Đạo là gì!?

  1. Tôn giáo

ĐẠO LÀ GÌ?

Phần 1. KHÁI QUÁT VỀ CHỮ ĐẠO

Trong tư duy thế nhân đương thời, khi nói về chữ Đạo, hầu hết chúng ta đều nghĩ ngay đến con đường. Tuy nhiên, nghĩa lý chữ Đạo cùng tột cao siêu huyền nhiệm, cho dù là người đã đắc Đạo, thì việc dùng ngôn ngữ thế gian để mô tả một cách trạch tri về Đạo, là điều "bất khả tư nghì". Vì Đạo vốn vô hình, không có hình trạng như các sự vật ở thế gian. Đức Thích Ca gọi Đạo là Chơn Như, là Phật Tánh, là Bồ Đề. Đức Lão Tử gọi Đạo là Cốc Thần, là nguồn sanh ra Vũ Trụ vạn vật. Đức Khổng Tử gọi Đạo là Thái Cực, là Thiên lý, vân vân. Danh từ tuy khác nhau, nhưng tựu trung lại đều chỉ đến nguồn cội, của Càn Khôn Vũ Trụ và Vạn Vật. Cái nguồn cội ấy, khi còn bất động gọi là Đạo. Còn khi đã động mà chuyển hóa, thì gọi là Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Trời vậy. 

Đức Lão Tử nói:

“Đạo mà nói ra được thì chẳng phải Chơn Đạo, Danh mà gọi ra được thì không phải thiệt danh”.

Kinh Phật lại nói:

“Đạo khó mà nói ra. Học giả phải tự mình tỏ ngộ lấy”.

Tỷ như một người câm thấy cảnh chiêm bao như thế nào, rồi mà mô tả lại cho người khác biết. Chúng ta muốn giải lý cho rõ cái Đạo, thì chẳng khác nào người câm muốn giải rõ chuyện chiêm bao kia vậy.

Bởi vì Đạo là chơn lý tuyệt đối, bổn tánh của Đạo là hư không lặng lẽ, xem chẳng thấy, lóng chẳng nghe, rờ không đụng, không lớn, không nhỏ, không trước, không sau, không thể dùng lời nói mà diễn tả được, hoặc đem ra mà so sánh. Đạo sanh ra Trời Đất vạn vật, lưu hành trong Vũ Trụ, tàng ẩn trong muôn vật, cho nên vật nào cũng có phần linh diệu bên trong để điều hòa, trưởng dưỡng cho nó. Đạo là tinh thần của Trời, Đất, vạn vật,... Mà Trời, Đất, vạn vật là bản thể của Đạo.

Nhưng Đạo vốn vô hình, cho nên muốn trình bày bản thể Đạo, tất phải mượn hữu hình để phô bày cái “Dụng” mà thiệt hành cái “Thể”. Ví dụ ta có một tư tưởng, tư tưởng ấy vốn vô hình, muốn trình bày nó ra cho người ta biết, cần phải mượn văn chương là vật hữu hình. Vì lẽ đó mới phát sanh nhiều tôn giáo, là những cái “Dụng” của Đạo, như Phật giáo, Tiên giáo, Hindu giáo, Thiên Chúa Giáo, Nho giáo, v.v… Mặc dầu các tôn giáo khác nhau về hình tượng, cách tổ chức và Lễ nghi tế tự, nhưng vẫn giống nhau ở chỗ, lấy từ bi bác ái mà dạy chúng sanh, lấy sự “Chuyển mê khai ngộ” làm tôn chỉ, lấy sự giải thoát luân hồi làm cứu cánh. Vậy nên có thể nói, các tôn giáo dù có khác biệt như thế nào, thì vẫn xuất phát từ một gốc Đạo Lý, của Hóa Công mà ra.

Đạo, theo chữ Hán nghĩa đen là con đường hay đường đi, nghĩa bóng mang khái niệm trừu tượng về con đường, phương hướng, đường lối dẫn dắt con người đi đến mục tiêu hay lý tưởng nào đó. Có rất nhiều lý tưởng, phương hướng và nguyên tắc khác nhau về Đạo, thí dụ Thiên đạo, Nhân đạo, Trí đạo, Tâm đạo. Tuy vậy, tất cả những con đường Đạo khác nhau đó có cùng chung một nền tảng cơ bản là dựa trên cái Thiện, cái Đẹp, Tự Nhiên trong sáng lành mạnh và Chân Chính để mưu cầu Hạnh Phúc và An Bình cho con người. 

