Đặc trưng của ngôn ngữ thơ Việt Nam sau 1986 ?
kiến thức chung
Ngôn ngữ trong thơ Việt Nam sau năm 1986 đã có nhiều sự biến đổi, các nhà thơ cũ và mới đã ý thức được cái nhìn cuộc đời bằng sự tỉnh táo và thơ ca hiện ra như một hình thức tra vấn không ngừng về đời sống. Màu sắc duy lí “tỉnh táo, tỉnh bơ” khá đậm trong thơ cho thấy ý thức tạo dựng nhãn quan nghệ thuật mới của nhiều nghệ sĩ:
Ngôn ngữ thơ sau 1986 đậm chất đời thường và cảm xúc đời thường. Nhà thơ Nguyễn Duy từng nói rằng: “Làm thơ mộng mơ là kiểu làm thơ của thời xa xưa, thời mà người ta thiếu thốn quá, nên nghĩ tới một chén rượu ngon, một miếng ăn ngon; ở cõi trần tục này gian khổ quá, người ta nghĩ đến một thế giới huyền ảo. Thơ bây giờ tồn tại trong hiện thực, cũng như thơ ngày càng gần với ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ văn xuôi chứ không tách ra giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ thơ làm hai thế giới khác. Chuyện đó là của thời qua rồi”. Sau năm 1975, đất nước hòa bình, cuộc sống mới đặt ra nhiều vấn đề thiết thực. Để nói, để viết cho hết, cho đúng cái thực tại ấy, các nhà thơ cần đến tiếng nói của đời thường. Đó cũng là lí do để các tác giả có ý thức đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ.
Gắn với đời sống thường nhật, không ít nhà thơ có ý thức đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ. Nhiều nhà thơ thích sử dụng cách nói dân gian, khiến cho thơ vừa dễ nhập vào người đọc, vừa có khả năng tạo nên tiếng cười trong thơ. Như đã nói, thơ ca Việt Nam trước đây có phần quá nghiêm trang và đậm chất giáo huấn nên việc tạo nên những cách nói kiểu “xẩm ngọng” và giọng điệu “bụi bặm” đã khiến cho thơ trở nên “tếu táo” hơn và cũng gần gũi với người đọc hơn.
Cách nói dân gian được nhiều nhà thơ sử dụng khiến cho thơ vừa dễ nhập vào người đọc, vừa có khả năng tạo nên tiếng cười trong thơ. Tiêu biểu cho cách nói này là nhà thơ Nguyễn Duy. Thơ Nguyễn Duy có những “kiểu “xẩm ngọng” và giọng điệu “bụi bậm” đã khiến cho thơ trở nên “tếu táo” hơn và cũng gần gũi với người đọc hơn”.
Thơ sau năm 1986 có rất nhiều từ được dùng để gọi cuộc đời với tính chất của nó ẩn đằng sau từng con chữ. Đó là chợ đời, nợ đời, chợ tình trong thơ Trần Mạnh Hùng, là cái khôn – cái dại, cái ngắn – cái dài, cái rộng – cái hẹp, cái dở - cái hay trong thơ Lương Quy Nhân, … Những chữ ấy dẫu chưa ở trong thơ cũng đã nghe ra được một chút gì chua xót, một nỗi băn khoăn, một sự đắn đo lựa chọn, một nỗi e ngại trước những biến đổi đang diễn ra trước mắt.
Ngôn ngữ thơ Việt Nam sau năm 1986 còn mang đậm chất tượng trưng. Ngôn ngữ tượng trưng đã từng xuất hiện trong thơ với nhiều hồn thơ đại diện hết sức tiêu biểu và tinh anh như Bích Khê, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận…Và sau Thơ Mới, nó còn xuất hiện với mật độ dày đặc, thậm chí rất khó hiểu trong thơ của nhóm Xuân Thu nhã tập. Phát triển trên việc kế thừa những giá trị truyền thống, ngôn ngữ tượng trưng trong thơ sau 1986 có nhiều nét mới so với các dòng thơ tượng trưng trong thơ Việt Nam trước đó.
Tóm lại, sau năm 1986, thơ ca Việt Nam đã đi được một đoạn đường dài trên con đường hiện đại hóa, hội nhập với thơ ca nhân loại. Mỗi nhà thơ hôm nay luôn ở trong một cuộc đi tìm bản thân mình, giọng điệu riêng của mình. Cuộc đi tìm ấy không phải đến một thế giới cô đơn để tách mình ở đấy mà là để khẳng định lại vị trí chủ thể của cá nhân trong xã hội: chủ thể sống, chủ thể sáng tạo. Những tìm tòi, những sự lựa chọn mang đậm sắc màu hiện đại của các tác giả đó chính là quy luật vận động, phát triển của văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Nhà thơ với tư cách là nhà nghệ sĩ ngôn từ, không chỉ thể hiện bằng tư tưởng và cảm xúc mà còn bằng cả ngôn ngữ. Có thể ngôn ngữ thơ sau năm 1986 còn nhiều chỗ mới lạ chưa được tất cả giới yêu thơ đồng thuận nhưng tất cả đều thừa nhận đó là những bước dò tìm khó nhọc của nhà thơ, những cánh cửa đang mở ra nhiều hứa hẹn.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Hạ Thảo