ĐẠO CAO ĐÀI VÀ HỘI TAO YUAN HAY TIÊN THIÊN CỨU GIÁO HỒNG VẠN
kiến thức chung
Lễ Sanh Ngọc Duyên Thanh và Lễ Sanh Thái Xương Thanh sưu tầm (27/7/2015)
Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN do Ngài Đầu Sư Thượng Tám Thanh hướng dẫn đã lần lượt trong 2 năm (2013-2014) đến các nước Á Châu như Nhật, Đài Loan, Singapore, Mã Lai để dự Đại Lễ của các tôn giáo như Oomoto giáo (Nhật), Tao Yuan hay Tiên Thiên Cưu giáo Hồng Vạn (Đài Loan và Singapore) và thăm Nhất Quán Đạo (Đài Loan), theo lời mời của các tôn giáo nầy. Để đáp lễ, Hội Thánh Cao Đài TTTN trong dịp Đại Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung năm 2015, cũng sẽ mời Phái đoàn của các tôn giáo nói trên đến dự Đại Lễ nầy. Tuy đây là dịp để Đạo Cao Đài thắc chặc tình hữu nghị với các tôn giáo đó, nhưng thực chất là do thiêng liêng sắp đặt để các tôn giáo có cùng một phương thức tổ chức và giáo lý gần giống nhau cùng kết hợp lại với nhau, ứng với câu kinh: "Ánh Thái Dương giọi trước Phương Đông".
Chúng tôi sẽ nói đến trước tiên trong loạt bài nầy về Hội Tao Yuan hay Tiên Thiên Cứu giáo Hồng Vạn (TTCGHV), và trong 2 loạt bài khác sẽ nói về Nhất Quán Đạo và Oomoto giáo có tương quan như thế nào với Đạo Cao Đài. Trong loạt bài nầy, chúng tôi trình bài trong 3 bài:
- Thiên cơ xoay chuyển để Đạo Cao Đài kết hợp với các tôn giáo cùng phương thức tổ chức và tương đồng về giáo lý, điền hình là Tiên Thiên Cứu giáo Hồng Vạn.
- Tương quan giữa Đạo Cao Đài và Hội Tao Yuan hay Tiên Thiên Cứu giáo Hồng Vạn.
- Bài cơ của Đức Thái Thượng Đạo Tổ ban cho Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN ở Đạo Viện Đại Lầu của Hội Tao Yuan (Đài Loan) là sứ mạng giao phó cho Đạo Cao Đài trong tương lai.
Bài I. THIÊN CƠ XOAY CHUYỂN ĐÃ ĐẾN LÚC ĐẠO CAO ĐÀI PHÁT TRIỂN RA THẾ GIỚI.
Khi sang Nhật tham dự Lễ Miroku của Oomoto giáo vào ngày 25/3/ Quý Tỵ tức 4/5/2013 DL, Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài và Phái đoàn Tiên Thiên Cứu giáo Hồng Vạn (Hội Tao Yuan) Đài Loan mới có dịp gặp nhau, do sự giới thiệu của Oomoto giáo. Nhân đó, Ngài Tổng Chủ Viện Tiên Thiên cứu giáo Hồng Vạn (Tao Yuan) Chen Chao Cheng (Trần Chí Thành) đã ngỏ lời mời Phái đoàn Hội Thánh sang dự Đại lễ Kỷ niệm Đệ Thất chu niên Phân Viện Đàn Tông và Lục thập tứ chu niên ngày thành lập Tổng chủ Viện của Tôn giáo nầy, sẽ tổ chức vào ngày 15/6 năm Quý Tỵ tức 22/7/2013 DL. Đây là Thiên cơ xoay chuyển cho Đạo Cao Đài và Tiên Thiên Cứu giáo Hồng Vạn (Hội Tao Yuan) gặp nhau, để kết hợp nhau, vì có tổ chức và giáo lý gần như tương đồng.
