Đến lúc Ebook cũng cần nhận được sự quan tâm như sách giấy
(Sách giấy hay Sách điện tử? đâu là lựa chọn của bạn, và tại sao? TVTL rất muốn lắng nghe quan điểm từ cộng đồng Noron ạ ^^)
Thông điệp của ngày Sách và Bản quyền Thế Giới năm nay là “Đọc để không thấy mình cô đơn”. Với sách, chúng ta không chỉ kết nối với suy nghĩ, tâm tư của người viết. Mà còn mở ra cho chính bản thân mình những không gian mới, những hiểu biết mới.
Khi tình hình đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn còn khá căng thẳng, lễ hội, du lịch còn bị hạn chế thì sách – một lần nữa – làm rất tốt nhiệm vụ giải trí, cung cấp kiến thức và kết nối, để khiến con người thực sự không còn cảm thấy cô đơn hay cô lập nữa. Có sách, tức là bạn đã có chìa khóa để mở ra rất nhiều chiều không gian mới.
Và không chỉ sách giấy, ngày nay với sự phát triển của công nghệ, chúng ta còn có cả sách điện tử – hay còn được gọi bằng cái tên quen thuộc là eBook. Nếu sách giấy đơn thuần là chiếc chìa khóa cho người đọc mở ra vùng đất mới, thì eBook chính là chiếc khóa số toàn năng, không chỉ mở cho người đọc cơ hội tiếp cận câu chuyện, tri thức dễ dàng hơn, mà còn mở cho người viết cơ hội tiếp cận độc giả của mình rộng rãi hơn.
Vậy nhưng tại Việt Nam, những lợi ích mà eBook mang lại vẫn chưa được khai thác triệt để. Thậm chí, tồn tại một định kiến rằng eBook gắn với những thứ nội dung “lậu”, “chui” và kém chất lượng.
eBook tiếng Việt còn hạn chế về cả chất lẫn lượng…
Hiện nay, eBook tại Việt Nam chủ yếu có ba loại chính: eBook chuyển thể từ sách giấy có bản quyền, do các đơn vị phát hành mua bản quyền từ nhà xuất bản và chuyển thể thành dạng sách điện tử; eBook chuyển thể từ sách giấy, nhưng là dạng scan lại bản in và được phát hành không thông qua bất cứ đơn vị nào; eBook do các người viết tự xuất bản hoặc viết theo đơn đặt hàng của các nhãn hàng.
Trong đó, lượng eBook có bản quyền dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo báo cáo năm 2019 của Cục Xuất bản, In và Phát hành, xuất bản phẩm điện tử đạt hơn 2.400 bản – chỉ bằng 1/14 so với khoảng hơn 33.000 đầu sách in.
Có ba lý do khiến lượng eBook bản quyền tại Việt Nam ít như vậy: một là quy trình xuất bản một cuốn eBook chuyển thể từ sách giấy còn nhiều khó khăn; hai là eBook bản quyền không mang lại đủ lợi nhuận cho nhà phát hành; ba là người đọc chưa có thói quen mua eBook và sau khi mua, họ thường chia sẻ miễn phí cho những người đọc khác.
Theo báo cáo của Waka – Nền tảng xuất bản điện tử số một Việt Nam thì nước ta có tiềm năng phát triển tự xuất bản điện tử lớn. Với tổng dân số năm 2019 là 96.96 triệu người, trong đó 36% là dân thành thị, 66% dân số sử dụng Internet, tỉ lệ người biết đọc là 95% và tỉ lệ người đọc sách trên 30 phút mỗi ngày là 25% – điều đó chứng tỏ người Việt có khả năng cao để tiếp cận với eBook, cùng với đó là nhu cầu lẫn thói quen đọc sách của người Việt ngày càng cao. Nên eBook hoàn toàn có cơ hội để phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Ý thức và thói quen của người đọc vẫn là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng eBook tiếng Việt tại Việt Nam. Mà đối với xã hội công nghệ ngày nay, khi người đọc dần hình thành thói quen đọc trên các thiết bị điện tử hơn là sách giấy, nếu không có đủ eBook bản quyền, họ buộc phải lựa chọn các sản phẩm eBook scan “lậu”. Vậy là, vô hình trung thì sự xuất hiện của eBook “lậu” khiến cuộc chiến bản quyền sách giấy thật – sách giấy giả thêm phần cam go.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của câu chuyện eBook. Lượng eBook chiếm phần nhiều trên thị trường hiện nay là các eBook do người viết tự xuất bản, tự phát hành, không hề có bản quyền, cũng không hề được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ hay kiểm duyệt chất lượng nội dung. Câu chuyện về eBook đến đây mới thực sự có nhiều điều đáng nói.
