Đặt Dớn bắt cá mùa nước nổi
Dớn là một dụng bắt cá đơn giản, chỉ cần dùng vài chục mét lưới, bỏ công ra may ít giờ đồng hồ là đã cho ra được một dụng cụ bắt cá hữu dụng. Bộ phận quan trọng của dớn là cái đú nối dài tầm vài mét, là nơi để cá tép chui vào. Dớn “nhạy” hay không còn tuỳ thuộc vào khâu xây rọ, cần phải xây thẳng, tròn đều thì cá mới chui vào trong đú khi nước cạn.
Tầm tháng Sáu, khi nước trong veo và thường cạn vào lúc hừng đông, đó là mùa đặt dớn. Những ngày này, dạo quanh các kênh rạch miền Tây sẽ nhìn thấy những chiếc dớn nối tiếp nhau nằm sát mé sông. Sáng sớm, nước sắc hừng dân quê lội xuống mé sông để đổ đú, tiếng cười nói xôn xao nhộn nhịp cả mé sông quê tạo nên một nét sinh hoạt đặc trưng của vùng sông nước đã có tự bao đời.
Dân quê chỉ dùng dớn bắt cá để ăn chứ không dùng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Mỗi buổi sáng xuống sông đổ dớn bắt được mớ cá là có thể kho khô quẹt ăn cả ngày. Cá đổ dớn chủ yếu là dạng cá nhỏ nhưng thịt ngọt lành mang nặng mùi sông nước miền Tây, dùng với cơm trắng là ngon hết ý. Cái dớn trở thành một dụng cụ gắn bó thân thiết với người dân quê, cùng dân làng trải qua bao truân chuyên, vất vả trong cuộc sống.
Qua dụng cụ đăng đó này mà trong giới bình dân có thành ngữ hoặc ca dao mà dân quê hay dùng như sau: “Chạy lờ mắc đó” có nghĩa chạy khỏi đầu này, lại mắc đầu kia;“tham đó bỏ đăng” với nghĩa đen là sau khi đuổi cá ở một nền vừa kết thúc mọi người xúm lại nhổ cái đó lên coi cá chạy vô nhiều hay ít mà bỏ quên đăng đang nằm nghiêng ngã trên đám cỏ mà những người đuổi cá vừa giẵm đạp qua.
Về nghĩa bóng, chỉ sự phụ bạc ở lòng người. Phải hông anh Hai? Ở trong môn quần vợt, thường thường khán giả cũng thường thấy cảnh các cầu thủ hay vấp phải cảnh “được cá quên nơm” hay “tham đó bỏ đăng” là vào lúc kết thúc một trận cầu, kẻ thắng trận thường hay ném vợt cù-bơ cù-bất mà trong suốt trận cầu họ đã nhờ nó mới thắng những trái banh khiến đối phương không đỡ nổi.
Thành ra, qua ca dao, người xưa cũng có than thở về một lẽ công bằng giữa “đó” với “đăng” nhe anh Hai:
“Đó với đăng kêu rằng một họ, Trăng với đèn ai tỏ hơn ai.”
Nhưng khi cũng cùng dụng cụ ấy để đặt dưới sông, cố định một chỗ không phải dời đi như đuổi cá trên đồng, với chiều cao theo chớn mực nước lên xuống sâu hoặc cạn, thì cái “đó” lúc bấy giờ được gọi tên khác là cái “dớn”.
