Dạy con qua nấu ăn
Bạn thường dạy con theo cách nào? Ví dụ: mua rất nhiều sách dạy về các kỹ năng cho con đọc theo từng lứa tuổi, từng giai đoạn phát triển? Ngồi giảng giải cho con nghe về việc phải làm thế này, phải làm thế kia? Dạy con qua các trò chơi? Dạy con làm việc nhà? Dạy theo phương pháp truyền thống “Yêu cho roi cho vọt”…Có muôn vàn kiểu dạy con khác nhau và hiện nay các bậc phụ huynh cũng không khó khăn để tìm kiếm các phương pháp dạy con được chia sẻ trên các diễn đàn làm cha mẹ, trong mỗi group, từ các cuốn sách nuôi dạy con hay những kinh nghiệm được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người này qua người khác. Mình không phủ nhận (và cũng không đủ trình độ, năng lực) để phán xét hay đưa ra lời khuyên nên lựa chọn theo phương pháp nuôi dạy con nào là tốt nhất. Bởi mình nghĩ mỗi bậc cha mẹ sẽ có cách lựa chọn riêng tuỳ thuộc vào quan điểm, suy nghĩ và với mỗi đứa trẻ. Ở đây mình chỉ muốn chia sẻ về một cách dạy con mà bản thân mình đang áp dụng và thấy nó khá thú vị: đó là dạy con qua nấu ăn.Thú thực mình không giỏi nấu ăn, nên nếu nói là dạy con để trở thành siêu đầu bếp hay biết nấu ăn một cách chuyên nghiệp thì mình không làm được. Điều mà mình quan tâm ở đây là mình sẽ giúp con có được điều gì, có được những kỹ năng gì khi cùng con nấu ăn.
Đầu tiên để có thể dạy con theo cách này (hay theo nhiều cách khác) là bạn phải có thời gian với con. Bởi chỉ có thời gian ở cạnh con, kết nối với con bạn mới có thể thực sự thấu hiểu con, biết những suy nghĩ, điểm mạnh, điểm yếu của các bạn ấy. “Khi chúng ta hiểu rõ sự vô thường và đưa nó vào cuộc sống hàng ngày cũng như xem nó liên hệ thế nào với vai trò làm cha mẹ, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tức giận với con cái hoặc bận rộn đến mức không thể dành thời gian cho chúng, lắng nghe và chơi với chúng nữa” (Claridge, Nuôi dạy con bằng trái tim của một vị Phật, tr.89). Thế nên trong “To do list” hàng ngày của mình, một điều không thể thiếu, đó là “connect with my children”. Thường thì mình sẽ cố gắng sắp xếp giải quyết mọi công việc vào ban ngày, chiều tối trở về nhà sớm hơn để nấu ăn cùng con, buổi tối học và chơi với chúng. Và đó là khoảng thời gian mà mình cảm thấy hạnh phúc nhất.
Khi bắt đầu nấu ăn, mình sẽ “mời gọi” con cùng vào bếp một cách vui vẻ bằng những gợi ý như: Hôm nay mẹ với Cún làm món này nhé, Cún rất khéo tay nên hỗ trợ mẹ làm món này nha…Mình nhận thấy trẻ con thường thích được khen hay tò mò và thích được trải nghiệm cái mới. Mình đã áp dụng nhiều lần và thấy khá hiệu quả. Bạn Cún sẽ vui vẻ vào bếp và rất thích cùng mẹ chuẩn bị những món ăn cho cả gia đình.
Khi vào bếp nấu ăn, ngoài việc dạy con biết làm các món ăn (tất nhiên rồi) bạn sẽ dạy con được rất nhiều những kỹ năng khác nhau. Thứ nhất bạn dạy con cách chuẩn bị nguyên liệu, cách sắp xếp việc nấu ăn ra sao, món nào nên nấu trước, món nào nấu sau, món nào có thể nấu song hành. Ví dụ món ăn nào cần ướp gia vị trước, thời gian nấu lâu hơn cần làm trước, món nào cần ăn nóng (nhất là vào mùa đông) có thể nấu sau khi chuẩn bị vào bữa ăn…Khi bạn dạy con bạn điều này đồng nghĩa với việc bạn ấy sẽ biết cách sắp xếp thời gian một cách khoa học cho công việc và cuộc sống sau này (kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tổ chức cuộc sống).
