Để nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, chúng ta cần phải làm gì?
kiến thức chung
Để nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, chúng ta cần phải thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau đây:
Trước hết, cần phải làm cho mỗi giáo viên nhận ra một cách đầy đủ, sâu sắc các vấn đề liên quan đến phát triển chuyên môn của mình
Hiện nay, nhiều giáo viên chưa hiểu đúng về năng lực bản thân và chưa chấp nhận bản thân và đồng nghiệp. Mỗi khi có đánh giá, nhận xét hay xếp loại chuyên môn trong các kỳ đánh giá xếp loại theo quy định của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên thường có xu hướng tự nâng mức bản thân bằng hoặc cao hơn người khác. Giáo viên thường tự đánh giá mình đạt mức tốt, khá (hiếm khi tự đánh giá trung bình, yếu). Thực tế, cơ bản họ không muốn đánh giá bản thân thấp hơn người khác kể cả khi họ hiểu rằng trên thực tế mình chưa đạt được mức tự đánh giá. Mặt khác, giáo viên có xu hướng bằng lòng với năng lực bản thân. Đặc biệt, với những giáo viên được coi là giáo viên giỏi luôn bằng lòng với kết quả đánh giá hiện tại và không tiếp tục phấn đấu, học hỏi chuyên môn. Họ không phấn đấu đạt được những tiêu chuẩn cao hơn của người giáo viên trong thời kỳ mới. Thậm chí, ngay cả khi nhu cầu học tập hiện tại của học sinh chưa được đáp ứng họ cũng chưa nhận ra hoặc chưa quan tâm đến.
Giúp giáo viên có khả năng nhận ra, biết chấp nhận mỗi cá nhân học sinh
Khi biết chấp nhận học sinh như một cá thể độc lập, họ sẽ biết chấp nhận bản thân và ngược lại. Chấp nhận học sinh là điều kiện cần để tiến hành giáo dục theo quan điểm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm. Người giáo viên có biết chấp nhận học sinh thì mới có thể tạo ra môi trường học tập thoải mái và tiến hành bài học có ý nghĩa. Họ có thể thể hiện tình yêu thương, trân trọng với tất cả học sinh như con em của chính mình, nếu một lớp học có 30 em học sinh thì cả 30 em đều được yêu quý như nhau.
Hiện nay, các cấp quản lý giáo dục luôn yêu cầu và mong muốn giáo viên quan tâm đến mọi đối tượng học sinh (đặc biệt những học sinh có khó khăn trong học tập) trong quá trình dạy học nhưng nhận ra lúc nào cần phải quan tâm như thế nào, làm thế nào để học có thói quen tự giác, thường xuyên quan tâm đến học sinh thì không dễ dàng.
Giáo viên cần hiểu đúng và áp dụng được phương pháp giáo dục mới vào thực tế giảng dạy hàng ngày
Thực tế hiện nay đội ngũ giáo viên tiểu học được đào tạo và bồi dưỡng hàng năm về phương pháp dạy học mới. Nhưng giữa lý thuyết và thực tế, giữa nhận thức và hành động luôn có khoảng cách lớn. Trong những chương trình bồi dưỡng vẫn còn nhiều giáo viên chưa hiểu đúng và đủ bản chất vấn đề. Chỉ khi bắt đầu vào vận dụng thực tế dạy học trên lớp, họ mới thực sự gặp phải khó khăn.
Nhiều giáo viên có thể biết và hiểu lý thuyết nhưng trong thực hành tác nghiệp, trước những tình huống đa dạng, phức tạp nảy sinh trong việc học của học sinh, việc vận dụng lý thuyết để giải quyết các vấn đề thực tế còn nhiều khó khăn. Thậm chí, do có nhiều giáo viên hiểu chưa đúng, nên số đông trong số họ còn e ngại và thiếu quyết tâm vận dụng cái mới.
Khi thực hiện Chương trình Giáo dục, nhiều giáo viên vẫn tin rằng chỉ cần cố gắng dạy học theo đúng, đủ những gì theo SGK, SGV là tốt rồi. Từ đó có ý thức thực hiện dạy học theo khuôn mẫu một cách thụ động. Khi họ muốn thay đổi cho phù hợp thực tế nhưng lại gặp khó khăn khi không biết phải thay đổi như thế nào và làm cách nào để thay đổi.
