng thuế, nô nức xung phong tòng quân và dân công để có thể phục vụ chiến dịch. Song song với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khôi phục và phát triển, sản xuất được các loại vũ khí thông thường như lựu đạn, thuốc, hóa chất,… cung cấp cho quốc phòng.
Ngoại giao: Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nhận sự giúp đỡ của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc. Việc mở rộng quan hệ ngoại giao đã tạo ưu thế đối với ta, đó là nhận sự giúp đỡ, ủng hộ của anh em các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt sau năm 1950, liên khu II, IV, Việt Bắc được nối thông với nhau và nối với các nước khác, trong đó có sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc. Trong Chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Quốc phòng Liên Xô nhận nhiệm vụ cung cấp cho Chính phủ Việt Nam trong năm 1953 gồm có 144 pháp cao xạ 37mm, 200 súng liên thanh DSK 12.7mm và 2 triệu viên đạn, 5 tấn thuốc kinin chữa sốt rét. Những vật chất này sẽ được trao cho đại diện Chính phủ Trung Quốc ở khu vực biên giới, sau đó chuyển vào Việt Nam. Đây là những vũ khí đã được sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đối với Trung Hoa, ngay sau khi đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Công hòa Dân chủ nhân dân Trung Hoa đã viện trợ cho Việt Nam, cung cấp một khối lượng trang bị quân sự và vật tư quân nhu. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cử đoàn cố vấn quân sự sang giúp quân đội ta do ông Vi Quốc Thanh là trưởng đoàn. Giai đoạn từ năm 1950 đến tháng 6 năm 1954, Trung Quốc đã hỗ trợ Việt Nam hơn 5.300 tấn lương thực (01) cùng với vũ khí bao gồm 24 đạn pháo 75mm, 24 khẩu lựu pháo 105mm, cùng với đó là các khẩu pháo, ô tô tải của Liên Xô chuyển qua. Với những đóng góp từ Liên Xô, Trung Quốc cùng các nước xã hội chủ nghĩa đã giải quyết nhiều khó khăn, vũ khí, đạn dược, phương tiện vận tải và lương thực cho trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngay khi Pháp thực hiện cho quân nhảy dù khu vực này, Bộ Chính trị đã dự đoán khả năng thực dân Pháp tập trung lực lượng xây dựng nơi này thành một tập đoàn cứ điểm nên vừa tiến hành giải phóng Lai Châu, ta cũng tiến hành cắt liên hệ Lai Châu với Điện Biên Phủ và tiến hành bao vây, bám sát địch, chuẩn bị chiến trường. Theo nhận định của ta, Điện Biên Phủ đối với Pháp đã mắc phải những yếu tố cơ bản, đó là cô lập ở giữa núi rừng trùng điệp và mênh mông của miền Tây Bắc và Thượng Lào, ở rất xa hậu phương, mọi vấn đề cung cấp, vận chuyển tiếp tế đều phải thực hiện bằng đường hàng không và chịu hạn chế lớn về phương tiện, trường hợp lâm nguy cũng khó lòng rút quân được toàn vẹn.
Đối với ta, đó là khu vực xa hậu phương lớn nên khó khăn là vấn đề tiếp tế nhưng ta có thể sử dụng nhiều phương tiện như ô tô, xe đạp, voi, lừa, ngựa thồ, người mang vác, cung cấp cho nhu cầu của tiền tuyến. Bên cạnh đó, lúc này, đường sắt từ Quảng Tây (Trung Quốc) đã đến Bằng Tường, sát biên giới Việt - Trung tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, cung cấp vũ khí, trang thiết bị và hàng viện trợ cùa Trung Quốc, Liên Xô, bạn bè trên thế giới giúp quân đội ta chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Điều quan trọng lúc này là trong lực lượng bộ đội quân đội của Việt Nam Dân chủ cộng hòa có những đơn vị chủ lực tinh nhuệ, có tinh thần chiếu đấu cao, trình độ trang thiết bị kỹ thuật có tiến bộ, hăng hái phấn khởi, quyết tâm tiêu diệt địch. Phân tích tình hình, lực lượng, tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực để đánh địch, có những kinh nghiệm nhất định về đánh địch trong công sự vững chắc, đã được bước đầu huấn luyện để đánh sập các tập đoàn cứ điểm, khả năng khắc phục khó khăn, giải quyết những vấn đề cấp thiết để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm.
(còn tiếp)
-----------------
(01) [ Sđd, Nguyễn Văn Nhật, 2017. Lịch sử Việt Nam tập 11 (từ năm 1951 đến năm 1954), Hà Nội: NXB Khoa học xã hội - Trang 391]