CHUYỂN HÓA CHÍNH MÌNH trong đại dịch COVID (Qua việc chuyển hóa nhận thức,tư duy và đổi mới phương pháp dạy học)
Covid 19 – đại dịch mang tính toàn cầu đã gây ra không ít xáo trộn trong cuộc sống của chúng ta. Một sự “bình thường mới”được hình thành với nhiều thay đổi trên mọi phương diện khác nhau của đời sống xã hội. Điều đó kích hoạt mỗi chúng ta phải chuyển hóa chính mình để có thể nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới.
Là một giảng viên giảng dạy trong một trường đại học, công việc của mình cũng có nhiều thay đổi trong bối cảnh của đại dịch Covid. Trong đó, một trong những thay đổi lớn nhất là việc chuyển đổi từ hình thức dạy học trực tiếp trên lớp (offline) sang hình thức dạy học gián tiếp/trực tuyến (online). Thêm vào đó, trong kỳ học này mình bắt đầu giảng dạy môn học mới cho sinh viên các chuyên ngành của khoa Văn hóa học: môn học Kỹ năng mềm. Một môn học đòi hỏi người dạy phải có phương pháp dạy học mới thông qua việc thiết kế các hoạt động dạy học trải nghiệm, mang tính thực hành, gắn liền với thực tiễn cuộc sống và công việc của người học trong hiện tại và tương lai. Vì vậy, từ một giảng viên giảng dạy các môn học thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, lĩnh vực văn hóa mang tính lý thuyết, chủ yếu theo hình thức thuyết trình mình đã buộc phải thay đổi, tìm kiếm các phương pháp dạy học phù hợp, truyền đạt kiến thức tới người học một cách sinh động, dễ hiểu, giúp người học có thể vận dụng những kiến thức thu nhận được vào trong thực tiễn một cách hiệu quả. Đây thực sự là một thách thức đối với bản thân mình, một công việc không hề đơn giản. Thời gian đầu khi mới bắt tay vào quá trình này, mình đã gặp không ít khó khăn, rào cản trong quá trình lên lớp với nhiều cảm xúc tiêu cực: chán nản, mệt mỏi, căng thẳng, stress, lo lắng…(một phần bởi nó khá khác với phong cách giảng dạy, tính cách con người mình trước đây và đây lại là môn học được sinh viên chờ đợi, kỳ vọng trong chương trình học tập). Nhưng sau một thời gian nghiên cứu, thích ứng, tìm hiểu và không ngừng học hỏi hiện nay việc dạy học online nói chung và môn học kỹ năng mềm nói riêng đã không còn là nỗi sợ của mình mỗi khi lên lớp. Ngược lại nó đã tạo ra cho mình cơ hội để làm mới bản thân, chuyển hóa chính mình, tạo nên sự đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy khiến cho công việc dạy học trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ và hiệu quả hơn. Vậy mình đã làm như thế nào để có thể tạo ra sự thay đổi này?
