Đẳng cấp "đào lửa" tại Thăng Long giai đoạn Lê Trung Hưng

  1. Lịch sử

  2. Văn hóa

1. Ở phường Đông Các (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có một bà lớn đi võng mành mành cánh sáo, đầy tớ lính hầu rậm rịch, đến trước cửa một nhà hàng bạc, truyền thị tỳ dừng võng lại để hỏi mua mấy chục nén bạc. Mà cả giá chưa xong, bà lớn ngồi trên võng truyền vú già hãy cầm chục nén bạc đem về dinh, trình quan lớn xem qua, sẽ định giá. Chủ nhà hàng cũng không ngờ gì. Một lát, thị tì và lính hầu lẻn dần đi hết, hai tên lính khiêng võng cũng cút mất.
Trời đã gần tối, chờ mãi chẳng thấy người vú già cầm bạc trở lại, nhà chủ mới đến trước võng hỏi bà lớn để đòi bạc. Mở mành mành xem thì té ra là một mụ lão ăn mày, mù cả hai mát, mặc áo nhiễu điều, ngồi chễm chệ trong võng, mơ màng không biết nói ra sao. Nhà chủ cho đi tìm hết mọi nơi, không còn thấy tăm hơi đâu cả, chỉ bắt được có cái võng cũ nát, giá không đáng mấy quan tiền.
2. Khoa thi hội năm Nhâm Thìn (1772) đời Cảnh Hưng (1740 - 1787), kỳ tứ trường đã vào thi xong. Khi ấy, có một mụ già vào chơi một nhà giàu ở phố Hàng Chiếu (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhân nói chuyện đến khoa thi hội năm nay, mụ nói có quen một ông được vào trúng cách, nay mai sắp sửa là một quan tiến sĩ tân khoa. Chủ nhân mới hỏi quan tân khoa chừng bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu. Mụ nói ra rõ cả, và cho biết quan tân khoa, nhà vốn nghèo, chưa có vợ, đến khi đình thí, truyền lô xong, không biết vinh qui thì quan tân khoa thu xếp ra sao.
Chủ nhân có ý hâm mộ, nói với mụ rằng:"Tôi có một đứa con gái kể cũng không đến nỗi quê mùa; mụ có thể làm mối cho thành lứa đôi, thì bao nhiêu tiền phí tổn lúc vinh qui, quan tân khoa không phải lo gì cả". Mụ làm ra bộ khó khăn, đi lại đến ba bốn lần, cuối cùng mới mời quân tân khoa đến chơi nhà phú hộ ấy xem mặt người con gái.
Chủ nhân liền mời quan tân khoa nghỉ lại một đêm, và cho con gái ra yết kiến. Mụ mối xui giục chủ nhân cho cô ta tiếp quan tân khoa cùng ngủ (!!!), đính ước sau khi yết bảng đỗ rồi thì làm lễ thành hôn. Sáng hôm sau, quan tân khoa xin cáo từ, chủ nhân tặng cho rất hậu.
Từ đấy, chủ nhân chỉ trang sức cho con gái, đợi ngày nghênh hôn. Đến khi truyền lô tứ yến (truyền lô là gọi loa xướng tên những người đỗ, tứ yến là thi đỗ tiến sĩ thì được nhà vua ban yến) xong rồi, thì mất tăm chẳng thấy mụ già đến nữa. Chủ nhân liền sai người nhà đi dò hỏi các quan tân khoa tiến sĩ; không có người nào như anh chàng ngủ đêm hôm trước. Lúc ấy mới biết mình bị lừa, hối hận không được nữa. Chuyện ấy huyên truyền khắp cả kinh thành, ai nghe cũng buồn cười.
(Trích “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ)
Ảnh minh họa: 
https://cdn.noron.vn/2023/06/23/2387699705465762365591164730194427230551681n-1687486091.jpg
Từ khóa: 

lịch sử

,

văn hóa