Lần đầu tiên, Phái đoàn Hội Thánh do Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh hướng dẫn, đã đến dự Đại lễ của Hội Tao Yuan Đài Loan theo lời mời nói trên. Phái đoàn Hội Thánh đã khởi hành vào 2 giờ sáng ngày 21/7/2013 (14 tháng 6 năm Quý Tỵ) và trở về nước ngày 28/7/ 13 (21 tháng 6 năm Quý Tỵ). Phái đoàn Hội Thánh đến Phi trường Đài Bắc vào 11giờ 30 sáng ngày 21/7/2013 đã được ông Chen Chao Cheng (Trần Chí Thành), Tổng chủ Viện Hội Tao Yuan cùng các vị chức sắc cao cấp của Hội tiếp đón trọng thể tại Phi trường, và giơ cao lá cờ màu trắng có chữ Vạn đỏ (Đạo kỳ Hội Tao Yuan), vẩy chào Phái đoàn Hội Thánh. Ngoài ra có 2 chức sắc đại diện của Nhất Quán Đạo như Ngài Lee Yu Chu Tổng Lý Sư Trưởng Nhất Quán Đạo cũng đã đến chào đoàn. Đặc biệt, trong ngày Đại lễ 22/7/13 (15 tháng 6 năm Quý Tỵ), chính ông Hứa Nhã Độ, Tổng Chủ Hội Tao Yuan (Tiên Thiên Cứu giáo Hồng Vạn) ở tận Đài Nam lên Đài Bắc tiếp Phái đoàn Hội Thánh, với lời xin lỗi là vì ở Đài Nam quá xa, nên không lên kịp lúc để tiếp rước Phái đoàn được (Đài Bắc là thủ phủ Đài Loan cách Đài Nam 200 km). Phái đoàn Hội Thánh đã được khoảng 300 chức sắc và Giáo chúng TTCGHV ở từ nội địa Đài Loan và khắp nơi trên thế giới tiếp đón. Trong ngày nầy, chính Ngài Tổng Chủ Hứa Nhã Độ đã mời Phái đoàn Hội Thánh đến tham quan Đàn cơ vào 15 giờ ngày nầy, do chính Ngài Tổng Chủ chủ trì có 2 vị đồng tử cầm cơ, 1 Vị xướng đọc Thánh văn, và các Vị hầu bút. Bài cơ bằng tiếng Trung Hoa (đã được dịch sang tiếng Việt sau khi Phái đoàn Hội Thánh về Việt Nam), sẽ được chúng tôi trình bày sau.
Vì đây là Lễ lớn của Hội, nên tất cả các Phân Viện của Hội trên toàn thế giới đều về tham dự, như từ nội địa Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Mã Lai, Myamar, và Hoa kỳ. Riêng Phái đoàn Hội Tao Yuan Singapore có thiện cảm với Đạo Cao Đài, cho nên sau khi trở về nước, họ mong muốn có sự giao hảo thân thiện hơn đối với Đạo Cao Đài, và có ý định phái Đại diện sang Việt Nam để tìm hiểu thêm về Tôn giáo mới nầy, và thắc chặc tình thân hữu giữa Hội Tao Yuan và Đạo Cao Đài. Vì vậy, vào ngày 2/12/13, ông Ho Koon Sang, Phó Hội Trưởng Hội Tao Yuan Singapore và Mã Lai cùng Phu nhân là Bà Tan Chai Cheak và con gái là Ho Tze Huey từ Singapore sang thăm TTTN. Ông Ho Koon Sang cho biết lần đầu tiên ông đến TTTN, mục đích tìm hiểu, để sẽ gởi Phái đoàn đến giao lưu cùng TTTN. Ông đã thâu hình các buổi cúng Đàn và Đền Thánh TTTN và các kiến trúc khác ở Thánh Địa để nghiên cứu và tỏ ý thán phục các công trình kiến trúc nầy.
Do đó, khi Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN đến dự Đại Lễ của Hội Tao Yuan Singapore, Phái đoàn đã được cho xem Tập san số 181 của Đạo Viện Tao Yuan Singapore phát hành, trong đó có đăng tải hình ảnh tiền diện Đền Thánh uy nghi và nội tâm Đền Thánh với những cột rồng rực rỡ và hình ảnh Cúng Đàn trang nghiêm ở Đền Thánh do ông Ho Koon Sang mang về. Khi được biết tôn chỉ và mục đích của Đạo Cao Đài tương đồng với Hội Tao Yuan và thấy hình ảnh của Đền Thánh, quí chức sắc của Hội Tao Yuan rất ngạc nhiên thích thú và tỏ ý kính trọng.
Đáp lời mời của Hội Tao Yuan Singapore và Mã Lai, Phái đoàn Hội Thánh do Ngài Đầu Sư Thượng Tám Thanh hướng dẫn đã đến Singapore tham dự Đại Lễ kỷ niệm Mừng năm thứ 78 của Hội Tao Yuan Singapore vào các ngày 12/10/14 (19 tháng 9 năm Giáp Ngọ) đến ngày -15/10/14 (22 tháng 9 năm Giáp Ngọ). Tiếp Phái đoàn Hội Thánh, ngoài Chủ tịch Hội Tao Yuan Singapore, còn có Chủ Tịch Hội Tao Yuan Mã Lai, Chủ Tịch Hội Tao Yuan Thái Lan, Phó Chủ tịch Hội Tao Yuan Hongkong, và một số Chức sắc cao cấp Hội Tao Yuan từ Đài Loan sang. Xem thế, toàn thể Hội Tao Yuan rất ngưởng mộ Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN. Họ mong muốn "nếu Hội Thánh Cao Đài TTTN có nhã ý mời thì họ sẽ tổ chức Phái đoàn đến tham dự Đại Lễ của Đạo Cao Đài và tham quan TTTN đễ thắc chặc hơn tình cảm đạo đức giữa nhau".
Nhân dịp nầy, Phái đoàn Hội Thánh, đáp lời mời của ông Dato Tan Kah Choun, Chủ tịch Hội Tao Yuan Mã Lai, đã dùng đường bộ qua eo biển Malacca đến Mã lai, đế thăm Hội Tao Yuan Mã Lai ngày 16/10/14, tức ngày 23 tháng 9 năm Giáp Ngọ.
Thật ra sự liên hệ giữa Đạo Cao Đài và Hội Tao Yuan, cũng như với Nhất Quán Đạo Đài Loan, hay Oomoto giáo Nhật Bản đã có gốc rễ thiêng liêng rất huyền bí từ xa xưa, tuy các cơ chế nầy không hề có giao lưu nhau. Ngày nay đã đến thời kỳ, do sự sắp đặt của Thiêng liêng, Thiên cơ xoay chuyển, các cơ chế nầy có sự tương đồng căn bản về giáo lý, về xử dụng cơ bút và về một số giáo điều, đến Tòa Thánh Tây Ninh và có lẽ sẽ kết hợp vào Đạo Cao Đài một cách tự nhiên theo lối "chùm nho", để rồi phát triển ra khắp năm châu.
Do đó , chúng tôi sẽ lần lượt trình bày về sự tương quan giữa Đạo Cao Đài và các cơ chế có tính cách tôn giáo nói trên như Hội Tao Yuan, Nhất Quán Đạo, Oomoto giáo Nhật bản.
Trước tiên, chúng tôi xin trình bày về Hội Tao Yuan hay Tiên Thiên Cứu giáo Hồng Vạn...
%%%%%%%
BÀI II. TÌM HIỂU KHÁI QUÁT VỀ HỘI TAO YUAN HAY TIÊN THIÊN CỨU GIÁO HỒNG VẠN (TTCGHV).
Chúng tôi xin trình bày 2 mục:
1/ Đường lối của Hội Tao Yuan .
2/ Tương đồng giữa Hội Tao Yuan và Đạo Cao Đài.
I- Đường lối của Hội Tao Yuan.
Hội Tao Yuan được dịch từng chữ theo tiếng Việt là Đạo Viện, nhưng dịch theo nghĩa tôn giáo là "Tiên Thiên Cứu giáo Hồng Vạn". Trụ sở của Tao yuan ở Đài Loan gọi là Đạo Viện Đại lầu.
* Đường lối thứ nhất của Hội Tao Yuan là không theo khuynh hướng tôn giáo và cũng không là Đạo Lão. Tuy có chữ "giáo" nhưng Hội Tao Yuan không phải là một tôn giáo. Tuy có chữ Tiên Thiên, nhưng Hội Tao Yuan không phải là Đạo Lão. Do đó, chúng tôi thiết nghĩ dùng chữ Hội Tao Yuan mới nói lên được bản chất của cơ chế nầy.