Theo kinh nghiệm trong nghề bắt cá, trên các sông sâu nước chảy như sông cái hay các con rạch lớn, vào mùa nước đổ tháng năm kéo dài tới tháng 8, tháng 9 âm lịch, trên các dòng sông ấy cá tép nhiều lắm, nhất là tép bạc, cá linh non, cá lòng tong đá, cá lòng tong mương. Ngư dân biết các loại cá tép này thường có thói quen lần theo mé bờ để mà di chuyển từ vùng này qua vùng khác; chúng ít đi giữa dòng nước vì sức nước chảy mạnh, khó đi. Từ đó, người ta mới đặt những cái dớn cặp theo đầu voi đuôi vịnh như vậy để bắt cá tép. Vì sợ miệng dớn lé đé mực nước, cá tép nhảy ra hết, nên người ta phải làm cái nắp để đậy miệng dớn; và muốn làm cái nắp như vậy phải coi mực nước ngập tới đâu để cái dớn phải ló khỏi cái chớn nước cao nhất còn in dấu trên các bậc thạch hoặc trên các da cây cặp bờ sông, thì cá mới không bị chết ngột. “Dớn” là chữ nói trại từ chữ “chớn”, chớn nước. Chính vì căn cứ vào cái chớn nước như vậy nên cái đó trên đồng khi đem đặt dưới sông biến thành cái dớn. Vả lại cái đó không cần làm cái nắp vì đuổi cá trên cạn, và được cá thì đổ ra xuồng liền, không phải sợ cả nhảy ra."
Có một điều này nữa nhe anh Hai. Cũng đồng thời người ta dùng cách bắt cá tép y như cái “dớn” nhưng không dùng đăng và dớn bằng nan tre mà lại dùng lưới nilon như hình bên dưới, thì lúc bấy giờ ở nhà quê người ta gọi cách bắt cá tép này là đặt “nò”
Ngoài ra, ngày xửa ngày xưa, theo cụ Huỳnh Tịnh Của, định nghĩa:"Cái đó còn gọi là cái đụt, cái giỏ để cho cá vào. Đó đứng: đụt dựng đứng; Đó nằm: đụt để nằm. Đăng đó: Tiếng kêu chung cả đồ ví cá, nhốt cá." Nhưng theo chỗ tui biết, hồi mấy năm 1940-1950, ở Mặc Cần Dưng, người ta thường căng đáy ngang sông, thì cái túi hứng cá ở cuối các miệng đáy ấy dân quê gọi là cái đụt.
Cái đụt đáy vùng Bắc Nam (An Phú, Châu Đốc) do nhà văn Khiêm Cung phác họa.
1/Đăng mương: Vào mùa mưa tháng ba, thàng tư âm lịch, ở miệt ruộng, tại các vàm mương cá thường theo nước lớn vô mương và lên đồng. Vì trên đồng chưa có nước, nên khi nước ròng cá lại thối lui trở ra sông. Biết được thói quen ấy của các loài cá, nên người ta thường trải đăng căng ngang vàm mương, chừa cái cửa rộng cho cá vô đồng. Buổi chiều khi nước vừa lớn, người ta mới đem mồi rải bên trong mí đăng để nhử cho cá vô mương. Mồi có khi là cám rang trộn với xác mắm cá linh và đất sét vò lại thành cục lớn như vắt cơm nhằm làm cho mồi không bị rã ra. Sau khi rải mồi, chờ nước đứng ròng, người ta mới bắt đầu lội xuống kéo đăng ngang và buộc chặc lại chờ khi nước ròng khô rạch là bắt đầu bắt cá. Ngoài những cái lọp được đặt ngay chưn đăng cá vô đầy lọp, người ta còn dùng rơm bó lại thành con cúi dài căng ngang giáp lòng mương và đánh trái lăn từ trong ngọn mương ra tới chỗ vàm mương nhằm mục đích dồn cá ra phía trước để bắt cho hết cá thay vì chỉ mò cá bằng hai bàn tay có khi cá bị sót lại.
2/Đăng mé: Trải đăng cạp mé cỏ nơi các bãi sông cạn cũng nhằm bắt cá như cách đăng mương. tại các mé kinh, mé rạch nào có nhiều cỏ xước, cỏ mồm, lục bình, rau muống là những chỗ cá ưa dựa vào các nơi rậm rạp này. Cũng xuống đăng, cũng chừa cửa, rồi chờ nước đứng ròng đóng cửa đăng lại và chờ nước ròng sát là bắt cá. Mấy năm sau này, khoảng 1970-1980 có lưới nilon loại lổ dày, thay vì dùng đăng bằng rẻ tre, người ta dùng lưới nilon để đăng mé rất tiện.