Khi nấu ăn không phải lúc nào chúng ta cũng cứng nhắc tuân thủ theo công thức đã được định sẵn mà hoàn toàn có thể linh hoạt lựa chọn thực phẩm thay thế phù hợp khi cần và phát huy khả năng sáng tạo nữa. Ví dụ khi nấu các món cần vị chua có thể dùng giấm, mẻ hoặc các loại quả chua khác nhau thay thế (tất nhiên tuỳ từng món ăn nhé). Mình luôn cho con được thử, được làm và được phép sai. Khi con làm chưa đúng mình sẽ uốn nắn dần và dạy con cách làm sao cho đúng một cách kiên nhẫn. Mình không quá đề cao kết quả, đòi hỏi sự hoàn hảo ngay từ đầu mà quan trọng là con được trải nghiệm một cách vui vẻ và thích thú khi được làm điều đó.
Bạn sẽ dạy cho con bạn sự cảm nhận về các món ăn qua các giác quan bởi khi nấu ăn con không chỉ nhìn, ngửi, nếm mà còn bằng cả sự cảm nhận nữa. VD: khi pha nước chấm cảm nhận qua màu nước mắm để biết độ vừa, cách thử các món ăn sao cho lịch sự (không thể mút đầu đũa để kiểm tra độ mặn nhạt), nấu các món ăn để thắp hương không được ăn thử trước …Sự tinh tế, khéo léo khi chuẩn bị món ăn, sự phù hợp với văn hoá của người Việt qua cách bài trí món ăn, lượng hóa đồ nêm nếm sao cho phù hợp với khẩu vị của các thành viên trong gia đình, cách sắp xếp không gian bếp sạch sẽ, gọn gàng…
Ngoài ra, việc nấu ăn diễn ra trong không gian vừa gần gũi, ấm cúng lại vừa sinh động, linh hoạt. Bạn hoàn toàn vừa có thể dạy con nấu ăn vừa nói chuyện với con về đủ các loại truyện trên đời (chuyện con ở trường, mối quan hệ bạn bè của con, đam mê, sở thích của con…) mà không phải ngồi một chỗ để dạy con trong không gian cứng nhắc nào đó. Do đó, dạy con qua nấu ăn với mình là một trải nghiệm tuyệt vời, một cách làm cực kỳ hiệu quả và đem lại nhiều niềm vui, sự gần gũi, tạo mối quan hệ thân mật giữa mẹ và con.
Người Việt rất coi trọng văn hoá ăn uống truyền thống nên những phép tắc trong bữa ăn được đặc biệt chú trọng qua những lời dạy của cha ông như “Lời mời cao hơn mâm cỗ”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Ăn có nhai, nói có nghĩ”…Chính vì vậy, trong các bữa ăn mình thường dạy con cách lịch sự khi ăn uống từ những việc như lựa chọn vị trí chỗ ngồi sao cho phù hợp, lời mời trước và sau khi ăn xong đến những việc tỉ mỉ nhất như cách để muôi canh, cách chấm thức ăn vào bát nước mắm chung, khuôn miệng khi ăn, không được nhóp nhép khi nhai, cách gắp thức ăn…Những điểm này tuy rất nhỏ nhưng nó lại giúp con bạn có được những kỹ năng cần thiết như biết cách quan sát, sự tinh tế, lịch sự và hơn thế là biết cách giao tiếp, đối nhân xử thế trong các mối quan hệ và cuộc sống sau này.
Ngày nay, có quá nhiều phương pháp và môi trường khác nhau để nuôi dạy một đứa trẻ nhưng mình nghĩ rằng môi trường đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là gia đình. Gia đình với “nếp nhà”, với những nề nếp gia phong, với sự dạy dỗ, yêu thương của cha mẹ luôn là nơi để nuôi dưỡng và vun đắp tâm hồn của một đứa trẻ hạnh phúc!