Cuộc chiến Xiêm - Vạn Tượng

  1. Lịch sử

Chiến tranh Xiêm - Vạn Tượng (1826 - 1828) - Nỗi nhục Tĩnh Khang của người Lào.
#cậnđại#VN#Thailand#Lào
Với sự tham gia của
Phe Lào:
  • Anouvong (A Nỗ), Quốc vương Viêng Chăn.
  • Chao Upahat Tissa (Ấp Ma Hạt), Đệ nhị vương.
  • Ratsavong Ngau (Hạt Xà Bông), con trai thứ 2 của Quốc vương A Nỗ. Từng có thời gian làm con tin ở Xiêm.
  • Nyô (Hạt Xà Bút), con trai thứ 3 của A Nỗ, Phó vương của Champasak (Chiêm Ba Tắc).
Phe Thái
  • Sakdiphonlasep (Miễn Phồn La Thiệp) - Đệ nhị vương Xiêm La.
  • Bodindecha (Phi Nhã Chất Tri), một trong những vị tướng xuất sắc nhất của dân tộc Thái.
Khách mời
  • Minh Mạng, Hoàng đế của Việt Nam (sau 1838 mới đổi là Đại Nam)
  • Chao Noi (Chiêu Nội), Tù trưởng Trấn Ninh và là con rể của A Nỗ.
  • Manthaturath (Man Tháp Đồ Lạp) - Quốc vương Luang Phrabang (Nam Chưởng)

https://cdn.noron.vn/2023/12/23/4138155493888535938117561355410338403121734n-1703302135.jpg

Bối cảnh
Những tranh chấp nội bộ đầu thế kỷ XVIII khiến cho Vương quốc Lan Xang bị phân liệt thành 3 tiểu quốc. Trong đó, Vương quốc Viêng Chăn (Vạn Tượng) là thế lực lớn nhất, chiếm giữ vùng cố đô Viêng Chăn của nước Lan Xang ngày xưa và có tính chính thống cao nhất. Cuối thế kỉ XVIII, Hoàng tử Anovong (A Nỗ, 1767 - 1829) được gửi đến Xiêm La để thực hiện nhiệm vụ của chư hầu đối với vị minh chủ trong các cuộc chiến chống lại quân Miến Điện. Những biểu hiện của ông ta trong quân đội nhận được sự tán thưởng của Quốc vương Xiêm La khi ấy là Rama I. Đến năm 1804, ông được triều đình Xiêm lập lên ngôi vua ở Vạn Tượng sau khi vương huynh Inthavong qua đời.
Từ khi lên ngôi, Anouvong luôn có tư tưởng thoát ly khỏi sự ảnh hưởng của Xiêm. Điều này được thể hiện qua những hành động cụ thể như: xây dựng lại Chùa Phra Keo và bức tượng Phật bằng ngọc đã bị chính Rama I (thuở còn làm tướng) phá hủy trong cuộc xâm lược năm 1779, sửa chữa các bức tường thành và xây dựng một cây cầu bắc qua sông Mekong để nối Chiang Mai với Viêng Chăn, đề cao sự độc lập của Tăng đoàn Lào - một điều trái với mong muốn của triều đình Xiêm là Bangkok phải là trung tâm Phật giáo của vùng Đông Nam Á...
Vào năm 1825, Anouvong cùng Manthaturath - Quốc vương Luông Pha băng với danh nghĩa chư hầu được triệu tập đến Bangkok dự lễ hỏa táng cố Phật vương nước Xiêm, tức vua Rama II. Trên chuyến hành trình này, vị Tân vương Xiêm - Nangklao (Rama III) đã trưng dụng đoàn tùy tùng của Anovong để làm các việc công ích là đào kênh và chặt cây. Thái tử Vạn Tương, Ratsavong Ngau (Hạt Xà Bông) đang làm con tin ở Xiêm cũng phải tham gia cùng đoàn tùy tùng; và theo một số nguồn tin thì Thái tử đã bị người Xiêm đánh đập trong quá trình làm việc. Điều này đã dẫn đến sự căm phẫn của vua tôi Vạn Tượng.
Sau khi trở về nước, Anouvong triệu tập một hội đồng chuẩn bị chiến tranh và đưa ra một số yêu sách cho triều đình Xiêm.
  1. Trả lại Vương muội Khieokhom - người đã bị bắt vào năm 1779 (bà này được dự định sẽ làm cung phi của Taksin nhưng đã bị Chakri - Rama I hãm h.i.ế.p trên đường giải về Thonburi; sau đó bị đày đến Saraburi).
