Có thể nào áp dụng triết lý đạo Phật vào việc cải cách giáo dục Việt Nam? (P.1)
"Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống, giáo dục chính là cuộc sống."
_ John Dewey, tác giả cuốn "Dân chủ và Giáo dục".
Thực trạng của Giáo dục Việt Nam (GDVN)
Giáo dục, đặc biệt là GDVN, đã luôn là một trong những chủ đề được quan tâm và bàn luận nhiều nhất. Các tranh luận của cả người dân và những nhà cải cách giáo dục chủ yếu xoay quanh chuyện liệu GDVN có trang bị cho học sinh sinh viên (HSSV) đủ kỹ năng và kiến thức thực tiễn để áp dụng trong cuộc sống!?
Ở đất nước ta đã có biết bao nhiêu học giả và những nhà cải cách lên tiếng về vấn đề các em HSSV thực chất chẳng gặt hái được gì ngoài việc bị nhồi nhét vào đầu những kiến thức lý thuyết quá dàn trải (quá nhiều môn học) và thiếu tính ứng dụng.
Một trong những trí thức đã lên tiếng phê bình nền GDVN hiện tại và đề nghị cải cách là giáo sư Chu Hảo - Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công Nghệ, giám đốc của Nhà Xuất bản Tri Thức và quản lý của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Gần đây, ông đã tuyên bố sẽ tự rút khỏi Đảng, vì đường lối của Đảng không còn phù hợp với lý tưởng giáo dục của ông. Được biết, đề án cải cách giáo dục của ông cùng Nhà Xuất bản Tri Thức đã lấy cảm hứng rất lớn từ cuốn "Dân Chủ và Giáo Dục" của John Dewey, cùng tác phẩm của nhiều trí giả khác.
Giáo sư Chu Hảo cầm trên tay cuốn "Dân Chủ & Giáo Dục" của John Dewey. Nguồn: BBC.com
Bài viết này xin không bàn đến khía cạnh chính trị, mà chỉ tập trung phân tích liệu GDVN có thể được cải cách hoặc thay đổi như thế nào, để có thể tạo ra những thế hệ HSSV kế tiếp, được trang bị tốt hơn, toàn diện hơn về cả kiến thức lẫn kỹ năng thực tiễn.
Cụ thể hơn, bài viết sẽ phân tích việc áp dụng những triết lý đạo Phật, vốn đang ngày càng được công chúng toàn cầu hưởng ứng mạnh mẽ, vào việc cải cách và nâng cao tính hiệu quả của nền GDVN đương đại. Những triết lý của đạo Phật có thể mang lại những ảnh hưởng và thay đổi như thế nào cho GDVN, thân mời bạn đọc cùng tham khảo xuyên suốt bài viết.
Áp dụng triết lý đạo Phật vào Giáo dục Việt Nam (GDVN)
Để giúp những bạn đọc chưa quen thuộc với Phật Giáo, triết lý của hệ tư tưởng này (Phật Giáo là một hệ tư tưởng, không phải tôn giáo) chủ yếu xoay quanh việc rời bỏ những quy tắc và xiềng xích thế tục để đạt được trí huệ và sự khai sáng. Bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn về các giáo lý đạo Phật tại đây.
Một trong những giáo lý đạo Phật có khả năng gây ảnh hưởng cao đến nền GDVN có lẽ là tinh thần tôn trọng kiến thức, sự hiểu biết, và khả năng tự học, tự suy luận phê bình, mà Đức Phật từ xa xưa đã luôn khuyến khích ở các môn đệ của ngài.
Nền giáo dục hiện đại có thể học hỏi gì từ những hành giả thời xưa? Nguồn: YouTube
Chúng ta nên tiếp cận (approach) với kiến thức và giáo dục như thế nào?
