Đến với chùa Keo Hành Thiện một ngày xuân
Ngày cuối thánh giêng tôi theo đoàn đi du xuân rời Hà nội đi về phía nam, điểm đến của chúng tôi là một vùng quê yên bình và giầu lòng mến khách. Thẳng cầu Đò quan thơ mộng 15 km, vượt qua con sông hồng hùng vĩ, chúng tôi đặt chân lên một vùng đất hiếu học, nơi sinh ra cố chủ tịch Trường Chinh, nơi ấy có tên là Làng Hành Thiện, Xã Xuân Hồng, Huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ở đó, có một ngôi chùa cổ được mệnh danh là ngôi chùa không sư duy nhất ở Việt Nam, đó là Thần Quang Tự mà dân gian vẫn gọi là chùa Keo Hành Thiện.
Thoạt nghe đến tên chùa Keo có lẽ mọi người hay nghĩ đến ngôi chùa Keo ở Thái Bình, nhưng ít ai biết rằng mặc dầu có quy mô nhỏ hơn nhưng chùa Keo Hành Thiện lại có niên đại sớm hơn, và nếu xét về tổng thể, chùa Keo Hành Thiện có thể xem là khuôn mẫu dựng lên chùa Keo Thái Bình.
Chùa Keo Hành Thiện có một kiến trúc khá giản dị với hai tam quan nội và tam quan ngoại. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt nước trong xanh, soi bóng tháp chuông mái cong uy nghiêm, thơ mộng. Cũng như những ngôi chùa khác, nghĩa là chùa cũng bao gồm cổng tam quan, cung chùa Phật, đền thánh, đền thờ đức tổ sư… Trước cổng chùa cũng có hai cây đa cổ thụ ngót bốn trăm tuổi soi bóng xuống mặt hồ; hai dãy hành lang gồm bốn mươi gian gỗ lim, mái ngói vảy cá chạy dọc sân chùa lát gạch nghiêng, viên nào viên nấy cũng rắn đanh một màu lửa nung già dặn.
Tuy không có gác chuông chồng diêm 3 tầng 12 mái đồ sộ như chùa Keo Thái Bình, gác chuông chùa Keo Hành Thiện cũng là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7m50. Dáng vẻ thanh thoát với mái cong, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn. Phía dưới là 8 đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng chạm khắc hoa văn cánh hoa sen nở.
Ngôi chùa uy nghi tọa lạc trên vùng đất cao nhất của ngôi làng. Mặc dù ngôi chùa đã hơn 400 năm tuổi nhưng có lẽ màu thời gian chỉ ghi dấu trên nóc đền thờ Phật, nơi có tượng đôi nghê tọa lạc và màu vôi đã chuyển sang màu đùng đục. Sân chùa vắng vẻ, yên tĩnh đến lạ kì càng làm nổi lên vẻ trầm mặc và huyền bí. Trong sân chùa rộng mênh mông và hoang vắng, những mái chùa cong cong, những cột, kèo nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”; cửa tam quan đóng im ỉm… Gác chuông hai tầng nằm lặng lẽ. Tất cả dường như đang 'chìm đắm trong giấc ngủ'. Mái chùa khá thấp với những bậu cửa cao khiến cho ai cũng phải cúi đầu bước qua trước khi vào lễ phật.
Cả ngôi chùa được làm bằng gỗ, toàn bộ hệ thống vì kèo được kết cấu theo lối chồng giường đỡ mái, kết hợp với việc làm gác lửng. Kết cấu này đã khiến người ta khi bước vào chốn Thiền không có thể chiêm ngưỡng nét đẹp của các đầu dư chạm rồng rất tỉ mỉ. Lệch về phía bên của gác lửng, người ta đặt một cái thang gỗ để có thể leo lên gác lửng phía trên chiêm ngưỡng cũng như thỉnh những hồi chuông.
Không gian chùa là cả một khu kiến trúc cổ to lớn với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau soi bóng xuống mặt hồ lung linh huyền diệu. Hai bên đường kiệu lát gạch, kề liền hai dãy hành lang, mỗi dãy gồm 40 gian bề thế
Đặc biệt nữa là Tam quan nội của chùa được dựng theo dạng thức Tam quan kép tức Tam quan gác chuông với cấu trúc tam quan 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Nó được dựng trên 8 đại trụ của bốn bộ vì chính và 16 cột quân kê trên chân đá tảng chạm hoa sen.
Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ thứ 17 thời Hậu Lê. Đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp nhiều chuông khánh, văn bia cổ, hoành phi câu đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo. Sau chùa là đền Thánh thờ Đức Thánh Tổ Đại pháp thiền sư Không Lộ, người chữa khỏi bệnh cho vua Lý Nhân Tông.
Tương truyền, nguyên thủy chùa do Thiền sư Không Lộ xây dựng ở ven sông Hồng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông, tại hương Giao Thủy, phủ Hải Thanh (nay là xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo. Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, nơi có chùa. Một bộ phận dân cư dời sang phía nam sông Hồng, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Hạ hay chùa Keo Hành Thiện. Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình, về sau cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Thượng.
Tuy nhiên, cũng có truyền thuyết lại kể rằng khi Thiền sư Không Lộ dựng chùa, dân làng nơi đây không mấy mặn mà với khói nhang, tượng phật. Đức Thánh tổ giận dữ mới rời chùa đi nơi khác.
Trong một đêm, Đức Thánh đan không biết bao nhiêu rọ tre, rồi tất cả tượng phật ngài đều cho cả vào đấy. Ngài ngả nón làm thuyền vượt sông Hồng sang đất Thái Bình, mang theo tất cả tượng phật về nơi đất mới. Cũng nội trong đêm ấy, khi dân làng Duy Nhất (huyện Vũ Thư - Thái Bình) tỉnh giấc đã thấy ngôi chùa sừng sững mọc lên. Đức Thánh tổ rời bỏ chùa cũ cùng với lời nguyền: sẽ không có sư nào đến ở đất Hành Thiện. Câu chuyện ấy cứ tồn tại theo miệng nhân thế, nó làm cho ngôi chùa càng trở nên bí ẩn. Chùa không sư, bởi vậy người trông nom chùa là những ông thủ từ, hơn 400 trăm năm tồn tại đã có hơn 20 đời các ông thủ từ trông giữ chùa.
Chia tay chùa Keo Hành thiện chúng tôi trở về Hà Nội, trong tâm bỗng cảm thấy thanh thản lạ kì. Phải chăng là cái hồn cái khí của một vùng quê yên bình, hay chính sự trầm mặc linh thiêng của ngôi chùa cổ đã khiến cho mọi người đều trở nên vui vẻ, và yên bình hơn. Có lẽ trong lòng mỗi người đều có một cảm xúc khó quên của một lần đến thăm ngôi chùa cổ vào ngày đầu xuân. Chắc hẳn ai cũng mong muốn làm việc thiện nhiều hơn như cái tên của ngôi chùa: Chùa Keo Hành Thiện.
Tác giả: Nguyễn Lan Hương
đi chùa
,chùa keo
,tinh hoa việt nam
,văn hóa
Bài viết hay quá
Hằng Nguyen
Bài viết hay quá
Nguyễn Minh
Mình cũng đến đây rồi, rất yên bình và thanh tịnh