DANH MỤC TÀI LIỆU HỖ TRỢ THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP
I. NHỮNG ĐỊNH NGHĨA CẦN BIẾT
1. Khởi nghiệp lập nghiệp: là gây dựng cơ nghiệp bằng cách lập một doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, hoặc hộ kinh doanh cá thể.
2. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup): Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là doanh nghiệp mới thành, có quy mô vốn dưới 20 tỷ đồng, có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp lần đầu và có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
3. Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp: là đơn vị có nhiệm vụ tập hợp, liên kết tất cả các nguồn lực đa dạng trong và ngoài nước để đẩy mạnh tốc độ hình thành Quốc gia Khởi nghiệp và phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp cũng có nhiệm vụ phát triển ngân hàng ý tưởng kinh doanh và trợ giúp thương mại hóa ý tưởng kinh doanh của các đối tượng Khởi nghiệp.
4. Vườn ươm Doanh nghiệp: là các tổ chức có chức năng hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp để họ đi từ bước có ý tưởng kinh doanh cho đến bước hoàn thiện công nghệ hoặc đạt được một mục đích nhất định của cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp đó. Quá trình ươm tạo có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Thông thường, các Vườm ươm Doanh nghiệp không cung cấp vốn mồi mà hỗ trợ dưới hình thức tư vấn, cung cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật.
5. Hệ sinh thái Khởi nghiệp: một hệ sinh thái khởi nghiệp được hình thành bởi con người, startup trong các giai đoạn và các loại hình tổ chức khác nhau tại cùng một địa điểm (địa điểm vật lý hoặc địa điểm ảo), tương tác như một hệ thống để xây dựng nên những công ty khởi nghiệp. Các tổ chức này có thể được chia thành nhiều loại: các trường đại học, các tổ chức tài trợ, các tổ chức hỗ trợ (như vườn tự ươm, bộ máy gia tốc, không gian làm việc chung), các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức cung cấp dịch vụ (như dịch vụ tài chính, pháp lý) và tập đoàn lớn. Các tổ chức khác nhau thường tập trung vào các phần khác nhau trong các giai đoạn phát triển cụ thể của chức năng của hệ sinh thái và hệ sinh thái khởi nghiệp.
6. Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp: là quỹ được hình thành với mục đích giúp cho các Doanh nghiệp Khởi nghiệp phát triển được dự án khởi nghiệp sáng tạo của mình, đóng góp chung vào sự phát triển cho Hệ Sinh thái Khởi nghiệp tại Việt Nam. Nguồn vốn được hình thành từ các Nhà Đầu tư, các doanh nghiệp, cá nhân góp vốn.
7. Quỹ Đầu tư Thiên thần: là quỹ được quản lý bởi một nhóm các Nhà Đầu tư Thiên thần - những nhà đầu tư cá nhân cungcấp vốn đầu tư cho các Doanh nghiệp Khởi nghiệp dưới dạng khoản vay có thể chuyển đổi thành cổ phần hoặc mua cổ phần của doanh nghiêp. Quỹ Đầu tư Thiên thần thường đầu tư vào Giai đoạn Ươm mầm (từ khi cá nhân, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có ý tưởng đến khi họ bắt đầu hoạt động) để họ có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh và nghiên cứu thị trường và Giai đoạn Đầu (khi doanh nghiệp bắt đầu bán thử sản phẩm trên thị trường.
8. Quỹ Đầu tư Mạo hiểm (Venture Capital Fund):là những quỹ được ủy thác để quản lý tiền của nhà đầu tư giàu có mong muốn đầu tư vào những Doanh nghiệp Khởi nghiệp, Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng có tiềm năng phát triển nhanh. Quỹ Đầu tư Mạo hiểm thường đầu tư vào giai đoạn khi Doanh nghiệp Khởi nghiệp đã chứng minh được nhu cầu thị trường và doanh thu đã bắt đầu tăng đều (Giai đoạn Sau). Cũng có những trường hợp Quỹ Đầu tư Mạo hiểm đầu tư vào Giai đoạn Đầu khi Doanh nghiệp Khởi nghiệp đang phát triển công nghệ và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường.
9. Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ: là doanh nghiệp nhỏ và vừa có một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, trong đó có ít nhất một người quản lý điều hành doanh nghiệp đó.
10.Chuỗi giá trị: là mạng lưới liên kết tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm các giai đoạn tiếp nối nhau từ hình thành ý tưởng, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.
11.Chuỗi phân phối sản phẩm: là mạng lưới các trung gian thực hiện phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa đến người tiêu dùng do các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, kinh doanh thực hiện.
12.Cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: là cơ sở cung cấp các thiết bị dùng chung để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thiết kế, thử nghiệm, đo lường, phân tích, giám định, kiểm định sản phẩm, hàng hóa, vật liệu.
13.Cụm liên kết ngành: là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và doanh nghiệp, tổ chức có liên quan cùng hợp tác và cạnh tranh.
14.Khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: là khu vực cung cấp không gian làm việc tập trung, không gian trưng bày sản phẩm, cung cấp các tiện ích để hỗ trợ, liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
15.Người hướng dẫn khởi nghiệp (mentor) và huấn luyện viên khởi nghiệp (coach): hai từ này thường được sử dụng với cách hiểu như nhau, đều là người hướng dẫn, giúp đỡ các nhóm khởi nghiệp trong quá trình phát triển. Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt giữa hai đối tượng. Trong khi phần lớn mentor là các doanh nhân đã có kinh nghiệm mà mong muốn hỗ trợ, truyền đạt lại kinh nghiệm đó cho những doanh nghiệp khởi nghiệp đang đi những bước đầu trong quá trình kinh doanh. Phần lớn các mentor không lấy phí khi thực hiện việc hướng dẫn doanh nghiệp mà chỉ thực hiện công việc này trong thời gian rảnh rỗi. Trong khi đó, các startup coach được coi là một công việc. Họ được trả chi phí cho hoạt động huấn luyện, đào tạo doanh nghiệp một cách bài bản.
II. CÁC VĂN BẢN LIÊN QUAN TỚI KHỞI NGHIỆP
A. NHÓM CÁC VĂN BẢN NHÀ NƯỚC
1. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sang tạo quốc gia đến năm 2025”
2. Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”
3. Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”
4. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
B. NHÓM CÁC VĂN BẢN CỦA ĐOÀN, HỘI
1. Đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2017-2022 của Ban bí thư Trung
ương Đoàn
2. Đề án hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp các tỉnh mẫu
III. NHÓM CÁC MÔ HÌNH HỖ TRỢ THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP
1. Hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp
2. Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
3. Mô hình trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
4. Vườn ươm thanh niên khởi nghiệp
5. Khung mẫu viết dự án kinh doanh