- Hội Tao Yuan không phải là một tôn giáo, không có tổ chức và nghi thức như Đạo Cao Đài, mà chỉ là một Hội, tức là một cơ chế bình thường, có tổ chức hành chánh, mục đích đem sự học hỏi từ thiêng liêng và giải thích về Đạo. Sở dĩ có chữ "giáo" vì Hội Tao Yuan có tổ chức và giáo điều chặc chẽ như một tôn giáo. Tôn chỉ của Tao Yuan là đem giáo lý 5 Tôn giáo (Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo) hòa hợp lại với nhau thành Một để cứu rỗi chúng sanh. Tao Yuan giúp cho tín đồ được giải thoát để trở về cõi thiêng liêng bằng phương thức tu thiền. Nhưng giáo lý Hội Tao Yuan không nói trở về với Đức Chí Tôn như Đạo Cao Đài.
- Tao Yuan cũng không phải là Đạo Lão tuy có hình thức tu thiền, vì Hội Tao Yuan dạy mọi người tu thiền và làm công quả để hòa hợp với Đạo. Đạo là biểu hiện tất cả vũ trụ, còn Đạo Lão của Lão Tử chỉ là một phần của Đạo. Đạo Lão dạy con người thoát tục, tìm chỗ an nhàn ẩn thân luyện Đạo, còn Hội Tao Yuan chủ trương ngoài tu thiền, con người phải nhập thế làm công quả cứu đời. Quan niệm hòa hợp tôn giáo và nhập thế cứu đời của Hội Tao Yuan cũng giống như quan niệm của Đạo Cao Đài về Hòa hợp tôn giáo và trường thi công quả.
* Đường lối thứ hai của Hội Tao Yuan là theo sự chỉ dạy của các Đấng thiêng liêng qua chấp bút. Cũng giống như Đạo Cao Đài, Hội Tao Yuan được thành lập do chấp bút để nhận lời chỉ dạy của các Đấng Thiêng liêng. Đấng Thiêng liêng thường giáng cơ cho Hội Tao Yuan là Đức Thái Thượng Đạo Tổ. Đối với Đạo Cao Đài, Đức Thái Thượng Đạo Tổ ít khi giáng cơ. Hội Tao Yuan có nguồn gốc từ một nhóm nhỏ những người sùng bái việc chấp bút ở hạt Pin tỉnh Sơn đông (Trung Hoa). Nhóm nầy bắt đầu tổ chức các buổi cầu cơ từ năm 1916, do Liu Shao Ji đứng đầu. Khi các thần linh bắt đầu phát triển một hệ thống giáo lý thông qua các bài chấp bút, thì nhóm bắt đầu thu hút được thêm thành viên và lấy tên là Hiệp Hội Đạo Đức (Tao-te-She). Thành viên của Hội phần đông là lớp quý tộc địa phương và các quan chức cao cấp. Năm 1918, Hiệp Hội chuyển đến tỉnh Tế nam, và vào năm 1921 thì đổi tên thành "Thánh đường của Đạo hay Đạo Viện" (Tao Yuan). Có mối liên hệ cực kỳ thân thiết với chính quyền cấp cao, nên Tao Yuan nhanh chóng được truyền bá từ tỉnh Sơn đông tới Bắc Kinh và tới các thành phố lớn dọc bờ sông Dương Tử, các chi nhánh cũng được thành lập ở Nhật bản. Cũng giống như Đạo Cao Đài được phát triển là nhờ các Vị Tiền khai phần nhiều là công chức cao cấp trong chánh quyền thuộc địa Pháp.
* Đường lối thứ ba của Tao Yuan là tu Tâm. Hội Tao Yuan không chủ trương xa lánh hồng trần ly gia cắt ái như Phật giáo, hay chủ trương thoát tục như Lão giáo, mà hướng về tu dưỡng nội tâm và ngoại Tâm. Tu dưỡng nội tâm là ngồi thiền để cho tình thần lắng đọng, còn tu dưỡng ngoại tâm là làm công quả và làm Phước thiện cứu đời. Do đó Hội Tao Yuan thành lập một cấu trúc phức tạp chia làm 6 ban: Ban Quản trị điều hành, Tu thiền, Phò Loan, Nghi lễ, Công tác Từ Thiện và Thuyết giảng. Trong các ban nầy thì Ban Công tác Từ Thiện là Ban có ảnh hưởng nhất trong việc gầy dựng nên hình ảnh của Hội.
