[Chuyện nghề] - Ngành Truyền thông bao gồm những gì?
Nếu mình bị hỏi: “Truyền thông là học cái gì, làm cái gì?”
Học ngành Truyền thông nhưng đến giờ nghe câu này mình vẫn thấy không biết trả lời sao cho phải, vì căn bản là ngành Truyền thông là một lĩnh vực rất rộng với đủ loại ngành nghề. Vậy nên để giúp các bạn trẻ đang có định hướng đi “Truyền đạt Thông tin” hiểu rõ hơn về ngành này, hôm nay mình sẽ chia sẻ những gì mình biết nhé.
Truyền thông bao gồm những gì?
Mình xin chia nhỏ Truyền thông ra 4 lĩnh vực chính là: Báo chí (Journalism), Truyền thông thực hành (Communication practice), Phương tiện truyền thông (Media) và Nghiên cứu (Communications Studies).
Đọc qua các bạn cũng hình dung sơ sơ được 4 ngành này có gì khác nhau phải không? Mình sẽ trình bày một số đặc điểm của những ngành này nhé.
Truyền thông Báo chí (Journalism)
Đây là nhóm ngành mà rất nhiều người ở Việt Nam, đặc biệt là những người lớn tuổi, sẽ nghĩ ngay đến khi nhắc về Truyền thông, đơn giản là vì đây là nhánh ngành có lịch sử phát triển lâu đời nhất trong ngành truyền thông, tuy nhiên báo chí chỉ là một phần trong lĩnh vực này thôi. Trong truyền thông báo chí lại được chia ra báo hình, báo in, báo điện tử, báo phát thanh. Công việc chủ yếu của truyền thông báo chí là phóng viên có nhiệm vụ đi lấy tin, phỏng vấn, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, viết bài, làm bài trên video, băng ghi âm…).
Mà các bạn ít nhiều cũng biết về nghề báo rồi đó, để làm một nhà báo giỏi thì cần có kiến thức nền tốt, kỹ năng viết nhanh và hay, có sự nhanh nhạy và dám xông pha, không ngại ngần đi vào những nơi nguy hiểm. Tất nhiên, nhà báo cũng có “nhà báo this, nhà báo that”, không phải ai cũng phải xông pha liều lĩnh như những phóng viên của VTV, nhưng đó là những hình mẫu nhà báo rất đáng ngưỡng mộ và noi theo. Tóm lại là dù có làm báo ở đâu thì quan trọng là cần phải bám sát vào sự thật, thực tiễn xã hội để đóng góp tốt cho cộng đồng (chứ đừng như cái “mương” nào đó nhé).
Truyền thông thực hành (Communication practice)
Nhóm ngành truyền thông thực hành chủ yếu học ra để có kinh nghiệm thực tế để đi làm, Trong chuyên ngành truyền thông này có nhiều nhóm nhỏ như sau: Corporate Communication – Public Relations (PR) – Non-profit Communication.
Phân biệt kỹ trong các đầu việc truyền thông thì truyền thông thực hành là nhánh ngành chuyên làm việc với báo chí (khác với làm event hay làm quảng cáo). Mặc dù vậy, chuyên ngành này đôi khi cũng được dùng để chỉ “làm truyền thông” nói chung, bao gồm tất cả. Người ta thường dùng từ PR để chỉ “làm ngành truyền thông”. Cách dùng này cũng không thực sự đúng, đúng nhất thì có lẽ nên dùng cụm từ “marketing truyền thông” (marketing communication) hoặc “chiến lược truyền thông” (strategic communication). Có thể hiểu là làm việc thực hành nhằm giúp các bên hiểu nhau thông qua những kế hoạch, chiến lược truyền thông. Để hiểu thêm về nhánh ngành này, mình nghĩ là bài viết về ngành marketing hay PR sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn đó.
