Có nhàn mới đọc được sách?
Trong cuốn sách U Mộng Ảnh - tập sách gồm 220 câu cách ngôn nói về nghệ thuật thưởng thức đời sống của Trương Triều (có nơi viết Trương Trào), một nhà thơ, nhà văn, nổi tiếng người tỉnh An Huy, Trung Quốc có viết:
Nhân mạc lạc ư nhàn, phi vô sở sự sự chi vị dã. Nhàn tắc năng độc thư, nhàn tắc năng du danh thắng, nhàn tắc năng giao ích hữu, nhàn tắc năng ẩm tửu, nhàn tắc năng trước thư. Thiên hạ chi lạc, thục đại ư thị?
Dịch bởi Huỳnh Ngọc Chiến ra nghĩa như sau:
Con người không gì vui cho bằng nhàn. Nhàn đâu phải là không có gì để làm. Có nhàn mới đọc được sách, có nhàn mới du ngoạn được danh lam thắng cảnh, có nhàn mới giao kết được với những bạn có ích, có nhàn mới uống được rượu, có nhàn mới viết được sách. Niềm vui trong thiên hạ, còn có gì lớn hơn nó nữa?
Có thật là có nhàn mới đọc được sách? Nói nôm na cho dễ hiểu, có thật là phải rảnh mới đọc được sách? Nói như thế, những người bận rộn sẽ không đọc được sách? Những người không rảnh sẽ không thể nào đọc được sách? Hoặc chí ít, những người có thời gian nhưng vẫn không cho là mình rảnh, thì không thể nào đọc được sách?
Ảnh minh họa: Internet
Lúc trước, cũng lâu rồi mình có đọc một bài viết trên trang Blog KOMO
Chỉ cần cái túi đó đựng vừa một cuốn sách!
Nói như vậy, là ai cũng có thể đọc được sách. Chỉ cần trang bị cho mình 1 cái "túi" có chứa ít nhất 1 cuốn sách trong đó và mang theo mình bất cứ nơi đâu. Có thật là dễ dàng đến như vậy không?
Đã từ rất lâu rồi, mình không đọc được trọn vẹn một cuốn sách nào. Nói là không có thời gian thì không đúng, vì mình có rất nhiều thời gian. Mình ở nhà toàn thời gian. Tuy rằng có đến 2 cái "remote" (tức 2 thằng con trai chưa đầy 2 tuổi của mình) suốt ngày lẽo đẽo đi theo phá đám mình, mỗi phút mỗi giây, nhưng để mà dành ra một khoảng thời gian cụ thể trong ngày để đọc 1 cuốn sách với mình thật không phải không có. Ấy vậy nhưng, mình vẫn không thấy mình thật sự "nhàn" để mà dành trọn vẹn thời gian cho sách. Mình thậm chí đã trang bị bao nhiêu chiếc "túi" đựng bao nhiêu là sách, nhưng rồi mình đã không lấy sách từ túi ra để mà đọc, hay nói cách khác, mình đã lấy ra nhưng mình lại nhét ngay sách lại vào túi, cất kỹ.
Thời gian đâu mà đọc sách?
Ảnh minh họa: Internet
Thực ra, mình có rất nhiều giải pháp. Và quả thật, mình đã đọc được rất nhiều sách trong khoảng thời gian này. Tuy rằng mình chưa thể đọc được hết trọn vẹn bất cứ 1 cuốn sách nào, nhưng mình có thể đọc cùng 1 lúc rất nhiều cuốn sách khác nhau. Có những khoảng thời gian, mình không thể nào tập trung toàn lực cho 1 cuốn sách nào đó bất kỳ, mà chỉ có thể rải đều tâm trí cho rất nhiều cuốn. Có vẻ hơi bắt cá nhiều tay, nhưng đó lại là một giải pháp không tồi. Nhất là trong lúc mình đang có rất nhiều thời gian rảnh, mà lại cũng không phải thực sự rảnh, như bây giờ.
Chỉ cần yêu thích việc đọc sách
Hoàn toàn không thể bắt bất cứ một ai đọc sách, nếu như người đó không thích đọc. Thời gian rảnh hay không rảnh không quan trọng với một người không muốn đọc sách. Có vẻ hơi lý thuyết, và hơi sáo rỗng, nhưng phải thực sự có niềm yêu thích, thì mới có thể dành thời gian cho việc đọc sách. Lúc đó, mình mới có thời gian, và nếu mình có sở hữu "túi", thì chiếc túi đó mới có chứa sách để tiện thể lấy ra lúc nào cũng được.
Tất nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ, trường hợp bắt buộc (theo kiểu bị ép buộc phải thế). Rằng thì mà là không đọc không được. Không đọc thì không còn biết làm gì.
Còn nhớ, có ai đó đã từng nói rằng có những bộ sách mà chỉ có thể đọc khi ở trong... tù, chẳng hạn như bộ sách Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust. Nói như thế không có nghĩa, ở trong tù chúng ta mới có thời gian để mà đọc. Dù thực tế... đúng là như thế thật. Nhưng khi ở trong tù, hoặc nơi nào đó tương tự, chúng ta mới có khả năng dành toàn tâm toàn ý để đọc một cuốn sách mà không bị chịu sự chi phối hay ảnh hưởng của bất cứ hoàn cảnh nào. Những lúc như thế, ta biết làm gì đời ta ngoài việc đọc? Ấy là rất may mắn vì lúc đó ta còn có sách để mà đọc đấy nhé!
Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được việc đọc hay không đọc của bản thân mình, mà không hề bị ảnh hưởng bởi một chữ "nhàn" nào. Vì nhàn thật sự cũng là do chính mình tự tạo ra, hay làm cho mất đi.
"Có công phu đọc sách, đó là phúc"!
Đó chính là lý do mình tạo ra cái Profile Về Nhà Đọc Sách này, một nơi chốn chỉ dành cho Sách của riêng mình, ngoài cái Profile Nguyễn Ánh Nguyệt.
Thay cho lời mở đầu, một căn nhà mới, một nơi chốn mới. :)
12h45 - 20.10.2019
Kinh sách nên đọc vào mùa đông, vì tinh thần được chuyên nhất; sử nên đọc vào mùa hè, vì ngày dài; chư tử nên đọc vào mùa thu, vì nhiều ý lạ; sách các nhà khác nên đọc vào mùa xuân, vì khí trời thoải mái.
Kinh truyện nên đọc một mình, mà sử giám nên đọc cùng bạn.
Thiếu niên đọc sách như nhòm trăng qua khe hở, trung niên đọc sách như đứng giữa sân ngắm trăng, lão niên đọc sách như lên đài cao thưởng trăng, đều do kinh nghiệm lịch duyệt nông sâu khác nhau mà sở đắc cũng nông sâu khác nhau.
Đọc sách mà sướng nhất ắt đọc sách sử, vì vui ít mà giận nhiều. Ngẫm cho cùng thì chỗ giận cũng chính là chỗ vui vậy.
Kẻ khéo đọc sách thì chẳng có gì không là sách: sơn thủy cũng là sách, hoa nguyệt cũng là sách. Kẻ khéo du ngoạn sơn thủy thì chẳng có gì không là sơn thủy: sử sách cũng là sơn thủy, thơ rượu cũng là sơn thủy, hoa nguyệt cũng là sơn thủy.
(Trích U Mộng Ảnh)