  2. Trả lại đoàn nữ vũ công được đưa sang biểu diễn ở Bangkok dưới thời Rama II (nhưng sau đó đã bị Nangklao đưa hết vào hậu cung).
  3. Thả những tù binh ở Saraburi, và trả lại Phra Kaeo (Phật Ngọc) bị lấy cắp trong cuộc chiến năm 1779.
Raxavong Ngau rời Bangkok đến Viêng Chăn mang theo chiếu chỉ của vua Nangklao gửi cho Anouvong, nội dung là không chấp nhận những yêu sách của phía Vạn Tượng. Người Lào do đó đã lên kế hoạch cho cuộc nổi dậy. Lúc đó, một sứ thần của Việt Nam cũng có mặt, và bày tỏ thái độ của triều đình Huế là không muốn người Lào leo thang căng thẳng với Xiêm.
Còn theo Đại Nam thực lục thì
Trước đây con gái của Quốc trưởng A Nỗ gả cho vua Xiêm đẻ ra Sâm Ma Yết, vua Xiêm lại lấy người trong nước đẻ ra Tôn Kha Phá, Kha Phá đã lớn mưu cướp ngôi con cả, bèn g.iết Sâm Ma Yết, vua Xiêm không cấm. A Nỗ vì thế oán Xiêm, đem quân đánh lấy thành Côn Lạc, giết quân Xiêm hơn 500 người.
Quân Lào tấn công
Khi bắt đầu chiến tranh, quân đội Lào có tổng cộng không quá 14.000 người, sau mở rộng lên khoảng 25.000, bao gồm các lực lượng từ Xiang Khouang, Lomsak và Saraburi. Tuy nhiên trang bị của họ rất kém, không hề có pháo và chỉ có rất ít súng, đa phần là thương, kiếm và rìu.
Mục tiêu của Anouvong là kiểm soát cao nguyên Khorat và các thành phố xung quanh, tiến quân vào Saraburi và đưa những người Lào bị lưu đày ở đây về Viêng Chăn. Anouvong cũng hy vọng sẽ thuyết phục được các vua xứ Luang Prabang và Lan Na liên minh với mình.
Tissa - Đệ nhị vương của Vạn Tượng, lãnh đạo quân đội Lào đóng giữ ở cao nguyên Khorat,. Viên Huyện lệnh xứ Sakon Nakhon cho phép Tissa đem quân qua địa hạt của mình (sau đó ông này bị Phật vương kết tội phản quốc và xử tử). Tháng 12 năm 1826, Tissa chiếm thị trấn Kalasin. Phraya Chaisunthon, Thứ sử Kalasin từ chối đầu hàng và bị xử tử. Trong khi đó, Viên Thứ sử tỉnh Roi-et là Suvannaphum đã đem nữ quyến của mình dâng cho Tissa để làm hài lòng ông ta.
Từ Viêng Chăn, Anouvong phái Hoàng tử Ratsavong Ngau dẫn quân đến Nakhon Ratchasima vào tháng 1 năm 1827. Phraya Phromphakdi, vị quan trông coi tỉnh Nakhon Ratchasima, không biết gì về kế hoạch của người Lào do đó đã đến hội kiến với Ratsavong Ngau ở ngoại thành. Ratsavong nói dối với Phromphakdi rằng ông ta theo lệnh của Phật vương đem quân đi chống lại sự xâm lược của người Anh. Phromphakdi mắc lừa và đã cung cấp gạo cho Ratsavong. Hoàng tử Ratsavong Ngau sau đó chiếm đèo Dong Phaya Fai và gửi lực lượng của mình đến Saraburi. Phraya Suraratchavong, Thứ sử Saraburi nghe lời dụ dỗ của Ngau nên nghĩ rằng người Anh đã chiếm được Bangkok vì thế đem toàn bộ cư dân Lào ở đây gia nhập lực lượng của Ratsavong Ngau.
Cùng lúc đó, Anouvong dẫn quân chiếm Nakon Ratchasima mà không gặp kháng cự, vì lực lượng Xiêm ở đây phần lớn đã bị điều qua Cao Miên. Cánh quân thứ tư, dưới sự chỉ huy của Chao Nyo (Phó vương Champasak, con trai của Anouvong) hành quân từ Champasak đến Ubon.
Thái độ của Lan Na và Luang Prabang
Tại Nakhon Ratchasima, Anouvong đã ra lệnh phá hủy hệ thống phòng thủ thành phố, và ở lại năm tuần. Ông cũng cử sứ thần đến Luang Prabang và Lan Na thuyết phục họ gửi quân đội và lương thực cho mình. Những thông tin này được gián điệp báo về cho Bangkok.
