Cuộc đời của Thúy Kiều

  1. Văn hóa

27654593_923297001183528_4809783873214424629_n

Trong thực tế thì cuộc đời của Thúy Kiều mãi mãi dừng lại ở sông Tiền Đường, nhiều người cũng cho rằng đó là một cái "kết trọn vẹn" cho số phận của một Kỹ Nữ. Nhưng tại sao Thanh Tâm Tài Nhân lại cho nàng "sống lại" trong tiểu thuyết và đoàn tụ với gia đình? Vì đối với ông Thúy Kiều không đáng phải chịu số kiếp tủi hờn đến chết đó, "Đoạn trường" 15 năm nên để sóng Tiền Đường cuốn đi mãi mãi còn nàng sẽ lại có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Nguyễn Du cũng đồng tình với quan điểm đó, người cũng cảm thông với số kiếp của nàng Kiều và từ đó người đã dồn hết tâm tư cảm xúc của mình vào những áng thơ bất hủ.

Vương Thúy Kiều vì cứu cha mà phải rơi vào kiếp đoạn trường, trong 15 năm lưu lạc nàng phải chịu đủ bao nhiêu là đắng cay tủi hờn. Một người con gái liễu yếu đào tơ, quốc sắc thiên hương lại phải chịu biết bao nhiêu đòn roi, chết đi sống lại. Một người con gái "thích thơ phú, thạo âm luật" như nàng lại phải giam mình trong chốn Thanh Lâu 4 năm để mua vui cho phường ong bướm. Phụ nữ ai mà chẳng muốn một lần "qua đò đến bến" có một cuộc sống êm đẹp, vậy mà Thúy Kiều phải qua đò đến 6 lần. Trong 6 lần đó thì đến 4 lần nàng phải tủi hờn khi chịu kiếp chung chồng hoặc là rơi vào tay phường vô lại, lang sói. Người chồng cuối lại chính là mối tình đầu của nàng, quả thật đó là một cái kết đẹp, nhưng liệu đoạn tình duyên được "nối lại" liệu có phải là đoạn tình duyên mà nàng nhớ nhất?


Ai khiến nàng "Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng"? Ai nhận nàng là người tài trong đám quần thoa, má hồng chốn Thanh Lâu? Ai đặt nàng là tri kỷ của đời mình? Ai sẵn sàng vì nàng mà báo ân báo oán? Và ai vì nàng mà phải "chết đứng giữa trời". Nàng đã khóc ngất "thiếp đã hại đại vương" khi nhận ra sai lầm của mình đã khiến người mình yêu phải trả giá bằng tính mạng.

Đối với Thúc Sinh thì ân nghĩa nàng đã đền đáp đủ cả, đối với Kim Trọng thì Thúy Kiều đã se duyên cho em gái và cuối cùng để trọn vẹn "hẹn ước" nàng đã cùng chàng thành bạn trong phòng sớm tối cầm thi. Vậy là đối với mọi người nàng đã ân nghĩa vẹn toàn, chỉ còn lại mỗi người đó mà thôi.

"Giết chồng mà lại lấy chồng.

Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời"


Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân đã nói về cuộc đời Kiều như sau, đáng để chúng ta đọc:

Nghe nói “cái mà trời phú cho con người gọi là tính”[1]. Cho nên cái trinh, dâm của người con gái chỉ một chữ “tính” là gồm hết tất cả. Thế nhưng cảm thì có một, mà ứng thì lại muôn mối. Như vậy phải chăng tính có thể bao gồm được hết thảy? Thế mới biết tính là mối lớn vậy. Song những điều giận, mừng, buồn ở trong tính lại vi diệu là bởi vì có tình. Có kẻ vì thiên lệch mà đắm đuối, có kẻ vì trắc trở mà đau thương, có kẻ vì chịu ơn mà cảm mến. Tuy rằng tình tuỳ ở xúc cảm mà sinh, khi sâu khi nông, nhưng chủ yếu là do thân, tâm thực sự chuyển hoá mà thành ra trinh, ra dâm vậy.

Không khi nào không lường hết tình, không xét rõ chỗ ẩn vi mà lại đổ càn tiếng tăm cho người ta được. Đại phàm hễ thân tránh khỏi mà tâm bị nhục thì trinh mà hoá dâm vậy; hễ thân bị nhục mà tâm tránh khỏi, thì dâm mà hoá trinh vậy. Danh giáo trong đó chỉ có trời biết và chỉ có thể làm trọn tính trời, chứ khó mà nói được với hạng người tô vẽ danh tiết, đức hạnh bề ngoài vậy. Cho nên “mài không mỏng, nhuộm không đen[2], sen mọc trong bùn bẩn mà chẳng nhiễm mùi bùn, là vì biết giữ tình cho hợp với tính vậy.

