“Dạy học Ngữ văn theo hướng tích hợp”?
kiến thức chung
Dạy học theo hướng tích hợp không còn là một thuật ngữ xa lạ đối với các nhà làm giáo dục, và trong chương trình trung học phổ thông tổng thể cũng đã có phần rất quan tậm đến hướng dạy học tích hợp này. Bên cạnh đó ngành giáo ducj cũng đã có những hoạt động thiết thực, bổ ích như tổ chức tập huấn giáo viên, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi dạy học tích hợp để đội ngũ nói riêng và xã hội nói chung hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề. Tuy nhiên, từ hiểu đến vận dụng và vận dụng có hiệu quả vào thực tế giảng dạy là cả một vấn đề và trong môn Ngữ văn cũng không phải là một ngoại lệ.
Nhà nghiên cứu Phạm Văn Lập quan niệm dạy học tích hợp các nghĩa những kiến thức, kĩ năng ở môn học này, phần này của môn học được sử dụng như những công cụ để nghiên cứu học tập trong môn học khác, trong nhiều phần khác của môn học.
Theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2015, dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp HS phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng,… thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và cuộc sống, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng; phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề.
Dạy học theo hướng tích hợp trong một tiết lên lớp, học sinh được rèn luyện thói quen tư duy, nhận thức vấn đề một cách có hệ thống và lôgic, đồng thời thấy được mối quan hệ biện chứng giữa các kiến thức được học trong chương trình. Dạy học tích hợp sẽ phát huy được tính tích cực chủ động và sáng tạo của học sinh, buộc học sinh chủ động tự đọc, tự làm việc độc lập theo SGK, theo hướng dẫn của giáo viên.
Do đặc thù riêng của môn học, việc tích hợp trong giờ học Ngữ văn là hoạt động phức hợp đòi hỏi sự tích hợp các kĩ năng, năng lực liên môn để giải quyết nội dung gắn với thực tiễn. Đó có thể là sự tích hợp tri thức, kĩ năng tiếng Việt và Làm văn để giúp HS thực sự cảm được cái hay, cái đẹp, sự tinh tế, độc đáo của tiếng mẹ đẻ, bồi dưỡng cho HS năng lực sử dụng tiếng Việt đúng và hay; chú trọng rèn luyện cho HS cách diễn đạt giản dị, trong sáng, chính xác, lập luận chặt chẽ, có suy nghĩ độc lập.
Đó cũng có thể là sự tích hợp những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống để đánh giá, lý giải một hiện tượng văn học, một chi tiết nghệ thuật hay để đề xuất một thái độ, một quan điểm sống... Như vậy có thể thấy, phạm vi tích hợp trong giờ dạy Ngữ văn rất phong phú: Có thể tích hợp nội môn (giữa ba phân môn Văn –Tiếng Việt – Làm văn hay giữa những bài học có cùng chủ đề). Có thể tích hợp liên môn như: tích hợp Văn – Lịch sử (Tích hợp mở rộng theo hướng vận dụng những kiến thức về hoàn cảnh lịch sử của từng thời kỳ, về nhân vật lịch sử. . . để lý giải và khai thác giá trị, thành công cũng như hạn chế của tác phẩm). Trong quá trình lên lớp GV có thể dạy học tích hợp theo nhiều cách khác nhau. Việc lưa chọn cách thức nào là tùy thuộc vào nội dung cụ thể của từng phân môn và từng bài học. Chẳng hạn:
1.Tích hợp thông qua việc kiểm tra bài cũ:
Kiểm tra bài cũ là bước đầu tiên trong tiến trình tổ chức hoạt động dạy học một bài cụ thể. Mục đích của hoạt động này là để kiểm tra việc học ở nhà cũng như mức độ hiểu bài của học sinh. Ngoài ra, đây cũng là hoạt động có tính chất kết nối giữa bài đã học và bài đang học (bài mới). Vì vậy, việc thực hiện tích hợp trong quá trình kiểm tra bài cũ là rất cần thiết và cũng khá thuận lợi.
