Đi tìm nhà giáo
Nghệ thuật của việc dạy học là nghệ thuật sự giúp đỡ chúng ta khám phá. - Mark Van Doren
Để mở đầu phần này tôi xin được kể lại câu chuyện của mình như sau.
Năm thứ 3 học đại học, vào một buổi sáng đẹp trời tôi thức dậy, khép cửa lại để đi đánh răng rửa mặt như thường ngày.
Khi đi thì mọi chuyện vẫn tốt đẹp thế nhưng đến khi quay lại thì cửa phòng vẫn khép, vậy mà ví và điện thoại của tôi chẳng còn thấy đâu, đúng vậy, chúng đã bị kẻ nào đó đánh cắp mất rồi.
Lúc đó tôi cũng có đôi chút hụt hẫng nhưng chỉ là cảm giác thoáng qua mà thôi, phần lớn là tôi vui mừng. Tôi phải công nhận tôi là một kẻ lập dị, điên điên khùng khùng nhưng tôi không phải là tên ngốc, tôi vui vì ba lý do sau:
- Thứ nhất là tôi có thể được mua một chiếc ví và chiếc điện thoại mới;
- Thứ hai là tôi sẽ không có một chút hy vọng nào có thể tìm lại được hai món đồ đó cả, báo công an ư, ai đã từng là sinh viên thì bạn hiểu chuyện này sẽ đi đến đâu rồi đấy;
- Thứ ba và cũng là điều quan trọng nhất đó là việc này giúp tôi hiểu ra một điều: Không có kẻ nào dạy cho bạn đức tính cẩn thận tốt hơn kẻ trộm và nói không sai thì kẻ trộm ngày hôm đó chính là một người thầy của tôi, người thầy đã dạy cho tôi đức tính cẩn thận mà chưa có ai có thể làm được, và làm được tốt như thế.
Tôi mất một chiếc điện thoại có giá lúc mua là 3 triệu và chiếc ví trong đó chỉ còn 50 ngàn để có được một đức tính tốt, bạn nghĩ sao về điều này? Tôi thấy quá lãi. Tôi đã luôn nghĩ về tên trộm ngày hôm đó theo cách như vậy, người đó không chỉ dạy tôi về đức tính cẩn thận mà còn giúp tôi có thêm một cái nhìn khác về hai chữ: Người thầy.
Đó không chỉ những người đứng ở phía dưới bục giảng và thao thao bất tuyệt còn học sinh là người buộc phải lắng nghe dù có hiểu, có yêu thích hay không, người thầy còn có ý nghĩa khác rất rộng lớn, chúng ta có thể gặp họ ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào và trí thông minh của chúng ta được tạo nên bởi những người thầy như thế, những người mà xã hội gọi với những cái tên khác nhau như kẻ trộm, kẻ cướp, kẻ lừa đảo, hay gã Sở Khanh.
Một người giáo viên giảng dạy mà không truyền cảm hứng và niềm đam mê học tập cho người học thì chẳng khác nào một chiếc búa gõ vào thanh sắt lạnh. Horace Mann
Ai cũng mong muốn xã hội trở nên tốt đẹp hơn nhưng xã hội dù có phát triển thế nào cũng không thế thiếu kẻ này kẻ kia thậm chí còn sinh ra nhiều kẻ bệnh hoạn hơn trước đây rất nhiều, do đó hai chữ người thầy cũng sẽ thay đổi liên tục chứ không cố định, ngay cả một con chim, con cá, con chó, con mèo cũng có thể là thầy của ta, chẳng phải nhờ quan sát những lời động vật mà chúng ta tạo nên các bài quyền hay sao, chẳng phải nhờ nghe tiếng gà gáy mà chúng ta biết trời sáng, nhờ có loài chó mà chúng ta biết thế nào lòng trung thành, bất cứ ai cũng có thể là thầy của chúng ta chứ không cố định ở một ai, hay một sự việc cụ thể nào đó, tôi mong mọi người hãy hiểu rõ điều này.
Quay trở lại với câu hỏi: Thế nào là một nhà giáo dục? Ngày nay, chúng ta có thể được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau, có vô vàn cuốn sách viết về giáo dục và có cả những khẩu hiệu như:
- Cha mẹ chính là người thầy tốt nhất của con.
- Cha mẹ muốn giáo dục con nên người thì phải trở thành một nhà giáo dục.
- Người mẹ tốt hơn người thầy tốt.
và rất nhiều những khẩu hiệu có vẻ hào nhoáng khác nhưng hực chất theo tôi đều là hình thức bên ngoài chứ không có nhiều giá trị, nó mang tính khẩu hiệu, phong trào nhiều hơn là tri thức.
Khi đọc những tiêu đề kiểu như vậy, nghe qua thì có vẻ rất hay nhưng bản thân tôi chẳng dễ dàng tin vào những điều đó, tôi tự hỏi: Thế nào là một nhà giáo dục? Thế nào là một người thầy? Thế nào là cha mẹ? Cứ sinh con ra thì sẽ được coi là cha mẹ, và cứ dạy cho ai đó thì được gọi là thầy?
