Dân chủ là gì? Đặc trưng và các loại hình của dân chủ?
kiến thức chung
1.1. Khái niệm dân chủ
Có rất nhiều cách để định nghĩa “dân chủ”.
Xét về nguồn gốc, “Dân chủ”, tiếng Anh là “Democracy”, có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp, gồm 2 bộ phận trong đó “demos” là “nhân dân” và “bratia” có nghĩa là “cai trị”. Hiểu một cách đơn giản, “dân chủ là cai trị bằng nhân dân”.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều định nghĩa khác về dân chủ. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln định nghĩa, “Dân chủ là chính quyền của dân, do dân và vì dân”. Còn theo định nghĩa của Austin Ranny, dân chủ là “một dạng chính phủ được tổ chức phù hợp với nguyên tắc chủ quyền nhân dân, bình đẳng chính trị, tham vấn nhân dân và thống trị của đa số”….
Định nghĩa một cách khái quát, “dân chủ là một thể chế do dân làm chủ trong đó quyền tối cao thuộc về nhân dân hay được hành xử trực tiếp bởi nhân dân hoặc bởi những người đại diện do dân bầu ra trong một chế độ tuyển cử tuyển tự do.”
1.2. Đặc trưng của dân chủ
Nhìn chung, một thể chế dân chủ có một số đặc trưng cơ bản sau:
• Nhân dân nắm quyền lực tối cao trong việc đưa ra các quyết định chính trị; các chính sách công chỉ được đưa ra sau khi đã xác định được ý nguyện của nhân dân.
• Chính quyền đặt căn bản trên sự thỏa thuận của kẻ bị trị và hiến pháp giới hạn quyền hành của chính phủ.
• Đa số thống trị, nhưng quyền của thiểu số được tôn trọng; tất cả quyết định chính trị phải được đưa ra theo nguyện vọng của đa số.
• Đảm bảo quyền có bản của con người, tuân thủ thủ tục luật định.
• Tuyển cử tự do và công bằng.
• Bình đẳng trước pháp luật, các công dân có cùng một cơ hội tham gia vào quá trình hoạch định chính sách thông qua giá trị công bằng của lá phiếu và quyền tự do lựa chọn trong các khả năng.
• Áp dụng chủ thuyết đa nguyên về mặt xã hội, kinh tế và chính trị; đề cao giá trị của đức tính tự trọng, thực tiễn, hợp tác và dung hòa.
1.3. Các loại hình dân chủ
Trong lịch sử cho đến nay, có hai loại hình dân chủ chủ yếu là “dân chủ trực tiếp” theo mô hình của Athens (Hi Lạp) và “dân chủ đại diện” theo mô hình của Anglo – American.
Về nguyên tắc, “dân chủ trực tiếp” là đại diện hoàn hảo của chủ quyền nhân dân. Dân chủ trực tiếp là hệ thống chính trị mà nhân dân tự điều hành một cách trực tiếp không thông qua trung gian.
Dân chủ trực tiếp được thể hiện qua ba đặc điểm cơ bản sau: sự tham gia rộng rãi của nhân dân, sự thống trị của đa số, sự bình đẳng chính trị.
Trong nền dân chủ trực tiếp, công dân có thể tham gia quyết định công việc chung mà không có sự can thiệp của các quan chức được bầu lên hoặc được bổ nhiệm. Hình thức dân chủ trực tiếp thực tế nhất nếu áp dụng cho một nhóm ít người như một tổ chức cộng đồng, hội đồng bộ lạc, hoặc đơn vị địa phương của một liên đoàn lao động. Thành viên các nhóm này có thể gặp gỡ nhau để bàn bạc các vấn đề và đi đến quyết định bằng sự đồng thuận hoặc biểu quyết đa số.
Bên cạnh đó, một số bang ở Mỹ cho phép đưa ra trên phiếu bầu “đề xuất” và “trưng cầu dân ý” - yêu cầu thay đổi luật - hoặc yêu cầu bầu lại các quan chức đã được bầu trong các cuộc bầu cử bang. Những hoạt động này là biểu hiện của hình thức dân chủ trực tiếp, tức là bày tỏ ý chí của đại bộ phận dân chúng. Có nhiều thực tiễn khác mang yếu tố của nền dân chủ trực tiếp. Ở Thụy Sĩ, nhiều quyết định chính trị quan trọng về các vấn đề, trong đó có y tế, năng lượng và việc làm, là những vấn đề lấy biểu quyết của dân chúng cả nước. Một số người có thể cho rằng Internet đang tạo ra những hình tức dân chủ trực tiếp mới, vì nó cho phép các nhóm chính trị gây quỹ cho sự nghiệp của họ bằng cách trực tiếp lôi cuốn những người cùng chung chí hướng.
Dân chủ đại diện là thể chế chính trị mà ở đó công dân bầu ra những người đại diện thay mặt mình điều hành chính phủ. Trong thể chế này, các công dân không tự đưa ra các quyết định chính trị, mà thay vào đó, họ lựa chọn các công chức từ các cuộc bầu cử công khai, cạnh tranh bởi các đảng chính trị và các cá nhân có quan điểm khác nhau, đưa ra các quyết định thay họ. Dân chủ đại diện được chia làm hai loại: dân chủ đại diện trực tiếp và dân chủ đại diện gián tiếp.
Dân chủ đại diện trực tiếp cũng như gián tiếp có một số đặc điểm chung sau đây:
• Thứ nhất là công dân được trực tiếp tham gia quyết định.
• Thứ hai là các đại diện được hành động thay mặt cử trị.
• Thứ ba là bầu cử cạnh tranh tự do ở tất cả các cấp hành chính với tư cách là biểu tượng chủ quyền của nhân dân và là cách để buộc các lãnh đạo có trách nhiệm.
• Thứ tư là các cuộc bầu cử là một cách thức hữu hiệu đảm bảo cho sự thành công của tổ chức chính trị.
Nội dung liên quan
Quang Diễm Thường