Vì chú trọng tu thiền nên Hội Yao Yuan thiết lập các thiền đường khắp nơi, mà Phái đoàn Hội Thánh lúc thăm Singapore đã có dịp nhìn thấy. Tại Đạo Viện Hội Tao Yuan Singapore , có mặt bằng 30x30 cao 3m, gồm có 3 tầng, tầng dưới là nơi tiếp khách, tầng 1 chia làm 2 khu vực: phía trước là nơi tu thiền và cũng là nơi thờ các chức sắc Tao Yuan quá vãng, phía sau đặt các văn phòng điều hành về giáo lý, lễ nghi và phước thiện của Đạo Viện. Tầng lầu 2 là một Đại điện có 5 bàn thờ, bàn chính ở giữa có bài vị bằng kim loại màu vàng phía trên ghi Đấng Thượng Đế, phía dưới ghi các vị giáo chũ 5 Tôn giáo là Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Ở bên trái: bàn thờ thứ nhứt thờ Bát Tiên điều hành vũ trụ, vạn vật, bàn thứ 2 thờ các Đấng thiêng liêng điều hành cơ bút; ở bên phải, bàn thờ thứ nhứt thờ các Đấng thiêng liêng lo việc phổ độ nhơn sanh, bàn thờ thứ 2 thờ các Đấng điều hành về Phước Thiện. Như vậy Hội Tao Yuan Singapore ngoài lo việt tu thiền, còn chú trọng việc Phước Thiện và Phổ độ.
Theo một Vị chức sắc Tao Yuan Singapore thuyết trình cho Phái đoàn Hội Thánh nghe thì Đức Thượng Đế đã giáng cơ dạy người theo Tao Yuan là: 1/ Con người phải trải lòng thương yêu vô tận, đưa tay cứu khổ, cứu nạn chúng sanh, mở lòng bác ái, hòa hợp với Vạn vật, tức là tu dưỡng đạo đức bản thân; 2/ Phải hành thiền để hợp nhất cùng Thượng Đế, tức là giải thoát chốn khổ trần để về Thiên đường.
Bởi vậy cho nên, người theo Tao Yuan có 2 bổn phận phải tuân y, một là cứu giúp mọi người trong cảnh khốn nàn tức là làm từ thiện nhân đạo, hai là siêng năng hành thiền, mở lòng thương yêu, gạn lọc tư tưởng trong sạch, để hợp nhứt cùng Thượng Đế.
* Đường lối thứ 4 là nhập thế trong vai trò một hội từ thiện, biểu hiệu bởi danh xưng "Cứu giáo Hồng Vạn", cụ thể bằng "Chữ Vạn đỏ thế giới" (World Red Swastika Society).
Cứu giáo là tôn giáo chủ trương cứu nhân độ thế. Hồng Vạn là chữ Vạn đỏ. Hội Tao Yuan được biết đến nhiều nhất bởi tổ chức từ thiện của họ là " Hội chữ Vạn đỏ thế giới", được đăng ký chính thức vào năm 1922. Nên nhớ Đạo kỳ của Hội Tao Yuan là cờ trắng trong có chữ Vạn đỏ. Năm 1949, do bị chế độ Trung Hoa Cộng sản đàn áp, Hội Tao Yuan tan rã ở lục địa nhưng vẫn duy trì các Phân bộ ở Hongkong, Mã Lai, Nhật, Đài Loan, Singapore, Canada, và Hoa Kỳ. Từ năm 1950, Phân bộ Tao Yuan Hongkong giữ vai trò là trụ sở chính trên thế giới và là trung tâm hành chính của Hội.
