Chuyện về Trạng nguyên trẻ tuổi nhất lịch sử khoa bảng Việt Nam: Tự học thành tài

  1. Lịch sử

Được ghi nhận là Trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến, Nguyễn Hiền nổi tiếng không chỉ bởi học vấn uyên thâm mà còn bởi thái độ sống dứt khoát, nhiệt thành. Chuyện kể về Trạng nguyên Nguyễn Hiền cũng đã nhiều, nhưng ở quê nhà của ông, những câu chuyện truyền miệng mới thật sự thú vị.

Nguyễn Hiền, người làng Dương Miện, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường; nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đền thờ ông tại đây chính là 3 gian nhà tranh khi xưa ông ở cùng với người mẹ hiền của mình.

ảnh 1

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền tại thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định

“Sức sống” bền bỉ của hiền nhân

Từ Quốc lộ 21A rẽ tay trái chưa đầy 3km là đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Không khí yên ả, trầm buồn nơi thôn dã vùng chiêm trũng nghèo khó dễ khiến người ta xao động lắm! Quy luật tâm lý càng làm cho cái tính tò mò phải tìm được lời giải tỏ tường xem vì sao giữa miền quê nghèo lại sản sinh được nhân tài? Và bao nhiêu sự kiện có thực, về một con người có thực mới dần vỡ vạc ra qua câu chuyện của chính những người dân thôn quê.

Giữa không gian tĩnh mịch chốn thờ tự Trạng nguyên, ông Phạm Xuân Hinh, giữ chức Phó trưởng Ban thường trực Ban quản lý di tích văn hóa lịch sử Nguyễn Hiền kể những câu chuyện “người làng mình” cứ lưu loát như thể tự bản thân chứng kiến vậy. Mà không phải riêng ông Phạm Xuân Hinh mới có cái tự hào “người làng mình”, ngay cả những đứa trẻ chăn trâu ở thôn Dương A cũng tự hào lắm. Lúc này, ông “Trạng non” Nguyễn Hiền kia không chỉ là “người làng mình”, mà còn như người cùng thời, cùng lứa vậy. Thế mới biết, “sức sống” của hiền nhân bền bỉ trường tồn cùng năm tháng là vậy. 

So với nhiều đền thờ danh nhân, nơi thờ tự Trạng nguyên Nguyễn Hiền khá khiêm tốn cả về quy mô lẫn kiến trúc. Đặc biệt, theo lời ông Phạm Xuân Hinh và các cụ già cả trong làng, đền thờ được xây dựng trên chính căn nhà 3 gian lợp tranh mà ngày xưa, Nguyễn Hiền và mẹ đã sinh sống. Đất đền thờ, theo gia phả và lịch sử chính là đất mà Nguyễn Hiền thừa tự. Cho nên, khi khách lạ đến đây như được ở chính ngôi nhà mà người xưa đã sống; ngồi lên chiếc ghế mà cảm giác như tiền nhân đã từng ngồi. 


ảnh 2

Rất nhiều tư liệu còn lưu giữ lại đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền

Tiên báo Trạng nguyên

Sử sách có ghi Nguyễn Hiền mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đã cho ông theo học sư cụ chùa Hà Dương ở làng Dương A. Tương truyền, lúc đầu vào học sư mới viết được 10 trang giấy, Hiền liền đọc ngay được như người đã từng đi học rồi, sư cụ lấy làm lạ. Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hinh thì chi tiết đó không chính xác và thiếu thông tin. “Nguyễn Hiền có cha tên là Nguyễn Bá Luân, mẹ là Nguyễn Nhụ Nhân. Ông bà có 2 người con, 1 người mất sớm. Khi cha của Nguyễn Hiền qua đời, ông ở với mẹ và thực chất là không học thầy nào. Vì nhà ở gần chùa nên thi thoảng, Nguyễn Hiền ra chùa chơi. Khi ấy, sư thầy chùa Cảnh Tiên (cách nhà mẹ con Nguyễn Hiền khoảng 500m) mở lớp dạy học cho con nhà quyền quý trong vùng. Nguyễn Hiền học lỏm, viết chữ ra lá chuối, tự học mà thành tài”, ông Phạm Xuân Hinh cho biết. 

Khoa thi năm 1247 thời Vua Trần Thái Tông, Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên ở tuổi 13; Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn ở tuổi 17; Đặng Ma La đỗ Thám hoa ở tuổi 14. Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử đặt danh vị Tam khôi, cho nên Nguyễn Hiền được coi là Trạng nguyên khai hoa.