Có phải như vậy hay không? Việc đưa ra câu hỏi vốn đã không dễ dàng, nhưng việc trả lời nó như thế nào cho chính xác còn khó hơn rất nhiều lần. Tất nhiên là bất cứ ai khi được hỏi cũng có thể đưa ra quan điểm của cá nhân của họ nhưng liệu rằng câu trả lời đó có chính xác hay không? Hay là họ chỉ dựa vào kinh nghiệm của cá nhân để nói, tức là họ thấy việc đó có hiệu quả với con của mình và một vài đứa trẻ mà họ quan sát được thế nên sau đó họ cho rằng nó cũng sẽ hiệu quả với những đứa trẻ khác, họ cho rằng trẻ em đứa nào chẳng giống nhau, giáo dục trẻ em thì cứ áp dụng một hình thức là sẽ ổn cả thôi.
Nhưng nếu giáo dục theo kiểu đó thì sẽ giống như dây chuyền sản xuất đồ chơi vậy, chúng ta sẽ tạo ra được một số lượng cực lớn những sản phẩm tương đương nhau cả về hình thức bên ngoài lẫn chất lượng bên trong mà chẳng có sự khác biệt nào, bạn biết tôi đang nói về cái gì rồi đấy.
Nhưng con người chúng ta không đơn giản như vậy, ngay cả hai đứa trẻ được sinh đôi cùng trứng, có cùng cha mẹ, cùng lớn lên trong một môi trường, cùng hưởng một nền giáo dục giống nhau thì tôi xin khẳng định rằng hai đứa trẻ đó vẫn sẽ có những khác biệt, thậm chí là khác biệt hoàn toàn.
Điều gì đã tạo nên điều này, có ai trả lời được hay không, vậy mà người ta lại cho rằng đứa trẻ nào cũng giống nhau họ dạy con của họ thành công và sau đó họ nghĩ rằng mình có thể dạy bất kỳ đứa trrẻ nào trở nên thành công, thật nực cười và thật là một điều sai lầm, hết sức sai lầm.
Gai nhọn từ bé, một đứa trẻ ngay từ khi được thụ thai thì đã "khác" những đứa trẻ khác rồi, ý tôi là khác biệt hoàn toàn, đúng vậy khác biệt hoàn toàn.
Khác cha mẹ, khác môi trường, khác hình dáng, giọng nói mái tóc năng khiếu khác tất cả mọi thứ, vậy thì tại sao chúng ta lại áp dục một hình thức giáo dục giống hệt nhau cho tất cả những đứa trẻ có sự khác biệt về nhiều mặt như vậy, thật khó hiểu.
Sự thông minh và tài năng của một đứa trẻ vốn dĩ đã luôn vượt trội và được thể hiện ngay từ khi chúng sinh ra chứ không phải đợi cho đến khi chúng lớn lên, chỉ có điều do những người xung quanh họ quá ngu dốt để có thể hiểu được điều đó mà thôi, sự thật hiển nhiên đó là con người luôn lên án những gì vượt quá tầm hiểu biết của họ, không tin thì bạn cứ đọc về tuổi thơ của những vĩ nhân thì sẽ thấy ngay thôi.
Tôi không bao giờ dạy học trò của mình, tôi chỉ cố gắng cung cấp những điều kiện mà họ có thể học được. Albert Einstein
Để có thể trở thành một nhà giáo dục là điều không dễ dàng chút nào, như đã nói thì chúng ta không thể áp dụng mọi hình thức giáo dục cho tất cả mọi đứa trẻ được mà cần phải tách biệt chúng ra, càng sớm càng tốt để có thể giáo dục chúng theo hướng tốt nhất, có lợi nhất cho từng đứa trẻ đó, tức là một nhà giáo dục phải nhìn thấu được từng điểm mạnh và điểm yếu của mỗi đứa trẻ và sau đó sẽ giúp chúng có thể phát huy được hết khả năng của mình trong tương lai, họ có thể nhìn thấu được khả năng mà chính bản thân người đó cũng không thể nào ngờ tới, không nghĩ là mình có thể làm được.
Tuy nhiên khi đi đến đây thì chúng ta lại bị vướng vào một thứ rắc rối và phức tạp hơn rất nhiều, và rắc rối đó mang tên CON NGƯỜI, vâng đó chính là con người chứ không phải là ai khác.
Bạn có thấy vô lý không, bởi vì từ xưa đến nay vẫn chưa có ai hiểu được hết sức mạnh của bộ não hay khai thác hết được sức mạnh của chính mình vậy thì làm sao để họ có thể khai phá, hay giảng dạy về một lĩnh vực mà ngay cả chính bản thân họ còn chưa hiểu rõ cho người khác, thật buồn cười nhưng chúng ta vẫn đang làm như vậy đấy thôi. Nếu ai đó hỏi bạn rằng bạn đã hiểu hết về bản thân mình hay chưa? Đã khai thác hết sức mạnh tiềm ẩn của bản thân mình hay chưa thì câu trả lời chắc chắn là chưa. Chính vì nghịch lý này mà chúng ta suốt hàng năm vẫn chỉ là kế thừa lại thành tựu của thế hệ trước chứ thực chất, chúng ta không hề tốt hơn.
