Công nghệ và nghệ thuật: sự va chạm này có thực sự cần thiết?

  1. Công nghệ thông tin

  2. Nghệ thuật

  3. Văn hóa

  4. Khoa học

  5. Xã hội

  6. Hội hoạ

  7. Trí tuệ nhân tạo

Tháng 4 năm 2022, một chương trình AI vẽ tranh dựa trên các nền tảng kĩ thuật tên Disco Diffusion xuất hiện và được chào đón nồng nhiệt trên thế giới. Rất nhanh, những chương trình ăn theo (Midjourney, ChatGPT, Disco Diffusion, DALL-E,...) cũng đồng loạt được cho ra lò bởi các ông lớn ngành công nghệ. Chúng tạo nên một cơn sốt trong ngành nghệ thuật khi mà giờ đây người dùng có thể dễ dàng tạo ra một bức tranh với mọi phong cách theo ý muốn. Chưa đầy một năm, công nghệ AI đã thể hiện rõ sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực hội họa, đi kèm với hiệu ứng truyền thông, việc ứng dụng AI vẽ tranh trở nên nổi tiếng và thông dụng là một điều dễ hiểu. Điều này cũng phát sinh ra nhiều mâu thuẫn và hệ lụy. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, giống như AlphaGo (một chương trình AI đánh cờ vây), các AI vẽ tranh cũng sử dụng những nguồn tác phẩm của các tác giả cả lớn lẫn nhỏ để tiếp thu và phát triển. Trong đó có rất nhiều tác phẩm đang nhận được sự bảo vệ của bản quyền nghệ thuật. Chúng học hỏi (thường sẽ bị cho là đạo nhái) và cuối cùng tạo ra một lối vẽ riêng rập khuôn mà đến bây giờ một bộ phận người gọi đó là: "Phong cách AI".

Rõ ràng việc học hỏi, và phát triển chưa bao giờ bị coi là phạm pháp, điều này thậm chí còn xảy ra rất nhiều trong lĩnh vực nghệ thuật. Nó giống như khi bạn chụp ảnh pose và setup bố cục theo những gì ta đã xem trên mạng. Điều khác biệt ở đây là liệu ta có cá nhân hóa được dáng pose đó phù hợp với bản thân và biến nó thành của riêng không? Đơn giản đây là vấn đề về đạo đức, AI được tạo ra bởi con người và không phải con người. Nó không hề có tư tưởng, cảm xúc lẫn tình cảm, đồng nghĩa với việc không hề có sự cá nhân hóa. Những cái điều mà đáng ra một người nghệ sĩ cần phải có để sáng tạo, truyền đạt qua các tác phẩm của mình. Máy móc không có hồn, con người mới có, vậy nó lấy cái gì để thổi hồn cho bức tranh thêm chiều sâu và sống động? AI không phải con người mà là một chương trình, nên theo lẽ dĩ nhiên nó không phải là một nghệ sĩ. Hiện tại là vậy, đó cũng là lý do vì sao Jason M. Allen (tác giả của bức Théâtre d'Opéra Spatial, tạo ra khi sử dụng chương trình MidJourney) mới là người nhận giải nhất tại hội chợ triển lãm Colorado, không phải chương trình AI đó. Chung quy lại AI giống một công cụ hơn là nhầm tưởng thành một nghệ sĩ.

Vậy những người sử dụng chương trình AI để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có được gọi là nghệ sĩ không? Nghệ sĩ là những con người sáng tạo ra các loại hình nghệ thuật như vẽ, ca hát, điêu khắc, thiết kế, diễn kịch, nhảy múa,... thể hiện ý tưởng, cảm xúc bằng những công cụ thích ứng. Ở đây, chương trình AI cũng được coi là một công cụ nên những người sử dụng nó để tham gia sáng tạo nghệ thuật cũng được coi là nghệ sĩ. Bức xúc và mâu thuẫn bắt nguồn từ đây, máy móc hỗ trợ tạo ra sự dễ dàng và hễ thấy dễ là con người ta lại lạm dụng. Tiếp tục nói về hội chợ triển lãm Colorado, sự kiện mà Jason M. Allen đã giật giải nhất từ những người họa sĩ sử dụng công cụ truyền thống. Điều này tạo ra sự tranh cãi và chỉ trích đến cả hội đồng ban giám khảo lẫn người đoạt giải. Dễ hiểu thôi, sao mà chấp nhận được khi họ bị đánh bại bởi một người sử dụng chương trình AI và một số cú pháp, văn bản vô cùng đơn giản. Thêm một minh chứng nữa nhưng đen đủi hơn là tác phẩm "Zarya of the Dawn" của bà Kashtanova, người cũng sử dụng chương trình AI Midjourney để tạo ra các hình ảnh minh họa. Mặc dù mới được pháp luật Mỹ ban cho sự bảo vệ bản quyền của dự án nghệ thuật AI. Nhưng không lâu sau đó, bà lại bị tước quyền bảo vệ pháp lý đối với nghệ thuật AI bởi sự đảo ngược chính sách của Mỹ. Ở nhiều quốc gia, bất kỳ ai sáng tạo nghệ thuật đều sẽ có quyền hợp pháp đối với tác phẩm họ tạo ra. Nhưng với điều kiện họ phải là con người và phần lớn tác phẩm được tạo ra bởi chính họ, vậy nên điều quan trọng ở đây là mức độ kiểm soát của những người sáng tạo sử dụng AI. Công cụ là thứ tạo ra để hỗ trợ con người, không phải ngược lại.

