Dạy học - Chỉ nên nhìn vào chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm hay không?

  1. Giáo dục

Hôm nay lượn lờ Facebook tôi vô tình đọc được một bài viết trong một group tự học đàn đã tham gia từ lâu. Bài viết nôm na là về việc một em trai học sinh lớp 11 đã được học đàn từ nhỏ với mong muốn bắt đầu mở những lớp học do mình dạy để kiếm tiền nhưng chưa thật sự nắm rõ phương pháp. Với một giọng văn tương đối khiêm nhường, em đăng bài hỏi xin tips/kinh nghiệm giảng dạy từ các anh/chị/cô/bác trong group. Điều khiến tôi khá ngỡ ngàng là bên cạnh những người dùng không ngại dành ra những lời khuyên động viên và chân thành cho em, rất nhiều comment đã chỉ trích mong muốn "được làm thầy ở độ tuổi còn nhỏ" của em mà thực tế những lý do họ đang chỉ ra chỉ là sự phỏng chiếu của bản thân mình lên em.

Câu chuyện của em làm tôi nhớ đến một người em khác mà tôi đã gặp bên Nhật, và cũng từng là giáo viên dạy Piano của tôi. Lúc tôi biết đến em thì em chỉ mới 15 tuổi (em từ chối việc học cấp 3) và đã đạt đến trình độ bán chuyên nghiệp. Em chỉ dạy riêng mình tôi nên quả thật chi phí không rẻ chút nào, dù đã có phần cắt giảm vì quan hệ giới thiệu bạn bè. Tôi lúc đấy chẳng có chút hoài nghi về kĩ năng sư phạm của em, và trên thực tế em là một người khá khép kín và không tốt trong việc giao tiếp, nên việc truyền đạt kiến thức cũng thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể không dành cho em một sự tôn trọng và nể phục lúc đó. Lý do không chỉ nằm ở việc ở độ tuổi còn nhỏ em đã đạt đến trình độ bán chuyên nghiệp và đạt tiêu chuẩn để trình diễn cùng với các nhạc sĩ thâm niên, mà là qua cách em đã cố gắng, và chật vật, và lại cố gắng đến nhường nào để phá vỡ những rào cản về ngôn ngữ (em dùng tiếng Nhật, tôi dùng tiếng Anh), tính tình khép kín vốn có, và cả sự ngố tàu của tôi để vừa truyền đạt kiến thức, vừa thấu hiểu học sinh mình.

Tôi thời điểm hiện tại đã có thể nói có chút thâm niên và danh tiếng trong cộng đồng giáo dục ngôn ngữ tại Huế, và quả thật không thể chối bỏ việc tôi khá gay gắt với vấn đề kiến thức chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm ở các em/bạn/anh/chị đồng nghiệp. Tôi cũng là kiểu người sẽ lấy làm hổ thẹn tột độ nếu bản thân mình khi nhận tiền của học sinh mà không cho họ được cái tối thiểu mà họ cần. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ gay gắt về quyết định đi trên con đường truyền tải kiến thức/rèn luyện kĩ năng cho người khác dù vì hay không vì lợi nhuận của bất cứ ai, ở trình độ chuyên môn, kĩ năng nghiệp vụ, và độ tuổi ra sao.

Tạm thời bỏ qua yếu tố chuyên môn, thì thú thật tôi khó mà cho rằng nghiệp vụ sư phạm của một con người khó mà được đào tạo mà ra được. Bạn có thể được đào tạo chính quy về vô vàn các phương pháp và kĩ thuật giảng dạy, tâm sinh lý học sinh sinh viên, cũng như các yếu tố kĩ năng mềm, v.v. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ giáo dục chưa bao giờ nên được đại trà hoá. Dù ở góc nhìn rộng chúng ta có thể dễ dàng phân nhóm và dán nhãn những nhóm người (học sinh) khác nhau với những nhóm đặc điểm riêng khác nhau, nhưng cuối cùng hành trình đạt đến tri thức/chuyên môn, và xa hơn là đạt đến trí tuệ cũng chưa bao giờ là một hành trình đại trà, mà thực tế vô cùng cá nhân và riêng tư. Nên ở đây có thể thấy kĩ năng và kiến thức chuyên môn hay nghiệp vụ dù là các điều kiện cần để một người giáo viên có thể làm chủ và đảm bảo được nội dung và phương pháp giảng dạy của mình ở một chất lượng và tính chính xác nhất định, thì yếu tố "tình yêu" là rất quan trọng.