Đức Phật, và rất nhiều những bậc giác giả khác, ví dụ như Đức Đạt Lai Lạt Ma, thiền sư Thích Nhất Hạnh...đã luôn giảng rằng con người chúng ta bình sinh có 2 nhu cầu sâu sắc, đó là nhu cầu được hiểu (tức được nghiên cứu, khám phá những kiến thức mới mẻ về cuộc sống, về thế giới, về sự sinh tồn...), và nhu cầu được thương (tức yêu thương người khác, chăm sóc người khác, phổ độ chúng sinh...). Chúng tuy không phải những nhu cầu khẩn cấp và mang tính bản năng, như nhu cầu ăn uống ngủ nghỉ, nhưng vô cùng thiết yếu và luôn tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta.
Sở dĩ nói "hiểu" và "thương" là 2 nhu cầu thiết yếu là vì chúng là 2 điều kiện quan trọng nhất để giúp đưa con người chúng ta tiến đến với chân lý, sự giác ngộ và hạnh phúc. Sự thiếu tri thức làm chúng ta dốt nát và hành động một cách vô tri, dẫn đến những sai lầm và cảm giác hối tiếc, ân hận; trong khi sự thiếu yêu thương khiến con người chúng ta trở nên khô cứng, và lâu dần trở thành bệnh tật. Tìm hiểu kỹ hơn về các triết lý của thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây.
"Bám víu vào các quan điểm một cách cứng nhắc không phải là hiểu biết. Hiểu biết là khi ta dám buông bỏ những lối tư duy cũ." _ Thích Nhất Hạnh. Nguồn: AZ Quotes
Như vậy, nhiệm vụ tiên quyết của một hệ thống giáo dục chính là giúp cho các HSSV hiểu được sự thật này, rằng con người cần có tri thức và lòng yêu thương. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, bởi phần đông người Việt Nam, đáng bàn nhất là giới trẻ, vẫn chưa thực sự quan tâm về vấn đề trau dồi kiến thức. Một đại bộ phận giới trẻ thà bỏ thời gian để lướt web, lướt Facebook, đọc báo lá cải, chơi game, chứ ít khi chịu khó đọc sách hoặc tham gia vào những cuộc đàm luận mang tính học thuật.
Yếu tố quan trọng tiếp theo chính là khả năng tự suy luận phê bình (critical thinking). Đức Phật đã từng nói:
"Đừng tin những lời ta nói một cách mù quáng. Đừng tin lời ta chỉ bởi vì người khác khuyên các vị như vậy. Đừng tin tất cả những điều các vị thấy, đọc, và nghe từ người khác, dù họ là những nhà cầm quyền, các bậc hành giả, hoặc các trí giả."
Nguồn: AZ Quotes
Câu nói trên của Đức Phật có ý khuyên nhủ chúng ta rằng phàm việc gì cũng nên chú trọng tự đào sâu nghiên cứu lấy. Chúng ta nên chịu khó vận dụng đầu óc và tư duy của chính mình, không nên lười suy nghĩ và lệ thuộc vào đường lối tư tưởng của người khác, bất luận họ là những ai.
Bản thân hệ thống giáo dục ở các nước phương Tây cũng rất chú trọng khuyến khích HSSV đất nước họ trau dồi khả năng tự suy luận, thường được gọi là tư duy phản biện (critical thinking). Và khi để ý quan sát và so sánh (đặc biệt là trong một lớp học có môi trường quốc tế), chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt: sinh viên các nước phương Tây thường năng động hơn trong việc phát biểu ý kiến và "thách thức" những kiến thức đến từ phía thầy cô, sinh viên châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng thường thụ động hơn hẳn. Đây thực sự là một điều đáng để chúng ta suy ngẫm.
Phong cách sống tối giản (Minimalism), có nên không?
Có lẽ, một trong những vấn đề chính xoay quanh nền GDVN mà đại đa số chúng ta có thể đồng tình là hệ thống chương trình học gồm quá nhiều bộ môn, cùng với lượng kiến thức quá dàn trải, và thiếu tính thực tiễn. Việc này khiến cho các em HSSV luôn cảm thấy bị quá tải và áp lực, sinh ra tâm lý chán nản và học đối phó.