Khi nói đến Đạo, người ta thường cho rằng đó là vấn đề thuộc Tôn giáo nhằm đến đạo Phật, đạo Tiên, đạo Thiên Chúa hay những đạo giáo khác đang lưu truyền hiện nay. Nhưng đạo trong các tôn giáo của loài người, cũng đều xuất phát từ cái gốc rễ Đạo Lý của Hóa Công mà thôi. Đạo ở khắp vũ trụ, tàng ẩn trong muôn vật thiên nhiên mà không có bất cứ sự phân biệt nào. Đạo là vô hình nhưng công dụng vô biên đối với vạn vật đều tương đối và ngang nhau, có thể hình dung đó là đạo của Trời. Theo quan điểm Lão Tử, Đạo có công sinh ra vạn vật, còn Đức thì bồi dưỡng, nuôi lớn vạn vật và có công che chở vạn vật, nhưng công sức đó lại tùy thuộc vào Đạo. Nói cách khác, khi vạn vật được tự nhiên sinh ra, muốn được phát triển và trưởng thành tốt thì phải cần quá trình bồi dưỡng nuôi nấng tốt. Muốn được như thế, cần phải tuân theo chính quy luật của nó, tức là quy luật của tự nhiên, là quy luật của Đạo. Khi con người làm được những điều thích ứng thuận với đạo Trời thì coi như đắc Đạo. 

Phần 2. CHỮ ĐẠO TRONG CÁC TÔN GIÁO

1. Chữ Đạo trong Kinh Dịch

Kinh Dịch nói: "Nhất âm nhất dương chi vị đạo", hai khí âm và dương tác động lẫn nhau là động lực thúc đẩy sự hình thành và chuyển hóa của sự vật, có nghĩa Đạo là do 1 Âm 1 Dương tác động ảnh hưởng lẫn nhau để sinh ra, chuyển biến hoá và phát triển vạn vật trong vũ trụ. Đó là sự biến chuyển không ngừng trong mối liên kết giữa Trời, Đất và Con người trong mô hình trật tự của hai chiều âm và dương. Người nào thấu hiểu được Dịch, hiểu được sự vật và còn thông thấu được cả đạo của sự vật, tất nhiên sẽ hành xử theo đạo là Đạo Quân Tử. Không gì mà không có Đạo, Đạo hiện hữu khắp nơi. Mọi vạn vật đều sinh tồn trong quy luật biến hóa của Đạo và nhờ Đạo, vì Đạo liên tục biến chuyển để đổi mới cho vạn vật, giúp thế gian ngày càng tươi đẹp và phát triển thêm.

2. Chữ Đạo trong Phật giáo

"Bình Thường Tâm Thị Đạo" người nhập được vào bản tâm thanh tịnh, giữ được tâm bình thường của chính mình, là người đó thấy được đạo và nhập được vào đạo. Khi đó, có thể đọc hiểu được những lời dạy của chư Phật, thấu hiểu được mọi Phật pháp, không cần phải thuộc làu các kinh điển hay sách vở, mà vẫn tự thấy được con đường giác ngộ và giải thoát, tiến tới xây dựng đời sống hiện hữu được an lạc và tìm thấy hạnh phúc cho bản thân. Trong Đạo Phật, từ Đạo được hiểu là con đường, từ Phật nghĩa là Giác Ngộ, Toàn Giác. Đạo Phật được hiểu là con đường đi tới sự Giác Ngộ.

3. Chữ Đạo trong Cao Đài giáo

Muốn nhìn thấy Đạo thì phải tu luyện và phải đủ công đức thì mới đắc đạo. "Đạo không phải nơi lời nói, mà ở kết quả của việc mình làm. Chẳng phải nơi câu kệ câu kinh mà buộc hành vi người giữ đạo. Cái khó khăn của Đạo chẳng phải nơi giảng dạy mà cốt ở sự thực hành. Cái hay của Đạo chẳng phải tại nơi yếu lý, mà ở kết quả của sự giáo truyền".

