Củ huyền ở vùng Bảy Núi
Theo từ điển Bách khoa, huyền thuộc họ ráy (araceae), khoai, một loài cây cho củ, thân thảo (bẹ), lá như lá khoai môn hình rẻ quạt như lá đu đủ, được trồng ở những vùng có nhiều giồng cát ở Nam bộ.
Củ huyền to, hình cầu, mặt trên lõm, mặt dưới lồi mang rễ và nhiều u tròn; vỏ ngoài của củ màu nâu, ruột trắng vàng. Để trồng huyền, người ta chọn củ giống tốt giăm xuống đất cát vào đầu mùa mưa. Vài tháng sau huyền phát triển tốt. Năm tháng sau khi trồng, lá huyền rụi úa, là lúc nhổ huyền lấy củ.
Củ huyền có thể luộc ăn hoặc gọt vỏ nấu độn với cơm, ăn mát, chắc dạ, không nóng ruột như khoai lang. Dân gian còn có thể dùng bột khoai huyền để làm các loại bánh, làm bún tàu và sử dụng trong công nghiệp để hồ vải. Dọc hay bẹ huyền thường được làm dưa, ăn với cá nướng rất ngon miệng.
Củ, dọc và lá, bã bột huyền là nguồn thức ăn rất tốt để chăn nuôi gia súc. Một số nơi người ta còn dùng bẹ huyền chế biến thức ăn. Bẹ huyền được lột sạch vỏ từ gốc lên ngọn, xắt lát dầy khoảng lóng tay. Cá vụn rửa sạch để nguyên con thêm mắm muối, tiêu hành và ít thịt mỡ rồi cho bẹ huyền vào, kho vừa nước.
Ngoài ra, bẹ huyền còn có thể nấu nhiều món canh bình dân như canh chua cá trê hoặc cá lóc, nấu với tôm hoặc hầm thịt...
Người địa phương thường làm bột huyền để bán. Bột huyền trắng mịn như bột sắn nhưng có hàm lượng tinh bột cao hơn.
Người ta dùng bột huyền một cách đơn giản là pha với nước sôi để nguội cùng một ít đường cát trắng, tốt nhất là đường phèn, uống trong những ngày hè oi bức. Cũng để giải nhiệt, người ta cho bột huyền vào chiếc nồi nhỏ cùng một ít nước lạnh và một chút đường cát. Cho nồi lên bếp lửa, vừa đun vừa khuấy đều tay.
Khi nghe tay khuấy nằng nặng và thấy hỗn hợp nầy từ trắng đục thành trắng trong thì tắt bếp. Múc ra chén, vừa thổi nguội vừa dùng muỗng múc ăn. Cách làm nầy ngon hơn khi uống nước pha huyền, dù công dụng cũng như nhau. Bột huyền có tính lành, tăng cường sức khỏe nên ai bị bệnh tật, thương tích đều được khuấy bột huyền cho uống, là bài thuốc dân gian phổ biến.
Theo Đông y, bột huyền có công dụng hóa đờm, tán tích, hành ứ, tiêu thũng, sát trùng, trục thai chết cho nên người ta dùng để chữa trị các chứng: ho có đờm, ăn không tiêu, sốt rét có báng, bế kinh, mụt nhọt, độc đinh, phỏng nước. Kinh nghiệm dân gian còn dùng củ huyền đập dập đắp lên vết thương chữa trị rắn độc cắn...
Muốn có được 1kg bột huyền tinh (trắng), người ta phải sử dụng đến 5kg củ huyền nguyên liệu để chế biến. Nếu so với bột nếp, bột gạo miệt Nàng Hai (Tân Quy Đông – Tân Quy Tây), chế biến bột huyền xứ núi kỳ công hơn, sản xuất trong điều kiện khô ráo, đủ độ nắng đảm bảo bột mới trắng, người tiêu dùng thấy thích bán mới chạy. “Khác với các loại quả, củ khác, xứ núi này, bà con coi củ huyền như loại dược liệu, sản lượng ít nên càng quý hiếm nữa” – ông Võ Văn Thành (núi Trà Sư) cho biết. Hiện tại, giá dao động khoảng 30.000 đồng/kg, lúc rộ mùa cũng không dưới 25.000 đồng/kg.
Đó là bột huyền, còn củ huyền nguyên liệu giá không chừng, thông thường theo nhu cầu bạn hàng và thị trường tiêu thụ từng lúc. Đa số người sản xuất và chế biến bột huyền vẫn tuân thủ thủ công và chỉ đưa máy móc vào vài công đoạn để đảm bảo hương vị nguyên gốc và chất lượng củ huyền vốn có xứ núi. Nhiều bà con làm nghề cho rằng, đây cũng là nét độc đáo của loại “nông sản sạch”, gần gũi với núi rừng, một xu hướng mới người tiêu dùng đòi hỏi cần phải có.