Cơn biến loạn cuối triều Đinh

  1. Lịch sử

  Tiên Hoàng cùng Nam Việt Vương bị sát hại; nhà Đinh bỗng chốc như rắn mất đầu, Vệ Vương lúc này trở thành người duy nhất đủ khả năng, tư cách kế thừa đại thống và được đình thần ủng hộ. Cậu bé 6 tuổi ấy cùng giang sơn Đại Cồ Việt được Thái hậu họ Dương cùng Lê Hoàn nhiếp chính giúp rập. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp có ý nghi ngờ nên khởi binh nhưng đều bị Thập Đạo tướng quân trừ khử. Khúc mắc hẳn sẽ hiện ra ở đây: Tại sao họ chống lại Lê Hoàn? Ngoại giáp cùng Định Quốc công đều là huynh đệ của Tiên đế, đối với nhà Đinh lại là trọng thần; nếu Đinh Toàn lên ngôi hẳn hai ông cũng sẽ trở thành người giúp rập; nhưng lạ ở chỗ lại chỉ thấy nhắc đến Lê Hoàn và Dương hậu rồi những sự tư thông, gần gũi được sử ghi chép lại, vậy thì hiển nhiên có gì đó không ổn ở đây. Dương hậu có lẽ khỏi phải bàn; nhưng để Lê Hoàn làm Phó vương nhằm dùng uy vũ một vị tướng quân ổn định nước Việt lúc này hay củng cố, xây dựng một thế lực vững chắc cho bà trước các đại thần gắn bó thuở nhỏ của Tiên đế. Giả sử có thể cả bốn người đều trở thành nhiếp chính thì vì lẽ gì vẫn khởi binh; có phải hai vị Đinh-Nguyễn đối với Đinh Toàn cũng như hai người kia đang tồn tại uẩn khúc hoặc một ý định nào đó khiến họ không thể không hành động, cung đấu hay tranh giành chẳng hạn. Tôi thì nghiêng về cơ sở thứ hai: Đại Thắng Minh Hoàng đế lập năm Hoàng hậu, Lê Hoàn theo Dương hậu và Đinh-Nguyễn là một trong bốn vị còn lại; cuộc tranh đấu giữa họ không chỉ là cung đấu, mà còn là đại quyền và khi Vệ Vương lên ngôi hẳn hai ông đã cảm thấy thất bại cũng như e ngại cho tính mạng ngày sau nên hợp lực quyết một phen sống còn với Thập đạo tướng quân. Chúng ta không biết gì thêm về di chiếu cũng, gửi gắm của của Tiên Hoàng hay hoàn cảnh lúc bấy giờ nên mọi giả thiết đều có thể hiện ra dựa trên những lý luận. Dẫu vậy giả thuyết vẫn là giả thuyết, ta đặt ra và tìm tòi thêm để chứng minh chứ không thể và không đượccoi nó là sự thật hoàn toàn.


  Đại Cồ Việt tình thế lúc này thực nguy cấp; trong thì hết các đại thần Đinh-Nguyễn khởi binh chống Thập đạo tướng quân lại đến Phò mã Ngô Nhật Khánh trốn vào Nam cùng vua Chiêm đem thuyền tiến đánh Hoa Lư; bên ngoài Đại Tống lại chẳng bỏ lỡ cơ hội dẫn binh chinh phạt Giao Chỉ mưu đặt quận huyện như trước. Những bước thăm dò Tống triều đã thực hiện; những lời hăm doạ, gạ gẫm qua chiếu thư Thiên tử cũng gửi qua nhưng đều bị nước Việt gạt phắt; vậy việc hai nước động binh giao tranh là tất yếu. 