…Nhưng lại là con đường rải hoa hồng để người viết tiếp cận đến người đọc
Bằng việc tự xuất bản, tự phát hành, người viết dễ dàng tiếp cận hơn đến người đọc mà không gặp phải khó khăn gì trong thủ tục hành chính: không cần kiểm duyệt, không cần đăng ký sở hữu trí tuệ, không cần tính toán số bản in, không cần thiết kế dàn trang, in ấn…Rất nhiều khâu xử lý tốn thời gian và chi phí thuộc về sách giấy được giản lược.
Nếu chúng ta đặt eBook và sách giấy lên bàn cân về lợi nhuận, bạn có thể sẽ bất ngờ. Xuất bản sách giấy hay eBook, người viết cũng cần đầu tư một lượng chất xám như nhau. Nhưng nếu xuất bản dưới dạng eBook thì không cần tốn chi phí cấp phép, đăng ký bản quyền, in ấn… mà chỉ cần tốn chi phí thiết kế, quảng cáo – vốn là những chi phí mà sách giấy cũng cần để đến được với người đọc.
Trong khi xuất bản sách giấy, lợi nhuận cuối cùng người viết thu về chỉ là một vài phần trăm nhuận bút đến từ doanh thu của sách, do nhà xuất bản chia lại, thì lợi nhuận gộp khi người viết xuất bản eBook có thể lên đến 55% số tiền thu về từ độc giả sau khi đã trừ đi tối đa 35% cho thuế thu nhập cá nhân và tối đa 10% cho thuế giá trị gia tăng đối với các hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
Nhưng lợi nhuận không phải là tất cả những gì người viết mong muốn khi xuất bản eBook. Cơ hội tiếp cận với người đọc mới là cái đích cuối cùng. Nhất là những cuốn sách đầy tâm huyết, thường là về các chủ đề nóng (chính trị, kinh tế, tình dục,…) mà khi qua khâu kiểm duyệt để xuất bản sách giấy, người viết có thể sẽ phải lược bỏ hoặc chỉnh sửa ý tứ rất nhiều để thỏa mãn các tiêu chuẩn do luật pháp đặt ra.
Tại các đất nước đang phát triển, như Syria, eBook dường như là cứu cánh cho người viết tại đây. Theo chia sẻ trên Actualitte.com từ Samar Haddad – một nhà xuất bản độc lập tại Syria, việc kiểm duyệt để xuất bản sách giấy tại đây là một rào cản nặng nề khiến người viết gặp khó khăn cùng cực trong việc tiếp cận người đọc.
Nếu muốn xuất bản một cuốn sách tại Syria, tác giả sẽ phải chờ từ 2 – 8 tháng để được kiểm duyệt và đem đi in. Với thời gian kiểm duyệt lâu như vậy, những cuốn sách về chủ đề nóng hoặc vấn đề thời sự hoàn toàn không còn giá trị và rất khó để thu hút sự quan tâm của người đọc.
Thậm chí, có những cuốn sách được in, nhưng cuối cùng vẫn không thể tiếp cận đến người đọc. Samar và nhà xuất bản của bà đã xuất bản 7 cuốn sách về đời sống tình dục của người Ả-rập vào thời Muhammad. Hãy thử nghĩ xem, ở một đất nước chủ yếu là người Hồi giáo, tình dục là chủ đề cấm kỵ và hiếm khi được nhắc đến một cách công khai, vậy mà Samar vẫn làm mọi cách để 7 cuốn sách đó được in. Đó là một sự nỗ lực không tưởng!