4. Chữ Đạo trong nhân gian

Đạo là đời, đó là định nghĩa của nhân gian từ những kinh nghiệm từng trải trong cuộc sống. Trên diện phương tâm lý, bất cứ con người nào sống trên cuộc đời này cũng đều mong muốn có được nơi an cư lạc nghiệp, đất nước hoà bình, đời sống ấm no, hạnh phúc, tinh thần vui vẻ, bình an, không lo nghĩ, phiền muộn. Thế nhưng, cuộc đời luôn đầy biến động vì thế giới con người rất đa dạng phong phú cùng với vạn vật thiên nhiên ảnh hưởng tác động cho nhau. Do đó, con người trở nên mong muốn lợi lộc nhiều hơn cho mình và đã vượt ra khỏi giới hạn tự nhiên của bản thân. Cuộc đời lại có những quy luật tự nhiên của nó với sự bù trừ cân bằng khiến cho con người thường nhận lại những gì mình đã cho đi, tức phải trả giá cho hành động của mình. Quy luật và nguyên tắc tự nhiên đó chính là Đạo lý của cuộc đời, hay còn gọi là luật Nhân Quả cũng không khác.

5. Chữ Đạo trong Đạo Giáo

Lão Tử coi đạo là nguồn gốc của vũ trụ, là bản nguyên của Trời Đất và vạn vật, có nguồn gốc tự nhiên nhưng không biết nơi xuất phát cũng không có nơi kết thúc: "Có một thứ gì đó sinh ra cả trời đất, lặng lẽ, trống không, đứng riêng biệt không đổi thay, tuần hoàn không biết mệt mỏi,bao quát cả những thứ hữu hình và vô hình, ta không rõ tên là gì, gọi nó là đạo (hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh, tịch hề liêu hề, độc lập bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu; ngô bát tri kỳ danh, tự chi viết đạo)". 

Đạo ở khắp vũ trụ, tàng ẩn trong muôn vật thiên nhiên mà không có bất cứ sự phân biệt nào. Đạo là vô hình nhưng công dụng vô biên đối với vạn vật đều tương đối và ngang nhau, có thể hình dung đó là đạo của Trời. Lão Tử cũng diễn tả Đạo với nhiều con đường khác nhau với hình dung rõ nét hơn nhờ vào cái Lý đi theo sau nó, như Đạo Người, Đạo Trời, Đạo Trị Nước hay Đạo Đức Kinh của ông. Theo ông, Đạo có công sinh ra vạn vật, còn Đức thì bồi dưỡng, nuôi lớn vạn vật và có công che chở vạn vật, nhưng công sức đó lại tùy thuộc vào Đạo. Nói cách khác, khi vạn vật được tự nhiên sinh ra, muốn được phát triển và trưởng thành tốt thì phải cần quá trình bồi dưỡng nuôi nấng tốt. Muốn được như thế, cần phải tuân theo chính quy luật của nó, tức là quy luật của tự nhiên, là quy luật của Đạo. Khi con người làm được những điều thích ứng, thuận với đạo Trời thì coi như đắc Đạo. Vì thế, Lão Tử chủ trương sống tự nhiên với bản chất con người để gần gũi với Đạo hơn.

Chương đầu tiên Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: 

"Đạo khả đạo phi thường Đạo.

Danh khả danh phi thường danh.

Vô danh thiên địa chi thủy;

Hữu danh vạn vật chi mẫu.

Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu;

Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu.

Thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh.

Đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền. Chúng diệu chi môn.

Dịch xuôi:

Đạo (mà) có thể gọi được, không phải là Đạo thường (hằng cửu). Tên mà có thể gọi được, không (còn) phải là tên thường (hằng cửu). Không tên là gốc của trời đất, có tên là mẹ của muôn vật. Cho nên thường không có dục để nhìn thấy chỗ vi diệu của mình. Thường có dục, để nhìn thấy chỗ giới hạn (công dụng) của mình. Hai cái đó cùng một nguồn gốc, nhưng tên khác nhau, đều gọi là Huyền nhiệm. (Cái) tối ư huyền nhiệm ấy chính là cửa phát sinh ra mọi điều huyền diệu.