Ngay cả bản thân người dạy cũng không hiểu rõ được là mình đang dạy cái gì thì dĩ nhiên cũng sẽ đào tạo ra những học trò y chang như vậy và..liên tiếp năm này qua năm khác cho đến tận ngày hôm nay..có thể sẽ còn kéo dài tới cả tương lai nữa, họ cũng vướng vào rắc rối như bao nhiêu người bình thường khác mà thôi.
Nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua giáo dục hay không dạy ai nữa bởi vì nếu lúc này chúng ta ngừng lại thì tất cả mọi công sức của những thế hệ đi trước suốt hàng ngàn năm qua đều vứt đi hết, đều chẳng còn ý nghĩa gì, chúng ta vẫn phải tiến về phía trước dù con đường có khó khăn và gian lao cỡ nào thì cũng nhất quyết không được dừng lại.
Để làm được điều này tất nhiên là không thể thiếu được những người không ngừng khám phá để tìm ra những phương pháp tiếp cận mới mẻ, đột phá, chỉ có như vậy thì loài người mới có thể thoát khỏi tấm màn vô minh che khuất chúng ta suốt hàng ngàn năm qua.
Giáo dục không phải sự chuẩn bị cho cuộc sống; giáo dục chính là cuộc sống. - John Dewey
Có người khám phá thì tất nhiên là cần phải có người truyền bá và giảng dạy để tư tưởng đó có thể lan toả đến khắp mọi nơi. Và để làm được điều này thì chúng ta nhất định phải cần đến những người thầy cô giáo, những người làm về giáo dục và những nhà giáo dục thực sự. Ý tôi là thực sự, nghĩa là chúng ta sẽ không đánh giá một nhà giáo dục thông qua bằng cấp mà họ đang sở hữu mà sẽ đánh giá bằng những việc mà họ đang thực sự làm, đó mới là điều quan trọng.
Khi còn là sinh viên, tôi quả thật rất ấn tượng với cạc giảng dạy của những giáo sư nước ngoài, thực ra nó cũng không có gì to tát nhưng nếu nhìn lại thì mới thấy hoá ra bản chất cốt lõi của người thầy giáo lại đơn giản đến bất ngờ.
Khi có một sinh viên nào đó đưa ra câu hỏi thì vị giáo sư nước ngoài nếu có thể sẽ trả lời ngay lúc đó còn nếu không họ sẽ bảo bạn ở lại cuối giờ và giảng cho bạn đến khi nào bạn có thể hiểu được thì thôi, họ chẳng bao giờ từ chối bất cứ câu hỏi của sinh viên cả, họ sẽ nghi lại và trả lời hết cho đến khi nào sinh viên đó hiểu ra vấn đề mới thôi, vâng hãy nhớ là họ sẽ giảng cho đến khi nào sinh viên đó xác nhận là mình đã hiểu và có thể diễn giải lại bằng kiến thức của mình và người giáo viên cảm thấy học sinh đó đã hiểu ra vấn đề thì họ mới thôi, bạn đã từng gặp điều này ở những người giáo viên đã dạy mình hay chưa?
Vậy chúng ta thấy điều gì ở đây? Giáo viên có nhiệm vụ giảng giải, là người giải quyết vấn đề cho học sinh, nhưng phải làm đến nơi đến chốn tức là nếu người học có thắc mắc hay khó khăn gì đó thì người thầy phải có nhiệm vụ giải thích cho học sinh đó hiểu, hãy nhớ là giải thích cho đến khi vấn đề được giải quyết, cho đến khi người học hiểu được vấn đề đó mới thôi chứ không chỉ trả lời cho xong rồi mặc kệ, đó là một sự vô trách nhiệm.
Trong một lần tôi có một vấn đề về Firebase (Tôi là một lập trình viên) và vẫn chưa biết giải quyết thế nào thế nên tôi liền email đến đội ngũ của Google nhờ hỗ trợ và tất nhiên là vấn đề được giải quyết rất nhanh chóng vì họ đều là những người giỏi nhất thế giới mà, mấy người hỗ trợ cũng rất vui tính, tôi đoán chắc cũng chỉ tầm tuổi như tôi.
Điều đặc biệt là mặc dù tôi đã gửi email cảm ơn sự hỗ trợ nhưng sau đó họ còn gửi cho tôi thêm 2 emal nữa chỉ để hỏi xem tôi đã giải quyết được vấn đề hay chưa, có cần giúp thêm gì không, họ cần tôi xác nhận là vấn đề đã được giải quyết. Tôi không biết là họ rảnh rỗi hay tận tâm nhưng với một công ty lớn như Google thì có lẽ sự rảnh rỗi là điều tôi không tin lắm, vậy thì tại sao họ lại cần sự xác nhận từ phía tôi thì tôi ngay lập tức tôi nhớ đến phương pháp giảng dạy của những vị giáo sư nước ngoài ngày trước, được học tập và lớn lên trong môi trường như vậy thì sao có thể không tài giỏi được.