Chính phủ các nước Bắc Âu (khu vực Scandinavy - bao gồm Phần Lan, Na-uy, Thụy Điển, Đan Mạch) đã sớm nhận ra được những bất cập đi đôi với việc dạy kiến thức một cách tràn lan và thiếu thực tiễn, nên đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách giáo dục. Giờ đây, học sinh trung học tại các nước Bắc Âu chỉ cần học 5-6 môn, với thời gian biểu rất dàn trải (nên các em không phải học quá nhiều môn trong 1 tuần). Ngoài ra, các em không bị giao bài tập về nhà, vì thầy cô muốn tạo điều kiện cho các em tham gia vào những hoạt động xã hội và vui chơi giải trí khác.
Các em học sinh tiểu học tại Thụy Điển được dạy bộ môn Pháp Luân Công (vốn bị cấm tại Trung Quốc, nhưng mang lại nhiều lợi ích cho người tập). Nguồn: fr.clearharmony.net
Ngoài khía cạnh giáo dục, chính quyền các quốc gia này đang tiến hành thử nghiệm việc thay đổi thời gian làm việc cho người đi làm từ 8-9 tiếng thành 6 tiếng/ngày. Việc thay đổi này nhìn chung tuy chưa đạt 100% hiệu quả tích cực, nhưng cũng gặt hái được một số thành công đáng kể, ví dụ như giúp tạo thêm công ăn việc làm cho các bác sỹ, y tá trong bệnh viện, và giúp họ có nhiều thời gian hơn để dành cho gia đình và việc vui chơi giải trí.
Những cải cách trên, cả trong khía cạnh giáo dục lẫn việc làm, đều bắt nguồn từ tư tưởng và lối sống mang đậm phong cách tối giản (minimalism - mời bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn tại đây) ở cả chính quyền và người dân các nước Bắc Âu. Phong cách sống tối giản cũng được đề cao bởi triết lý đạo Phật và các hệ tư tưởng cổ xưa khác (ví dụ: Đạo Giáo), nhằm giúp con người đạt được trạng thái an nhiên tự tại (peace of mind).
Ông Michael Moore - đạo diễn phim tài liệu, nhà hoạt động cánh tả và tiểu thuyết gia người Mỹ - trong series phim tài liệu về giáo dục của mình, "Where To Invade Next?" (phát sóng vào 2016), đã phỏng vấn những nhà giáo dục các nước Bắc Âu về phong cách dạy học khác biệt của họ, và rất mong muốn được du nhập phong cách giáo dục tối giản này về Mỹ.
Ông Michael Moore (đội mũ) gặp gỡ với một nhà giáo dục Bắc Âu, trong series phim "Where To Invade Next?". Nguồn: Trilbee Reviews
Thiết nghĩ, Việt Nam chúng ta, cùng những quốc gia còn đang trên đà phát triển và cải cách giáo dục, đều có thể nhìn vào mô hình giảng dạy của các nước Bắc Âu và học hỏi, tham khảo. Ít nhất là, các bậc phụ huynh cũng có thể tự áp dụng phong cách suy nghĩ tối giản này, và hạ thấp yêu cầu điểm số đối với con em mình. Một khi các em không phải chịu áp lực điểm số quá cao từ ba mẹ, các em cũng sẽ không cần phải đi học thêm quá nhiều.
Triết lý đạo Phật còn có thể được áp dụng theo cách nào khác vào việc cải cách GDVN? Thân mời bạn đọc tiếp tục theo dõi tại đây.
Nguồn:
triết lý đạo phật
,giáo dục việt nam
,cải cách giáo dục
,giáo sư chu hảo
,thiền định
,giáo dục
Hay nha . Mình thích nhất câu : Hiểu biết không phải là bám víu mà là buông bỏ lối tư duy cũ . 1 cách hiểu bubuông bỏ khác
happy and lucky
Hay nha . Mình thích nhất câu : Hiểu biết không phải là bám víu mà là buông bỏ lối tư duy cũ . 1 cách hiểu bubuông bỏ khác
Nguyenphuhoang Nam
Mình cũng nghĩ giáo dục của chúng ta đang khiến cho không ít bạn trẻ chán ghét giáo dục, mất dần ham thích tự giáo dục và chẳng thể hiểu được giá trị thực sự của giáo dục trong cuộc sống là gì :)