Con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ
Những hành động, cử chỉ, lời nói hàng ngày của bố mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển về cả trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống, lối tư duy của trẻ. Nhân ngày Quốc tế Thiếu Nhi, hãy cùng nhìn nhận câu chuyện này dưới góc nhìn của những đứa con trong gia đình nhé !
Những trải nghiệm của ba mẹ nuôi dưỡng tâm hồn con
Gia đình là môi trường xã hội hoá quan trọng bậc nhất của cá nhân – đặc biệt là khi còn nhỏ, bởi đây là nhóm xã hội đầu tiên và gắn bó suốt đời của mỗi người, là môi trường chính yếu hình thành nên nhân cách của cá nhân. Tại gia đình, chúng ta được nuôi dưỡng, chăm sóc và được dạy bảo những điều đầu tiên, sơ đẳng để sống làm người.
Chỉ những người hiểu được khó khăn gian nan vất vả, mới có thể biết làm thế nào giúp con thực sự hiểu và tôn trọng công sức lao động của người khác. Chỉ những người từng trải nghiệm nhiều cay đắng ngọt bùi, từng thất bại mới có thể dạy con khi gặp chuyện rắc rối không nên hấp tấp vội vàng hay lo sợ. Chỉ những người từng gặp phải sự thay đổi biến hóa khôn lường trong đường đời, mới có thể giúp con hiểu một cách rõ ràng đừng nên oán giận cuộc sống, mà nên tự mình cố gắng thay đổi nó.
Các nhà tâm lý học thường nói tới hiện tượng phản ứng giữa con người với con người. Nói một cách đơn giản đó chính là con người thường có xu hướng thông qua sự nhìn nhận đánh giá một sự việc đã xảy ra của người khác làm tấm gương phản chiếu nhận thức của chính mình. Thông qua những phản ứng đối với sự việc nào đó của người khác, chúng ta sẽ có thể đánh giá nhìn nhận sự việc đó là “đúng” hay “sai”. Sau đó qua sự đánh giá nhìn nhận này đúc kết ra hành động thích hợp cho bản thân.
Cha mẹ là thần tượng đời con
Thần tượng thật sự của chúng ta chính là cha mẹ ta. Dù cha không phải là nam thần, mẹ không phải là nữ thần với sự hào quang trước công chúng hay vẻ đẹp mê hồn nhưng vẻ đẹp về tình thương yêu, đức hạnh hy sinh cho con cái không ai sánh bằng và không ai có thể làm được điều đó.
Thần tượng này luôn xứng đáng cho chúng ta học hỏi rất nhiều điều trong cuộc sống. Họ đã dạy chúng ta những bước đi, tiếng nói đầu đời, dạy cho chúng ta từng con chữ, họ dạy ta biết nấu từng món ăn, họ dạy chúng ta biết khoan dung, tha thứ, … họ dạy rất nhiều và ta cũng học rất nhiều từ họ.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tầm nhìn đánh giá của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn nhận của con cái. “Mình học được rất nhiều điều từ bố mình. Ông luôn dạy mình phải sống thật đàng hoàng, ngẩng cao đầu đối mặt mọi thứ…” - Bạn B.Đ.N chia sẻ.
Câu nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” thật ra đã phản ánh rất chính xác quan điểm này. Dù sau này khi trưởng thành, mỗi chúng ta đều phải dựa vào sự nỗ lực của chính bản thân mình để thay đổi tư duy nhận thức, hòa nhập với cuộc sống. Thế nhưng những nhận thức mà chúng ta có được ngay từ thuở nhỏ, chính là nền tảng vững vàng nhất cho sự phát triển sau này.
Những điều mà tụi con muốn nói với tấm gương cuộc đời mình
Làm cha làm mẹ đích thị là công việc khó khăn nhất trên đời mà không trường lớp nào có thể dạy hết. Chúng con luôn trân trọng và biết ơn những vất vả, nhọc nhằn mà bố mẹ đã hy sinh để nuôi dạy con nên người. Nhân ngày đặc biệt của tụi con, hãy cùng lắng nghe những tâm sự và “thông điệp yêu thương” mà tụi con muốn nhắn gửi, cha mẹ nhé:
Bố mẹ đừng làm hư con. Con biết rõ ràng con không thể nào có được tất cả những gì con đòi hỏi. Con chỉ hỏi để thử lòng bố mẹ thôi mà!
Bố mẹ đừng sợ giữ vững lập trường của mình với con. Con rất thích điều đó và nó làm con cảm thấy an toàn vì bố mẹ của con thật mạnh mẽ.
Bố mẹ đừng để con hình thành những thói quen xấu. Hãy quan sát và nhắc nhở con hằng ngày nhé.
Bố mẹ đừng để con cảm giác rằng con bé nhỏ hơn hiện tại. Điều đó chỉ làm cách cư xử của con ngày càng ngốc nghếch hơn.
Con sẽ thích lắng nghe hơn khi bố mẹ góp ý với con một cách riêng tư. Đừng sửa sai con trước mặt người khác, bố mẹ nhé!
Đừng làm con cảm thấy như tội đồ với những sai phạm của mình. Con sẽ thấy giá trị của chính mình đang bị tổn thương đấy!
Đừng quá bảo vệ con trước những hậu quả con gặp phải. Con cũng cần phải tự đứng lên sau những lần ngã đau chứ.
Đừng lo lắng quá mức về những bệnh vặt của con. Nhiều lúc con chỉ muốn được chú ý mà thôi.
Đừng buồn khi con nói “Con ghét bố mẹ!” nhé. Thật sự con không ghét đâu, chỉ là đôi lúc uy quyền của bố mẹ đang gây trở ngại cho con.
Đừng cằn nhằn con. Nếu bố mẹ cằn nhằn con suốt, con đành phải giả vờ điếc tai thôi.
Đừng hứa những việc bố mẹ không làm được nhé, vì con sẽ buồn lắm nếu bố mẹ không giữ lời hứa đấy.
Hãy nhớ rằng con không biết cách để diễn đạt hết những gì con muốn thể hiện. Đó là lý do vì sao lúc nào con cũng không hoàn toàn đúng.
Đừng quá đòi hỏi sự trung thực của con. Vì khi hoảng sợ quá con hay nói dối lắm ạ.