Giáo viên cần được khuyến khích và hỗ trợ tự học nâng cao năng lực và đổi mới phương pháp dạy học
Chủ trương của ngành Giáo dục - Đào tạo khuyến khích giáo viên tự học nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy học, song trên thực tế thì việc khuyến khích và hỗ trợ giáo viên thực hiện việc tự học còn hạn chế. Giáo viên sẽ tự học những gì, như thế nào, lúc nào và ở đâu để đảm bảo hiệu quả thiết thực cho công việc dạy học hàng ngày, đáp ứng tốt việc học của học sinh là những câu hỏi lớn mỗi giáo viên không thể tự mình giải quyết. Mặc dù hầu hết giáo viên đều được khuyến khích học để nâng cao trình độ đào tạo (đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo) nhưng năng lực chuyên môn đáp ứng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm còn nhiều hạn chế. Điều này thể hiện ở thực trạng hiện nay, trước định hướng của các cấp quản lý giáo dục cho phép và khuyến khích giáo viên vận dụng, điều chỉnh nội dung các bài học trong SGK cho phù hợp với các đối tượng học sinh nhưng do chưa có hiểu biết sâu rộng về nội dung bài học đó nên nhiều giáo viên chưa dám hoặc không có khả năng thực hiện, họ vẫn chỉ dạy những gì có sẵn trong SGK. Mặc dù tỉ lệ giáo viên đạt trình độ đào tạo trên chuẩn (đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng) khá cao nhưng năng lực chuyên môn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay. Điều đó chứng tỏ cơ hội học tập thực sự có ý nghĩa để nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên vẫn chưa đảm bảo.
Trong khi cơ hội tự học chỉ có thể được tạo ra và phát huy trên cơ sở tạo ra các "tình huống học tập cộng tác" giữa các giáo viên. "Tình huống học tập cộng tác" đó chỉ có thể xuất hiện khi các nhà trường tổ chức cho giáo viên các buổi để họ "chia sẻ chuyên môn" trong sinh hoạt chuyên môn theo cách tiếp cận mới. Trong đó, họ có cơ hội được học hỏi bằng quá trình tự trải nghiệm, học hỏi từ đồng nghiệp nhờ thiết kế giáo án, tiến hành, dự giờ nhiều bài học ở các lớp học khác nhau. Đó là con đường học tập thiết thực, hiệu quả và phù hợp nhất hiện nay đối với tất cả các giáo viên.
Đổi mới cách tiếp cận và phương thức tổ chức thực hiện sinh hoạt chuyên môn ở nhà trường
Hiện nay, ở tất cả các nhà trường, hàng tuần và tháng vẫn duy trì truyền thống và nền nếp tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên. Tuy nhiên, cách tiếp cận và phương thức tổ chức thực hiện vẫn chưa thực sự đổi mới, chưa mang tính chất chia sẻ chuyên môn vì vẫn còn thiên về đánh giá, đối chiếu so với tiêu chuẩn hoặc có tính "làm mẫu" của giáo viên giỏi. Trong khi thực tế năng lực mỗi cá nhân giáo viên khác nhau, hoàn cảnh và điều kiện dạy học khác nhau, việc học của học sinh ở các giờ học lại luôn luôn biến đổi. Do đó, tất cả các giáo viên cần được tham gia vào quá trình học tập bằng thực tế theo phương thức chia sẻ chuyên môn.
Người giáo viên luôn luôn cần được trau dồi, bổ sung, và nâng cao khả năng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người học, sự biến đổi của các yếu tố trong quá trình giáo dục (nội dung chương trình, phương pháp, người học,...).
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, cần có một cách tiếp cận mới, quan trọng và có ý nghĩa để phát triển các năng lực chuyên môn giáo viên đó là tạo cơ hội cho giáo viên được thường xuyên tham gia sinh hoạt chuyên môn. Đây là cách tiếp cận mới giúp giáo viên học tập lẫn nhau trong thực tế và qua thực tế thông qua trải nghiệm thực sự vào quá trình dự giờ-quan sát-suy ngẫm và chia sẻ thực tế việc học của học sinh để phát triển các năng lực mới và cần thiết, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Hơn thế nữa, thực tế đã chứng minh, sinh hoạt chuyên môn không chỉ giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho mỗi giáo viên mà còn xây dựng được "tính đồng nghiệp" tốt đẹp trong một "cộng đồng học tập"; giúp họ tìm thấy ý nghĩa và những giá trị mới và sự thú vị của nghề nghiệp, qua đó khích lệ sự say mê chuyên môn, tích cực và chủ động xây dựng lại và đổi mới nhà trường.
Nội dung liên quan
Diễm Tuyền Diệu