Đậu phụ làng Mơ
Đình Mơ Táo
Người xưa truyền lại rằng nghề làm đậu phụ vốn xuất xứ từ làng Mơ - Mai Động (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), do chính ông tướng Tam Trinh từ thời Hai Bà Trưng sáng chế ra và truyền lại cho dân chúng trong làng, rồi lưu giữ cho đến tận ngày nay.
Nói đến đậu Mơ, ta nghĩ ngay đến những bìa đậu nhỏ xinh, có màu vàng nhạt và thơm ngậy. Cũng những công đoạn và cách làm đậu phụ như rất nhiều vùng miền khác nhưng đậu làng Mơ được lọc kỹ, gói khéo nên ăn mềm và béo hơn rất nhiều so với đậu phụ những nơi khác. Cũng có tương truyền rằng đậu Mơ nổi tiếng là do từ xưa đậu được nấu bằng nước giếng làng Mơ có mùi vị đặc biệt nên đậu mới thơm ngon.
“Đậu Mơ chấm với mắm tômĂn xong buổi sáng đến hôm lại thèmTại sao anh lấy được emVì mê Mai Động, vì thèm đậu Mơ”.
Muốn có đậu ngon, trước tiên ta phải chọn được loại đậu tương tươi, vàng, không bị sâu mọt, hạt tròn, rắn. Đó là loại đậu được trồng ở vùng núi Cao Bằng. Đậu hạt được sàng sảy, bỏ vỏ và ngâm trong nước sạch khoảng 3-5 giờ.
Tiếp đó, người ta đem xay đậu trong cối đá để lấy nước cốt đậu. Đó là một thứ nước trắng như sữa rồi được đem lọc bằng vải sợi nhiều lần, lọc càng kỹ nước đậu càng tinh khiết và ngon.
Nước đậu đã lọc được cho vào chảo gang đun sôi đều lửa, để giữ cho đậu không bị khê, cháy và khô. Sau đó, người ta pha nước chua vào chảo nước đậu nóng, cho thêm một chút muối, rồi pha vào sữa đậu nóng, tay nhẹ nhàng khuấy đều cho đến khi nước đậu kết lại thành những mảng trắng thì dừng lại, để trong ít phút, những mảng đậu lắng xuống và kết thành óc đậu.
Sau khi óc đậu đã đông đặc, gói vào khăn vải mỏng được đặt chéo và thả đậu vào khuôn gỗ. Loại khuôn này vừa dùng để gói vừa dùng để ép đậu. Thời gian ép đậu khoảng 30 phút. Đậu ép xong được dỡ ra để nguội. Những bìa đậu trắng vừa lột ra vẫn còn nóng hổi được xếp vào sàng đem bán ngay hoặc ngâm vào chậu nước lạnh.
Theo sử sách, trong nhiều thế kỷ, Mai Động là một xã của huyện Long Đàm, sau đổi thành Thanh Đàm rồi huyện Thanh Trì. Đầu thế kỷ XIX, Mai Động thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1982, Mai Động tách lập thành phường Mai Động. Hiện nay, dấu tích của một làng cổ xưa vẫn còn thông qua hệ thống đình, chùa, các sắc phong và câu đối.
Đình Mai Động thờ Đức Thánh Tam Trinh, ngài là tướng của Hai Bà Trưng và đã lập công tích lớn. Không chỉ là một võ tướng, đối với khu vực Mai Động, Ngài còn là người đã dạy chữ và truyền nghề làm đậu phụ nổi tiếng cho dân làng. Chính bởi vậy khi Ngài hoá, đã được dân làng Mai Động và lân cận thờ làm Thành hoàng.
Hiện đình còn 5 bia đá ghi rõ về vùng đất cổ Mai Động, lịch sử xây dựng và những người có công đóng góp tôn tạo. Đáng chú ý nhất là tấm bia dựng năm Chính Hoà thứ 20 (1699), cho biết khá đầy đủ lịch sử lâu đời của vùng đất. Vào thời Lê - Trịnh, ngôi đình được Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Sanh, hiệu là Diệu Kính quê ở ốc Biện Thượng, xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc xứ Thanh Hoá (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) xây dựng. Tại di tích còn lưu giữ 42 đạo sắc phong từ thời Vĩnh Tộ (1622) đến các vua Nguyễn, rất quí hiếm, không phải di tích nào cũng có được. Hội làng Mai Động được tổ chức vào ngày 4 - 6 tháng giêng hàng năm tại sân Đình. Lễ hội được tổ chức nhằm ôn lại chiến công và tưởng nhớ Tướng Tam Trinh - Một vị tướng của Hai Bà Trưng.
Tướng Tam Trinh sinh ra và được rèn luyện tại lò vật võ huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hoá. Những năm đầu Công Nguyên ông đi thăm thú khắp nơi và dừng chân tại hương Cổ Mai (trong đó có làng Mai Động ngày nay). Thuở ấy, nơi đây là những rừng mơ bạt ngàn. Ông mở trường bên bờ sông Kim Ngưu dạy văn, dạy võ cho con em trong vùng. Người theo học rất đông. Mùa xuân năm 40, hưởng ứng lời hiệu triệu của Hai Bà, ông đưa ba nghìn tráng đinh cùng nhiều bô lão lên sông Hát Môn ứng nghĩa. Biết ông là người hiếu nghĩa, lại có tài, Hai Bà Trưng cử ông làm tướng, dẫn một đạo quân lớn, tiến thẳng tới trị sở giặc ở Luy Lâu. Trước sức tiến công như gió bão, lại bị bất ngờ, quân nhà Hán tan chạy.