Tuy chủ trương từ thiện, "Hội chữ Vạn đỏ thế giới" còn chủ trương việc phát triển tâm linh, trong khi "Hội Chữ thập đỏ thế giới" chỉ lo việc từ thiện mà thôi. Hội chữ Vạn đỏ nầy thường đến giúp đở những nơi có thiên tai, lũ lụt, hoặc thành lập những cơ sở Y tế, giáo dục, xã hội để phục vụ chúng sanh. Việc làm công quả từ thiện giúp người tín đồ có thể đạt được 3 mục đích:
1/ Khi làm từ thiện, người tín đồ cảm thấy đạt được mục đích tu dưỡng phần ngoại tâm của mình, và do đó có thể tạo một cuộc sống tốt lành hơn.
2/ Khi làm việc từ thiện mà không có ẩn ý gì khác, thì xem đó như là bổn phận của con người cần phải làm.
3/Khi làm từ thiện là phải hành động điều hòa với thiên nhiên. Người làm từ thiện không bao giờ nghĩ đến mình hay nghĩ đến có sự ban thưởng, mà cho đó chỉ là sự biểu lộ thực tế cho một công tác hiển nhiên của con người, và khi làm được như vậy thì sẽ tránh kiếp luân hồi khi trở về cõi Hư linh.
II- Tương quan giữa Hội Tao Yuan và Đạo Cao Đài.
Đạo Cao Đài có vài điểm khác biết với quan điểm của Hội Tao Yuan. Ngoài ra, các quan điểm khác của Hội Tao Yuan gần giống với giáo lý Cao Đài.
- Cáí khác biệt trước tiên là Hội Tao Yuan không phải là một tôn giáo, trong khi Đạo Cao Đài là một tôn giáo chính danh, có hàng giáo phẩm từ trung ương đến địa phương theo giáo luật qui định,và Giáo hội Cao Đài được điều hành theo y Pháp chánh truyền và Tân Luật là bản văn luật pháp nền tảng của Đạo. Còn Hội Tao Yuan Singapore điều hành có tính cách hành chánh gồm một Hội đồng quản trị và 6 cơ quan. Hội đồng Quản trị gồm một chủ tịch, 1 - 3 Phó Chủ Tịch, 1 Tổng Thơ Ký, 2 Phụ tá Tổng thơ ký, 1 Thủ Quỷ, 1 Phụ tá Thủ quỷ, 1 chuyên viên đặc trách Hoa ngữ, một chuyên viên đặc trách Anh Ngữ, 28 - 34 nhân viên của nhiều Ban. Tất cả những chức vụ trên đều được bầu với nhiệm kỳ 2 năm một lần trong một Đại Hội Đồng của Tín đồ.
Sáu cơ quan gồm có: 1/ Ban quản trị điều hành tất cả những sinh hoạt của Hội, 2/ Ban Quản trị điều hành những Trung Tâm Tu Thiền, 3/ Ban Đặc trách về Cơ bút, thông công với các Đấng Thiêng liêng, 4/ Ban điều hành các buổi Lễ nghi, 5/ Ban Quản trị điều hành các công tác từ thiện, 6/ Ban Đặc trách phổ biến Đạo và thu thập Tân Hội viên.
- Cái khác biệt thứ 2 là Đạo Cao Đài quan niệm một cách khái quát "Tam giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt", trong khi Hội Tao Yuan quan niệm cụ thể mục tiêu là kết hợp 5 Tôn giáo lớn trên hoàn vũ là Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Cho nên trên bàn thờ ở Đạo Viện của Hội Tao Yuan Singapore ngoài thờ Thượng đế, còn thờ 5 vị Giáo chủ 5 tôn giáo là Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Đạo Cao Đài quan niệm "Tam giáo qui nguyên" là 3 Giáo của Đức Chí Tôn thể hiện ở 3 hình thức là Phật giáo, Tiên giáo, Nho giáo. Phật giáo không riêng gì Thích giáo mà bao gồm tất cả hình thức Phật giáo trên hoàn vũ, như Pytagore giáo chẳng hạn. Tiên giáo không riêng gì Lão giáo mà bao gồm hết tất cả hình thức Tiên giáo trên hoàn vũ. Nho giáo không riêng gì Khổng giáo mà bao gồm tất cả hình
thức Nho giáo trên hoàn vũ. Thiên Chúa giáo và Hồi giáo thuộc vế Nho giáo. Con người tu theo 5 đường gọi là Ngũ chi, nhưng không chọn lựa được như thời Nhị Kỳ Phổ độ là muốn theo đường nào thì theo, mà trong Tam Kỳ Phổ độ, bắt buộc phải theo một con đường duy nhứt bắt đầu là Nhơn đạo, rồi Thần đạo, rồi Thánh đạo, rồi Tiên đạo, sau cùng là Phật đạo, gọi là Ngũ Chi phục nhứt.
