Chuyên mục: #Binhpháp_Mưukế Quân Lam Sơn đấu binh, đấu trí với quân Minh trong kế hoạch chuyển hướng vào Nghệ An
Cuối năm 1424 nhân trong thời gian "hòa hoãn" với quân Minh, theo kế của tướng Nguyễn Chích nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ chuyển hướng theo miền núi vào đánh chiếm Nghệ An.
Trên đường tiến quân vào Nghệ An, Nghĩa Quân Lam Sơn bất ngờ tập kích đồn Đa Căng(1) vào ngày 20/9/Giáp Thìn (12/10/1424). Nhận được tin đồn Đa Căng bị tập kích, tướng Minh là Nguyễn Suất Anh đến cứu viện nhưng đã quá muộn về sau lại bị phản kích phải bỏ chạy về Tây Đô (Thanh Hóa).
Khi biết được quân Lam Sơn đang tiến vào Nghệ An, quân Minh bắt đầu thiết lập vòng vây. Một mặt nhà Minh lệnh cho đồng tri là Sư Hựu cùng viên thổ quan là Tri phủ châu Trà Lân Cầm Bành dẫn 5000 quân đón lõng trước núi Bồ Lạp thuộc Châu Quỳ (2) một mặt đại quân do Phương Chính, Lý An, Trần Trí siết chặt từ phía sau.
1. Kế "tiên phát chế nhân":
“Tiên phát chế nhân” là ra tay trước để dành chiếm ưu thế, để đoạt lợi, để bắt lấy sự chiến thắng"
Nhận thấy rõ nguy cơ bị vây khốn, kẹp chặt bởi vòng vây của quân địch, Lê Lợi đã quyết định nhanh chóng ra tay trước nhằm phá thế gọng kìm, giành lấy thế chủ động cho mình. Nghĩa quân Lam Sơn đã nhanh đặt phục binh trong rừng núi Bồ Lạp đón lõng quân của Phương Chính, kết quả quân Minh đi qua trúng phục kích hơn 2000 tên tử trận, số còn lại tan vỡ bỏ chạy. Ngay hôm sau quân Lam Sơn lại tiếp tục vây đánh cánh quân Minh của Sư Hựu tại Trịnh Trang Sơn, châu Trà Lân(3). Hựu thua chạy để lại hơn nghìn xác.
Đến đây gọng kìm của quân Minh xem như "ra bã"
2. Kế '"khích tướng kế"
“Khích tướng kế” là kế chọc giận tướng giặc, làm tướng giặc nổi giận. Nổi giận sẽ mất sáng suốt, thiếu suy nghĩ, không tự chủ được con người mình. Mạnh Tử nói: “Nhất nộ nhi an thiên hạ”.
Sau khi đánh tan cánh quân của Sư Hựu, nghĩa quân Lam Sơn tiến về vây thành Trà Lân của Cầm Bành. Tuy quân Minh mấy trận thất bại nhưng nhìn chung quân số vẫn vượt trội hơn quân Lam Sơn và đã tập trung tại thành Nghệ An nhằm tiếp ứng cho Cầm Bành.
