Có phải con người đã được "lập trình" để không bao giờ cảm thấy hạnh phúc?
Chúng ta ai cũng không ngừng theo đuổi và kiếm tìm hạnh phúc cho mình, nhưng thực sự thì đã có mấy ai thành công? Ngay cả những người mà chúng ta cho là hạnh phúc, bản thân họ cũng có những khoảnh khắc chán nản, buồn bã đó thôi. Vậy rốt cuộc đâu là lý do? Hạnh phúc liệu có thực sự tồn tại không?
Nguồn: Doctor Fresco
Chúng ta không bao giờ cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với bản thân
Bạn đã bao giờ để ý và nhận thấy rằng, cho dù bạn cố gắng hết mình để có được thứ mình muốn đến bao nhiêu đi chăng nữa, thì sau khi có được thứ đó rồi, bạn chợt nhận ra thành quả mới đạt được đó không còn tạo cho bạn cảm giác vui sướng và hài lòng như bạn đã từng mong đợi? Nếu câu trả lời của bạn là có, thì thực ra bạn đã thuộc về phần đông con người trên thế giới này.
Những thành quả mà chúng ta đạt được thông qua các nỗ lực khác nhau, ví dụ như một chiếc xe mới, một căn nhà mới, được thăng chức tăng lương...thường chỉ có thể đem lại cho chúng ta cảm giác hài lòng và phấn khởi trong một thời gian ngắn. Sau đó, chúng ta dần thích nghi với những thành quả mới này, và nhanh chóng rơi trở lại vào vòng xoáy không-hài-lòng-với-cuộc-sống-của-mình.
Nguồn: LoveLearnings.com
Tương tự, nếu bạn cố gắng kiếm tìm "hạnh phúc" thông qua những thú vui khoái lạc, ví dụ như những món ăn ngon, shopping vô độ, cờ bạc rượu chè, tình dục, chất kích thích...bạn cũng sẽ sớm nhận ra rằng những cảm giác khoái lạc đó chỉ có bản chất nhất thời. Sau khi hưởng lạc, bạn trở lại thành một con người buồn bã, đáng thương hại.
Vậy rốt cuộc thì nguyên nhân là do đâu?
Cảm thấy hạnh phúc không phải là cách chúng ta được "lập trình"
Bằng cách không bao giờ cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, con người chúng ta buộc phải luôn luôn cố gắng để đạt được những thành quả mới, những khoái lạc mới. Đó cũng là lý do tại sao có rất nhiều người bị mắc các chứng nghiện ngập, bởi vì cảm giác khoái lạc ở họ trở nên chai lì dần sau mỗi cuộc "hưởng lạc", khiến cho họ cảm thấy không thỏa mãn và tiếp tục tìm kiếm những hưởng lạc có khả năng kích thích mạnh hơn.
Xét theo khía cạnh sinh học, con người khi sinh sống trong thế giới nguyên thủy từ xa xưa đã luôn phải đối diện với những nguy hiểm đến từ thiên tai và thú dữ. Sống trong một môi trường khắc nghiệt và biến đổi liên tục như vậy khiến chúng ta quen dần với việc không bao giờ cảm thấy an toàn và tự tại (contented). Vào thời đại đó, những người tiền sử nào cảm thấy quá dễ hài lòng và tự tại với thế giới xung quanh thường sẽ sớm thiệt mạng và bị thiên nhiên đào thải. Và trải qua hàng triệu năm tiến hóa, trong thời buổi hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn chưa từ bỏ được thói quen đó của mình.
Nguồn: hipsterpig.com
Hạnh phúc có phải là câu trả lời không?
Vậy thì, việc kiếm tìm hạnh phúc rốt cuộc có ý nghĩa gì, khi mà nó đơn giản chỉ là một số những cảm xúc tích cực và hưng phấn nhất thời, đến rồi đi?
Có lẽ, việc đạt được hạnh phúc - những cảm xúc tích cực và hưng phấn đó - đã chưa bao giờ là mục đích tồn tại của chúng ta, ít nhất là vào thời điểm cách đây hàng triệu năm. Cuộc sống của chúng ta chỉ là một chuỗi những cố gắng giải quyết các vấn đề khác nhau một cách không ngừng nghỉ, và thường thì, sau khi một vấn đề được giải quyết, một vấn đề khác lại lập tức xuất hiện. Cảm giác hài lòng và không hài lòng của chúng ta, vì thế, cũng thay đổi và dao động liên tục. Việc này đôi khi khiến chúng ta rơi vào trạng thái lo lắng, bồn chồn, vì chúng ta cảm nhận được rằng sau mỗi một trải nghiệm vui vẻ, tích cực sẽ là một trải nghiệm không mấy vui vẻ và tiêu cực.
Nguồn: IN-LIGHT-MENT
Giải pháp có lẽ nằm ở chỗ chúng ta nên hạn chế việc kiếm tìm hạnh phúc từ thế giới bên ngoài, ví dụ như từ những tài sản vật chất, những lạc thú về mặt cơ thể, thậm chí cả những niềm vui đến từ các mối quan hệ xung quanh ta...vì bản chất của tất cả những thứ này là không vĩnh cửu, chúng chỉ tồn tại một cách tạm thời và thay đổi liên tục.
Thay vào đó, chúng ta có thể tập trung vào việc làm giàu đời sống tinh thần của chính mình, thông qua việc "phản bổn quy chân" - buông bỏ những tham sân si không cần thiết, như lời dạy của Đức Phật, để đạt đến trạng thái cân bằng hơn, hoặc rèn luyện cho mình một thái độ sống "vô vi" - tập trung vào việc cho đi thay vì nhận lại, như Lão Tử đã nói. Thiền định và tu tâm dưỡng tính cũng là những phương pháp rất tốt để giúp chúng ta đạt đến cảnh giới không còn bị tác động bởi sự lên xuống liên tục của cảm xúc.
Còn bạn đọc thì sao? Bạn có nghĩ rằng hạnh phúc là một thứ khó nắm bắt? Hãy cùng nhau chia sẻ trong phần bình luận của bài viết nhé!
Nguồn:
Fishbein, M. (2016) The Happiness Trap: Why You're Never Satistifed and How to Break The Cycle. Link:
Khoddam, R. (2014) Why You May Never Be Truly Satisfied, and Why That's Okay. Link:
McAndrew, F. (2016) Don't try to be happy. We're programmed to be dissatisfied. Link: