Để Việt Nam trở thành “thánh địa” nghiên cứu Việt Nam học của thế giới?
kiến thức chung
Trong các ngày từ 15 – 18/12/2016 tới đây, Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 sẽ được tổ chức. Chủ đề của hội thảo lần này là “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”.
Là một nhà khoa học đã tham gia cả 5 kì hội thảo và đã từng đóng vai trò chủ chốt trong Ban tổ chức của nhiều kì hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN chia sẻ: “việc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với việc dần đưa Việt Nam trở thành thánh địa nghiên cứu Việt Nam học của toàn thế giới”.
– Thưa Giáo sư, điều này nên hiểu thế nào cho đúng ạ?
Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học là một sinh hoạt khoa học được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn học thuật thảo luận và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng hướng tới việc đẩy mạnh sự phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu, quy tụ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tiến tới hình thành một tổ chức quốc tế về Việt Nam học mà ở đó Việt Nam đóng vai trò trung tâm.
Một thời gian dài trước đây, trung tâm nghiên cứu Việt Nam nằm ở châu Âu và Hoa Kì. Chẳng hạn, Tổ chức EuroViet – nơi tập hợp những người châu Âu nghiên cứu Việt Nam đã từng tổ chức nhiều cuộc hội thảo về Việt Nam học tạo tiếng vang.
Song kể từ năm 1998, khi hội thảo quốc tế Việt Nam học lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam thì sức hút của EuroViet giảm dần. Vai trò trung tâm chủ trì các hoạt động nghiên cứu về Việt Nam dần chuyển về Việt Nam và đó chính là yếu tố tác động tích cực của hội thảo quốc tế Việt Nam học. Đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới ngày càng có sự quan tâm sâu sắc và mạnh mẽ đối với chuỗi hội thảo quốc tế Việt Nam học được tổ chức tại Việt Nam. Hiện nay, EuroViet hầu như không còn hoạt động nữa. Trên cơ sở các hoạt động khoa học về Việt Nam học, tới đây tiến đến việc hình thành mạng lưới nghiên cứu Việt Nam tầm cỡ thế giới mà ở đó Việt Nam đóng vai trò trung tâm.
– Xin Giáo sư chia sẻ rõ hơn về qui mô của các lần hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học?
Tôi xin nhấn mạnh về ý nghĩa sâu sắc của hội thảo quốc tế Việt Nam học là sinh hoạt khoa học đặc biệt, là diễn đàn để các nhà khoa học nghiên cứu Việt Nam khắp năm châu trình bày các nghiên cứu của mình và góp phần để Việt Nam hiểu sâu sắc hơn chính bản thân mình.
Năm 1998, khi tổ chức lần đầu tiên đã có trên 300 nhà khoa học quốc tế đến từ 27 quốc gia thuộc khắp các châu lục tham gia hội thảo này. Riêng phiên khai mạc có trên 1.000 người tham dự.
Hội thảo lần thứ nhất có chủ đề là “Nghiên cứu Việt Nam và phát triển hợp tác quốc tế” có 15 tiểu ban với tổng số 395 báo cáo, trong đó có 163 báo cáo của các nhà khoa học quốc tế.
Hội thảo Việt Nam học lần 2 tổ chức năm 2004, có chủ đề “Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập: Truyền thống và hiện đại”, với 10 tiểu ban, tổng số 316 báo cáo trong đó có 104 báo cáo quốc tế.
Hội thảo Việt Nam học lần 3 tổ chức năm 2008, có chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”, với 18 tiểu ban, 531 báo cáo trong đó có 160 báo cáo quốc tế, 370 báo cáo trong nước.
Hội thảo Việt Nam học lần 4 tổ chức năm 2012, có chủ đề “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững”, qui tụ gần 1000 nhà khoa học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 15 tiểu ban.
Hội thảo Việt Nam học lần 5, ĐHQGHN được giao làm đơn vị đầu mối tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu lớn như: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hội thảo sẽ được tổ chức tháng 12/2016 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”. Nội dung Hội thảo được tổ chức thành 6 tiểu ban chuyên môn, bao gồm: Tiểu ban 1 – Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Tiểu ban 2 – Nguồn lực văn hóa; Tiểu ban 3 – Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Tiểu ban 4 – Chuyển giao tri thức và công nghệ; Tiểu ban 5 – Kinh tế và sinh kế; Tiểu ban 6 – Biến đổi khí hậu.
Hiện tại, Ban tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần 5 đã nhận được gần 700 bài báo của các nhà khoa học khắp năm châu nhưng chất lượng thì phải chờ đến các phiên thẩm định của Hội đồng chuyên môn sàng lọc và đánh giá.
