Cuộc đời đâu chỉ có niềm vui
Ảnh: Internet
Dạo gần đây tôi rất có hứng xem phim, và hôm qua tôi ngồi xem một bộ phim hoạt hình tên là Inside out (tên tiếng Việt là Những mảnh ghép cảm xúc) và ngồi khóc sụt sịt trong phòng. Phim kể về một cô bé có tên là Riley phải cùng gia đình chuyển đến sống ở một thành phố khác do cha cô đổi công việc. Trước khi tới chỗ ở mới, cô đã có một cuộc sống rất vui vẻ, hạnh phúc với gia đình và những người bạn của mình. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với những thay đổi của môi trường sống, cô cảm thấy khó khăn trong viêc thích nghi, nhưng luôn luôn phải cố gắng tỏ ra vui vẻ để làm hài lòng mọi người và chạy trốn khỏi nỗi buồn của mình, không dám đối diện với chính nó. Những cảm xúc trong Riley tìm mọi cách để khiến cô phải cảm thấy vui vẻ, không cho nỗi buồn xuất hiện, bắt nó đứng im trong một vòng tròn. Cảm xúc của Riley bị đè nén khiến trong cô tràn ngập sợ hãi, tức giận, thậm chí tuyệt vọng và tìm cách bỏ nhà ra đi...
Tôi chưa bao giờ nghĩ một người lúc nào cũng cười toe toét là người thú vị, ngay cả khi họ cố gắng tỏ ra như vậy. Tôi tin rằng chẳng có ai trên đời này luôn luôn vui vẻ, nếu có, chắc hẳn đó sẽ là người điên. Tôi cũng không chắc là người điên có biết buồn hay không nữa. Vui, buồn, sợ hãi, giận dữ... vốn là những cung bậc cảm xúc mà người phàm ai cũng có. Nhưng hình như người ta chỉ tôn vinh niềm vui và cho rằng đó là những cảm xúc tích cực, còn lại là những cảm xúc tiêu cực và phải giấu nhẹm đi. Chúng ta cho rằng vui vẻ là biểu hiện của những người mạnh mẽ, lạc quan, buồn bã, khóc lóc là biểu hiện của những kẻ yếu mềm, bi quan.
Ồ không, hoàn toàn không phải như vậy!
Hồi còn nhỏ, tôi cũng giống như cô bé Riley kia, luôn luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với những thứ diễn ra xung quanh mình cho đến khi tôi bước vào thời kỳ dậy thì. Có quá nhiều thứ thay đổi và tôi dần trở nên nhạy cảm hơn, những nỗi buồn, sự sợ hãi... cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Có vài lần tôi buồn, và khóc. Thật không may, bố mẹ tôi không phải những ông bố, bà mẹ tâm lý. Mỗi lần tôi khóc, mẹ tôi hay quát lên: "Tao làm gì mày mà mày phải khóc?". Mỗi lần thấy tôi ở lì trong nhà là mẹ tôi sẽ không vui. Mẹ luôn dặn tôi phải ra ngoài, chơi với bạn trai bạn gái, phải biết làm đẹp làm điệu, phải luôn luôn vui vẻ... Nhiều năm tôi cứ đè nén cảm xúc và càng ngày càng thu dần vào cái vỏ ốc của riêng mình. Lên đại học người ta cũng bảo tôi phải hướng ngoại, phải quảng giao, phải nói nhiều, phải cười thật nhiều để truyền nguồn năng lượng tích cực đến những người xung quanh. Hồi tôi đi làm lần đầu ở một công ty khá lớn với vị trí fulltime, tôi đã gặp một chút rắc rối về tâm lý và áp lực công việc. Có một chuyện ly kì là tôi vừa vào làm mấy hôm thì cả công ty bị ốm (vài người bị ốm) cùng một lúc, và mọi tội danh được đổ lên đầu tôi với cái nguyên do là người tôi có âm khí nặng nề, cần được hóa giải. Công ty sẵn sàng cho nghỉ một tuần để đến Nam Định gặp thầy giải hạn. Nhưng tôi quyết định không đi, và đã nghỉ việc hai tuần sau đó.
Việc phải đóng những vai diễn khiến chúng ta kiệt sức. Những người mà bạn thấy là ngày nào cũng vui vẻ cười nói kia có thể đang phải đối mặt với những chuyện rất là khủng khiếp mà bạn không thể nào biết được. Buồn không phải là một thứ cảm xúc tiêu cực như chúng ta vẫn nghĩ. Nó khác với chuyện than thở, kể lể, than thân trách phận. Nó không cần được ban phát lòng thương hại. Cũng đừng bao giờ cố gắng xua đuổi nó. Nó chỉ cần được lắng nghe thôi.
Bạn bị người yêu đá, bạn được phép buồn chứ. Bạn vừa mất việc, bạn được phép buồn chứ. Bạn thích buồn, bạn được phép buồn chứ. Tôi không thích những lời an ủi kiểu như: "Có mỗi thế mà cũng buồn", "Đừng có yếu đuối thế, phải mạnh mẽ lên chứ", "Khóc thì được cái gì?", "Tao còn có nhiều chuyện phải nghĩ hơn mày đây này"... Thì mày khóc đi...
Người lạc quan không phải người lúc nào cũng chỉ biết cười, mà còn phải biết cách đối diện, chấp nhận, làm bạn với nỗi buồn. Tất nhiên, chẳng ai buồn mãi hay vui mãi được. Tôi chỉ nghĩ chúng ta cần chấp nhận tất cả những cảm xúc đó như một phần con người mình, đừng bao giờ cố gắng trốn chạy, vì điều đó chỉ khiến ta thêm mệt mỏi và kiệt sức.
Tran Ngoc An