2. Tích hợp thông qua việc giới thiệu bài mới.
Giới thiệu bài mới là một thao tác nhỏ, chiếm một lượng thời gian không đáng kể trong tiết dạy (và không phải bài nào, tiết dạy nào cũng cần giới thiệu vào bài một cách công phu bài bản). Tuy nhiên thao tác này lại có ý nghĩa khá lớn trong việc chuẩn bị hứng thú cho HS trước khi bước vào bài học. Vì vậy GV có thể vận dụng thao tác này để thực hiện tích hợp .
3. Tích hợp thông qua câu hỏi tìm hiểu bài.
Trong hoạt động dạy học Ngữ văn, hình thức hỏi – đáp đóng vai trò hết sức quan trọng, thể hiện tính tích cực, chủ động của người học cũng như vai trò chủ động của GV. Hình thức này được thực hiện trong hầu hết các bước, các hoạt động dạy – học.
Việc tích hợp kiến thức Văn - Tiếng Việt (qua các câu hỏi phát hiện, giải nghĩa, phân tích ý nghĩa của việc sử dụng từ ngữ), Văn - Làm văn (qua dạng câu hỏi tóm tắt văn bản, nêu suy nghĩ của bản thân về một vấn đề đặt ra từ tác phẩm…) Văn - Lịch sử (Vận dụng hiểu biết vì lịch sử để lý giải một hiện tượng…), Văn - Địa lý, Văn - Giáo dục công dân…được thể hiện rõ qua hoạt động này.
4. Tích hợp thông qua phương tiện dạy học như bảng phụ, tranh ảnh, thiết bị công nghệ thông tin.
Khi dạy một số văn bản đọc hiểu, GV có thể sử dụng kênh hình để tích hợp, giúp các em cảm thụ văn học tốt hơn. Đây là một yêu cầu rất quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Điều quan trọng là để thực hiện được hình thức tích hợp này đòi hỏi người dạy phải có sự chuẩn bị công phu, biết đầu tư trí tuệ, công sức. Mặt khác, nó còn phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của từng trường.
5. Tích hợp thông qua nội dung từng phần hay tổng kết giờ học.
Đây là hình thức tích hợp thông qua lời thuyết giảng của GV, vừa có ý nghĩa khái quát lại vấn đề, vừa có ý nghĩa mở rộng, nâng cao kiến thức. GV có thể tích hợp dưới dạng liên hệ, so sánh đối chiếu các văn bản cùng thể loại, chủ đề để rút ra nhận xét hoặc yêu cầu học sinh tự rút ra nhận xét của bản thân về vấn đề đó (nét giống, khác, sự đống góp mới mẻ của nhà văn…)
6./Tích hợp thông qua hệ thống bài tập (ở lớp cũng như ở nhà )
Đây là điều kiện thuận lợi nhất để GV tiến hành phương pháp tích hợp sau khi kết thúc một bài học, giúp HS nắm chắc kiến thức ấy để tích hợp trong việc rèn luyện kỹ năng : nghe, đọc, nói, viết .
Tóm lại, để việc dạy học theo hướng tích hợp trong môn Ngữ văn đạt hiệu quả tốt, cần có giải pháp đồng bộ. Trước hết, về phía cơ quan chủ quản, Bộ Giáo dục Đào tạo cần triển khai nhanh chóng việc tập huấn dạy học tích hợp cho giáo viên Ngữ văn. Các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp phải nắm vững nguyên tắc tích hợp: bám sát chuẩn kiến thức - kỹ năng, đảm bảo phù hợp với nội dung bài học, phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của đơn vị và đối tượng học sinh. Việc tích hợp làm cho bài học sinh động, gắn với thực tế hơn và không làm quá tải nội dung bài học.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Hưng Hoa Tuyến