Dịch thơ:

Hóa công hồ dễ đặt tên,

Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.

Không tên sáng tạo thế gian,

Có tên, là mẹ muôn vàn thụ sinh.

Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi.

Hai phương diện một Hóa Nhi,

Huyền linh khôn xuất huyền vi khôn lường.

Ấy là chúng diệu chi môn,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.

Trong Đạo Đức Kinh chương 25, Lão Tử viết:

1. Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải. Chu hành nhi bất đãi. Khả dĩ vi thiên hạ mẫu.

2. Ngô bất tri kỳ danh; tự chi viết Đạo, cưỡng vi chi danh viết Đại. Đại viết thệ. Thệ viết viễn. Viễn viết phản.

3. Cố Đạo đại, thiên đại, địa đại, vương diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi vương cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên.

Dịch xuôi:

1. Có một vật hỗn độn mà nên, sinh trước trời đất; yên lặng, trống không; đứng một mình mà chẳng thay; đi khắp nơi mà không mỏi. Có thể làm mẹ thiên hạ.

2. Ta không biết tên, đặt tên chữ đó là Đạo. Gượng gọi tên đó là Lớn. Lớn là đi, đi là xa; xa là trở lại.

3. Cho nên Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn. Người cũng lớn. Trong đời có bốn thứ lớn, mà Người là một. Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời; Trời bắt chước Đạo; Đạo bắt chước tự nhiên.

Dịch thơ:

1. Có một đấng an nhiên tự hữu,

Trước đất trời, vĩnh cửu tự thành.

Tịch liêu, vắng ngắt, vắng tanh,

Một mình mình biết, một mình mình hay.

Muôn vàn chẳng chút đổi thay,

Đó đây quanh quất, đó đây chẳng chồn,

Sinh muôn vật, mẹ muôn thiên hạ.

2. Tính danh người ta há biết sao,

Tên Ngài phải gọi thế nào,

Gọi liều là Đạo, xưng ào là To.

Vì quá to, nên xa thăm thẳm,

Thăm thẳm xa mà vẫn gần kề.

3. Đạo to, to lớn muôn bề,

Trời to, đất lớn, Người (khoe) lớn (quyền).

Bốn trọng đại trong miền Vũ trụ,

Người nghiễm nhiên được ghé một vai.

Người theo khuôn phép đất đai,

Khuôn trời đất lấy, Đạo cai quản Trời.

Tự nhiên, Đạo cứ thảnh thơi.

Đạo là Nguyên lý, nên tam tài (Trời, Đất, Người) đều do đạo xuất sinh. Đạo Nho cho rằng người là một ngôi trong Tam tài. Lão tử lại cho rằng Người là một ngôi trong tứ Đại, (Đạo, Thiên, Địa, Nhân). Tuy nhiên, hai đằng vẫn nói lên sự cao trọng của con người. Vả lại, đường lối con người chung qui, là phải khuôn theo trời đất, phải khuôn theo Đạo. Mà Đạo thời tự nhiên. Cho nên đạt tới mức sống Tự nhiên, là mức sống cao siêu nhất.

Phần 3. HÌNH TƯỚNG VÀ TÂM TƯỚNG CHỮ ĐẠO

Hình tướng của Đạo đưa ra câu trả lời cho ba câu hỏi liên quan đến Thiên, Địa và Nhân:

Đầu tiên, Đạo cho chúng ta biết về bản thân mình trong mối quan hệ với Thiên. Trước khi bắt đầu hành trình tu hành, chúng ta đã từng ở nơi nào trên trời?

Thứ hai, Đạo chỉ ra nhiệm vụ của con người trong cuộc sống, liên quan đến Nhân. Dù là nông dân, quan chức, hay bất cứ nghề nghiệp nào khác, chúng ta đều có nhiệm vụ của mình. 

Thứ ba, Đạo giải thích về cái chết, liên quan đến Địa. Sau khi qua đời, thân tướng và trí tuệ của chúng ta sẽ trở về với đất mẹ.

Hình tướng của Đạo còn bao gồm quan niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai. Cụ thể:

Quá khứ là thời gian tích lũy kinh nghiệm và nghiệp lực của chúng ta qua nhiều kiếp.