  Quân Tống xuất chiến, Thái hậu họ Dương cùng triều thần chọn người dẫn binh và cử Phạm Cự Lạng-em trai Phạm Hạp-người từng đối đầu đến cùng với Lê Hoàn làm tướng. Cự Lạng lúc này mặc giáp trận cùng quân tướng vào cung bàn rằng: “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn". Quân sĩ hết thảy đều tung hô vạn tuế, Thái hậu thấy vậy cũng thuận theo lấy áo Cổn của Tiên Hoàng trao cho Lê Hoàn; triều Đinh từ đây kết thúc sứ mệnh lịch sử 12 năm tồn tại(968-980). Mới đầu nếu đọc những dòng ghi chép của Toàn thư ta sẽ tưởng như đây là một trong những cuộc nhường ngôi êm thấm nhất trong sử Việt; nhưng từng chi tiết nếu suy luận ở một góc nhìn khác hẳn sẽ có nhiều điều thắc mắc xuất hiện. Xưa nay đại thần phò ấu chúa dẹp loạn trong ngoài vốn chẳng phải điều lạ; Lê Hoàn mang danh nghĩa Phó vương, đem binh cự địch giúp vua là trách nhiệm của ông; vậy việc gì phải thay ngôi? Ngôi vua vốn là điều tối trọng; đâu phải chuyện thường mà có thể trao nhận bừa bãi. Nhìn các cuộc nhường ngôi, thiện vị trước nay ngoại trừ Nghiêu-Thuấn thời thượng cổ còn lại nào đâu dễ dàng, nào có phải không nhuốm máu.Hơn vậy có ai đành lòng trao cả cơ nghiệp cha anh tốn bao công gầy dựng cho người khác; các đại thần trung thành với nhà Đinh rồi Dương hậu, Phế Đế chẳng lẽ không nghĩ đến việc đó. Cung điện Nội đình là nơi thế nào mà Phạm Cự Lạng có thể mặc giáp phục dẫn quân tướng với gươm giáo ra vào; nhìn cảnh ấy hẳn tôi sẽ liên tưởng đến một cuộc chính biến cung đình với mục đích đưa Thập đạo tướng quân đăng vị; thuận theo thì sống mà chống lại thì tất cả vong mạng. Dẫu sao thì sự đã xảy ra, vì mục đích gì thì quân Tống vẫn bại trước Đại Cồ Việt và Đại Hành; một cử chỉ, một bí ẩn nhưng đã tạo nên một trong những vũ công oanh liệt bậc nhất trong lịch sử nước Việt. 


Ngôi vua nhường lại, Đế Toàn từ nay trở thành Vệ Vương của triều Lê suốt 20 năm. Năm Tân Sửu (1001); trong dịp cùng Lê Đại Hành đi dẹp loạn Cử Long thuộc vùng Cầm Thuỷ, Thanh Hoá, ông trúng tên tử trận; vua Lê kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh tan giặc. Vệ Vương tử trận do tên bay đạn lạc vô tình hay dụng ý của Đại Hành ta có lẽ không cần bàn tới; cuộc đời 27 năm của một vị ấu quân nhà Đinh rồi Phế Đế, Vệ Vương triều Lê đến đây khép lại. Sử sách vốn chẳng ghi chép nhiều, nên hậu thế đối với ông hẳn vẫn còn nhiều điều nghi hồ, thắc mắc.


Tài liệu tham khảo:

-Đại Việt sử ký toàn thư Bản kỷ quyển I-Quốc sử quán triều Hậu Lê-bản in Nội các quan bản-tập I-Ngô Đức Thọ dịch và chú thích-Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 2004.

-Đại Việt sử ký tiền biên Bản kỷ quyển I-Ngô Thì Sĩ-Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch-Nhà xuất bản Hồng Đức, 2018.

-Khâm định Việt sử thông giám cương mục Chính biên quyển I-Quốc sử quán triều Nguyễn-tập I-Viện Sử học dịch-Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007.

-Việt Nam sử lược-Trần Trọng Kim-Nhà xuất bản Kim Đồng, 2017.

-Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX-Lê Thành Khôi-Nhà xuất bản Thế Giới, 2016.

-Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX-Đào Duy Anh-Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc, 2018.

-Lịch sử Việt Nam tập I-Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc, Lương Ninh, Trần Quốc Vượng-Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2016.



 


Từ khóa: 

lịch sử