Ngoài 2 khác biệt nói trên, quan niệm của Hội Tao Yuan và giáo lý Cao Đài gần tương đồng.
- Đạo Cao Đài và Tiên Thiên Cứu giáo Hồng Vạn đều đã được thiết lập do các Đấng Thiêng liêng qua cơ bút và chấp bút.
- Đạo Cao Đài và Hội Tao Yuan, cả hai đều tôn thờ Thượng đế. Chính Thượng đế giáng cơ lập Đạo Cao Đài. Đối với TTCGHV thì Đấng Thiêng liêng về cơ nhiều nhứt là Thái Thượng Đạo Tổ. Đối với Đạo Cao Đài, Thượng đế giáng trần lập Đạo và dạy Đạo, nhưng con người chỉ tiếp xúc với Thượng đế qua cơ bút, chớ chưa thấy được hình ảnh của Ngài vì Ngài là Hư vô chi khí. Còn đối với Hội Tao Yuan thì theo lịch sử của Hội Tao Yuan, Thượng đế đã giáng trần và đã được chụp ảnh dù lúc đó bầu trời quang đảng không có gì hiện ra (do 4 máy cùng một lúc với kết quả như nhau) vào ngày 21/11/1921 tại một ngọn núi danh tiếng ở Quảng Đông, gần tỉnh Tsinan, dưới sự chứng kiến của 28 Đệ tử đầu tiên của Tao Yuan. Bốn máy hình đem ra rửa đều có kết quả giống nhau là có hình ảnh một cụ già nghiêm trang và nhân từ. Các hình ảnh hiện nay còn lưu tại một Điện thờ của Hội Tao Yuan ở Trung Quốc.
- Đạo Cao Đài và Hội Tao Yuan đều quan niệm Đức Phật Mẫu là người sáng tạo ra Vũ trụ. Do đó, ở Điện Thờ Phật Mẫu ở TTTN có hình chữ Vạn biểu hiệu năng lực Vũ trụ. Tao Yuan có rất nhiều giáo phái khác nhau, kinh điển khác nhau để phục vụ cho các tổ phái khác nhau với các tên gọi khác nhau về Đấng sáng Tạo như Mẹ Đáng Kính, Mẹ Thiêng Liêng ... Đạo Cao Đài cũng cung xưng Đức Phật Mẫu bằng nhiều tên khác nhau.
Hội Tao Yuan có niềm tin vào sự tồn tại của một vị thần sáng tạo, được xem như người Mẹ Vũ trụ đã sinh ra và rất quan tâm đời sống của nhân loại. Tuy nhiên hầu hết đã quên đi nguồn gốc của mình và luân hồi trong thế giới trần tục của ham muốn về vật chất. Mẹ rất dau buồn và luôn tìm mọi cách để đem các con trở về đường nguyên thủy. Tuy nhiên trong hai thời kỳ trước chỉ có một số được trở về bên cạnh Mẹ. Bây giờ thế giới bước vào thời kỳ thứ ba là thời kỳ cuối cùng, và sẽ kết thúc bằng cuộc Đại hồng thủy.Vì vậy Mẹ hằng nhắc nhở các con hãy trở về con đường Thiêng liêng thuần khiết và nuôi dưỡng làm cho nó phát triển nữa để thoát khỏi thế giới đen tối của trần gian và trở về thiên đường của mình. Vì thế, Mẹ từ bi đã gởi nhiều Vị Phật xuống trần, mong rằng các con sẽ công quả để trở về Thiên Đàng. Đức Phật Nhiên Đăng đã cứu rỗi đặng 600 triệu, trong lần đầu tiên. Phật Thích Ca sau đó cứu rổi được 200 triệu khác. Còn lại 9,2 tỷ sẽ được cứu rỗi bởi Đức Phật Di Lạc tvvrong thời kỳ thứ 3.
Nội dung liên quan
Tấn Khánh Hạ