Con Ba Khía, đặc sản ba khía muối
Dân miền Tây Nam bộ ai cũng biết con ba khía. Sở dĩ có tên như vậy vì nó giông giống cua đồng nhưng trên mai có ba cái gạch (khía).
Câu chuyện về ông tổ của nghề muối ba khía
Trong quá trình xây dựng hồ sơ đưa nghề muối ba khía vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các nhà nghiên cứu cho hay, hiện nay, người dân hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu vẫn còn lưu truyền câu chuyện về ông tổ của nghề muối ba khía. Theo đó, vào nửa thế kỷ 19, nhà Thanh (Trung Hoa) bước vào thời kỳ suy vong, đời sống nhân dân Trung Hoa cực kỳ khốn đốn. Dân nghèo phải ăn cháo, có những làng dân chết đói hàng loạt. Trong bối cảnh đó, có hai cậu bé khoảng 10 tuổi chạy qua đất Myanmar (xưa ta thường gọi là nước Miến Điện). Nhà cầm quyền nơi đây bắt giam hai đứa bé vì nghi là thám thính của nhà Thanh đưa sang. Bị giam một thời gian, hai bé chỉ khóc than trước việc loạn lạc, không biết gia đình ra sao. Nhà cầm quyền thấy hai em thật thà nên tha cho về cố quốc, nhưng hai em xin được đi đến một nơi nào thật xa cái xứ khốn khổ của mình. Cảm thông ý nguyện, nhà cầm quyền chở hai em xuống tận phương Nam và cho đi.
Hai em đi mãi. Một ngày kia, đến Biển Hồ của đất Campuchia, ở đây, hai em làm thuê kiếm sống, đồng thời học và biết thêm được tiếng Khmer và tiếng Việt. Một hôm, có đoàn ghe chở cá từ Biển Hồ qua Việt Nam bán. Hai em bèn xin chủ ghe cho đi theo giúp chèo chống để đến xứ mới. Sau một tuần, ghe về tới Long Xuyên. Chủ ghe thương tình cho mỗi em một đồng bạc để lên đường. Hai em cứ lần mò và cuối cùng đến xóm Giồng của xứ Bạc Liêu. Nơi đây có nhiều gia đình người Hoa, người Khmer cư ngụ từ trước. Hai em xin tá túc tại một gia đình người Hoa chuyên nghề trồng rẫy. Ngoài việc nương rẫy, hai em đi mò cua bắt cá cho gia đình, nên chủ nhà rất thương. Các em nói mình tên Cao Minh Thiệt, em kia là Cao Mín
Vài năm sau, hai em khoảng 15, 16 tuổi nên chủ nhà cho cất chòi ở riêng để tự làm ăn. Từ khi được ra ở chòi riêng, hai em cố công làm lụng, rảnh thì đi bắt cua, cá, ba khía về ăn. Hồi đó, người ta chỉ biết ăn ba khía kho và ba khía luộc. Một hôm, bắt được ba khía nhiều quá, nên Cao Mín mới bỏ vô hũ và bỏ muối lên với dụng ý là để ngày mai sẽ luộc ăn tiếp. Nhưng do làm lụng nên quên, 5 - 7 ngày sau mới nhớ lại, tính đem ra đổ bỏ. Song, khi đổ ra thấy ba khía có màu hơi ửng, bẻ ra thấy gạch đỏ au, ngửi thấy thơm nên Cao Mín ăn thử. Thấy ngon, Cao Mín mới kêu Cao Minh Thiệt lại cùng thử. Cả hai quyết định bắt nhiều ba khía về muối để dành ăn. Từ ấy, họ làm nghề muối ba khía để bán.