Hiện tại phản ánh lại quá khứ của mỗi người, và nhiều đời tích phước có thể đến với kiếp này.

Còn về tương lai, chúng ta không biết chúng ta sẽ đi đến đâu sau khi qua đời.

Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa trên hành động của mình hiện tại để định hướng tương lai.

Gieo duyên là hành động của con người, có thể dẫn đến kết quả tích cực hoặc tiêu cực trong cuộc sống hiện tại và tạo phước báu tại kiếp sau. Nếu gieo duyên ác, con người sẽ nhận quả báo và có thể đọa địa ngục hoặc luân hồi vào cõi súc sanh ở kiếp sau.

Đạo tập trung vào Nhân (Nhân Đạo) để tạo ra sự tương tác giữa con người với con người, và hợp nhất bốn phương Đông, Tây, Nam và Bắc. Chúng ta có thể hiểu việc học Đạo để đạt đến cảnh giới Hoàn Đạo. Không nên coi Đạo là một hình thái tôn giáo. Sở dĩ có sự phân chia các dòng Đạo, là do con người tự thiết lập nên mà thôi.

Phần 4. THIÊN ĐẠO

Lão Tử được xem là người đầu tiên ở phương Đông luận về vũ trụ một cách hoàn chỉnh và có hệ thống. Thiên Đạo (hay Đạo trời) được Lão Tử nói tới trong “Đạo Đức Kinh” thông qua hai phạm trù lớn là “Đạo” và “Đức”. Đạo là nói tới cái phổ quát hay cái chung, còn Đức là nói tới cái Đạo của mỗi sự vật cụ thể hay cái riêng.

Trong tác phẩm Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: "Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự nhiên”.

Tạm dịch:

"Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên".

Sự vận hành của Trời và Đất là gần với Tự nhiên nhất. Cá bơi trong nước, chim bay trên trời, hoa nở hoa rơi, mặt trời và mặt trăng luân phiên nhau, bốn mùa thay đổi… Vạn vật trong Trời Đất tựa hồ như đều đã được an bài. Hơn nữa, hết thảy sự an bài này đều hết sức có trật tự.

Cá sẽ không nghĩ: “Ta vì sao không thể bay trên bầu trời?” và chim cũng sẽ không nghĩ: “Ta vì sao không thể bơi trong nước?” Mùa đông qua đi sẽ không tới mùa hè, và mùa thu cũng không thay thế được vị trí của mùa xuân… Cho nên, con người cần sống thuận theo Đất, thuận theo Trời, thuận theo Đạo. Lão Tử giảng con người trước tiên phải biết kính sợ Trời Đất.

Trời, Đất và con người là nhất thể và có căn nguyên cuối cùng là Đạo. Con người ngàn vạn lần không thể vì thỏa mãn dục vọng của bản thân mà ra sức phá hư trật tự hài hòa của Trời Đất. Bởi vì, một khi Trời không yên, Đất không tĩnh thì chịu tổn hại nhất vẫn là con người.

Trong Đạo Đức Kinh chương 77, Lão Tử viết: 

"Thiên chi Đạo, kỳ do trương cung dư? Cao giả ức chi, hạ giả cử chi, hữu dư giả tổn chi, bất túc giả bổ chi. Thiên chi Đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc."

"Nhân chi đạo tắc bất nhiên, tổn bất túc nhi phụng hữu dư. Thục năng hữu dư dĩ phụng thiên hạ? Duy hữu đạo giả."

"Thị dĩ thánh nhân, vi nhi bất thị. Công thành nhi bất xử, kỳ bất dục kiến hiền."

Dịch xuôi:

"Đạo Trời như dương cung. Cao thì ép xuống, thấp thì nâng lên. Thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào. Đạo Trời bớt dư bù thiếu."

"Đạo người chẳng vậy, bớt thiếu bù dư. Ai đem chỗ dư bù đắp cho thiên hạ? Phải chăng chỉ có người có Đạo?"

"Cho nên thánh nhân làm mà không cậy công. Công thành không ở lại; không muốn ai thấy tài mình."

Dịch thơ:

Đạo Trời như thể dương cung,

Làm căng chỗ thấp, làm chùng chỗ cao.

