Có nên mạo hiểm bỏ học để khởi nghiệp?

  1. Hướng nghiệp

Thắng lớn tại cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2019, nhưng ít ai biết Trần Nguyễn Duy Tuấn (TP.HCM) lại bỏ ngang việc học đại học sau một tháng nhập học để theo đuổi đam mê của mình. (Trích báo thanhnien.vn)

Có lẽ đây là khát khao của rất nhiều bạn trẻ hiện nay, bỏ học để startup, tự gây dựng con đường riêng thuộc về mình. Bạn có ý chí, bạn được truyền cảm hứng từ những người nổi tiếng như Bill Gates, Mark Zuckerberg hay những tấm gương trẻ như Duy Tuấn, bạn mong muốn được làm chủ, được thực thi những kế hoạch của bản thân. Từ đó bạn nảy ra ý tưởng khởi nghiệp dù mới là một sinh viên vẫn đang bận rộn với giảng đường. Tuy nhiên phân vân có nên bỏ học để toàn tâm theo đuổi mục tiêu đó hay không vẫn luôn là nút thắt bạn chưa thể giải quyết. Tôi viết bài viết này để chia sẻ quan điểm cá nhân hy vọng có thể giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn.

Startup đang là xu hướng hiện nay

Thời đại 4.0 công nghệ phát triển mạnh mẽ, đồng nghĩa với đó kinh doanh, dịch vụ dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều. Nắm bắt cơ hội này, nhiều bạn trẻ bắt tay vào khởi nghiệp và đã đạt được những thành công nhất định. Có người khởi nghiệp dựa trên các sàn thương mại, mua sắm điện tử phát triển, có người bắt tay vào việc tạo nên những nền tảng mạng xã hội mới hay đơn giản kinh doanh đồ ăn nhưng với nhiều phương thức thú vị, tiện dụng,...Cùng với đó, những chương trình như Shark Tank xuất hiện, trở thành nguồn động lực rất lớn cho những người có ý tưởng về khởi nghiệp, kinh doanh. Tất cả điều đó đã phần nào giải thích được vì sao khởi nghiệp ở thời điểm này đang là xu thế.

Sự khác biệt giữa học và làm, làm thuê và làm chủ

“100 người khởi nghiệp, chỉ vài ba người thành công còn lại sẽ bỏ dở hoặc chuyển công việc khác. Vì vậy không nên bỏ học để khởi nghiệp mà phải học để tích lũy kiến thức”, đó là chia sẻ của các diễn giả với sinh viên (SV) tại Ngày hội việc làm năm 2018 do Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Cùng một môi trường học tập nhưng học cấp ba đã có sự khác biệt với học đại học. Vì thế trường học và trường đời tất nhiên sẽ có rất nhiều khoảng cách, yếu tố khác xa nhau. Nếu bạn mới chỉ là sinh viên một cách thuần túy chưa từng trải nghiệm việc đi làm mà muốn startup thì có vẻ đây là quyết định quá mạo hiểm. Vì sao? Có học phải có hành, chưa hành chưa thể trở thành chủ. Bạn có kiến thức và ý tưởng nhưng chưa có va chạm thực tế về mô hình kinh doanh, chưa thâm nhập vào môi trường làm việc chuyên nghiệp thì khởi nghiệp khó thành.

Nếu bạn từng có kinh nghiệm thực tập, làm việc cho một số công ty, tập đoàn thì nên xem xét những gì mình học được. Làm chủ một doanh nghiệp khác rất nhiều với việc một nhân viên làm việc 8 tiếng một ngày. Áp lực nhân viên là 10 thì người chủ có thể gấp 100 lần như thế. Bạn đã chuẩn bị tinh thần thép để đối diện?

Ý tưởng, kế hoạch có thực sự mới lạ và khả thi?

Ý tưởng cũ thì đừng mạo hiểm bỏ học khởi nghiệp, ý tưởng mới mà kế hoạch đưa ra hão huyền không sát thực tế cũng không thể thành công. Xác định, nghiên cứu thị trường, tâm lý con người, tìm kiếm những người giàu kinh nghiệm để lắng nghe ý kiến của họ về dự định, ý tưởng của bạn. Đừng để ý chí chủ quan ngôi, bởi đó có thể là con dao hai lưỡi sẽ “đâm” bạn bất cứ lúc nào.

Tài chính có cho phép bạn hiện thực ý tưởng

Kinh doanh cần vốn đó là điều chắc chắn. Nếu bạn mới là sinh viên thì bạn có đủ tài chính từ quỹ tiết kiệm để khởi nghiệp hay bạn có dám mạo hiểu vay vốn để hiện thực hóa ý tưởng của mình? Trong trường hợp đủ số vốn, sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh, thêm nữa là các khoản lương cho nhân viên, pr, quảng bá sản phẩm,...Gánh nặng này nếu khiến bạn lung lay thì nên tiếp tục trở về với con đường học tập.

Sự chuẩn bị và hậu thuẫn về tinh thần

Như đã đề cập ở trên thì việc trở thành ông, bà chủ chắc chắn sẽ kéo theo rất nhiều rắc rối và nếu bạn chưa có kinh nghiệm trên thương trường nhất định sẽ có tâm lý hoang mang, bất lực. Đó có thể là chuỗi cảm xúc đi từ lo lắng, sợ hãi, đến bức xúc, bất lực, mệt mỏi… và cuối cùng là vui vẻ, hạnh phúc, tự hào. Để bước đến phần cuối của chuỗi cảm xúc trên bạn sẽ đối mặt với rất nhiều tiêu cực và không hẳn khi đạt đến vui vẻ hạnh phúc thì chuỗi cảm xúc sẽ ngừng lại mà rất có thể là những vòng lặp liên hồi. Áp lực điểm số đã khiến bạn mệt mỏi thì áp lực của người khởi nghiệp sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều.

Cuối cùng, trên con đường gian truân ấy, bạn có nhận được sự đồng hành của gia đình, bạn bè không? Điều này thực sự rất quan trọng, bởi đó không chỉ là nguồn động lực về tài chính, mà còn cả tinh thần. Nếu bạn bỏ học và khởi nghiệp trong thầm lặng và mang về thành công thì đó là niềm tự hào, nhưng đổi lại nếu thất bại thì sẽ là nỗi thất vọng của người thân.

Có rất nhiều yếu tố liên quan đến startup thành công mà bạn nên xem xét cách cẩn trọng. Nếu chưa chắn thì hãy tiếp tục chinh phục con đường học vấn và tích lũy kinh nghiệm, còn nếu cảm thấy đã sẵn sàng hãy hết mình, nỗ lực và cố gắng.

Từ khóa: 

hướng nghiệp

Cũng muốn start up nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ học :))

Trả lời

Cũng muốn start up nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ học :))