DẤU TÍCH CỦA PHÒNG TRUNG THUẬT (NGHỆ THUẬT PHÒNG THE CỦA ĐẠO GIÁO) Ở VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

  1. Lịch sử

"Trong lịch sử văn hóa tính dục Trung Quốc, có những kĩ thuật phòng the vốn coi nhẹ tác dụng tìm kiếm lạc thú thân xác mà tìm đến mục đích bồi bổ thân thể, nâng cao sức khỏe và tuổi thọ (dù rằng chưa biết hiệu quả thật sự đến đâu) gọi là Phòng trung thuật – Phương thức duy trì sinh mệnh.

Theo công trình Trung Quốc đạo giáo do Khanh Hy Thái chủ biên:”Phòng trung thuật còn gọi là Âm đạo, Hoàng xích đạo, Hỗn khí pháp, Nam nữ hợp khí thuật, là thuật dưỡng sinh do Đạo giáo đề xướng thực hiện trong đời sống tình dục nam nữ… Yếu chỉ của Phòng trung thuật là điều hòa âm dương để dưỡng sinh, có một số nội dung chính hợp lý như sau:

*Một là Tiết dục Thận thí: Các nhà Phòng trung thường không chủ trương tuyệt dục, chỉ chủ trương tiết dục… Phòng trung thuật không những yêu cầu tiết dục mà còn rất quan tâm đến Thận thí, tức không được tùy ý xuất tinh… 

*Hai là Phòng trung cấm kị: Tố nữ phương và Ngọc phòng bí kíp nêu ra 7 điều cấm kị không thích hợp với phòng the là: ngày cuối tháng và ngày đầu tháng, khi có mưa gió sấm chớp, sau khi ăn no, sau khi mệt mỏi, lúc mệt chưa toát hết mồ hôi… Nghe nói Bành Tổ đã thâu tóm lại trong ba điều cấm kị là Thiên kị, Nhân kị, Địa kị. Thiên kị là tránh lúc quá nóng, quá lạnh, mưa to, gió lớn, tuyết dày, nhật thực, nguyệt thực, động đất, sấm ran chớp giật… là những lúc mà thiên nhiên có những chuyển biến mạnh mẽ. Nhân kị là tránh những lúc cơm no rượu say, vui, giận, lo, buồn, thương xót, sợ hãi, mệt mỏi, đi xa mới về, thương tật chưa lành, người nữ đang trong thời kì kinh nguyệt, nhịn tiểu tiện… Địa kị là tránh giao hợp gần nơi miếu thần, chùa quán, giếng, bếp. 

*Ba là Hoàn tinh bổ não… Thư tịch Đạo giáo nói chỗ tích trữ Tinh là Thận (Thuyết này không khoa học). Thận có đường dẫn liên thông với đại não, con người có thể chọn cách làm cho tinh dịch không tiết ra ngoài mà ép cho nó theo đường dẫn ấy chảy về đại não, bồi bổ cho đại não… Phòng trung thuật tuy có cả tích cực và tiêu cực [ như “làm sao để nam giới không bị hao tổn mà được lợi còn phía nữ giới thì lợi hay hại không cần tính đến”] nhưng cốt lõi của nó thực sự là những ghi chép sớm nhất về y học tình dục và tâm lý học tình dục của Trung Quốc”.

Đạo giáo có mặt ở Việt Nam từ khá sớm… Tuy nhiên không rõ Phòng trung thuật xuất hiện hay được thực hành tại Việt Nam tự bao giờ, chỉ biết rằng cho đến cuối thế kỉ XVIII ta mới có những chứng cứ chắc chắn về sự lưu hành niềm tin vào thuật này trong đời sống của nho sĩ và quý tộc. Sử sách còn ghi về Nguyễn Nhã Lượng “người Tứ Kì, Hạ Hồng, tính gian trá, giảo quyệt, nhờ tiền của mà được bổ chức Tri phủ Đức Quang, sau vì tham tang bị bãi chức. (Nhã Lượng) tự xưng là học được bí quyết của tiên gia, được Viện Quận công Nguyễn Hoãn tin dùng cho làm gia khách”. “Bí quyết của tiên gia” mà Nhã Lượng dùng làm “mồi câu” Viện Quận công Nguyễn Hoãn chính là Phòng trung thuật. Nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp còn tìm được “nguyên văn lá thư mời Nguyễn Thiếp năm 1784 của Nguyễn Viên (em Nguyễn Hoãn) viết thay Quốc sư quốc lão Nguyễn Hoãn”, thư viết:

“…

Kì này tôi vâng quan lớn quốc sư quốc lão tôi, nghe rằng anh nhập sơn tu đạo cũng đã lâu ngày. Quan lớn tôi tiết này cao thọ (72 tuổi) di dưỡng, khi nhàn hạ muốn xem Đạo kinh. Vậy dạy tôi thủ thư đệ trình các hạ. Xin anh tạm phó kinh, giản lưu tại bản dinh ( tại xóm Thanh Giám, trước Văn Miếu, Hà Nội) để quan lớn tôi hỏi han một đôi điều. Kì như cáng võng, hành lý, lộ phí, đường sá xa xôi; dù hết bao nhiêu xin hãy ứng tạm. Nữa, quan lớn tôi sẽ nhưng hoàn như nguyên.

Và tu dưỡng chi gia, thì cũng phải lấy nữ đỉnh làm yếu dược. Mà trong bản xứ ta thì đất sơn cước cũng khó tìm được giống mĩ hảo. Ra ngoài này, dù có muốn lấy giống ấy để thái luyện tu chân cho thành đạo thì quan lớn tôi sẽ tìm ngoài này cho; ắt cũng thanh kiểu (trẻ đẹp, xinh tươi) hơn trong điền dã. Vả quan lớn tôi cũng dạy tôi nhắn về sự tiên ông Thạch Thái, chi cũng nhờ ông Phú Bật nuôi ở với chọn nữ đỉnh cho, tam niên thành tiên. Việc ấy ắt người đã biết. “

Có thể thấy một điều, thời điểm viết bức thư này (vào năm 1784) sau thời điểm Nguyễn Nhã Lượng bị giết (1781) tới ba năm, chứng tỏ trước đó anh em Nguyễn Hoãn, Nguyễn Viên đã học được Phòng trung thuật của Nguyễn Nhã Lượng đồng thời đem việc Thạch Thái nhờ có Phú Bật “nuôi ở” và “chọn nữ đỉnh cho” mà sau 3 năm tu luyện đã “thành tiên” để “dụ” Nguyễn Thiếp. Theo giải thích của Trần Văn Giáp và ghi chép của Hoàng Xuân Hãn được Trần Văn Giáp dẫn lại:”Nữ: con gái. Đỉnh: đồ để nấu thuốc tu tiên. Nữ đỉnh là con gái dùng để làm đỉnh luyện đan. Trong Nguyễn gia thế đức phổ về mục Tiên khảo đạo tu lục nói về Nguyễn Hoãn tu tiên, có chép rằng:”Năm 70 tuổi (1782) Nguyễn Hoãn nuôi con gái 15 tuổi để làm đỉnh” ”

Đây có lẽ là một trong những dẫn chứng hiếm hoi cho sự xuất hiện của Phòng trung thuật tại Việt Nam thời trung đại. Câu chuyện này cũng cho ta một cái nhìn rất khác về một số nhà nho giai đoạn này, về sự đa diện, đa nhân cách của họ, như trường hợp Nguyễn Thiếp.

..........................................

#Doraemon

Tác giả: Phạm Văn Hưng. 

Văn hóa tính dục ở Việt Nam thế kỉ X – XIX

NXB ĐHGQHN 2018

07eb0cedb8c9c4cd3ebcf4abf46ccdad


Từ khóa: 

phòng the

,

lịch sử