Do thất bại mấy lần nên quân Minh vẫn chần chừ không dám quyết chiến. Để dẫn dụ cánh quân Minh cho Phương Chính chỉ huy tại thành Nghệ An LÊN NÚI quyết chiến (địa hình có lợi cho quân Lam Sơn) thì Nguyễn Trãi đã viết thứ KHÍCH Phương Chính:
"Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của. Nay bọn mày chỉ chuộng lừa dối, giết hại kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương, việc ấy trời đất không dung, người mà đều giận, cho nên liền năm chinh phạt, hằng đánh hằng thua. Thế mà không biết trước tự cải quá, lại còn bới bẩn cho thêm thối, hối sao cho kịp được! Huống chi bây giờ nước mùa xuân mới sinh, lam chướng bốc độc, thế không thể chịu lâu được. Nay mày chỉ nám đại binh mà nấn ná không tiến, khiến quân lính nhiễm lam chướng dịch lệ mà chết, đó là tội ai? Binh pháp có nói; “Kẻ nhân giả lấy yếu chế mạnh, kẻ nghĩa giả lấy ít địch nhiều”. Nay mày muốn đánh, thì nên tiến quân giao chiến, để quyết sống mái, đừng làm khổ cho quân sĩ hai nước làm gì"
Phương chính cũng không ngu viết thư đáp lại:
"Mày nếu muốn đánh nhau thì hãy ra chỗ đồng bằng đất phẳng"
Nguyễn Trãi lại khích tiếp:
"Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Kể người dùng binh giỏi thì không có đâu là hiểm, đâu là không hiểm, không có đâu là dễ, đâu là không dễ. Thắng hay phụ ở tướng, chứ không ở đất hiểm hay dễ. Vào chỗ hiểm mà dánh nhau không khác gì hai con hổ đánh nhau ở trong thung lũng, giỏi thì được, vụng thì thua. Bởi vậy, đất không có bình thưởng nhất định, trận không có thế thưởng nhất định. Mày nếu không lui, thì phải đem binh ra mà quyết chiến thôi."
Chính vẫn quyết định không "tung quân" lên núi đánh nghĩa quân vì e ngại lại bị "phục kích". Vì vậy để cứu thành Trà Lân đang bị vây, Phương Chính tung chiêu "hòa hoãn" với nghĩa quân Lam Sơn:
Một mặt tháng 12/ Giáp Thìn quân Minh trao trả tướng Lê Trăn, một mặt Phương Chính xin nhà Minh nhanh chóng tăng viện.
3. Kế ",Phản gián kế" hay "tương kế tựu kế"
Dùng kế của đối phương để lừa chính đối phương
Tôn Tử nói: “Biết mình là biết thực lực và nhiệm vụ của mình. Biết người là biết thực lực và ý đồ của địch"
Quân Lam Sơn đã nhanh chóng lợi dụng chính "kế cầu hòa" của quân Minh để hạ thành Trà Lân một cách dễ dàng.
Lê Lợi cho người viết thư cho Phương Chính chấp nhận cầu hòa và nói rằng muốn trở về Thanh Hóa nhưng lại luôn bị Cầm Bành chặn đường.vậy xin Phương Chính "có lòng thương" thì hãy cử một người đến làm hòa hai bên (ý nói giữa quân Lam Sơn và Cầm Bành). Phương Chính trúng kế nên đã sai người đến yêu cầu Cầm Bành hòa giải.
Cầm Bành cố sống cố chết thủ thành Trà Lân hàng tháng trời là vì còn hi vọng Phương Chính sẽ đến cứu, nào ngờ Chính lại bảo là hòa hoãn với quân Lâm Sơn. Thấy không còn khả năng quân tiếp viện đến cứu mình nữa nên Cầm Bành đã mở thành ra hàng
........................................................
Nguồn tham khảo:
ĐVSKTT và Quân Trung Từ Mệnh Tập
Chú thích:
(1) Đồn Đa Căng: có lẽ là Bất Căng, thuộc xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Đồn này nằm trên hữu ngạn sông Chu.
(2) Bồ Lạp: Bồ Lạp: là tên núi, cũng gọi là Bồ Cứ, Bồ Đắng, là một ngọn núi ở xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Nhân dân địa phương thường gọi là Bù Đờn và phía đông bắc có một bản nhỏ gọi là Bản Liệp. Vùng này nay thuộc xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An
(3) Trịnh Trang Sơn, châu Trà Lân:
Trang Trịnh Sơn: là Kẻ Trịnh, nay thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, cách thành Trà Lân (hay Trà Long) hơn 10 km
Châu Trà Lân: hay Trà Long, là đất huyện Con Cuông, Tương Dương, tỉnh Nghệ An ngày nay, đời Trần là đất Mật Châu, đời Nguyễn gọi là phủ Tương Dương
ảnh minh họa quân Minh