Cô đơn có phải là một căn bệnh mới?

  1. Phong cách sống

Hôm nay, nhà đài đưa tin: ở nước Anh đang có một căn bệnh nguy hiểm hơn bệnh béo phì, đó là bệnh cô đơn. Bệnh này phổ biến đến nỗi người ta phải cử ra hẳn một ông bộ trưởng để chuyên lo về vấn đề cô đơn của toàn dân.

Có người nói cô đơn là khi mình chỉ biết nghĩ cho bản thân, chỉ mong muốn sự quan tâm của người khác. Nếu mình làm ngược lại, là cho đi sự quan tâm đến những người mình quan tâm, thì cô đơn cũng không còn.

Mình cũng vài lần nói rằng người ta không thể cô đơn khi chỉ có một mình, mà cô đơn khi cần một ai đó quan tâm mà không có.

Dù thế nào đi nữa, thì cô đơn cũng là sự đứt gãy mối liên kết giữa những người muốn được quan tâm và đối tượng họ cần.

Ngày nay, người ta có quá nhiều giá trị để theo đuổi, công việc và các hoạt động, thiết bị điện tử, phương tiện giải trí chiếm hết thời gian và tâm trí họ, đến nỗi việc liên kết giữa người này và người khác trở nên dần xa lạ, yếu ớt, và kém quan trọng. Người ta nghĩ rằng những thứ mà họ đang theo đuổi: tiền bạc, danh tiếng, các món đồ xa xỉ, những dịch vụ tốt nhất mà xã hội có thể cung cấp... chính là mục tiêu cao nhất của đời mình. Họ cho rằng khi đạt được các mục tiêu cao xa đó thì lo gì mà không có bạn, và không có thật thì cũng chẳng sao?!

Thế rồi đến khi về già, danh lợi đều thu, mọi thú chơi đều đã qua, mọi của ngon vật lạ đều đã thử... người ta mới phải đối mặt với sự thiếu vắng mà họ vẫn đau đáu mang theo trong cả quãng đời tuổi trẻ của mình. Người ta nhận ra mình không thể kết nối với ai khác một cách thật lòng và thoải mái. Những người có vợ, chồng và con cái thì đỡ hơn một chút, nhưng rất nhiều khi người ta cũng cô đơn trong chính gia đình mình.

Mối quan hệ giữa người với người không chỉ đơn thuần là khoảng cách mà là sự kết nối giữa hai tâm hồn. Ta có chịu mở lòng ra với ai đó và họ cũng đồng ý làm điều đó với ta không? Sự liên kết đó là một điều mọi người đều mong đợi, nhưng một khi liên kết xảy ra, khi ta mở lòng với ai đó, thì khả năng chịu tổn thương cũng rất cao, đến nỗi không ai sẵn lòng đó nhận nguy hiểm nữa... người ta thà cô đơn.

Với tuổi trẻ, người ta điền vào chỗ trống bằng công việc, bằng khát vọng, bằng các mục tiêu, người ta nhận stress và xả stress, kiếm tiền là hết thời gian. Đến khi về già hoặc quá chán ngán với những thứ kia, họ quá mệt mỏi và sợ hãi, không biết làm thế nào để có một liên kết mới với một người mới, hoặc cũ. Thế là họ cô đơn.

Cô đơn thì không chết, nguy hại của nó là chỗ đó. Cô đơn không giết ai cả, nó chỉ khiến cho họ rơi vào một trạng thái không biết mình sống để làm gì.

Khi người ta đi qua một đoạn đường đời, dù dài hay ngắn, theo sự sắp xếp, leo lên các nấc thang có sẵn trong xã hội, đi theo lộ trình vinh quang nào đó một cách bị động, thì một khi dừng lại hoặc dứt ra, họ sẽ lạc lõng và thấy đời sống chẳng có gì để thiết tha, vì họ đã sống bao nhiêu tháng năm không phải là chính họ.

Đi theo các tiêu chuẩn của xã hội để được công nhận, để thu danh lợi và quyền uy, điều đó cũng tốt, nhưng nếu vì vậy mà bỏ đi sức khỏe, bỏ đi những tình cảm xung quanh và những mối liên kết thật lòng. Đến một lúc nào đó chẳng còn ai để có thể nói được một câu thật lòng, để thả lỏng người ra và thở một hơi mệt nhọc.. thì sống có đáng không?

Cô đơn liệu có phải là một căn bệnh mới của xã hội lúc về già, hay là của mọi lứa tuổi, khi người ta chỉ có thể tin vào chính mình, mà lại không biết chính mình là ai?

Bạn à, hãy nhìn quanh xem, có ai đang quan tâm bạn, và bạn có quan tâm đến ai không? Bạn có thể chia sẻ nỗi lòng với ai mà không phải thảo mai hay giả tạo? Hãy cho và nhận, trước khi quá muộn, trước khi mọi thứ chẳng còn ý nghĩa gì.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo


Từ khóa: 

phong cách sống

Nếu nói về bệnh cô đơn thì mình nghĩ có lẽ người Nhật Bản là cô đơn truyền kiếp. Với họ, cô đơn không còn là cảm giác mà trở thành gánh nặng luôn rồi. Một thế hệ cô đơn, đến nỗi người già sống cô đơn đến chết vẫn cô đơn. Thậm chí còn có cả những xác chết cô đơn. 
Trả lời
Nếu nói về bệnh cô đơn thì mình nghĩ có lẽ người Nhật Bản là cô đơn truyền kiếp. Với họ, cô đơn không còn là cảm giác mà trở thành gánh nặng luôn rồi. Một thế hệ cô đơn, đến nỗi người già sống cô đơn đến chết vẫn cô đơn. Thậm chí còn có cả những xác chết cô đơn. 

Mình là người sống nội tâm, nhát. Mình thích sự cô đơn.