Cột cờ Lũng Cú
1. Vị trí của cột cờ Lũng Cú
Là một cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú (hay còn gọi là đỉnh núi Rồng) có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Có tọa độ 23°21’49’’ vĩ bắc, 105°18’58’’ kinh đông, điểm cực bắc Việt Nam (theo số liệu địa lý đo đạc được, điểm cực bắc còn nằm cách khoảng 2km nữa, nhưng từ trước tới nay cột cờ Lũng Cú vẫn luôn được mọi người coi là điểm cực Bắc của tổ quốc, là biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền lãnh thổ quốc gia).
2. Các mốc lịch sử của cột cờ Lũng Cú
Sử sách ghi lại, di tích Cột cờ Lũng Cú ra đời từ thời Lý. Khi xưa, Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân về trấn ải vùng đất biên thùy, đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta. Nhờ cột cờ này, mà suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất biên ải nơi cực Bắc được tồn tại đến hôm nay.
Đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược, đã nhận ra tầm quan trọng của vùng đất biên ải này và đã cho xây dựng một đồn gác nơi đây, dưới đồn gác cho đặt một trống đồng, mỗi một canh được đánh lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Cũng vì lẽ đó, mà mảnh đất này còn có tên gọi là Long Cổ (tức trống của vua).
Đến năm 1978, Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú (nay là Đồn Biên phòng Lũng Cú) cho cắm cột cờ tại đỉnh núi Rồng tại vị trí bây giờ. Lúc đó cột cờ chỉ bằng cây sa mộc, cao 12 m, lá cờ rộng 1,2 m2. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đỉnh núi Rồng được lực lượng Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú đóng chốt ở đó để bảo vệ núi Rồng.
Đến năm 2000, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang, đã cho phép huyện Đồng Văn xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia, và cột cờ bằng bê tông cốt thép được xây dựng, thay cho cột cờ bằng gỗ lúc bấy giờ. Để phù hợp với cột cờ to và bề thế, thì lá cờ rộng 54 m2 được ra đời từ đó. Với những giá trị lịch sử sâu sắc, ngày 18/11/2009, Nhà nước đã công nhận Cột cờ Lũng Cú là Di tích lịch sử quốc gia.
Năm 2010, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lên thăm Cột cờ Lũng Cú, đã đồng ý cho phép Hà Giang xây dựng cột cờ mới to đẹp hơn, bề thế hơn để khẳng định vị thế của đất nước ta trong công cuộc đổi mới, và khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc.
Cột cờ Lũng Cú hiện nay được khởi công ngày 8-3-2010, hoàn thành vào đúng ngày Quốc khánh, ngày 2-9-2010. Cột cờ tọa lạc trên đỉnh núi Rồng, có độ cao 1.468 m so với mặt nước biển. Tổng chiều cao 33.15 mét, trong đó chân cột cao 20.25 mét, cán cờ cao 12.9 mét, đường kính ngoài chân cột rộng 3.8 mét. Lá cờ rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Cột cờ được thiết kế hình bát giác theo kiến trúc của cột cờ Hà Nội, Dưới chân cột cờ có 8 bức phù điêu bằng đá xanh, trên 8 bức phù điêu là những hình ảnh minh họa quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, đan xen vào đó là các nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang. Phía trên 8 bức phù điêu có gắn 8 mặt trống đồng, vừa là biểu trưng của văn hóa Việt Nam, vừa để nhớ đến tiếng trống của vua Quang Trung khi xưa, để con cháu ngàn đời sau nhớ đến công dựng nước của ông cha ta ngày trước.
Dưới chân cột cờ Lũng Cú, là đồn biên phòng Lũng Cú. Các chiến sĩ nơi đây được giao nhiệm vụ bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột cờ Lũng Cú và hầu như cứ 10 đến 15 ngày lá cờ lại được thay mới. Những lá cờ Tổ quốc trên Cột cờ Lũng Cú, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đã phai màu vì nắng mưa hay bị rách vì mưa gió được giữ lại, và làm quà tặng cho những đoàn khách đặc biệt đến thăm Lũng Cú. Đến nay, lá cờ Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú đã trở thành một kỷ vật thiêng liêng, mà rất nhiều đoàn công tác mong muốn có được.
Đặc biệt ngay lưng chừng núi, các nhà khoa học đã phát hiện một loại bọ ba thùy hóa thạch trong đá vôi, có niên đại khoảng 500 triệu năm.
3. Truyền thuyết đỉnh Lũng Cú
Lũng Cú là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc, trong đó nhiều nhất là đồng bào Mông và Lô Lô. Theo cách gọi của đồng bào dân tộc Mông, theo tiếng Mông, Lũng Cú là nơi có những cánh đồng lớn trồng ngô. Còn đồng bào dân tộc Lô Lô thì gọi Lũng Cú là Long Cư - nơi rồng ở theo phiên âm tiếng Hán.
Tương truyền rằng, khi xưa, rồng tiên xuống trần gian du ngoạn, yêu mến cảnh sắc tuyệt vời ở nơi đây, mà đậu xuống ngọn núi trước làng, chính là ngọn núi Rồng ngày nay. Yêu mến mảnh đất này, nhưng rồng tiên cũng nhận thấy cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng cực khổ, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nên trước khi về trời, rồng tiên động lòng trắc ẩn, đã để hai con mắt của rồng tại nơi này. Và hai mắt rồng đã hóa thành hai hồ nước ngọt ở hai bên chân núi. Một hồ nước của làng dân tộc Mông và một hồ nước của làng dân tộc Lô Lô. Giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây đã bớt phần vất vả. Điều kỳ diệu là, dù thời tiết có khô hạn thế nào, nước ở hai hồ này không bao giờ cạn.
---