Có lẽ đọc đến đây thì chúng cũng đã hình dung ra được phần nào hình dáng của một nhà giáo dục rồi, có hai yếu tố mà tôi muốn nói đến đó là sự tận tâm, bầu nhiệt huyết, tức là mày đã hỏi tao thì tao sẽ giảng cho đến khi nào mày hiểu mới thôi, nhiệm vụ của tao lúc này chỉ có ăn ngủ đi vệ sinh và làm thế nào để cho mày hiểu vấn đề, giải quyết được vấn đề và tao sẽ bám riết lấy mày dai như đỉa vậy.
Con người chỉ có thể trở thành người thông qua giáo dục. Con người không gì khác hơn là những gì được giáo dục tạo nên. - Kant
Và yếu tố thứ hai đó kỹ năng giảng dạy, chúng ta có thể có thừa bầu nhiệt huyết nhưng nếu như không biết cách truyền đạt thì cũng không giúp họ hiểu được, tuy nhiên sự nhiệt tình có thể chưa mang lại kết quả ngay lập tức, chưa giúp người học giải quyết được vấn đề ngay lập tức nhưng nhất định sẽ giúp người đó có thể động lực để tiếp tục tìm cách giải quyết vấn đề đó, vì vậy tôi đánh giá cao sự nhiệt tình, sự tậm tâm hơn là kỹ năng giảng dạy.
Và dựa vào những yếu tố này tôi sẽ khái quát lại những đặc điểm mà theo tôi là cần phải có ở một nhà giáo dục, thiếu đi bất cứ yếu tố nào cũng không thể được coi là một nhà giáo dục đúng nghĩa được, và điều này theo tôi đúng ở mọi nền văn hoá chứ không chỉ riêng gì một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào hết, những đặc điểm đó như sau:
- Có tố chất của một nhà giáo dục
Tôi luôn luôn đề cao tố chất bẩm sinh của một người vì mỗi người trên thế gian này luôn là duy nhất, về nhiều mặt ngay từ khi họ được thụ thai.
Có những tố chất mà chỉ họ mới có mà thôi, dù người khác có cố gắng luyện tập hay làm giống thì cũng không thể nào làm đạt được đến trình độ như vậy. Tôi không bao giờ tin hoàn toàn vào việc thành công chỉ là do khổ luyện, hoặc cứ chăm chỉ và là sẽ thành công, tôi không bao giờ tin vào điều đó.
Chẳng phải con trâu con bò cũng làm việc rất chăm chỉ đấy hay sao, nhưng chúng có thành công hay không? Bạn có thể cho con chó tập bay được hay không? Chẳng phải công nhân là những người lao động rất vất vả đấy hay sao, nhưng họ cũng chẳng phải là người giàu nhất.
Muốn chọn cầu thủ bóng đá, họ chọn những người có năng khiếu và chọn ngay từ khi còn nhỏ. Nếu muốn có một ca sỹ chúng ta phải làm gì, cứ ra ngoài kia tìm đại một ai đó rồi đào tạo ư, tất nhiên là không thể nào làm vậy, chúng ta sẽ phải tổ chức những cuộc thi để tìm ra những người giỏi nhất, những người có năng khiếu trong lĩnh vực đó. Và muốn trở thành một nhà giáo dục thì trước hết chúng ta phải có tố chất để trở thành một nhà giáo dục đã.
Đức tính quan trọng nhất của một nhà giáo dục đó là đức hy sinh, tức là họ luôn có xu hướng hy sinh những lợi ích của cá nhân mình để mang lại niềm vui cho mọi người, được nhìn thấy mọi người vui vẻ chính là hạnh phúc lớn nhất của họ. Ai có được đức tính này, tất nhiên là còn cần một vài tố chất khác nữa nhưng đây chính là đức tính mà theo tôi là quan trọng nhất, những nhà giáo dục vĩ đại nhất luôn là người có đức tính này, vượt trội hơn hết vì nó luôn đi kèm theo đó rất nhiều đức tính tốt đẹp khác, vậy nên ai có được đức tính này là đã bước đầu có thể trở thành một nhà giáo dục trong tương lai.
Tố chất ở đây còn là khả năng truyền tải kiến thức cho người khác nữa, có rất nhiều người bảo họ làm thì họ làm rất tốt nhưng bảo họ dạy cho người khác thì họ lại không dạy được, đó là điều mà chúng ta vẫn gặp hằng ngày.
Khi đi học, chúng ta công nhận là có nhiều người thầy giáo rất giỏi môn đó nhưng cách họ dạy thì lại rất chán, chúng ta chẳng thể nào hiểu được họ nói gì, vậy nên khi muốn học một ai đó thì ngoài việc kiến thức của họ ra sao thì yếu tố quan trọng không kém đó là cách mà họ truyền tải kiến thức đó tới người học như thế nào.
