Chuyên mục nói xấu bố: Mình đã học được gì từ những tính xấu của bố mình?
Hồi lớp 4, mình có làm một bài văn biểu cảm với đề bài: Hãy nêu cảm nghĩ của em về một người thân trong gia đình. Cơ bản đứa nào trong lớp cũng chọn mẹ, vì hình ảnh các bà mẹ nhiều văn mẫu, vả lại đứa trẻ con nào mình thấy cũng thường thân thiết với mẹ nhiều hơn. Thật ra mình cũng thế, từ bé đến lớn mình cũng gần gũi với mẹ hơn. Nên đến khi làm bài văn đấy mình chọn bố, và được điểm 9, cả nhà ai cũng bất ngờ. Nhớ lại hồi đấy bài văn của mình khá mùi mẫn, mình toàn khen bố mình thôi. Nhưng giờ thì không nhé! Nghe đồn mai là Ngày Của Cha, mình sẽ dành dịp này để làm một chuyện khác người ta hơn một chút: mở chuyên mục nói xấu bố cực mạnh!
Tính xấu 01: Ít nói, nhưng một khi đã nói là nói rất dai!
Bố mình khá kiệm lời, ít khi nói chuyện với người lạ, ở nhà nếu không có chuyện gì đặc biệt thì cũng không nói mấy. Nhưng mà bố mình đặc biệt đã khó chịu cái gì và cằn nhằn thì cằn nhằn dai vô cùng, nói đi nói lại, nói tới nói lui, chì chiết, mỉa mai, mà lại toàn cằn nhằn mấy chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh.
Là một đứa con gái ít để bụng, bố mình càu nhàu chuyện gì vặt vãnh mình cứ nghe rồi thôi, đôi lúc cãi lại tí nhưng cãi vui thôi. Lạ một cái bố chỉ càu nhàu mình những chuyện nhỏ, những lỗi lớn do mình gây ra bố KHÔNG CẰN NHẰN BẤT KỲ ĐIỀU GÌ. Từ chuyện học hành, bạn bè, yêu đương, công việc, hầu như bố mình không mắng mình chuyện gì cả, chỉ thỉnh thoảng "nhận xét" vài câu, chứ không bao giờ nặng lời. Nhiều lúc mình nghĩ làm sao bố lại ngược đời như thế được hay thật! Chuyện nhỏ thì cằn nhằn mà những chuyện lớn thì coi như không có gì. Đến khi trưởng thành rồi, mình mới nhận thấy mình hầu như không gặp áp lực gì từ bố trong suốt khoảng thời gian mình ương bướng và gây ra nhiều lỗi lầm trong thời gian đi học. Cũng nhờ vậy mà mình không nảy sinh sự phản kháng quá lớn trong tuổi học sinh "ẩm ương".
Bài học đối nhân xử thế từ tật xấu của bố mà mình rút ra ở đây:
Hãy chỉ cằn nhằn và khó chịu khi bạn biết rõ không khiến người khác tổn thương và để bụng. Những điều bạn biết dù có cằn nhằn cũng không giúp người khác tốt lên mà còn phản tác dụng thì hãy giữ im lặng.
Tính xấu 02: Hay nhìn mọi thứ phiến diện, tiêu cực ngay từ đầu.
Hồi mình mới đem mèo về, bố nhất mực đuổi đi không cho nuôi, kêu mèo ị thối, rụng lông, cào rách ghế sofa. Mình mặc kệ, cứ đem mèo về. Bố mình dọa vứt nó ra đường lúc mình không có nhà, mình đi ra khỏi nhà là cho nó vào phòng khóa cửa lại. Cứ thế khoảng vài tháng thì một buổi sáng nọ mình thấy một con mèo lạ bị buộc trước cửa phòng, hỏi ở đâu ra thì bố bảo: "Mua thêm một con cho con kia chơi cùng đỡ phá!".
Mình mua trà sữa trân châu cho cả nhà uống, bố mình chê đắt, một cốc này mua được nửa cân cam vắt, bổ béo gì mà mua. Những lần sau thì mình vẫn mua, nhưng không mời mọc nhiều nữa, bố mình vẫn uống xong đến một ngày kia trà sữa hết trân châu, bố liền hỏi "Ơ sao cốc của bố không có trân châu à?" với giọng rất hờn dỗi.