Sự chuyển hóa trong nhận thức, tư duy
Để thực sự có sự chuyển hóa chính mình cũng như việc tạo ra những thay đổi trên hành trình phát triển bản thân, trước tiên mình cần có tư duy, góc nhìn, suy nghĩ đúng. Đối với công việc dạy học, sự chuyển hóa trong nhận thức, tư duy cần đến từ:
Những thay đổi trong cách nhìn nhận về việc dạy học: Nếu như trước đây việc dạy học được coi là quá trình cung cấp, truyền dạy kiến thức. Vai trò của người thầy được tuyệt đối hóa bởi những kiến thức mà họ có. Vì vậy, vị trí của người thầy thường cao hơn người học, có “đặc quyền” áp đặt, ban phát kiến thức. Hiện nay với mình, người thầy với năng lực, trình độ chuyên môn nhất định sẽ là người định hướng, hỗ trợ, đồng hành giúp người học tìm kiếm, khám phá ra những điều chưa biết (tác động đến nhận thức). Người thầy không chỉ truyền đạt cho các em kiến thức của ngành học, phương pháp học tập, nghiên cứu mà hơn bao giờ hết phải là người truyền cảm hứng niềm yêu thích với việc học, giúp các bạn trẻ định hướng cuộc sống, có nhận thức, tư duy đúng, biết xây dựng ước mơ, mục tiêu, kế hoạch, trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành người có ích và tự tin, đam mê với nghề mà mình đã lựa chọn. Vì vậy, công việc dạy học còn là sự tác động về mặt cảm xúc: tạo động lực, khơi gợi sự tò mò, hứng thú, khao khát được khám phá, được hiểu một tri thức mới, giúp tạo ra những thay đổi ở người học. Người giáo viên không chỉ là người có kiến thức, có kỹ năng sư phạm mà còn như người nghệ sĩ kiến tạo nên không gian lớp học thực sự tích cực, vui vẻ và truyền cảm hứng cho người học. Đúng như William Arthur Ward đã nói “Người thầy bình thường biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất sắc biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng và tạo động lực” (một trong những câu châm ngôn về nghề giáo viên mà mình tâm đắc nhất).
Thay đổi trong nhận thức về bản thân: đó là việc xóa bỏ những suy nghĩ, định kiến, giới hạn bản thân. Khi bắt đầu chuyển hóa chính mình và tìm kiếm phương pháp giảng dạy môn học mới, đã có rất nhiều câu hỏi xuất hiện trong mình: mình không làm được vì nó khó, mình có tuổi rồi trí tuệ giới hạn làm sao tiếp thu được cái mới, sự thay đổi khiến học trò cười chê không, phải giữ hình ảnh nghiêm khắc, lối dạy bài bản chứ…Nhưng nếu không thay đổi thì sao? Vẫn là những giờ học nặng nề lý thuyết, chìm trong im lặng, tiếng nói một chiều, hằn sâu sự mệt mỏi, chán nản, khoảng cách vô hình giữa người dạy – người học. Nếu điều này duy trì quá lâu sẽ “giết chết” niềm vui dạy học, sự nhiệt huyết trong mình… Chính vì vậy, muốn thay đổi mình sẽ cần loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và cài đặt trong tâm trí những suy nghĩ tích cực, niềm tin tưởng vào chính mình, thúc đẩy bản thân, tạo cảm hứng động lực cho sự thay đổi (như niềm tin vào việc làm được, sự hình dung những nghịch cảnh đối lập, được và mất giữa thay đổi và không thay đổi…)
Những thay đổi trong nhận thức, tư duy về người học: Trước đây, ở đâu đó mình thường nghe thấy rất nhiều những lời phàn nàn: sinh viên/giới trẻ giờ chán quá, chúng rất lười và không chịu suy nghĩ, thờ ơ với việc học, học chống đối…và đã có lúc mình buông trôi theo những dòng suy nghĩ như vậy. Nhưng giờ thì mình tin rằng nếu biết khơi gợi, truyền cảm hứng, tạo không gian, môi trường học tập thoải mái, tin tưởng và ghi nhận các bạn sinh viên sẽ có nhiều quan điểm, suy nghĩ thú vị về các vấn đề trong cuộc sống, phát huy được nhiều thế mạnh cùng với trí tưởng tượng, tiềm năng sáng tạo vô hạn nơi người học.
Những thay đổi trong nhìn nhận về môn học: sẽ không có những môn học dở nếu bạn thực sự chú tâm, tìm hiểu, khám phá và hiểu đúng bản chất môn học. Mỗi môn học/lĩnh vực được nghiên cứu và giảng dạy một cách chuyên tâm, bằng tình yêu thực sự đều đem đến cho người dạy và người học sự thích thú, những trải nghiệm, khám phá mới.