Nếu anh có một lượng kiến thức là 10 nhưng anh giảng hay và anh có thể truyền được 8 phần kiến thức cho học sinh thì vẫn tốt hơn việc kiến thức của anh là 100 nhưng lại chỉ truyền được cho học sinh lượng kiến thức là 1, làm nghề giáo viên mà lại không thể hay không biết cách truyền tải kiến thức đến cho người học thì đó là kiến thức chết, là một việc rất nguy hiểm cần phải tránh.
- Tình yêu
Nếu một đứa trẻ nào đó có tố chất thiên bẩm về một lĩnh vực nhưng chúng lại không thích phát triển sự nghiệp theo hướng đó thì tài năng đó chẳng phải là rất lãng phí hay sao?
Khi có đức tính hy sinh cho người khác, chúng ta có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác nhau đó là bán hàng, chăm sóc khách hàng, làm lãnh đạo và phục vụ mọi người theo đúng nghĩa của hai từ phục vụ chứ không nhất thiết phải trở thành một nhà giáo dục.
Nhưng nếu chúng ta thiếu đi tình yêu và đam mê với một công việc nào đó thì sẽ rất khó để có thể làm tốt được công việc đó, vì để làm tốt được thì chúng ta phải trải qua một quá trình rèn luyện và tích lũy kiến thức đủ lâu chứ không phải là chỉ cần tôi thông minh hay tôi có tố chất là tôi có thể đạt được thành công ngay tức thì, điều này là hoàn toàn phi lý, có lẽ nhiều người đã nghe nói đến con số 10 nghìn giờ rồi phải không nào.
Vậy nên khi một người có đức hy sinh, có tinh thần sẵn sàng phục vụ người khác thì họ phải cần có tình yêu và niềm đam mê với giáo dục nữa thì mới thể trở thành một nhà giáo dục được và tất nhiên cha mẹ sẽ luôn là những người có đức tính này, vậy nên khi đi tìm một người thầy giáo tốt cho con thì chẳng có ai tốt hơn cha mẹ cả.
Một đứa trẻ chỉ được giáo dục ở trường là đứa trẻ không có học thức; George Santayana
- Sự kiên trì(kiên nhẫn)
Kiên trì là một đức tính quan trọng của một con người và nó lại càng quan trọng hơn nữa nếu như người đó muốn trở thành một nhà giáo dục.
Rất nhiều người giáo viên không có đức tính kiên trì và khi không có thì những người đó không phải là giáo viên, họ giảng dạy trong một thời gian ngắn và khi thấy học sinh đó không hiểu bài, không tiến bộ thì họ lập tức kết luận đó là một học sinh yếu kém, ngu dốt mà chẳng cần bận tâm hay suy nghĩ thêm điều gì, thật buồn khi phải nói ra điều này.
Giáo dục là một quá trình mà chúng ta không ngừng học tập từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, ngay cả trồng một cái cây cũng phải mất nhiều năm để thu hoạch, huống cho trồng một con người, như Bác Hồ nói thì đó là trăm năm trồng người, tức là cả một thế hệ.
Một người giáo viên mà không có đức tính kiên trì thì sẽ như thế nào, giống như mấy vụ đánh đập trẻ em và học sinh vì tức giận tràn lan trên các mặt báo đấy thôi, cha mẹ nói một vài câu thấy con không hiểu thì lập tức quát mắng mà không biết rằng chính cha mẹ mới là những người đáng trách, vì phần lớn nguyên nhân của sự việc đó là do cha mẹ đã không có đủ kỹ năng và kiến thức để giảng giải cho con chứ không phải là con không đủ thông minh để hiểu ra vấn đề, Albert Einstein đã nói: "Nếu anh không thể nói một cách đơn giản thì chứng tỏ anh chưa hiểu đủ rõ."
Đối với những giáo viên thiếu sự kiên trì thì ngay cả việc trở thành người giáo viên thôi họ còn không thể nào làm tốt được thì sao có thể trở thành nhà giáo dục được cơ chứ, nếu muốn trở thành một nhà giáo dục thì bắt buộc bạn phải có đức tính kiên trì, tôi nhấn mạnh đó là bắt buộc phải có, vì việc bạn làm có thể sẽ không mang lại kết quả khả quan ngay ngày mai, nhưng 10 năm hay 20 năm sau thì mọi chuyện sẽ khác rất nhiều đấy.
- Có kiến thức
Để trở thành một nhà giáo dục thì kiến thức là điều bắt buộc phải có mà không cần phải bàn cãi và để có được kiến thức thì chính chúng ta phải là những người không ngừng học tập và tích luỹ kiến thức mới, chúng ta phải là những người ham mê học tập trước đã rồi mới tính đến chuyện khác.
Kiến thức ở đây không chỉ là kiến thức chuyên môn tức tôi dạy văn và tôi chỉ cần viết về môn Văn và mặc kệ những môn khác, như thế là sai hoàn toàn.
