Chuyện về Nguyễn Mại
Ngày nay, ở vùng đất Sơn Tây (Hà Nội) vẫn còn lưu truyền về chuyện quan Đốc trấn Sơn Tây Nguyễn Mại Sử án. Chuyện xưa kể rằng: Một hôm, có lão nông ở huyện Tam Đái trình báo về việc con trâu bị kẻ gian cắt lưỡi sắp chết, xin được mổ. Vào thời đó, để bảo đảm sản xuất, vua lệnh cho dân không được tự tiện giết trâu. Nếu nhà ai có trâu què, gầy yếu không cày bừa được thì phải trình báo lên huyện xin giết thịt, giết xong lại phải mang đầu trâu lên trình lần nữa để làm bằng chứng. Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng.
Cũng chính vì luật ấy mà nếu xảy ra những chuyện xích mích, người ta thường hại nhau bằng cách lén giết trâu rồi đi trình báo quan. Nếu quan xét xử không công minh sẽ để lại những vụ án “tình ngay lý gian”, khiến người bị hại chịu oan uổng... Qua một lúc trò chuyện, Nguyễn Mại nhận thấy đây là người nông dân thật thà chất phác, lại nghe kể về những va chạm trong làng, trong xóm, quan Đốc trấn cảm thấy có kẻ muốn hại lão nông này. Nghĩ đoạn, Nguyễn Mại bảo với ông lão cứ về mổ trâu, lấy thịt đem bán, không cần báo lại quan huyện nữa.
Đúng như Nguyễn Mại lường đoán, ông lão vừa mổ xong con trâu thì huyện Tam Đái gửi ngay công văn kèm theo tờ đơn “vừa ăn cướp vừa la làng” của tên đã hại ông lão về tội “tùy ý giết trâu mà không trình báo”. Ngay lập tức, Nguyễn Mại sai lính bắt người tố cáo giải lên công đường. Tên này sau một hồi chối quanh co đành khai nhận vì ghen ghét với ông lão nên lén giết trâu, sau đó thông đồng với tri huyện để “vừa ăn cướp vừa la làng”, lại còn được lĩnh thưởng. Tri huyện Tam Đái cũng phải chịu phạt.
Một lần khác, ở ngôi chùa lớn vùng Sơn Tây, các tăng, ni về tụ hội rất đông, lại xảy ra vụ mất trộm. Nhà sư trụ trì liền phái người đến dinh quan Đốc trấn trình báo và xin phân xử giúp. Không chậm trễ, Nguyễn Mại đến tận nơi xem xét và thấy vật bị mất là vật chỉ những người trong giới tu hành mới cần dùng đến. Hơn nữa, vật cũng chỉ mất khi các tăng, ni đến đây đông, nên không thể có kẻ gian là người ngoài giới tu hành lọt vào.
Nghĩ đoạn, ông liền cho tập hợp tất cả tăng, ni lại, bảo họ trồng cây phướn lớn và đốt hương. Sau đó, ông phát cho mỗi người một viên tràng hạt, bảo rằng: “Đây là tràng hạt lấy từ đền Sòng lại đã được niệm chú, nên nếu ai để rơi mất, ắt sẽ bị liên lụy đến tính mạng”. Rồi ông lại bảo các tăng, ni đi vòng quanh cây phướn và lò hương, vừa đi vừa tụng kinh và giữ lấy viên tràng hạt. Bản thân ông thì đứng ở thềm chùa, tay chắp còn miệng lẩm bẩm như thể đang tụng kinh, nhưng mắt lại chú ý quan sát tăng, ni đang dạo quanh cây phướn. Nguyễn Mại nhận thấy một ni cô cứ thỉnh thoảng lại giở viên tràng hạt ra xem và cử chỉ có phần như giấu giếm. Lập tức, ông bảo mọi người dừng cả lại, rồi ra lệnh bắt ni cô kia. Sau khi ông trực tiếp xét hỏi, người ấy thú nhận là kẻ trộm.
Ngoài những vụ án phân xử công minh, Nguyễn Mại còn có tài năng và đức độ cảm hóa lòng người. Khi còn là Đốc trấn Cao Bằng, ông từng phải đối phó với giặc cướp từ Quảng Tây tràn sang. Nhận thấy đám giặc phì thực ra chỉ là nông dân nghèo, vì quá đói khổ nên mới tìm đường trộm cướp. Ông chỉ hạ lệnh bắt rồi thả chứ không xét xử, thậm chí có lần còn cung cấp lương thực trước khi trả về. Cứ như vậy, 3 lần bắt rồi thả, đám giặc phì phương Bắc cảm động ân đức mà thôi không quấy nhiễu.
Về sau khi làm quan trấn Sơn Tây, công sở của ông bất ngờ bị cháy. Đám cháy lan sang cả nhà ngục, nơi giam giữ những bọn “đầu trộm đuôi cướp” của xứ Đoài. Ông không ngần ngại sai người mở cửa ngục, thả tất cả tù nhân ra ngoài. Mặc dù có cơ hội lẩn trốn, tìm đường đào tẩu, nhưng bất ngờ là tất cả tù nhân đều cùng nhau dập lửa. Sau đó, không ai bảo ai, bọn họ đều trở lại trại giam không sót một ai. Nguyễn Mại phải có một tâm hồn cao thượng và một tài năng đức độ đến nhường nào thì mới có thể cảm hóa những kẻ được gọi là “lưu manh vô lại” ấy.
Lời bàn: Có thể nhìn thấu được gian ngay, phân tích sự việc, đem lại công bằng cho dân lành lại cảm hóa được kẻ lưu manh vô lại ấy không phải việc mà quan nào cũng có thể làm đươc, đó cũng là thể hiện cái tâm và tầm của Nguyễn Mại