Phương tiện truyền thông (Media)
Nhóm ngành này có công việc là sử dụng máy ảnh, máy quay phim, máy tính để dựng, tạo nên các sản phẩm truyền thông chất lượng. Theo học chuyên ngành này bạn sẽ được học để làm ra một bộ phim như phim tài liệu dạng báo chí hoặc là phim truyện bình thường, TVC quảng cáo, MV ca nhạc,… hoặc có thể là làm ra các ấn phẩm đồ họa đẹp mắt.
Đây là nhóm triển khai phần hình thức cho các nội dung Content Marketing. Công việc của chuyên ngành này có liên quan đến máy móc nhưng cũng rất cần đến sự sáng tạo, bay bổng để có thể dựng được những sản phẩm chất lượng, thu hút và hấp dẫn người xem. Đây là ngành có tiềm năng trong thời đại truyền thông trong thời đại đa phương tiện đang có sự phát triển vượt bậc. Ngày nay, các công việc như Graphic Design, Video Editor đang bùng nổ nhu cầu, đủ thấy sức hot của ngành này trong xã hội hiện đại như thế nào rồi đúng không?
Nghiên cứu truyền thông (Communications Studies)
Đây là ngành nghiên cứu nên khác với các nhóm trên, người làm lĩnh vực này không trực tiếp tạo ra các sản phẩm truyền thông, công việc của họ là quan sát các hiện tượng xã hội chịu tác động bởi ngành truyền thông, sau đó sẽ tìm kiếm các tài liệu liên quan tùy theo từng ngành (báo chí, truyền thông văn hóa, truyền thông chiến lược, truyền thông phát triển, truyền thông sức khỏe, truyền thông thay đổi hành vi, truyền thông tâm lý, truyền thông nghệ thuật…) để tìm ra tất cả các lý thuyết, nghiên cứu liên quan. Sau đó, những nhà nghiên cứu truyền thông sẽ áp dụng vào cộng đồng, xã hội để tìm ra kết luận cho bài nghiên cứu của mình.
Ở Việt Nam, việc đào tạo và đầu tư cho nghiên cứu truyền thông theo mình thấy thì chưa được lớn. Nên ngành mang tính học thuật cao này đang khá kén người theo đuổi, đa số các bạn trẻ bây giờ muốn theo truyền thông là để được làm việc thực tiễn như 3 ngành ở trên thôi ^^
Nguồn: Bizfly
TÓM LẠI
4 nhóm ngành nhỏ với 4 đặc thù khác nhau này làm nên cái tên lớn là Truyền thông, nên nếu các bạn muốn theo Truyền thông thì hãy xác định rõ hướng đi mình muốn theo rồi chọn kĩ ngành và trường học nhé, vì mỗi trường có một phương hướng đào tạo khác nhau. Có thể ngành Truyền thông ở trường này học theo hướng thực hành, nhưng Truyền thông ở trường khác lại hướng phương tiện đó. Mình đã là “nạn nhân” của việc không nghiên cứu kỹ chương trình dạy ở trường, vào học mới nhận ra mình đang học nhánh ngành khác mình tưởng, nhưng lỡ đâm lao rồi phải theo lao thôi, với cả ngành nào thì mình cũng được trang bị rất nhiều kiến thức nên cũng không quá tệ ^^
Giờ để nói sâu về 4 phân ngành luôn thì dài quá, mà mình cũng không có đủ kiến thức sâu rộng như thế, nên mình xin dừng lại tại đây nhé! Hy vọng bài viết này giải đáp được phần nào thắc mắc cho các bạn trẻ với định hướng Truyền thông. Chúc mọi người một ngày làm việc và học tập vui vẻ nha~
truyền thông
,social media
,marketing
,review nghề
,marketing
,truyền thông đa phương tiện
,hướng nghiệp
,thấu ngành hiểu nghề
Bấy lâu mình cứ nghĩ học truyền thông là chỉ có "truyền thông", công nhận là định nghĩa hay để hiêu kỹ thì nó có ti tỉ thứ và cũng rất khó để chính xác được.
Tuyết Đỗ
Bấy lâu mình cứ nghĩ học truyền thông là chỉ có "truyền thông", công nhận là định nghĩa hay để hiêu kỹ thì nó có ti tỉ thứ và cũng rất khó để chính xác được.