Kiến thức phải bao quát và hiểu biết nhiều lĩnh vực, bởi vì các lĩnh vực bao giờ cũng có sự liên quan đến nhau, và nó phục vụ rất tốt cho việc giảng dạy, hồi cấp hai tôi có học một người dạy Hoá hát rất hay, lên cấp ba thì cô giáo dạy Lý cũng hát rất hay, tôi vẫn còn nhớ rất rõ cứ đến giờ học của các thầy cô đó là mọi người học rất vui vẻ và hào hứng, giáo viên sẽ hát cho cả lớp nghe một bài sau đó cả lớp lại xung phong hát đáp lại,nếu nhớ không nhầm thì tôi cũng hát rồi thì phải, ôi nói đến chuyện hát hò thì tôi không được giỏi cho lắm đâu.
Khi tôi bắt đầu học lập trình thì có người bảo tôi phải đọc những cuốn sách về lập trình chứ sao lại đọc mấy cuốn văn học. Tại sao chúng ta lại giới hạn khả năng học hỏi của bạn thân mình lại như vậy nhỉ, tôi thấy thật khó hiểu, đúng là chúng ta cần giỏi về lĩnh vực của mình nhưng chẳng nhẽ chúng ta học về lĩnh vực nào thì chỉ được đọc sách hay tìm hiểu về lĩnh vực đó mà không thể tìm hiểu lĩnh vực khác ư, đó làsuy nghĩ hoàn toàn ngớ ngẩn và thiển cận.
Chẳng nhẽ bạn có thể dạy một học sinh người Việt Nam nhưng lại từ chối dạy cho một em học sinh người châu Phi chỉ vì bạn không thích màu da của em học sinh đó?
Chẳng nhẽ một người giáo viên lại chỉ dạy cho những em học sinh có ngoại hình xinh xắn và từ chối những em có ngoại hình xấu xí, chỉ dạy cho những em học sinh giàu có, đút lót và từ chối dạy cho học sinh nghèo khó, xin hỏi đó là kiểu giáo viên gì vậy?
Hãy mở rộng tâm trí của bạn ra để đón nhận những điều mới lạ, một nhà giáo dục thì cần phải hiểu rõ điều này. Thế nhưng giáo viên và những bậc cha mẹ hiện nay mỗi năm đọc bao nhiêu cuốn sách? Họ đã học tập những gì? Họ có say mê học tập và tìm hiểu kiến thức mới hay không? Đó là những câu hỏi mà tôi rất mong muốn các bậc cha mẹ và những người giáo viên trả lời, bởi vì chính bọn họ bỏ qua việc dạy chính mình thì sao có thể dạy cho người khác được.
Đừng bao giờ nói với tôi là vì bận nên không có thời gian đọc sách, tôi không chấp nhận bất cứ lý do nào hết, tất cả chỉ là nguỵ biện cho sự ngu dốt và lười biếng mà thôi, nghèo rớt mồng tơi ra nhưng lúc nào cũng kêu bận, những người như vậy thường là những người không biết quý trọng thời gian, họ lãng phí thời gian một cách khủng khiếp cho những việc nhàm chán và vô nghĩa.
Nếu muốn trở thành một nhà giáo dục, hãy đặt ra cho mình một lời thề đó là tôi sẽ học tập trọn đời, khi tôi chết đừng đốt cho tôi nhà lầu xe hơi, hãy đốt cho tôi những cuốn sách thật đẹp, thật đáng giá, đó mới một nhà giáo dục thực sự.
- Có khả năng truyển cảm hứng(bao gồm cả kỹ năng giảng dạy)
Chúng ta không thể nào ép học sinh học những môn mà nó không thích, và có ép thì cũng chỉ ép được trong một khoảng thời gian nào đó chứ không thể ép được cả đời, đó là điều hoàn toàn đúng.
Vậy nên thay vì kiếm một sợi dây và kéo chiếc xe đó như một con trâu thì tôi sẽ lắp cho nó một cái động cơ để nó tự chạy, chạy nhanh và xa, xa đến tít tận nơi cuối chân trời hoà vào những đám mây và những tia nắng, thật là đẹp biết bao.
Một nhà giáo dục phải là người biết cách truyền cảm hứng cho học sinh của mình, chứ không phải là người nai lưng ra kéo xe như một con trâu. Thế nhưng cha mẹ ngày nay hình như đáng quá rảnh rỗi thì phải nê rất nhiều người đang chấp nhân làm kiếp trâu ngựa cho con mình, thay vì truyền cho con động lực và cảm hứng thì họ lại ra sức kéo, kéo đến kiệt sức và khi họ dừng lại thì đứa con của họ cũng chẳng biết phải đi như thế nào, chúng trở thành những kẻ ăn bám như cây tầm gửi mà có khi còn không bằng vì cây tầm gửi còn có thể chữa bệnh còn những người ăn bám cha mẹ và xã hội thì có tác dụng gì nhỉ?