– Sự khác biệt của hội thảo lần này là gì, thưa Giáo sư?
Khác với những lần tổ chức trước, thay vì chia thành nhiều tiểu ban nội dung thì Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 này chỉ bố trí thành 6 tiểu ban nội dung, tập trung vào các nhóm lĩnh vực. Ban tổ chức giao cho 5 trường đại học thành viên của ĐHQGHN gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Kinh tế và Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển làm đầu mối tập hợp nội dung của các tiểu ban chuyên môn. Đây là các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín và có sự hợp tác quốc tế sâu rộng.
Nếu các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì Hội thảo lần này đã đề cập đến chuyển giao tri thức, công nghệ và biến đổi khí hậu. Càng ngày chúng ta càng nhận rõ yếu tố tác động của công nghệ khoa học hiện đại tới sự phát triển của Việt Nam. Cùng với đó, để phát triển bền vững thì không thể tách khỏi yếu tố môi trường. Đây là những vấn đề nóng đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội thảo lần này sẽ đề cập đến hàng loạt vấn đề thời sự của đất nước. Đó là việc nhận diện Việt Nam đang trong quá trình hội nhập như thế nào và bước đường mà Việt Nam sẽ đi tiếp; những vấn đề đặt ra khi văn hóa không còn chỉ là lĩnh vực của đời sống tinh thần mà văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững; những nội dung nghiên cứu về quá trình hội nhập về kinh tế của Việt Nam, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP; trong bối cảnh hiện nay thì lĩnh vực giáo dục – yếu tố quyết định sự thành công của quá trình đổi mới – sẽ đề cập đến các mô hình đào tạo, giúp thực hiện thành công đổi mới.
– Kì vọng mà Ban tổ chức hội thảo muốn đạt tới là gì, thưa Giáo sư?
Bên cạnh các thu hoạch về chuyên môn sâu thuần túy, giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về chính mình thì thông qua hội thảo sẽ có những đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định ra các chủ trương, chính sách cho các cấp lãnh đạo, quản lí của Việt Nam. Ban Tổ chức sẽ có các buổi làm việc và bàn giao kết quả của hội thảo với các bộ, ban, ngành và cơ quan trung ương có liên quan.
– Những thuận lợi và khó khăn của việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần 5 là gì thưa Giáo sư?
Tôi vẫn nhớ lần tổ chức đầu tiên gặp muôn vàn khó khăn: kinh nghiệm tổ chức chưa có, kinh phí ít, phương tiện liên hệ khó khăn, vận động tài trợ cũng khó, lực lượng tổ chức thì eo hẹp,… Tất cả đều trông cậy vào Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu quốc tế thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây, nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc ĐHQGHN. Lúc đó, chúng tôi chỉ có điều thuận lợi duy nhất là tinh thần làm việc hi sinh quên mình để hội thảo thành công.
Trong mỗi thành viên tham gia tổ chức hội thảo đầu tiên ấy đều cháy bỏng ước mơ một ngày Việt Nam trở thành thánh địa nghiên cứu về Việt Nam học. Ở đó, Hội thảo Việt Nam học là nơi tụ hội các nhà khoa học nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới. Đó chính là yếu tố tinh thần khiến chúng tôi hào hứng, say mê với rất nhiều ngày làm việc thâu đêm suốt sáng. Và Hội thảo lần đầu tiên ấy đã thành công hơn cả mong đợi.
Năm 2016, lần tổ chức này không còn những khó khăn cũ. Các đơn vị đào tạo, nghiên cứu hậu thuẫn chuyên môn cho các tiểu ban, … Việc neo người và tài chính không còn là nỗi lo thường trực, nhưng khó khăn mới xuất hiện. Đó là việc tham gia của đông đảo các bộ phận, đơn vị khiến cho việc chỉ đạo, điều phối phân tán, tạo mặt bằng chung không dễ. Xu thế các nhà khoa học bận dần đều. Số lượng bài báo thì nhiều, nhà khoa học trẻ nhiều nhưng chất lượng thì còn phải chờ đánh giá từ các tiểu ban chuyên môn. Đội ngũ các nhà khoa học uyên thâm, đã từng công bố các kết quả sâu sắc thiếu hào hứng.
Hội thảo lần này triển khai tương đối muộn song về cơ bản, hình hài của hội thảo quốc tế đã định hình khá rõ nét và tương đối yên tâm.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý rằng, trong công tác tổ chức, không chỉ hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học mà bất cứ hội thảo nào cũng vậy, thời gian quí hơn tiền bạc, chất lượng quí hơn số lượng, …
– Từ hội thảo quốc tế Việt Nam học để hình thành nên mã ngành đào tạo Việt Nam học là một bước tiến dài. Xin Giáo sư chia sẻ rõ hơn về hành trình này?
Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây, nay là ĐHQGHN chính là nơi khởi nguồn cho sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của ngành Việt Nam học ở Việt Nam. Từ chỗ chỉ là ý tưởng có học tập kinh nghiệm nước ngoài đến chỗ Việt Nam có ngành đào tạo được tổ chức ở qui mô các hội thảo quốc tế lớn là một bước tiến dài.
Đối với ngành Việt Nam học, ĐHQGHN thể hiện tính tiên phong trong việc xây dựng lí thuyết và thường xuyên nâng cao chất lượng nghiên cứu về Việt Nam học.
Cũng chính tại ĐHQGHN, các nhà khoa học lần đầu tiên đề xướng hướng nghiên cứu khoa học liên ngành về Việt Nam.
Việt Nam là đối tượng nghiên cứu của các khoa học chuyên ngành đã có từ rất lâu, song trở thành đối tượng của khoa học liên ngành thì vẫn còn rất mới mẻ. Việc coi Việt Nam và một vùng không gian nhỏ hơn thuộc Việt Nam là vùng văn hóa để nghiên cứu, nhận diện đặc trưng tổng hợp vùng văn hóa đó thì hầu như chưa được đề cập tới trước năm 1998, khi diễn ra hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần 1.
Hiện nay, có tổng số gần 90 cơ sở đào tạo trong nước có đào tạo ngành Việt Nam học hoặc liên quan đến Việt Nam học. Việt Nam học cũng có tên trong danh mục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ nhiều năm qua.
– Việc “trăm hoa đua nở” như vậy ắt sẽ đòi hỏi “sứ mệnh tiên phong” và bản lĩnh khoa học của ĐHQGHN, thưa Giáo sư?
Vì là một ngành khoa học mới và có hiện tượng bùng phát trong việc nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học nên hiện nay ở Việt Nam chưa có sự thống nhất trong chương trình đào tạo, phương pháp nghiên cứu về ngành học này.
Mỗi cơ sở đào tạo và nghiên cứu lại có cách hiểu về đào tạo và nghiên cứu Việt Nam học khác nhau. Có nơi thì hướng đến việc cung cấp kiến thức về văn hóa, lịch sử Việt Nam phục vụ cho ngành du lịch; có nơi thì thiên về đất nước học từ đó hướng người học làm kinh tế, chính trị, …
Thực tiễn đòi hỏi cần có sự thống nhất tương đối các quan niệm lí thuyết, phương pháp nghiên cứu Việt Nam học và đòi hỏi ĐHQGHN – nơi khởi nguồn của ngành Việt Nam học ở Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình trong tiên phong nghiên cứu và đóng vai trò chủ chốt trong việc định hướng nghiên cứu của toàn ngành.
ĐHQGHN đã xây dựng thành công chương trình đào tạo ở nhiều cấp độ: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển.
Mới đây, khi thành lập Trường ĐH Việt – Nhật, với kinh nghiệm và hiểu biết của mình, cùng với sự đóng góp của các chuyên gia Nhật Bản thì ĐHQGHN đã xây dựng chuyên ngành Khu vực học trong đó có hợp phần Việt Nam học và Nhật Bản học. Điều này là cú hích đến việc chuẩn hóa việc giảng dạy và đào tạo Việt Nam học ở các cấp khác nhau.
– Như vậy có thể hiểu việc xây dựng lí thuyết và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu Việt Nam học cơ bản đã có chủ đích. Song người học dường như vẫn còn khá nhiều băn khoăn về việc vận dụng chuyên môn trong công việc, sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học. Giáo sư nói gì về điều này?
Đúng là có nhiều người bị cảm giác rằng không biết sau khi học ngành Việt Nam học ra thì vận dụng vào đâu, làm gì trong công việc thực tế. Hiện tại, một bộ phận người học tốt nghiệp ngành Việt Nam học còn ngơ ngác, chưa biết làm thế nào để phát huy được chuyên môn của mình.
Đó là vấn đề thực tiễn đặt ra ở phương diện nghiên cứu và đào tạo. Chúng ta chưa làm cho các đơn vị đào tạo thấy sự cần thiết của các chuyên gia về khu vực học.