Ban đầu, hai anh bắt ba khía xung quanh vùng. Sau đó, ra biển Cây Bàng vì nơi đây thường có ba khía “hội”. Một đêm, anh Mín đạp lên một vật cứng, hai anh moi sình ra thì thấy miệng lu được trét bằng vôi. Cạy miệng lu lên thì trong lu toàn bạc trắng và phía dưới là vàng nén. Các anh liền mò tìm ra được ba lu nữa, tất cả là bốn lu. Nhờ có được số vàng bạc này, hai anh từng bước đổi ra ghe lớn hơn, chở lu đựng ba khía nhiều hơn, rồi mở đại lý thu mua và mướn ghe to chở ba khía bán tới Sài Gòn. Hơn chục năm sau, hai anh đã có cơ ngơi bề thế ở Bạc Liêu, Vĩnh Châu, Sóc Trăng, Sài Gòn,… Suy ra tiến trình này thì hai ông chính là thủy tổ của nghề muối ba khía.
Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, người Khmer vốn rất giỏi nghề làm mắm, nên rất có thể, mắm ba khía là do chính người Khmer làm ra đầu tiên…
Loài giáp xác này có thể bắt cả ban ngày lẫn ban đêm và phải chụp bằng tay vì chúng di chuyển rất nhanh. Để tránh bị ba khía kẹp, người dân phải đeo bao tay bằng vải. Theo người đi bắt ba khía, con ba khía thích đào hang ở những khu rừng rậm rạp, gần mé sông hoặc bãi biển, đêm bò ra đi kiếm ăn. Đặc biệt là mùa mưa, vào những đêm tối trời, con ba khía sống bám vào dưới những gốc đước, gốc dừa nước nên người ta có thể tha hồ bắt về muối để ăn dần. Dân địa phương có kinh nghiệm cho rằng ba khía màu gạch son, thịt chắc là do ăn trái mắm đen, những con ăn trái mắm trắng sẽ có gạch màu tro không ngon bằng.
Bắt ba khía là một nghề vô cùng cực nhọc, không phải vì lội xa mà là vừa bắt ba khía, vừa phải đối phó với muỗi rừng và bù mắc. Trước đây, ba khía nhiều, vào mùa ba khía, “ba khía Hội” hay “Hội ba khía” gồm những người dân chuyên nghề “làm ba khía” tứ phương gói ghém gạo, muối, nước, nóp ngủ, khạp da bò, khạp ba vú… chất xuống xuồng, neo đậu ở bìa rừng đợi đêm xuống, khi nước lớn ba khía kéo hàng đàn ra. Họ cầm đuốc, bơi xuồng để đi “soi ba khía”. Chỉ cần ghé xuồng vào các gốc đước, gốc mắm sẽ thấy ba khía bám đầy (không) có chỗ trống và vuốt nhẹ những “anh - chị” ba khía còn đang say sưa tình tự, cho vào khạp hoặc cần xé đặt sẵn trên khoang. Trong một con nước, một người có kinh nghiệm và cần mẫn có thể bắt được một khạp đầy ba khía.
Ba khía có thể được bắt ban ngày hay đêm tối nhưng hầu hết những người có kinh nghiệm thường đi bắt vào ban đêm để có thể bắt được nhiều hơn. Hiện nay, ba khía không còn nhiều. Để bắt ba khía, khi đêm xuống thủy triều lên, với bao tay dày, đèn chiếu sáng trước trán, người ta đi dọc bãi bùn, tìm bắt nơi các gốc đước, khi chúng rời hang kiếm ăn hoặc thò tay vô hang bắt, thậm chí câu hoặc dùng bẫy bắt ba khía. Câu ba khía, người câu không dùng mồi, chỉ lấy tấm vải buộc vào dây câu rồi thả xuống nước, ngay hang chúng. Ba khía thấy tấm vải thì kẹp chặt, lì lợm không chịu nhả và bị lôi lên mặt nước. Hoặc dùng bẫy chuột để bắt ba khía, người ta lấy mồi ôi thúi bỏ vào bẫy chuột rồi đặt bẫy ngay chỗ nào đó trên đất cạn. Ba khía tham mồi bò vào ăn, dính bẫy.