3/Bửng hay còn gọi lọp chà rào: Là cách đăng ngắn từ bờ ra một phần sông nhằm bắt tôm vào mùa nước đổ tháng năm chạy dài tới tháng 11, 12 âm lịch. Dưới chưn các loại bửng này người ta khoét vài lổ để đặt lọp cho cá tôm khi gặp đăng chúng dội lại và tìm các lổ trống tìm đường đi qua bên kia đường đăng. Có người còn xây ngay cuối đầu đăng cái rọ và đặt thêm lọp vào chỗ rọ ấy, cá tôm khi vô cửa rọ rồi lại tìm đường đi ra thì lại gặp miệng lọp lại chui vào lọp và chờ cho chủ bửng xuống đổ lọp là chịu chết, không cách gì thoát được. Thường thường, phía trước cái bửng này người ta hay lấy chà như ngọn bần, nhánh me nước hoặc ngọn tre cắm rai rai rồi vớt vài ba về lục bình thả vào nhằm làm cho cái bửng ấm và cá tôm ưa dựa vào mấy nhánh chà này và dễ vô lọp. Do vậy mà loại bửng này còn có tên gọi là lọp chà rào, hay bửng chà rào.
4/Đăng ngang sông: Giống như cách đăng ngắn vừa kể, chỉ khác là đăng ngang sông là đường đăng dài từ bờ bên này tới bờ bên kia sông. Dĩ nhiên lọp nhiều hơn và cá tôm nhiều hơn nhưng cũng tốn công và vốn liếng khá bộn.
5/Đăng miểng: Loại đăng này thường áp dụng để đăng và chận bắt cá tôm trên đồng và địa thế thường là các lung vũng trong các đám ruộng. Đường đăng dài chừng năm hoặc ba thước, tùy theo địa thế lung vũng ngắn hoặc dài, nhưng thường thường tay đăng rất ngắn, khoảng năm hoặc bảy thước. Do vậy, khi đặt lọp, người ta đặt lọp ở hai đầu đăng, còn gọi đặp lọp chẻ đầu đăng. Miệng lọp nằm giữa đường đăng làm thế nào để cá tôm trong lung vũng khi gặp đường đăng đăng ngang cản lối đi, chúng lội cặp theo chưn đăng tìm đường đi và khi tới đầu đăng có miệng lọp trống chúng tự đông vô miệng lọp. Cách đăng này cá tôm bên nào cũng có thể chạy vô lọp được.
6/Lọp đường ven: Cách đăng này đường đăng rất dài, tùy theo cánh đồng rộng hay hẹp hoặc lung vũng nhiều hay ít mà người ta trải đăng dài hay ngắn, nhưng chắn chắc là đường đăng sẽ ít nhứt cũng năm ba trăm thước, có khi có nhiều đường ven dài cả vài cây số căng ngang giáp một cánh đồng bao gồm nhiều miếng ruộng nhỏ. Cách đặt lọp cũng được chia đều ra nhiều khoảng cách, dưới chưn đăng người ta chừa trồng vài ba rẻ đăng để đặt lọp. Rải rác dọc theo đường đăng người ta cũng xây thêm các rọ để chận bắt tôm cá như đăng ngang sông vậy. Thường thường đăng ngang sông mỗi ngày mỗi dỡ bửng, còn lọp đường ven vì đường đăng quá dài, có khi nền đăng rất xa nhà nên trung bình hai ba ngày có khi cả tuần mới chống xuồng lên thăm đăng và dỡ lọp một lần. Trường hợp nhiều đường ven dài cả vài cây số, người ta chia ra một ngày thăm bửng và dỡ lọp phân nửa, còn phân nửa ngày hôm sau thăm tiếp. Sở dĩ phải có thời gian lâu như vậy vì mỗi khi dỡ lọp có khi cá tôm vô lọp chúng cố sức vượt ra nên sức mạnh của chúng làm cho hom lọp hoặc rẻ lọp bị gãy, hoặc đường đăng bị xuồng chống qua làm hư hao nên người chủ đường ven phải giặm vá lại những vật dụng bị hư ấy nếu không thì mấy kỳ thăm tới lọp lờ sẽ bị hư hao nhiều thêm nữa và dĩ nhiên cá tôm vô lọp rồi lại trở ra như chơi, tốn hao tiền bạc công sức mà chẳng được cá tôm bao nhiêu