Thúy Kiều là một người con gái. Ban đầu thấy chàng Kim đã quên mình, mối tình ấy có thể nói là lả lơi vậy. Nhưng không tham cuộc vui một tối, mà biết tha thiết bàn đến chước giai lão trọn đời. Thế thì lả lơi mà biết giữ gìn, trong khi biến mà vẫn không sai điều ngay thẳng, phải chăng là người ở trong cảnh dâm mà biết giữ điều trinh? Điều đó kể cũng lạ. Kịp đến khi cha mắc nạn thì khảng khái bán mình, không hề kiêng nể. Dù cho quyến luyến người tình cũng chắng qua mượn mận thay đào, chứ tuyệt nhiên không vì tình mà loạn tính. Điều đó há lại chẳng càng khó lắm nữa ư? Điểu khó mà còn làm được dễ dàng, cho nên thấy rằng, nhục thân không phải là nhục, mà là làm theo đạo hiếu; ngậm đắng không phải là đắng, mà đành cam chịu. Vì sao vậy? Thân này do cha sinh ra nên thân này vì cha mà bỏ đi. Thân đã bỏ đi thì chẳng khác gì đất đai, cây cỏ, chết là phận, sống là may, còn đâu dám tưởng mình sẽ là thân khuê các. Kịp đến sau, lẽ mọn cho kẻ thư sinh, bạn bầu với người lang hổ, phải đâu là vì chung tình, mà chẳng qua giăng hoa vô chủ, tạm mượn một cành để tránh chết mà thôi. Vậy cho nên một khi nghe lời dỗ hàng thì liền nghĩ đến một dải đông nam tan nát, vua tôi lo lắng khó nhọc, bèn ân cần khuyên chồng quy thuận. Nàng có phải là người vì ơn riêng mà quên nghĩa công đâu! Có phải là tham giàu mà cam lòng phản nghịch đâu! Điều đó có thể phân tích rõ ràng vậy.

Như đến việc nàng cho rằng Từ Minh Sơn chết oan là do sai lầm của mình, không nỡ lòng một mình sống sót, đó lại là có tính cương liệt, bề trong không phụ lòng mình, bề ngoài không phụ lòng người ta vậy. Xem qua về hình tích, xét rõ về tâm tính, nàng chẳng phải là cô gái tốt xưa nay hay sao?

Cuối cùng chết rồi sống lại, sống lại rồi sum họp tình xưa, đó lại là lòng trời thương con người có hiếu, có trung, thương con người lưu li khổ sở, nên cố làm cho được thoả ước nguyện gia thất vâỵ. Thế rồi, trời có làm cho thoả, mà người không muốn lật thỏa[3] là cốt để phân biệt chữ trinh chữ dâm. Nếu trời chỉ có thể phú tính cho người mà không thê phú tình, thì điều đó lại cần phải tìm tòi ở ngoài sự mừng giận vui buổn tầm thường vậy[4]. Do đó mới biết rằng, danh giáo tuy nghiêm, nhưng vì một cô gái mà du di, mà điên đảo, muôn lần cảm muôn lần ứng mà sau mới thành toàn, không sai một mảy may, thật là thơm rơi muôn đời vậy.

Tôi cảm vì tình nàng, tạm viết vài hàng, thay lời ngưỡng mộ. Nếu lấy lời thường tình của thế tục, chỉ nhìn thấy cảnh gặp gỡ của nàng mà không xét kĩ ngọn gốc, rồi nói rằng, “Đó là hành vi đê tiện làm nhơ nhuốc con người” thì tôi đây sẽ vì nàng khóc lóc thảm thiết trong ngàn xưa vậy

.......................................

[1]Câu này dẫn ở sách Trung Dung:” Thiện mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo…”, nghĩa là :” Cái trời phú cho gọi là tính, làm theo tính trời gọi là đạo…”

[2]Câu này dẫn ở sách Luận ngữ, chương Dương hóa: “Ma nhi bất lận, niết nhi bất truy.” Nghĩa là : Mài mà không mỏng, nhuộm mà không đen, ý nói bất biến cố vẫn không thay đổi.

[3]Câu này ám chỉ rằng Thúy Kiều không bằng lòng sinh con với Kim Trọng mà để cho Thúy Vân.

[4]Câu này ý nói, nếu không phải trời cho người ta có cái tình muôn màu muôn vẻ ở trong cái tính, thì trường hợp như Thúy Kiều lại phải giải thích bằng cách khác, nhưng câu văn viết không rõ lắm nên khó hiểu

Từ khóa: 

truyện kiều

,

văn hóa