"Tình yêu" ở đây nghe có vẻ khuôn mẫu và vô nghĩa đấy, nhưng nó là yếu tố quyết định thái độ và động cơ hành động của bạn trong việc nên làm gì và nói gì với học sinh của mình. Các hệ thống phương pháp thực chất chỉ mang tính chất tham khảo, còn một khi đã là giảng dạy, thì bạn phải xác định mình đang làm việc với những con người với những đặc điểm, ưu thế, và vấn đề về mặt sinh học lẫn tâm lý khác nhau, chứ không phải đơn thuần thi triển các thao tác truyền đạt thông tin một cách máy móc. Mà đã là làm việc với con người, thì thú thật mà nói chẳng có một quy chuẩn và quy trình phổ quát nào có thể đào tạo ra một giáo viên nắm bắt được toàn bộ tâm sinh lý và có sự linh hoạt trong phương pháp giảng dạy với từng đối tượng ngay từ đầu. Cuối cùng, chỉ có "tình yêu", tức là "tình yêu với nghề" và "tình yêu với người" mới giúp một người giáo viên... trở thành một nhà giáo dục thực sự.

Quay trở lại câu chuyện về cậu em dạy piano, thực tế chúng ta không thể bỏ qua các cân nhắc một mối quan hệ về mặt lợi ích công bằng giữa giáo viên và học sinh - học sinh tạo ra giá trị cho giáo viên (học phí, kinh nghiệm, quan hệ xã hội, v.v.), và giáo viên cũng tạo ra các giá trị tối thiểu tương ứng cho học sinh của mình (kiến thức, sự đồng hành, sự thấu hiểu, v.v.). Thế nhưng, rốt cuộc câu chuyện quyết định nhận lấy trách nhiệm của một người giáo viên dù có mục tiêu vì lợi nhuận hay không nên được cân nhắc trước tiên, bê cạnh chuyên môn và kinh nghiệm, về khía cạnh "tình yêu" của người giáo viên đó. Liệu họ có sẵn sàng để đón nhận và dành thời gian để xây dựng nên "một tình yêu với nghề", và "một tình yêu với người" hay không? "Tình yêu" do đó không phải là vấn đề của độ tuổi hay kinh nghiệm hay chuyên môn, mà là của phẩm chất và tinh thần.

Nếu có thể, tôi sẵn sàng để cho một đứa trẻ cấp 1 dạy tôi một bộ môn/kỹ năng mới dù ở em ấy vẫn chỉ dừng ở cấp vỡ lòng, và thậm chí cũng sẵn sàng "trả học phí" cho em vì tôi tin rằng điều mà tôi nhận được có thể không phải là vô vàn kiến thức hay ho, mà là được nhìn thấy bản thân mình đã cho một ai đó cơ hội để học cách yêu người, hiểu người, và chịu trách nhiệm với suy nghĩ, lời nói, và hành động của mình.

******

Art: "Knowledge is Power V" by Angu Walters.

Từ khóa: 

giáo dục

,

sư phạm

,

nghiệp vụ sư phạm

,

giáo dục

Bài viết lần này về chủ đề giáo dục của Ông Rùa rất gần gũi với các vấn đề thực tế

Trả lời

Bài viết lần này về chủ đề giáo dục của Ông Rùa rất gần gũi với các vấn đề thực tế