Còn một chi tiết khá thú vị như một điềm báo tiên tri về Trạng nguyên - đó là một đêm, sư cụ nằm mộng thấy Phật quở rằng: “Trạng nguyên mỗi lần vào chùa thường nghịch ngợm, sao nhà ngươi không răn đe, ngăn chặn?”. Sư tỉnh dậy, đốt đuốc khắp chùa thấy sau lưng các pho tượng đều có khắc chữ “phạt 30 roi”, riêng hai pho hộ pháp ghi “phạt 60 roi”, sư nhận ra chữ của Hiền. Biết đây là nhân tài “nhà giời” nên sư thầy chăm lo bồi đắp kiến thức cho Hiền. Chi tiết này, theo các nhà sử học cũng chỉ là một giai thoại giải thích cho sự thông minh thiên bẩm của Nguyễn Hiền.

Và có một sự thật rằng, năm 11 tuổi, Hiền đã nổi tiếng và được mệnh danh là thần đồng. Nhiều người hay chữ lúc bấy giờ tìm đến Hiền để ra đề chứng thực. Trong đó có người họ Đặng nổi tiếng thông kim bác cổ, đã đọc qua cả bồ sách thiên hạ nghe tiếng Hiền mới tìm đến thử tài, ra đầu đề bài phú: “Phượng hoàng sào a/Kỳ lân du úc”. Người này ra hạn cho Hiền số câu, mỗi câu phải có tiếng chỉ một loài cầm thú. Hiền liền ứng khẩu: “Phi long kiên chiếu/ Mã bất xuất hà/ Ý bi Hữu Hùng chi thế/ Ấp vu Trác Lộc chi a”. Nghĩa là: “Rồng không bay lên nơi ao, hồ/ Ngựa không từ sông phi ra/ Đẹp thay đời có họ Hữu Hùng/ Làm nhà ở nơi Trác Lộc”.

“Tư liệu chữ Hán còn lại là những dòng văn khắc trên các hoành phi, câu đối, biển gỗ, bia đá, những chữ chép tay trên giấy cùng một số sắc phong của mấy triều đại đã tạo nên mảng tư liệu không nhỏ về Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Đầu tiên phải kể đến bài phú thi Đình “Áp tử từ kê mẫu du hồ” được chép lại và treo ngay trong ngôi đền. Bài phú này được chi phái của dòng họ quan trạng sao chép lưu giữ và truyền tụng trong dòng họ”.

 

Tam khoa đầu bảng

Người họ Đặng hết sức thán phục Hiền và tấm tắc khen là thiên tài. Nguyễn Hiền sau đó tham dự các khoa thi Hương, thi Hội đều đứng đầu bảng. Đến khoa thi tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 Đinh Mùi (1247) đi thi Đình, Nguyễn Hiền dự thi với bài phú “Áp tử từ kê mẫu du hồ phú” (bài phú “Vịt con từ giã mẹ gà đi chơi hồ nước”). Với bài phú này, Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên ở tuổi 13 và cũng là vị Trạng nguyên đầu tiên của nước ta.

Đến ngày vào cung bệ kiến để nhận mũ áo bằng sắc, Vua hỏi đến đâu, Nguyễn Hiền trả lời trôi chảy cả văn lẫn ý, Vua khen ngợi và hỏi: “Trạng học hà sư?” (Trạng học ai?). Nguyễn Hiền trả lời: “Thần sinh nhi tri hữu nghi tắc vấn tăng nhất nhị tự” (Hạ thần tự học là chính, đôi chữ có hỏi nhà chùa). Nhà Vua trách rằng: “Trạng nguyên còn trẻ chưa biết lễ, tạm về nhà học lễ vài năm sau sẽ bổ dụng”. Trạng Hiền buồn bã vì chưa được ban áo mũ. Sau này, các nhà sử học đánh giá Nguyễn Hiền là Trạng nguyên duy nhất không được xênh xang áo gấm vinh quy bái tổ. Ông lại trở về làng Dương Miện, đi chăn trâu cắt cỏ, chơi đánh cỏ gà với những bạn cùng lứa.

“Nguyễn Hiền có cha tên là Nguyễn Bá Luân, mẹ là Nguyễn Nhụ Nhân. Ông bà có 2 người con, 1 người mất sớm. Khi cha của Nguyễn Hiền qua đời, ông ở với mẹ và thực chất là không học thầy nào. Vì nhà ở gần chùa nên thi thoảng, Nguyễn Hiền ra chùa chơi. Khi ấy, sư thầy chùa Cảnh Tiên (cách nhà mẹ con Nguyễn Hiền khoảng 500m) mở lớp dạy học cho con nhà quyền quý trong vùng. Nguyễn Hiền học lỏm, viết chữ ra lá chuối, tự học mà thành tài”

Từ khóa: 

lịch sử