Thái độ của Lan Na và Luang Prabang dường như là muốn xoay theo chiều gió, nên họ đã cố tình chậm chạp trong việc đáp ứng các yêu cầu của cả hai bên tham chiến. Sử sách của Luang Prabang cũng ghi nhận Manthathurath đã nói rằng ông sẽ đứng về phía người chiến thắng trong cuộc xung đột này.
Quân Xiêm phản công
Khi biết được âm mưu của Anouvong, người Xiêm nhanh chóng tập hợp đại quân. Chủ soái là Đệ nhị vương Sakdiphonlasep. Đạo thứ 2 do Krommamun Surinthontherak chỉ huy sẽ đối phó với cánh quân của Tissa và Nyo. Tướng Bodindecha (Phi Nhã Chất Tri) cũng tham gia vào quân đoàn này. Còn cánh quân thứ 3 do Chaophraya Aphaiphuthon chỉ huy tập trung tại Phetchabun (ông này sau bệnh mất trong chiến dịch).
Ngày 21 tháng 3 năm 1827,trận Lomsak; quân Lào của Thái tử Ngau gồm 4500 người và 26 khẩu súng trường; đã thất bại trước cánh quân thứ 3 gồm 12000 người của Xiêm. Quân Xiêm đuổi Ngau đến vùng Loei. Aphaiphuthon thúc quân truy đuổi. Lan Na và Luang Prabang vẫn án binh bất động.Trận Loei, quân Vạn Tượng thua tiếp, và cánh quân thứ 3 của Xiêm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; sau đó họ gia nhập với cánh thứ 1 để đánh Nong Bua Lamphu, một cứ điểm ở ngoại ô thành phố Udon Thani hiện nay.
Trận Nong Bua Lamphungày 3 tháng 5 năm 1827, quân phòng thủ Lào gồm 2300 người do Phaya Narin chỉ huy bị vây bởi 20000 quân Xiêm. Thành này thất thủ sau 3 ngày; Phaya Narin thà quyết tử vì tổ quốc chứ không chịu đầu hàng, và người Xiêm đã xử tử ông ta bằng biện pháp dã man nhất có thể để các tướng Lào khác trông thấy mà khuất phục.
Trận đèo Khao San:đèo Khao San là chướng ngại cuối cùng trên bước đường tiến vào Viêng Chăn. Quân Lào chia lực lượng làm 2: Thái tử Ratsavong Ngau bảo vệ sườn phía tây, và Tissa bảo vệ phía đông. Tuy có ưu thế vượt trội về hỏa phí, nhưng trước sự chống trả quyết liệt của người Lào, phải đến... 10 ngày sau quân Xiêm mới có thể giành chiến thắng. Ngày 25 thì Sakdiphonlasep chiếm xong đèo Khao San. Cánh cửa vào Viêng Chăn đã rộng mở.
Kết cục của Anouvong
Ngày 26 tháng 5 quân Xiêm chiếm Viêng Chăn. Ở Băng Cốc, Phật vương Nangklao ra lệnh phá hủy Viêng Chăn như một cách khủng bố tinh thần với các chư hầu có ý nổi loạn trong tương lai. Một sĩ quan Lào thuật lại với triều đình Huế sự tàn phá Viêng Chăn như sau:
Vang Na(Sakdiphonlasep) đã ra lệnh cho tất cả cư dân sơ tán khỏi thủ đô (Viêng Chăn) và đốt cháy tất cả các ngôi nhà, cũng như các cung điện của nhà vua và mọi thứ khác trong Viêng Chăn. Tất cả mọi thứ thuộc về giới tinh hoa và dân chúng đã bị đốt cháy. Những nơi khác ngoài Viêng Chăn có mật độ dân cư cao cũng bị thiêu rụi, chẳng hạn như Muang Tha Bo, Nong Bo, Nong Khai, Pha Cat, Thiap Ma Ni, Ba Xuy, Hoi Lung...
Chao Nyo bỏ trốn về Champasak, nhưng nơi này cũng đã bị thiêu rụi bởi quân Xiêm. Ông ta còn bị các quý tộc địa phương quay lưng. Một quý tộc tên là Huy đã bắt ông ta tại một ngôi làng Lao Theung gần nguồn sông Se Bang Liang và giao cho người Xiêm. Để tưởng thưởng, Phật vương lập Huy lên làm Tân vương của Champasak và rời đô đến một vị trí khác.