Bài học rút ra nhờ thường xuyên "đối phó" với tật xấu của bố:
Đẹp trai không bằng chai mặt. Mưa dầm thấm lâu. Muốn thay đổi tư tưởng phiến diện của ai đó, bạn đừng dùng lời nói, hãy dùng hành động. Một lần không được, cứ làm tiếp, rồi đâu sẽ vào đó.
Tính xấu 03: Vô tâm với sở thích của vợ con, chỉ quan tâm sở thích của mình.
Bố mình chả bao giờ biết mẹ mình thích gì, mình với chị mình thích gì. Cũng chả bao giờ chủ động tặng quà cho vợ con mỗi khi tới dịp đặc biệt. Sinh nhật của chị em mình hình như bố mình còn nhầm lẫn ngày tháng với nhau nên chẳng bao giờ mong có quà. Mình có thể dám cá đến 90% là bố mình chẳng hiểu gì về sở thích của vợ con. Thế nhưng bố lại rất "hăng hái" chăm chút cho sở thích của mình, thích nói về sở thích của mình với vợ con. Chẳng hạn bố mình chơi máy ảnh, chơi loa, decor bể cá,... và cả nhà sẽ phải ngồi nghe bố huyên thuyên dù không hiểu gì mấy, phải đứng ra làm mẫu ảnh, phải nghe nhạc cùng, phải dọn bể cá cùng mỗi khi bố hứng lên. Đặc biệt bố chụp ảnh mình rất xấu nhưng lại khoái đăng lên Facebook khoe cho cả họ cả hàng cùng thấy. Hồi nhỏ thì mình cũng ghét lắm vì bố chẳng biết mình thích gì mà mua quà, nhưng lớn rồi thì mình lại nghĩ: Bố không biết mình thích gì, vì mình chẳng nói mình thích gì với bố. Nhưng bố thích gì thì ai cũng biết vì bố luôn nói và khiến mọi người phải cùng làm những gì bố làm.
Bài học một lần nữa lại được rút ra nhờ sự "vô tâm" của bố:
Đừng bắt người khác khi không mà biết mình thích gì để quan tâm tới bạn. Hãy làm những gì mình thích và chia sẻ sở thích đấy với những người bạn muốn họ quan tâm và rồi bạn sẽ luôn thấy mình được quan tâm.
___________
Thực ra mình định nói xấu tiếp đấy, vì bố mình còn một-nghìn-lẻ-một tính xấu nữa cơ, nhưng nghĩ bài dài quá chẳng ai đọc, với lại nếu năm sau ngày này lại viết tiếp thì chẳng còn gì để nói xấu bố nữa. Nên thôi! Các bạn nào đang thường xuyên phải "đánh vật" với tính xấu của các ông bố thì hãy bắt chước mình: ngồi viết ra nói xấu kịch liệt rồi tự rút ra bài học cho mình qua những tính xấu đấy. Có thể bạn sẽ "à tương lai mình không nên giống như bố", hoặc "à nếu sau này mình có gặp phải lão chồng/lão đồng nghiệp/lão bạn/lão bla bla nào đó giống bố thì mình phải có cách đối phó tương tự", thì ít nhất bạn cũng đã thấy được một điểm tích cực nào đó từ chính những thói xấu mà bạn quan sát được từ bố rồi đấy.
Thực ra đây cũng là cách mình học được để đối phó với tính xấu của những người xung quanh. Để cảm thấy bớt bị khó chịu với những tính xấu của người khác mình hay cố gắng tìm ra những bài học cho mình từ chính những thói xấu của họ. Ít nhất sau khi làm xong chuyện này bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, bớt khó chịu với một ai đó hơn, bớt nhìn vào những khuyết điểm của họ thì bạn sẽ càng cảm thấy cuộc đời nhẹ nhàng, dễ thở hơn nhiều. Và hãy nhớ rằng bạn sẽ rất khó để thay đổi người khác, điều dễ dàng hơn đó là thay đổi chính mình.
Nhân dịp Ngày Của Cha, mong là mọi ông bố trên thế giới dù có "xấu tính" cỡ nào thì vẫn luôn khỏe mạnh, hạnh phúc bên cạnh gia đình của mình. Và những kẻ "phận làm con" nếu không ngần ngại muốn "nói xấu bố" thì có thể để lại phản hồi ngay bên dưới, hoặc tạo bài viết để tiếp nối chuyên mục "nói xấu bố" này nhé! Một năm một lần thôi mà! :))
Khaii
Khaii
Khaii