Dấu ấn Hồn quê Bắc Bộ qua từng chiếc Cổng làng
Cổng làng, nơi người già thường kể về quá khứ
Khách vãng lai dừng chân trú nắng chiêm nồng
Nơi lũ trẻ trèo leo và chim về làm tổ
Lá rơi nhiều khi gió chớm vào đông
Nhắc đến miền quê ngày xưa, chúng ta vẫn thường hay nhớ đến hình ảnh của cây đa, bến nước sân đình. Tuy nhiên bên cạnh những hình ảnh rất đỗi bình dị ấy, chúng ta không thể quên được những chiếc cổng làng cổ của quê hương - nơi đưa đón chúng ta mỗi dịp quay về.
Những chiếc cổng làng cổ thường đặc trưng ở các vùng quê Bắc Bộ, với vẻ cũ kỹ rêu phong nhưng vẫn nổi lên các dòng chữ được ở trên. Giờ thì cùng mình dạo quanh một vòng quê Bắc và tìm hiểu về những chiếc cổng làng được nhiều người biết đến nhất nhé!
Cổng làng Mông Phụ
Cổng làng Mông Phụ được coi là cổng chính của làng cổ Đường Lâm và được xây dựng vào năm 1553. Năm xây dựng cũng được xác định qua một câu đối khắc trên cổng được dịch ra là: “Kỷ Mão mạnh hạ sắc chỉ”, nghĩa là năm Kỷ Mão làng dựng cổng làng. Câu đối còn lại là “Thế hữu hưng nghi đại”, mang nghĩa cần phát huy những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của làng quê. Cổng có hướng quay mặt về hướng Đông Nam, chếch phía Tây là núi Tổ (núi Tản Viên). Đây là một trong những cổng làng còn giữ được nguyên vẹn như ban đầu.
Cổng làng Ước Lễ
Cổng làng Ước Lễ thuộc Thanh Oai, Hà Nội được xây dựng từ thời Mạc và gồm một cổng trước một cổng sau.Trên mặt trước cổng có đắp nổi 3 chữ “Ước Lễ môn” tức là cổng làng Ước Lễ và phía dưới là lạch nước cùng một cây cầu bắc ngang để đi qua cổng. Cổng được xây kiểu mái vòm cuốn, có gác trên, bề dày của cổng tới hơn 2m. Cổng làng Ước Lễ đã qua một số lần trùng tu do sự tàn phá của thời gian.
Cổng làng Cựu
Cổng làng Cựu thuộc Phú Xuyên, Hà Nội đã tồn tại được cả hàng trăm năm. Cổng được quét ve vàng từ xưa nhưng nay đã bạc màu, hình ảnh đôi kỳ lân, hai con chó giữ cổng cùng những hình ảnh trên cổng lãng cũng đã bị nhạt đi. Người ta nhận xét rằng Cổng làng Cựu mang một vẻ cổ mà không hẳn cổ, hiện đại mà không hẳn hiện đại, giống như một cổng trường thành không phải để ngăn mà để hút người ta vào bên trong.
Nhìn chung, Cổng làng hay những dấu ấn làng quê khác chính là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống lâu đời nhất của Văn hóa Bắc bộ nói riêng và Văn hóa Việt nói chung. Hãy cùng nhìn lại về những điều bình dị nhất của chính nơi mình sinh ra, lớn lên hay dù chỉ là ghé qua một chút và chia sẻ với mọi người bạn nhé!
---
Nguồn:
- dkn.tv
- kienthuc.net.vn