Anouvong bỏ trốn đến địa giới Việt Nam với chỉ còn 1000 quân, và xin sự trợ giúp của nhà Nguyễn. Vua Minh Mạng chủ trương phòng thủ nếu quân Xiêm kéo qua biên giới nhưng chần chừ trong việc cứu viện cho Anouvong. Mãi đến giữa năm 1828, Minh Mạng mới sai Phan Văn Thúy đem 3000 quân và 20 thớt voi hộ tống vua Vạn Tượng về nước. Vào ngày 1 tháng 8 năm 1828, Anouvong và Ratsavong Ngau tiến vào Viêng Chăn với 1.000 người ủng hộ, và củng cố lực lượng tại Chùa Phra Keo. Quân Việt thấy vua Lào đã an toàn và người Xiêm đã lui quân, bèn thu quân về nước. Nhưng không lâu sau giữa Xiêm - Lào lại tranh chấp, còn Minh Mạng thì "dỗi" vì A Nỗ không biết điều với người Xiêm nên bảo với quần thần rằng
A Nỗ nóng nẩy làm càn tự tiện cùng với Xiêm gây oán. Cái nhục về thua quân nước Xiêm há chịu nhịn ư? Ngày khác đem quân đánh thì A Nỗ lấy sức đâu mà chống chọi được không khỏi lại nhờ đến ta.Kể ra triều đình ta xử trí với nước Vạn Tượng có thể tỏ là hết lòng nhân nghĩa, nay A Nỗ cử động như thế, phụ trẫm rất nhiều. Nếu có lại nữa nên cự tuyệt đi không nên nhận nữa.
Rồi ông sai Phan Văn Thống đến bảo A Nỗ tạ lỗi với Xiêm, rủi thay sứ bộ 50 người này bị tướng Xiêm là Thung Vi Sai bắt g.i.ế.t hết. Vua Minh Mạng tức lắm và muốn người Xiêm đền mạng cho kỳ được.
Tháng 10, vua Xiêm lại sai Bodindecha đánh Viêng Chăn, quyết bắt sống bằng được Anouvong. Quân Xiêm tiến vào Viêng Chăn một lần nữa và phá hủy hoàn toàn thành phố, bắt toàn bộ dân chúng đưa vào nội địa Xiêm. Anouvong trốn thoát chạy trốn về phía Xiang Khouang (Trấn Ninh) rồi bị tù trưởng Chao Noi (Chiêu Nội) bắt giao nộp cho người Xiêm. Minh Mạng sau đó dùng cớ này để xử tử Chiêu Nội, và lại chiếm Trấn Ninh làm thuộc địa của Việt Nam.
Thái tử Ratsavong Ngau trốn thoát, nhưng về sau không rõ kết cục. Anouvong bị bắt giải về Bangkok. Một nhà quan sát người Anh nhớ lại:
[Nhà vua] bị nhốt trong một cái lồng sắt lớn phơi dưới ánh mặt trời oi nóng, và buộc phải tuyên bố với mọi người rằng Phật vương nước Xiêm là một người vĩ đại và đầy đức hiếu sinh; và rằng chính mình đã phạm một sai lầm lớn và đáng bị trừng phạt như hiện tại. Ở trong lồng sắt giam giữ cụ, họ lại đặt một cái chày lớn để nghiền nát thân thể cụ, một nồi hơi lớn để luộc chín cụ, một cái móc để treo cụ lên đó, và một thanh kiếm để c.h.ặ.t đầu cụ; lại có một cái ghế tựa như mũi nhọn để bắt cụ ngồi lên. Các con của cụ đôi khi được đưa vào cùng với cụ. Cụ là một ông già tóc bạc hiền lành, đáng kính, và đã không sống lâu để làm hài lòng những kẻ hành hạ mình, cái ch.ết đã chấm dứt những đau khổ của cụ. Thi thể của cụ bị đưa ra và xiềng xích treo lên ở khúc bờ sông, cách Bangkok chừng hai ba dặm.
Hậu quả
Sau cuộc nổi dậy của Anouvong, người Xiêm dùng chính sách cưỡng bức, buộc người Lào ở khắp khu vực sông Mekong phải dời hết qua bờ tây, và gọi họ là người Issan, nhằm mục đích khiến họ quên mất gốc Lào của mình, thuận tiện trong công cuộc đồng hóa họ thành người Thái. Vì thế ở thời điểm hiện nay, tỉ lệ giữa dân số Lào và dân số vùng Isan của Thái Lan đã lên gấp 3 lần, phần lớn là hậu quả từ cuộc nổi dậy Anouvong.
Về phía triều đình Huế, Minh Mạng nhiều lần yêu cầu phía Xiêm lập lại vua cho Vạn Tượng và trị tội Thung Vi Sai nhưng đều bị phớt lờ. Mâu thuẫn Xiêm - Việt ngày càng gia tăng; và sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ ít lâu sau đó.
Từ khóa: 

lịch sử