Bớt thừa bù thiếu khéo sao,

Chỗ thêm chỗ bớt tơ hào chẳng sai.

Lối người ngược lại lối Trời,

Luôn bòn chỗ thiếu mang bồi chỗ dư.

Ấy ai biết lấy chỗ thừa,

Làm cho thiên hạ ấm no vẹn toàn.

Của thừa đem giúp thế gian,

Họa là đắc đạo siêu phàm mấy ai.

Cho nên hiền thánh trên đời,

Tuy làm mà chẳng có đòi công lao.

Công thành dạ chẳng tơ hào,

Chẳng mong tiếng cả ngôi cao cho mình.

BÌNH GIẢNG

Đường lối của Trời đất là: Tổn hữu dư. Bổ bất túc.

Chủ trương của Đạo Đức kinh cũng tương tự như chủ trương của kinh Dịch. Dịch kinh viết nơi Thoán truyện quẻ Khiêm:

«Trời làm vơi chốn dồi dào,

Mà thêm vào những chỗ nào khiêm cung.

Đất soi mòn bớt cao phong,

Mà cho lòng biển lòng sông thêm dầy.

Quỉ thần hại kẻ no đầy,

Mà đem phúc lại cho người khiêm cung.

Thoán truyện quẻ Ích cũng viết:

«Ích là thêm dưới bớt trên,

Nhân dân vui vẻ, phỉ nguyền đòi nơi.

Hạ mình để phục vụ người,

Lối đường thế ấy, rạng ngời quang minh.

Cho nên thánh nhân phải bắt chước trời bớt chỗ thừa thêm chỗ thiếu, như vậy muôn dân sẽ an lạc.

Đạo trời không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo đáp, không gọi mà vạn vật tự chuyển động, bình thản vô tâm mà khéo sắp đặt mọi việc. Đạo trời không thiên vị ai, luôn giúp đỡ cho người lương thiện. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt (Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất).

Không tên là gốc trời đất, có tên là mẹ vạn vật. Đạo trời ví như cánh cửa khép mở, vạn vật từ đó đi ra rồi lại trở về đó. Đạo có tính chất trừu tượng, nó không có hình thù cụ thể, không thể nắm rõ, không sáng ở nơi rực rỡ, không mờ ở nơi tối tăm. Vạn vật chuyển động theo một vòng tròn khép kín. Tất cả bắt đầu từ “có”, có lại bắt đầu từ “không”. Lời nói hợp đạo nghe như ngược đời.

Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa, mưu trí xuất hiện rồi mới có trá ngụy, gia đình bất hòa rồi mới sinh ra hiếu thảo, nước nhà rối loạn rồi mới có tôi trung. Đạo ức chế vật cao, nâng đỡ vật thấp. Đạo trời lấy chỗ thừa mà đắp vào chỗ thiếu hụt. Đạo người thì lấy của người nghèo mà thêm cho người giàu, đây chính là nguồn gốc của sự hỗn loạn. Người khôn ngoan chỉ muốn một điều là không muốn gì cả.

Trời có đạo mà xanh, đất có đạo mà yên, thần có đạo mà linh, biển nhờ có đạo mà đầy, vạn vật có đạo mà thành, đế vương có đạo mà được thiên hạ.

Phần 5. NHÂN ĐẠO

Nhân Đạo, là tư tưởng chính của nhiều nhân vật trong nhóm Bách Gia Chư Tử. Tiêu biểu nhất có thể kể đến đó là Khổng Tử, một triết gia nổi tiếng của Trung Quốc, sống vào thời Xuân Thu. Để ổn định trật tự xã hội và cảm hóa con người, trong "Luận ngữ" của Khổng Tử đã đưa ra quan niệm về "nhân". Quan niệm của Khổng Tử về "nhân" có thể khái quát: nhân là trung thứ, là thương người; nhân là cái gốc sinh ra các đức mục khác, các đức mục khác hội tụ ở nhân; người có nhân làm được năm điều: cung, khoan, tín, mẫn, huệ; khắc kỷ phục lễ là nhân; hiếu đễ là gốc của nhân. Quan niệm của Khổng Tử về "nhân", có ý nghĩa tích cực đối với việc phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân đạo... 