Khi còn nhỏ tôi có đọc được một bài báo trên tạo trí Tri thức trẻ thì phải, tôi cũng không nhớ rõ lắm về việc tổ chức trại hè cho học sinh nhưng ở đó thay vì dạy cho những trẻ các môn học thì họ lại tập trung vào việc làm thế nào để học sinh yêu thích việc học, và những đó là cách mà tôi thấy thật tuyệt, thật đúng đắn.
Khi đứa trẻ thích một thứ gì đó, chúng sẽ làm hoài mà không biết chán, vậy thì tại sao cha mẹ lại không tìm cách để cho con yêu thích việc học, yêu thích một việc gì đó.
Thích một cái gì đó, làm một điều gì đó dù khó khăn cũng được còn hơn cảm giác chán tất cả mọi thức, khi còn nhỏ thì tôi thích nhiều thứ lắm, nhưng mà như thế đôi khi lại tốt vì đến khi lớn lên, đôi khi chẳng biết mình muốn gì, mình cần gì, cảm giác mất phương hướng và niềm tin là điều rất tệ.
Khi đi học, nhất định có những thầy cô giáo mà bạn cảm thấy giờ học của người giáo viên đó thật là thú vị, còn người khác thì chỉ buồn ngủ, hoàn toàn không phải là do môn học vì bất cứ môn học nào cũng đều có thú vị cả, do người giáo viên đã không biết cách truyền cảm hứng cho học sinh của mình đấy thôi.
Ép học sinh học thì chúng có thể học với tâm lý chán nản, không có hiệu quả trong thời gian ngắn, nhưng nếu biết biết cách truyền cảm hứng cho học sinh thì chúng sẽ học cả đời, học với một bầu nhiệt huyết tràn đầy, bạn chọn cái nào?
- Có khả năng nhìn ra những điểm yếu và điểm mạnh của người khác
Xin đừng nhầm lẫn với việc xem tướng số hay bói toán ở đây, hoàn toàn không phải như vậy tôi sẽ nói đến điều này ở một cuốn sách khác, tôi có đọc về lĩnh vực này mà.
Có khả năng nhìn ra điểm yếu điểm mạnh của người khác là một đức tính của những nhà lãnh đạo kiệt xuất, đó khả năng nhìn nhận con người và dùng người.
Tại sao Bác Hồ lại chọn bác Giáp đánh trận Điện Biện Phủ mà không phải là người khác?
Tạo sao Nguyễn Trãi thà 10 năm phiêu bạt lại chọn Lê Lợi là minh chủ?
Tại sao Lưu Bị phải đích thân ba lần xuống lều cỏ mời Gia Cát Lượng?
Nhiều người sẽ nói vì họ là những người tài, trời ạ, chúng ta biết điều đó vì họ là con người của lịch sử, chúng ta có thể nhìn thấu cả cuộc đời và sự nghiệp của họ rồi, quan trọng là lúc trước khi họ còn là những con người bình thường kia, đó mới là vấn đề.
Chúng ta giáo dục một ai đó, mà chẳng thể nào biết điểm mạnh và điểm điểm yếu của người đó là gì, họ có năng khiếu về đá bóng, chúng ta lại khuyến khích họ thi vào trường Luật, họ có khả năng về toán học, chúng lại bảo họ trở thành nhà thơ, vậy là huỷ hoại cuộc đời một con người rồi còn gì nữa.
Để nhìn nhận một cách đúng đắn về con người không phải chuyện dễ, có biết bao nhiêu lĩnh vực nghiên cứu về con người rồi mà vẫn đâu có hiểu được hết, chúng ta phải giỏi tướng số, nhân diện học, nhân chủng học, tâm lý học, y học và sinh học ư? Nhiều như vậy thì học đến khi nào mới hết, à có thể chúng ta sẽ sử dụng trí thông minh nhân tạo để làm điều này nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ vì rõ ràng nó do con người tạo ra thì sẽ luôn mang theo những hạn chế của con người mà thôi.
Tại sao chúng ta không đi hỏi một đứa trẻ 3 tuổi nhưng là thần đồng về tương lai của mình, về những khó khăn hiện tại, vì đứa trẻ đó không phải là một nhà giáo dục, nó chỉ giỏi về lĩnh vực nhất định còn viêc nhìn nhận, đánh giá người khác thì cần phải có sự kết hợp giữa kinh nghiệm và học thức nữa.
Nếu như anh đọc cả đống sách nhưng lại suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, hoặc ít va chạm với bên ngoài thì anh cũng không có được khả năng nhìn nhận một cách chính xác về CON NGƯỜI, nhiều người tuy không học nhiều chữ nhưng lại có khả năng nhìn nhận và đánh giá về con người rất tốt do họ có sự trải nghiệm trong đời, tuy nhiên hạn chế của họ là dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu, thế nên không có cái nhìn rộng lớn bao quát toàn bộ vấn đề và khi gặp một trường hợp khác ngoài khả năng của mình thì họ hoàn toàn không có nhiều hiểu viết về điều này, rõ ràng chẳng ai có thể sống đủ lâu để có thể trải nghiệm được hết các loại người trên thế gian này được vậy nên nhất định phải tìm hiểu về con người theo nhiều cách khác nhua chứ không thể nào chỉ dựa vào kinh ngiệm được.