Chuyển hóa trong hành động
Chuyển hóa trong việc học: không ngừng học và luôn cần học thêm nhiều điều mới:
Để có thể chuyển hóa chính mình trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy mình đã phải liên tục học hỏi và không ngừng mở rộng sự học: nâng cao kiến thức chuyên môn, tìm hiểu phương pháp dạy học, tìm hiểu các phần mềm công nghệ ứng dụng trong dạy học…với sự “lọ mọ” nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi từ rất nhiều nguồn khác nhau: những khóa học, những workshop chia sẻ về dạy học hiệu quả, những cuốn sách về phương pháp dạy học thông minh…Đồng thời là sự kết nối với thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp nhờ cậy sự hỗ trợ. Bất cứ ai có thế mạnh gì mình đều kết nối để được học hỏi với một tinh thần cởi mở, thực sự cầu thị và khiêm tốn. Và may mắn là sự học của mình đã được thực hiện liên tục với những mentor siêu nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ mình trong mọi không gian và thời gian mà nhờ đó mình đã tiếp cận thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới. Do đó, tình yêu đới với sự học luôn là yếu tố then chốt để có thể tạo ra sự chuyển đổi chính mình.
Chuyển hóa trong việc soạn giáo án, thiết kế các hoạt động dạy học cho sinh viên: Nếu như trước đây tài liệu lên lớp là các bài giảng hay những trang giáo án dày đặc các thông tin, kiến thức, các ví dụ minh họa được dày công chuẩn bị phục vụ cho việc thuyết trình thì hiện nay việc lên lớp gắn liền với công việc thiết kế các hoạt động dạy học. Kiến thức mỗi buổi học sẽ được truyền tải một cách gián tiếp qua các hoạt động trải nghiệm cho sinh viên, giúp các em nhận ra các bài học từ quá trình trải nghiệm đó. Công việc này không hề dễ dàng bởi nó đòi hỏi giảng viên cần dành nhiều thời gian, công sức tìm kiếm, lựa chọn, sáng tạo ra nhiều hoạt động khác nhau vừa phù hợp nội dung kiến thức muốn truyền tải vừa phù hợp với tâm sinh lý, nhu cầu của người học. Ví dụ trước mỗi buổi dạy kỹ năng mềm cho sinh viên, mình thường phải suy nghĩ rất nhiều, huy động mọi nguồn lực có được để thiết kế ra các hoạt động trải nghiệm vừa đúng với kiến thức trọng tâm của buổi học nhưng lại cần phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi sinh viên, chuyên ngành học của các em. Quả là một công việc không dễ dàng nhưng khi làm được thì phần thưởng dành cho mọi nỗ lực, cố gắng đó sẽ là sự trưởng thành trong chính mình và đặc biệt là sự hân hoan, niềm vui, sự thích thú, sự mong đợi, hào hứng của sinh viên trước mỗi giờ học.
Chuyển hóa trong giờ dạy: luôn tạo ra sự kết nối
Trong bối cảnh đại dịch với hình thức dạy học online nếu bạn không tạo ra được sự kết nối, tương tác với sinh viên, những không gian lớp học sôi nổi, cuốn hút thì giờ học chẳng khác nào sự độc thoại, sự “tra tấn” lẫn nhau. Nếu một giờ học trôi đi lặng lẽ, chỉ với tiếng nói một chiều từ phía người dạy với tiếng đáp lại là những tiếng thở dài ngao ngán, tâm trạng mệt mỏi, chán nản từ phía người học thì đó là một giờ dạy thất bại. Vì vậy, để tạo nên những giờ học vui vẻ, thoải mái, sôi nổi người dạy luôn cần tạo ra sự tương tác, kết nối với người học bằng nhiều cách thức khác nhau, như những lời khen ngợi, động viên, khích lệ; sự quan tâm, gần gũi, dí dỏm…; qua ngôn ngữ cơ thể (dù dạy online nhưng hãy luôn hiện diện qua màn hình máy tính với khuôn mặt vui tươi, cử chỉ thân thiện, trang phục phù hợp, đầu tóc gọn gàng…). Ngoài ra, hãy tận dụng những tính năng đặc biệt trên thanh công cụ của các phần mềm dạy học: những nút like, thả tim, vỗ tay hay mục chat box tưởng chừng như vô tri vô giác nhưng lại có thể tạo ra sự kết nối, tương tác rất lớn từ người dạy và người học.