Tứ thư và Ngũ kinh là những bộ sách kinh điển của Nho giáo, ra đời cách đây khoảng hơn 2000 năm, được xem là nền tảng của triết học Trung Hoa cổ đại. Cuốn sách Tứ thư (Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử) là những lời truyền đạo, những lời dạy của Khổng Tử, Mạnh Tử được các học trò và thế hệ sau soạn lại. Trong đó, tư tưởng về “nhân” được hai bậc "thánh" và “á thánh” nhiều lần đề cập. Học tư tưởng nhân, là để thực hành cách sống ở đời cho hợp tình, hợp lý; để thực hành nhân đức; để chấn hưng đất nước bình yên, thịnh trị; từ đó hướng con người đến sự hoàn thiện cả tâm hồn và hành động. Học thuyết về luân lý, đạo đức, chính trị, xã hội, là một trong những vấn đề cốt lõi, và là thể thống nhất hữu cơ trong triết học của Khổng Tử. Những phạm trù đạo đức căn bản nhất trong học thuyết đạo đức của Khổng Tử là: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín...

Trong những phạm trù đạo đức ấy, nhân là chuẩn mực đạo đức cơ bản quy định bản tính con người và những quan hệ giữa người với người từ trong gia tộc đến xã hội. Chữ nhân trong Luận ngữ (Tứ thư) của Khổng Tử (gồm chữ “nhân đứng” và chữ “nhị”) có ý rằng, cái đại thể và cái đức chung của mọi người đều có như nhau, trong mối quan hệ người với người thì "nhân" mới được biểu hiện. 

Thông qua hai tư tưởng Khổng Lão đã trình bày, thì Nhân Đạo ở đây là việc con người cần phải sống có Đức, cũng tức là sống theo Đạo. Uẩn Đạo trong Nhân Đạo ở đây chính là Đạo Nghĩa. Là cái Nghĩa của Đạo Làm Người. Cũng chính tại vì thế nên có Nghĩa là có Nhân thôi. Bằng như chúng ta sống vô Nghĩa, Ắt thành ra bất Nhân rồi vậy. 

Cho dù có tính là “Khởi Nghĩa”…, thì cái nghĩa tiên phong chính là nghĩa Kim Bằng. Phàm bạn bè mà sống tuyệt nghĩa với nhau đã không đủ để được vỗ vai mà gọi là Bạn Hiền rồi vậy (cái vỗ bằng một tay!). Dấn tiếp bước nữa vào miền Nghĩa Xứ này thì ta bắt gặp cái nghĩa tình ruột thịt của anh em trong nhà. Cái Nghĩa của giọt máu đào, vốn được kết tinh từ khí huyết của Cha Mẹ ban cho. Rồi đến Nghĩa Phu Thê, Nghĩa Phụ Tử, Mẫu Tử vân vân. Nơi phải cung kính mà trải chiếu trên là Nghĩa Ông Bà, Tổ Tiên. Vậy cái Chính Nghĩa không gì có thể khác hơn chính là cái Ân Nghĩa Sinh Thành cả. Là cái Đạo đủ để Làm Người. 

Thế nên, nếu có muốn làm nên Con Người. Ta nhất định phải tìm về cội nguồn Tổ Tiên làm nên giống nòi là trước hết rồi vậy. Sau đó rồi hẵng nói đến Đạo Trời, Đạo Đất cho được. Có thể nói rằng, Đạo Nghĩa chính là bản thể của Nhân Đạo.

Chúng ta đều biết Đạo Người đứng giữa mà dung hòa Đạo Trời và Đạo Đất. Vậy mà chúng ta cứ quen vội vã đi tìm đạo Trời Đất mà quên đi Đạo Người! Sẽ là muôn vàn luẩn quẩn nếu một khi ta chợt liễu ngộ Trời Đất đang chờ Con Người dung hòa cho trọn vẹn đạo lý cuối cùng!! 

Nội dung được tham khảo từ Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Đại Đạo Học Đường, Luận Ngữ, Quan niệm của Khổng Tử về Nhân, Wikipedia, Ký sự phía bên kia không gian chiều thứ tư, và một số nguồn thông tin đáng tin cậy khác.

dantocking.com

Từ khóa: 

đạo

,

tôn giáo