Chuyện về những viên tướng thành danh nơi xứ người: b1: Hoàng tử Lý Long Tường bảo vệ nền độc lập của Vương quốc Cao Ly

  1. Lịch sử

Năm 1226, sau khi nhà Lý sụp đổ, để tránh sự tiêu diệt của nhà Trần và bảo toàn tính mạng, Đô đốc Lý Long Tường - hoàng tử thứ bảy của vua Lý Anh Tông - đã dẫn đầu 3 hạm đội tinh nhuệ nhất mang theo đồ tế lễ của nhà Lý cùng gia quyến và tùy tùng rời cảng Vân Đồn ra biển.


Vì các mối hiềm khích giữa nhà Lý với Chăm Pa và nhà Tống nên Lý Long Tường đã dong thuyền hướng về phía Đông Bắc. Đoàn hải thuyền của ông đã cập bến quận Khang Linh, nước Cao Ly (lãnh thổ của CHDCND Triều Tiên ngày nay), rồi lập nghiệp, sinh sống tại vùng Châu Sơn của đất nước này.


Từ năm 1231, quân Nguyên - Mông bắt đầu những nỗ lực xâm lấn Triều Tiên. Năm 1253, chúng chiếm được thành phố Kaesong khiến vua Cao Tông của Cao Ly phải chạy ra đảo Kanghwa. Trước tình hình ngày càng nguy kịch, nhà vua đã yêu cầu Lý Long Tường ra giúp sức.


Nhờ có những kinh nghiệm chiến đấu khi còn ở quê nhà, Lý Long Tường cho đắp thành lũy kiên cố, luyện tập binh sĩ thuần thục. Sau 5 tháng vây thành không có kết quả, quân Nguyên - Mông bị bệnh chết đến 1/3, chúng bèn áp dụng kế trá hàng, cho gửi sang phía Cao Ly 5 “rương vàng” để tỏ ý cầu hòa nhưng trên thực tế trong đó là những thích khách có vũ trang để ám sát các lãnh đạo của Cao Ly.


Biết trước ý đồ của địch, Lý Long Tường cho đổ nước sôi vào kẽ rương rồi sai người mang trả lại cho quân Nguyên - Mông. Khi mở rương, quân xâm lược vô cùng khiếp đảm khi thấy các thích khách của mình bị chết thảm.


Dùng vũ lực cũng như mưu kế đều không được, quân Nguyên – Mông đành rút quân trở về nước, và trên đường về đã bị quân Cao Ly phục kích đánh tan tác.


Sau chiến công hiển hách, Lý Long Tường được vua Cao Ly trọng thưởng, cấp cho thái ấp để con cháu đời sau có nơi sinh cơ lập nghiệp. Vì ở Việt Nam có núi Hoa Sơn nên vua đã cho đổi tên Châu Sơn thành Hoa Sơn và phong tước cho Lý công làm Hoa Sơn quân. Dân trong vùng còn tôn thờ ông làm tổ và dựng lên một chiếc cổng lớn gọi là Thụ hàng môn để khắc ghi công tích và ca ngợi công lao vĩ đại của ông khi đánh đuổi quân Nguyên - Mông.

Ngày 6 tháng 11 năm 1958, trong dịp viếng thăm Việt Nam Cộng hòa, Lý Thừa Vãn, Tổng thống Hàn Quốc đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ thì Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của Lý Long Tường.




Năm 1994, ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ và là hậu duệ đời thứ 26 của Lý Long Tường, qua Việt Nam, tìm đến từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để bái tổ tiên. Năm 1997 khi vừa từ Việt Nam về Hàn Quốc vợ ông sinh con trai liền đặt tên đứa bé là Lý Việt Quốc. Hiện nay Lý Xương Căn đã định cư và nhập quốc tịch Việt Nam. 

Ngày nay, Hoàng tử Lý Long Tường còn được 1 số tờ báo hải ngoại gọi đùa là " Ông tổ Thuyền nhân"

Từ khóa: 

bạch mã tướng quân

,

lịch sử