AI đang chiến thắng, nó đang giết chết nghệ thuật trong các ngành công nghiệp lẫn truyền thông một cách nhanh chóng. Mức độ phát triển của nó tỉ lệ thuận với sự thăng tiến của công nghệ và nghệ thuật. Điều đáng ghét ở chỗ chính chúng ta là người tiếp tay cho sự phát triển đó, nếu coi giả thuyết học hỏi từ nhiều nguồn tác phẩm trên là đúng. Từ một chương trình sơ khai mắc những lỗi khổng lồ trong hội họa như đổ bóng và giải phẫu, đến nay thật khó để phân biệt đâu là tác phẩm của một họa sĩ chuyên nghiệp và đâu là của chương trình AI nếu như không có trình độ nhất định. Sự phân tầng giữa kém và giỏi đang ngày một rõ ràng. Hàng nghìn, hàng triệu người đã và đang thất nghiệp ở mọi lĩnh vực không chỉ riêng nghệ thuật vì nay đã có máy móc thay thế. Nhưng chắc chắn một điều rằng AI không thể đặt dấu chấm hết cho nghệ thuật. Quá nhiều và quá mức đại trà, các tác phẩm được tạo ra bởi các chương trình AI tràn lan trên internet, phương tiện truyền thông, biển quảng cáo,... Một đứa trẻ cấp tiểu học cũng có thể tìm ra cách để tạo ra một tác phẩm nhờ AI mà không mất quá nhiều thời gian. Có chăng khác nhau ở các sản phẩm nghệ thuật AI chỉ là cách truyền đạt nội dung và bố cục của người sử dụng. Điều này lại càng khẳng định các nghệ sĩ không thể nào mất đất diễn, vì chỉ khi họ đã từng trải qua sự trau dồi, học hỏi về nền tảng nghệ thuật, chỉ khi họ đã từng tỉ mỉ, hết tâm huyết với từng chi tiết họ tự tay làm ra mới có thể nhìn nhận được vấn đề của tác phẩm này là ở đâu? AI có thể là một công cụ tốt để lên ý tưởng và áp dụng cho công nghiệp, nhưng nếu để mơ ước lấn sân sang làm nghệ thuật, thứ công nghệ này đang đi trên một chặng đường dài không đích đến.

Thái độ và tư tưởng của mọi người đối với loại hình làm nghệ thuật, công cụ này tùy nhóm đối tượng mỗi người mỗi khác. Đối với các nghệ sĩ, họ có bài trừ, kì thị nhưng cũng có người sử dụng, kết hợp với nhiều cách cực kì sáng tạo. Ngó sang tư bản một chút, đây lại chính là một lối giải cho bài toán nhân lực và tiến độ. Có người chỉ sử dụng vào mục đích giải trí, có người lại lạm dụng, phục vụ cho những ảo tưởng, mơ mộng hay thậm chí để trục lợi, hãm hại người khác. Một số người còn dùng công cụ này để kiếm tiền, mặc dù không có quy định nào về việc nghiêm cấm hình thức này, nhưng nó cũng khiến khá nhiều người bất bình vì sản phẩm mà chương trình AI tạo ra thường không có độ hoàn thiện cao về chi tiết yêu cầu và bị cho là đạo nhái. Nhiều người cho rằng tính sáng tạo của họ thể hiện ở việc lựa chọn kết quả mà chương trình AI đề ra và sắp xếp chúng. Họ cho rằng, đối với họ, đó chính là "vẽ" vì đã lên ý tưởng miêu tả qua văn bản và câu lệnh rồi. Chương trình AI giống như công cụ chiếc bút hỗ trợ họ vẽ lên ý tưởng của mình. Nhưng liệu cách "vẽ" này có gửi gắm được hàm ý ẩn sâu xa qua các chi tiết đúng chính xác ý muốn người sử dụng không? Hay chỉ đơn giản là phần chi tiết mờ nhạt và rời rạc không thể hiện được nhiều ý nghĩa? Đôi khi thích ứng và làm quen với khái niệm và tư tưởng mới là tốt, nhưng cũng phải chọn lọc vì sẽ luôn có những trường hợp không phù hợp với tính "con người".

NOTE: Hiện nay, để tránh gây tranh cãi và nhận về sự chỉ trích từ mọi người nói chung và cộng đồng giới nghệ sĩ nói riêng, các kì thi, hội chợ, triển lãm, hội nhóm đều đã có các quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng AI. Thậm chí còn có các kì thi riêng dành cho các tác phẩm thực hiện bởi AI (Điều mình thực sự thắc mắc là nếu trong tương lai, những bot AI này được cho là có tri giác và được công nhận nhân quyền, thì vấn đề bản quyền các tác phẩm sẽ được giải quyết ra sao?)

Từ khóa: 

ai

,

nghệ sĩ

,

thay đổi

,

nghệ thuật

,

công nghệ

,

công nghệ thông tin

,

nghệ thuật

,

văn hóa

,

khoa học

,

xã hội

,

hội hoạ

,

trí tuệ nhân tạo