Chuyện về ông chủ nhà sách Khai Trí ...

  1. Lịch sử

Nếu tôi nhớ không lầm, đó là vào khoảng giữa năm 1959 hay 1960, báo chí đăng tin có một cậu học sinh khoảng chừng 14 -15 tuổi, gương mặt thông minh đĩnh ngộ (báo chí giấu tên và cũng không cho biết trường cậu bé học, thật ra cậu là học sinh trường Pétrus Ký). Cậu cứ lang thang mở coi hết cuốn này đến cuốn khác ở chỗ các giá sách tiếng Pháp. Thời chúng tôi còn học trung học, tức dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, sách tiếng Việt ít nên muốn thi đậu bắt buộc phải dùng sách tiếng Pháp, như Toán hình học, Toán đại số, Toán vật lý… Học lớp Đệ tứ (lớp 9 bây giờ) mà làm hết cuốn Toán Hình học và Đại số của Réunion de Professeurs gồm 1.144 bài thì nhất, đi thi trung học chắc ăn như bắp.


Thời ấy các tiệm sách lớn như Khai Trí chẳng hạn không có nhân viên bảo vệ mặc đồng phục ngồi gác ở cửa như bây giờ, mà có các nhân viên giả làm khách hàng, trông nom, ngăn chặn những người muốn ăn cắp sách.


Buổi sáng hôm ấy, việc lấm lét nhìn tới nhìn lui của cậu bé khiến nhân viên trông coi khu sách tiếng Pháp nghi ngờ. Lúc cậu đi ra, họ giữ lại, sờ ngực áo cậu và lôi ra một cuốn Toán Hình học và Đại số của Réunion de Professeurs quý giá đã nói ở trên.


“Tại sao cậu ăn cắp sách?”. Cậu bé tái mặt không nói nên lời. Chiếc phù hiệu trên ngực áo cậu cho biết cậu học trường Pétrus Ký, một trong bốn trường trung học công lập lớn nhất rất nổi tiếng tại Sài Gòn lúc bấy giờ: Gia Long, Trưng Vương, Pétrus Ký, Chu Văn An. “Hừ, học sinh trường Pétrus Ký mà ăn cắp sách! Tôi gọi cảnh sát đến bắt để cậu chừa cái thói đó đi!”. Họ lôi cậu bé tới chỗ quầy thâu tiền của cô thâu ngân viên, nhờ cô giữ cậu giùm rồi đi gọi cảnh sát. Cậu bé sợ hãi khóc như mưa như gió: “Lạy chị, nhà em nghèo không có tiền mua sách, chị nói với chú ấy tha cho em đừng gọi cảnh sát…”. Cậu bé khóc quá khiến cô thâu ngân viên cũng thấy mủi lòng: “Ba má em làm gì mà nghèo?”. “Ba em chết, má em quét chợ An Đông…”. “Mẹ quét chợ An Đông mà con học Pétrus Ký? Em học đến đâu rồi?”. “Dạ thưa quatrième année. Chị tha cho em, nếu cảnh sát bắt, đưa giấy về trường em bị đuổi học tội nghiệp má em…”. “Các em quen với tiếng Pháp lắm phải không?” “Dạ”. “Bởi vậy nên mới lấy trộm sách Pháp. Bằng bấy nhiêu mà đã học lớp Đệ tứ, sắp thi Trung học là giỏi lằm. Nhưng chú ấy đã đi gọi cảnh sát thì biết làm sao…”. Cậu bé sợ quá lại khóc.


Từ đầu đến giờ có một ông đã lớn tuổi, ăn mặc lịch sự vẫn đứng theo dõi câu chuyện. Thấy cô thâu ngân nói thế, ông bảo cô ta: “Thôi được, cuốn sách giá bao nhiêu để tôi trả tiền. Học trò nghèo mà, lấy một cuốn sách, lỡ bị đuổi học tội nghiệp…”. Cô thâu ngân viên chưa biết giải quyết thế nào thì đúng lúc đó ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà sách mọi người vẫn gọi là ông Khai Trí từ ngoài đi vô. Thấy chuyện lạ, ông dừng lại hỏi chuyện gì. Cô thâu ngân viên thuật lại sự việc và ông khách cũng đề nghị trả tiền như ông đã nói với cô thâu ngân. Ông Khai Trí cầm cuốn sách lên coi sơ qua rồi nói: “Phải học trò giỏi mới dùng tới cuốn sách này chứ kém không dùng tới. Cám ơn lòng tốt của ông nhưng để tôi tặng cậu ta, không lấy tiền và sẽ còn giúp cậu ta thêm nữa…”.


Ông trao cuốn sách cho cậu bé, thân mật vỗ vai khuyên cậu cố gắng học hành rồi móc bóp lấy tấm danh thiếp, viết vài chữ, ký tên và đưa cho cậu: “Từ nay hễ cần sách gì cháu cứ đem danh thiếp này đến đưa cho ông quản lý hay cô thâu ngân, cô ấy sẽ lấy cho cháu. Ngày trước bác cũng là học sinh trường Pétrus Ký mà…”.

Ông bắt tay, cám ơn ông khách lần nữa rồi đi vào trong.

Ba năm sau, nghe nói cậu bé đậu xong Tú tài phần II, được học bổng du học nước ngoài, hình như sang Canada.

Thời gian qua đi. Sau ngày 30-4-1975, nhà sách Khai Trí bị tịch thu, mới đầu người ta đặt tên là nhà sách “Ngoại văn”, sau đó đổi thành nhà sách “Fahasa” (viết tắt của 3 chữ “Phát hành sách”), hiện nay lại đổi lần nữa thành nhà sách “Sài Gòn”. Hồi ấy ông Khai Trí bị đi cải tạo về tội “biệt kích văn nghệ, tuyên truyền, phản động”. Sau khi được thả, ông sang định cư bên Hoa Kỳ 10 năm rồi lại trở về với hy vọng đòi lại được nhà sách Khai Trí mà ông đã dầy công gây dựng. Nhưng không có hy vọng, ông buồn bã nói: “Chắc… năm 3.000 thì họ trả”. Ông mất năm 2005 tại Sài Gòn, thọ 79 tuổi.


Một buổi chiều, người ta thấy một “ông già” khoảng ngoài 70 tuổi, ăn mặc theo lối Việt kiều, đứng ngắm trước cửa nhà sách Sài Gòn với nét mặt buồn buồn rồi bước vào hỏi thăm các cô bán sách về ông Khai Trí, các cô nói hình như ông đã mất cách đây đến hàng chục năm. “Ông già Việt kiều” lại ra đứng ngắm trước cửa tiệm sách hồi lâu, lấy khăn giấy lau nước mắt, chắp tay hướng lên trên trời khẽ vái ba vái rồi đi. Không ai biết ông ta là ai cả.

Cho người khác một cơ hội là chuyện “ngày xưa” đáng để suy ngẫm.

Theo Huỳnh Tấn Bửu

Ảnh:

khai trí
Từ khóa: 

ông khai trí

,

lịch sử