Để trở thành một nhà giáo dục thì điều này rất quan trọng, khi anh giảng dạy cho một ai đó về một lĩnh vực thì nhất định anh phải biết là người đó có giỏi về lĩnh vực đó hay không, có đam mê lĩnh vực đó hay không, một nhà giáo dục giỏi là người biết cách khai phá những sức mạnh tiềm ẩn bên trong của mỗi người, giúp họ khám phá nó và học sách sử dụng khả năng đó.
Đừng bao giờ nghĩ nhà giáo dục là người chỉ có nhiệm vụ truyền tải kiến thức, đó chỉ là một phần nhỏ trong giáo dục mà thôi, và một giáo viên tồi là một người giáo viên luôn bắt học sinh phải làm theo ý của mình, họ cho là đúng thì họ bắt học sinh cũng phải cho đó là đúng, họ thấy sai thì họ cũng bắt học sinh phải cho đó là sai, họ làm vậy là sự thể hiện cái tôi thấp kém của mình chứ không phải giáo dục hay mang tính giáo dục gì hết.
Một người giáo viên giỏi phải là người biết cách gợi cho học sinh tìm thấy niềm hứng thú với việc học hiện tại, phải biết cách khơi gợi lên niềm đam mê và mơ ước của người họ, để họ có sức mạnh khám phá chính bản thân mình chứ không phải là sự áp đặt một cách chủ quan, xin hãy nhớ cho là như vậy.
- Là một tấm gương
Nếu như chúng ta không tốt đẹp thì chúng ta chẳng thể nào dạy ai được và cũng chẳng ai thèm nghe những điều chúng ta dạy. Lãnh đạo noi gương là một cách lãnh đạo rất hiệu quả, và giáo dục noi gương còn hiệu quả hơn nhiều. Tại sao?
Vì giữa lãnh đạo và giáo viên thì có khá nhiều điểm khác biệt, một người lãnh đạo còn có quyền lực vị trí, có thể sa thải và đuổi việc cấp dưới của mình nhưng người giáo viên thì hạn chế hơn, hãy nhớ giáo viên là người đi phục vụ cho học sinh, là một bán hàng và học sinh là người bỏ tiền ra mua kiến thức đó vậy nên họ phải chinh phục học sinh hoàn toàn bằng tài năng và kiến thức của mình chứ không có quyền đuổi ai hết, hay đúng hơn là quyền đuổi khách hàng của mình vì làm vậy thì họ sẽ chẳng có tiền mà sống.
Điều đáng buồn là hiện nay nhiều người tuy làm trong lĩnh vực giáo dục nhưng họ lại suốt ngày chỉ lo đi dạy đời người khác chứ không hề giáo dục chính mình.
Khi anh có kiến thức và anh muốn dạy kiến thức đó cho người khác, đó là chuyện rất bình thường, đó là sự thể cái tôi rất bình thường và đôi khi còn là tầm thường nữa, nhưng nếu anh có kiến thức và anh tự áp dụng kiến thức đó để dạy chính mình thì đó mới chính là một giáo dục thực sự hay nói cách khác dễ hiểu hơn đó là: Một nhà giáo dục phải là người không ngừng tự học, tự dạy và tự hoàn thiện bản thân mình trước khi chia sẻ kiến thức của cá nhân cho những người khác.
Nếu như ai đó chỉ chăm chú vào việc đi dạy người khác mà không tự dạy chính mình thì có thể là vì anh ta đang làm nghề để kiếm sống hoặc anh ta muốn thể hiện rằng anh ta giỏi hơn người khác, anh ta chỉ đang thể hiện cái tôi cá nhân rất bình thường chứ không phải là giáo dục.
Hiện nay với việc có thể chia sẻ kiến thức một cách dễ đang thì có rất nhiều người như vậy, tuy nhiên đừng mang cái chết ra để mà doạ những kẻ chán đời, nếu gặp những kẻ như vậy tôi khuyên bạn hãy phớt lờ và bỏ qua đi đừng cố thay đổi làm gì, những kẻ có kiến thức nửa vời như vậy rất nguy hiểm, đáng buồn là chúng ta phần lớn lại đều như vậy.
Trên đây là 7 đặc điểm mà theo tôi một là một nhà giáo dục bắt buộc phải có, hãy nhớ là bắt buộc phải có chứ không chỉ có một hoặc hai đặc điểm đó và mỗi đặc điểm phải được thể hiện một cách rõ ràng và sâu sắc, chứ không hời hợt và nhạt nhoà.
Bạn có thể đọc thêm bài viết Đi tìm nhà giáo của thầy Giáp Văn Dương trong chuyên mục Góc nhìn của báo vnexpress, đây là một bài viết cũng rất hay và nó đã truyền cảm hứng cho mình viết ra bài này, đặt tiêu đề cũng giống luôn nè. :D