Theo kế hoạch, 7 cuốn sách đó sẽ được bày bán tại Hội chợ Riyadh – hội chợ sách thường niên với sự có mặt gần nửa triệu du khách ở Ả-rập Xê-út hoặc Qatar. Nhưng cuối cùng thì cái kết không tốt đẹp như vậy. Khi Samar và nhà xuất bản của bà nghĩ rằng những cuốn sách đã đến được với người đọc, thì thực chất, chúng đang nằm trong nhà kho của trung tâm triển lãm và bị tịch thu khi hội chợ kết thúc. Và mãi một năm sau, Samar mới biết điều này.
Những cuốn sách “nóng” và nỗ lực đưa văn hóa đến với người đọc của Samar – cũng như nhiều nhà xuất bản độc lập và người viết độc lập khác, có lẽ sẽ bị chôn vùi theo thời gian khi không được thông qua bởi hàng rào kiểm duyệt. Người đọc có lẽ sẽ không được tiếp cận đến những tác phẩm nóng nếu chỉ dựa vào sách giấy. Nhưng may mắn thay, eBook xuất hiện.
Đối với Samar, khi eBook xuất hiện và trở thành xu hướng xuất bản tại đây, việc xuất bản lại trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nhờ sự giúp đỡ của công nghệ và nền tảng xuất bản điện tử, các tác phẩm viết bằng tiếp Ả-rập có thể hiển thị trên các thiết bị điện tử mà không bị lỗi font. Các tác phẩm cũng được phổ biến rộng rãi hơn nhờ việc nhà xuất bản ký hợp đồng với Google, nên ngay khi được in, sách sẽ được bán trên Google trước khi được bán ở thị trường trong nước.
Với sự thay đổi này, cả sách giấy lẫn eBook đều được bán dễ dàng hơn, tiếp cận nhiều người đọc hơn trong thời gian ngắn hơn. Có lẽ, nhờ vậy mà 7 cuốn sách về đời sống tình dục của người Ả-rập vào thời Muhammad do nhà xuất bản của Samar phát hành đã được đi rất xa trên mạng Internet.
Samar Haddad và nhà xuất bản độc lập của bà coi rằng đây chính là giải pháp cho hai vấn đề lớn: sự khó khăn và chậm trễ trong khâu kiểm duyệt cùng với chi phí vận chuyển sách giấy đến tay độc giả.
Dù vậy, Haddad vẫn gặp vấn đề về việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm eBook trên Internet. Bà đã làm việc với một người phân phối eBook có bản quyền dưới dạng PDF miễn phí để giải quyết vấn đề này.
Samar nói về những ảnh hưởng mà việc chia sẻ eBook miễn phí gây ra cho nhà xuất bản (độc giả thay vì mua eBook thì chờ để được đọc bản miễn phí). Câu trả lời bà nhận được từ người phân phối eBook miễn phí là: “Bằng việc phân phối eBook miễn phí, người đọc có thể bị thu hút để mua sách giấy, như vậy sách giấy vẫn có lợi”.
Cuối cùng, tất cả những gì Samar có thể làm để bảo vệ eBook là giải thích với người đọc về những ảnh hưởng xấu đến nhà xuất bản và người viết mà việc đọc eBook không trả phí gây ra.
Nhưng không nhiều người hiểu được điều này. “Điều khiến người ta đau lòng nhất là người ta dễ dàng tiết kiệm tiền để mua những thứ vớ vẩn, chắc chắn không phải là sách”, bà Samar chia sẻ.
Hoa hồng nào cũng có gai
Ở một góc nhìn khác của câu chuyện thì không phải người viết nào cũng đủ khả năng để tự xuất bản và quảng bá cho một cuốn eBook hay đủ lượng người đọc trung thành để ủng hộ khi ra eBook. Cùng với đó, không phải người đọc nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để mua một file mềm dưới dạng PDF. Vì thế, với tình trạng như hiện nay, eBook chưa thể trở thành một nguồn thu nhập tốt cho người viết.
Bên cạnh đó, cũng chính vì không phải thực hiện các thủ tục đăng ký bản quyền, đăng ký sở hữu trí tuệ nên những người viết lựa chọn xuất bản tác phẩm bằng eBook không có lớp rào chắn nào để bảo vệ tài sản trí tuệ của họ. Các tác phẩm dễ dàng được “bê” đi khắp mọi nơi trên internet, không cần ghi nguồn, thậm chí sử dụng tên người viết khác mà không ai có thể kiểm soát được.