Hành trình nào cũng có những khó khăn, thử thách và không hề dễ dàng (nhất là khi bạn bắt đầu làm một việc khó). Thế nên điều trước hết bạn phải có một động lực mạnh mẽ, sự quyết tâm và nỗ lực hết mình. Thời gian đầu khi mới bắt đầu mình đã khá stress với rất nhiều cảm xúc tiêu cực: lo lắng, áp lực, căng thẳng, nghi ngờ bản thân, đưa ra những suy nghĩ rào cản… nhưng sau đó mình đã vượt qua nó bằng tư duy giải pháp: cần làm và làm được (không than phiền, trách móc, đổ lỗi cho hoàn cảnh hay những yếu tố khách quan). Thêm vào đó, sự thúc đẩy cần đến từ mong muốn bên trong: thay đổi chính mình và bằng “tình yêu với học trò, với môn học và việc học” (TS. Ngô Tuyết Mai – Giảng viên, CEO của chương trình Smart Learn Solutions) đã giúp mình vượt qua. Sự quyết tâm thay đổi đã tạo ra “một tôi khác” cho mình ngày hôm nay. Một cô Mai không còn cứng nhắc, bài bản, nghiêm khắc trong những giờ dạy, không còn mải mê truyền tải kiến thức nội dung và chăm chăm việc nói…mà đó là những giờ học vui vẻ, thoải mái, nhiều tiếng cười, niềm vui. Những nút like, thả tim, vỗ tay trên màn hình, những comment đầy tình yêu từ học trò đã giúp mình vượt qua sự mệt mỏi của tâm trí, cơ thể, vượt qua những nghịch cảnh, sự oái ăm của thời tiết…để có thể truyền tải được nguồn năng lượng tích cực cho người học, giúp các em thêm những kiến thức mới, trải nghiệm mới và thêm yêu thích sự học. Và điều đó đã trở thành động lực tinh thần vô giá cho bản thân mình trong những lên lớp, niềm hứng thú khi chuẩn bị bài bởi mình biết rằng công việc dạy học của mình đã và đang giúp cho nhiều người học có những thay đổi nhất định và trưởng thành hơn trên hành trình học tập của bản thân.
Và vì vậy, một lần nữa trong bài viết này mình xin được gửi lời cảm ơn tới các thế hệ học trò – những người mà nhờ có họ mà sự dạy của mình, sự tồn tại của mình trở nên có ý nghĩa! Trân trọng!
giáo dục
,tư vấn sức khỏe covid-19
William Arthur Ward đã nói “Người thầy bình thường biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất sắc biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng và tạo động lực”- câu nói tuyệt hay về bậc thầy. Biết ơn chia sẻ từ chị, chúc chị sức khỏe và luôn thật nhiều niềm hạnh phúc trong sự nghiệp giáo dục _()_
Tuyết Liên
William Arthur Ward đã nói “Người thầy bình thường biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất sắc biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng và tạo động lực”- câu nói tuyệt hay về bậc thầy. Biết ơn chia sẻ từ chị, chúc chị sức khỏe và luôn thật nhiều niềm hạnh phúc trong sự nghiệp giáo dục _()_
Rukahn
VẪN tự bảo phải viết một bài chia sẻ 1 sô biện pháp phòng dịch cá nhân lên noron cơ mà lười quá với độ này đang khó ở, cũng ngại viết....
Nguyenphuhoang Nam
Bài viết rất hay cô ạ, em mong một ngày nào đó được lắng nghe bài giảng môn Kỹ năng mềm từ cô ạ :)
Da Queen