Tôi xin nêu ví dụ cụ thể về một việc cần đến chuyên gia về Việt Nam học. Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đang đào tạo các chuyên gia có hiểu biết sâu sắc về đa dạng sinh học của Tây nguyên, đất đai, thổ nhưỡng Tây nguyên, … nhưng khi cần một báo cáo tổng hợp của vùng Nam Tây Nguyên thì tôi chắc chắn rằng định hướng chuyên ngành cụ thể không còn phù hợp.
Để thực hiện báo cáo tổng hợp về vùng, miền, địa phương đòi hỏi người tổng hợp có sự hiểu biết sâu sắc và phải có phương pháp nghiên cứu liên ngành của khu vực học thì mới tìm ra đặc trưng văn hóa, tự nhiên, xã hội, con người và các yếu tố khác có liên quan.
Đặc tính của khu vực học là phạm vi nghiên cứu càng hẹp thì chuyên môn càng sâu. Thí dụ như Châu Á học thì không sâu như Đông Bắc Á và không sâu như nghiên cứu về một quốc gia thuộc vùng.
Chúng tôi nhận thức rằng, những hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học đều có đề cập đến mặt lí luận và phương pháp nghiên cứu Việt Nam học, góp phần làm cho xã hội hiểu rằng thực tiễn cần những chuyên gia khu vực học – Việt Nam học.
– Với thế giới, không ít nhà khoa học quốc tế coi Việt Nam là tình yêu khoa học duy nhất của mình. Họ là những nhà nghiên cứu Việt Nam học nào, thưa Giáo sư?
Trong diễn văn của nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại hội thảo lần 1, ông có nêu đại ý về vai trò quan trọng của các nhà Việt học rằng, các nhà khoa học quốc tế là sứ giả của quan hệ hợp tác quốc tế với Việt Nam. Và quan trọng hơn, đội ngũ những nhà khoa học ấy là cầu nối tác động rất mạnh đến chính sách của các quốc gia khác đối với Việt Nam.
Phát biểu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã được kiểm chứng trong thực tiễn. Rõ nhất là những cống hiến của các nhà khoa học Nhật Bản.
Tôi nhớ tới GS. Sakurai Yumio, một học giả Nhật Bản đã gắn bó cả cuộc đời và sự nghiệp với Việt Nam. Ông thuộc thế hệ các học giả được gọi là “Thế hệ Việt Nam”, đã tham gia phong trào chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu của ông trải rộng trên nhiều nước Đông Á và Đông Nam Á, nhưng Việt Nam luôn luôn giữ vị trí chủ đạo trong khối óc và trái tim ông. Qua các nghiên cứu của GS. Sakurai Yumio, lần đầu tiên trên thế giới, một đơn vị cư trú nhỏ bé như làng Bách Cốc lại được nghiên cứu sâu sắc và toàn diện về mọi phương diện từ địa chất, địa lý, môi trường sinh thái, thế giới động vật, thực vật đến khảo cổ học, lịch sử từ thời tiền sử đến ngày nay, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân, kết cấu cư dân, các di tích lịch sử văn hóa … Chỉ cần hệ thống hóa các kết quả nghiên cứu đó cũng có thể biên soạn thành một bộ Bách khoa lớn về làng Bách Cốc nhỏ bé. Trong di nguyện để lại, ông mong muốn được hỏa táng và một phần tro cốt được rải trên dòng nước sông Hồng đoạn qua trung tâm kinh thành Thăng Long-Hà Nội của Việt Nam.
Hội thảo quy tụ hàng trăm các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam trên khắp thế giới. Trong ảnh là các nhà Việt Nam học người nước ngoài tại ICVNS 2012 (Ảnh: Bùi Tuấn)
Tôi cũng muốn nhắc tới nhà Việt Nam học Nhật Bản GS. Furuta Motoo – nguyên Phó Giám đốc ĐH Tokyo – người hiện đang đảm trách cương vị Hiệu trưởng Trường ĐH Việt – Nhật, người góp phần thúc đẩy sự phát triển của quan hệ giáo dục Việt Nam – Nhật Bản.
Gần đây nhất, cả thế giới ấn tượng với bài phát biểu mạng đậm dấu ấn hàn lâm của Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam ngày 24/5/2016. Đó là một minh chứng sống động về việc ứng dụng kết quả nghiên cứu Việt Nam học trong hoạt động chính trị, ngoại giao quốc tế. GS. Pete Zinoman của Đại học California tại Berkeley, Hoa Kỳ, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam đã tư vấn cho người chắp bút bài phát biểu đó.
Tôi thấy rằng, khi Việt Nam là đối tượng nghiên cứu và tình yêu của các học giả thì có rất nhiều hiệu ứng tốt trong quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam với các nước.
Nội dung liên quan
Thủy Lan