Linh Phan – một trong những cây bút tự do khá nổi tiếng trong cộng đồng người viết Việt Nam, là một ví dụ điển hình cho nỗ lực tự bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.
Sau nhiều lần bị “ăn cắp” bài viết một cách trắng trợn, mọi bài viết trên mạng xã hội đều được Linh Phan thêm một đoạn ngắn với nội dung: “Hãy tôn trọng công việc của các tác giả, cây viết, nhiếp ảnh gia và hoạ sĩ. Chúng tôi hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và đặc biệt là không cắt xén tên tác giả. Cảm ơn bạn.”
Nếu ví sách giấy giống như những “nghệ sĩ hoạt động chính thống”, thì ở Việt Nam eBook có vẻ vẫn như là những “nghệ sĩ underground” (nghệ sĩ hoạt động ngầm): không quá nhiều người quan tâm và cũng không phải là lựa chọn hàng đầu của nhiều người, nhưng nội dung lại vô cùng phong phú, người viết dễ xuất bản, người đọc dễ tiếp cận và chưa có luật pháp hay quy định nào để quản lý, bảo vệ. Vậy nhưng nếu eBook cứ mãi trôi nổi như thế, thì eBook tiếng Việt có cải thiện được chất lượng và số lượng không?
Những cuốn eBook được sinh ra nhiều khi để tặng miễn phí, nhằm xây dựng tên tuổi người viết hoặc thu hút sự quan tâm từ khách hàng của nhãn hàng liệu có nên trở thành hướng đi mới cho ngành xuất bản? (Công chúng hiện đã không còn xa lạ với thông điệp “Để lại thông tin để nhận eBook miễn phí”).
Đối với người viết, eBook hiện tại dù còn nhiều bất cập nhưng vẫn là một lựa chọn lý tưởng để xuất bản và đạt được những thành công, về cả tài chính lẫn tiếng tăm trên con đường viết lách của mình.
Còn với người đọc, khi có đủ ý thức, sự tôn trọng và sự quan tâm dành cho eBook, thì khi đó người viết sẽ cung cấp nội dung chất lượng hơn, nhà phát hành sẽ thực hiện số lượng tác phẩm đa dạng hơn.
Nhân ngày Sách và Bản quyền Thế Giới, bạn hãy thử tìm đọc eBook của một người viết trẻ, biết đâu, bạn sẽ gặp cuốn sách thú vị nhất cuộc đời mình ở xó xỉnh nào đó trên Internet.
(nguồn: https://ngaynay.vn/sach-dien-tu-ebook-tuong-lai-trong-ban-tay-post106553.html)
ebook
,sách giấy
,văn hóa đọc
,tương lai
,sách
Ôi đọc sáchhh bằng gì cũng thật lắmmm gian nan T.T tớ thích sách giấy hơn Thư viện ạ :>>>>
Sophie
Ôi đọc sáchhh bằng gì cũng thật lắmmm gian nan T.T tớ thích sách giấy hơn Thư viện ạ :>>>>
Ngoc An
Sách truyền thống còn vi phạm bản quyền nhan nhản thì kiểm saost được Ebook còn là câu chuyện khó gấp bội
Nguyễn Quang Vinh
Mình nghĩ lúc này mới xem xét ebook có lẽ là quá chậm. Cá nhân mình đã dùng ebook từ hơn 10 năm nay, từ khi mới có cái laptop đọc file prc bằng phần mềm mobipocket reader, và app Kindle để đọc trên cái Galaxy pocket với cái màn hình 2.8inches. Và ebook cực kỳ tiện, thay vì phải mang theo 1 cuốn sách dày cộp, thì giờ đây chỉ cần cái điện thoại là có 1 thư viện sách cỡ nhỏ bên trong rồi. Nên nếu chọn giữa sách giấy và ebook mình sẽ chọn sách giấy để trang trí cái kệ và ebook để đọc.
Anh Nguyen
Sách điện tử đã xuất hiện khá lâu, và nó thực sự ưu việt. Tuy nhiên mọi người không xem trọng Ebook mấy